Để tả về quán ốc cô Nhung thì thực ra chỉ cần năm chữ: “Hữu xạ tự nhiên hương.”
Quán của cô không có biển hiệu, không có thực đơn, và cũng chẳng có tên. Tôi phải tự gán cái tên "Ốc cô Nhung" cho ngôi nhà số 54 để tiện giới thiệu bạn bè. Ấy thế mà quán đã đã mở được hai thế hệ rồi, sau khi Nhung thừa kế quán ăn từ mẹ cô.
Tôi biết đến quán này vì vợ tôi đưa tôi đến đây. Còn vợ tôi biết chỗ này vì mẹ em đưa em đến đây ăn từ nhỏ. Tôi và vợ đã chuyển nhà trong Hà Nội vài lần, nhưng chúng tôi luôn luôn quay lại đây ăn ốc.
Một hôm, sau khi đi ăn no nê ở đó về, tôi với vợ ngồi nói chuyện tại sao chỗ này lại đắt khách thế. Chúng tôi nhận thấy rằng họ làm ít món, nhưng món nào cũng ăn cũng rất khoái.
Hai món chính của cô Nhung là ốc và cháo trai, ngoài ra còn có thêm bánh bột lọc. “Cháo trai ở đây là ngon nhất làng Hồ vì nếu miếng trai to thì sẽ dai. Ở đây trai người ta cắt nhỏ ra. Trai cho vừa đủ để ngọt cháo,” vợ tôi giải thích. Em đã ăn ở đây dăm ba chục năm rồi nên tôi tin tưởng hoàn toàn đánh giá của em.
Ốc ở hàng cô Nhung tươi rói, được luộc trong nồi nước sôi sùng sục. “Ốc được luộc với sả và lá chanh,” em kể tiếp, “lúc bê ra cầm con ốc nóng bỏng tay. Ăn đến con cuối cùng nó vẫn nóng. Thế mới gọi là ăn ốc! Nhưng cái đặc biệt ở đây là nước chấm. Cả cái Hà Nội này không chỗ nào có nước chấm thế được.”
Tôi nhớ lại cái quầy nước chấm ở quán. Cạnh bát nước chấm to là hàng loạt các thứ khác như sả và quất, tất cả đều để điểm thêm vị cho mỗi bát nước chấm. Mỗi người sẽ tự thiết kệ một sự bùng nổ cho đầu lưỡi mình. “Ăn ốc chấm vào nước đấy là nhất,” em khẳng định, “không cần xào bơ tỏi hay gì cầu kỳ cả. Người ta ăn ốc là ở cái nước chấm đấy. Ăn ốc xong có thể hòa nước chấm và nước ốc để uống.”
Tôi khá ngạc nhiên vì thực khách lại húp nước ốc ở đây. Tôi bảo em chẳng phải người Việt ta đã có câu “nhạt như nước ốc” hay sao?
“Thế nên anh mới cho nước chấm vào. Uống cái nước đấy là để không bị lạnh bụng, ít nhất là bố mẹ em dạy em thế. Vì ốc nó lạnh, mà tất cả thành phần của nước chấm ốc toàn các cái nóng: ớt, chanh, sả, mắm. Cho nên người ta uống cái nước ốc sau là không bị đau bụng.” Quan niệm thức ăn có tính nhiệt, tính hàn có từ Trung Hoa cổ đại và đã thấm sâu vào văn hóa Việt Nam.
Dẫu có đôi chút nghi ngờ nhưng tôi không thể phủ định rằng nước chấm ở đây rất hài hòa và người ta rất thích nó. Vì món nước chấm mà ở đây còn có một món bí mật nữa mà chỉ ai biết mới gọi được: quẩy chấm. Quẩy giòn thì để ăn cháo, quẩy dai thì để chấm với nước. Nhưng chỉ ai đến sớm mới gọi được món này, đến khoảng chiều muộn là cô Nhung sẽ phải để dành những chiếc quẩy cuối cùng cho cháo trai.
Chỉ cần 70,000VND là có thể ăn tất tần tật các món của cô Nhung. Có mỗi cái là, theo như vợ tôi, người ta phải biết thứ tự ăn cho đúng. “Ốc bao giờ cũng ăn đầu tiên. Ốc mà ăn sau là không ngon. Cháo mà ăn đầu tiên là hỏng. Ăn cháo xong là không muốn ăn cái gì nữa. Nên gọi ốc trước, rồi trứng cút, quẩy. Cái trứng cút đấy chấm vào nước chấm sẽ ngon. Xong rồi nếu thích thì gọi bánh bột lọc. Rồi chốt hạ bằng một bát cháo. Căng bụng bò về.”
Với cái giá đấy mà được một bữa năm món thì quá là hời. Có lẽ đấy là lí do tại sao chỗ này vẫn đông khách suốt bao năm qua: ngon, bổ, rẻ. Dù là lí do gì đi nữa thì tôi cũng chỉ biết là sau này, khi con tôi đủ lớn, tôi sẽ đưa nó thăm cô Nhung để tiếp tục truyền thống gia đình.
Ốc cô Nhung mở cửa từ 14:00 đến 17:00.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 3/5
Ốc cô Nhung
54 Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hanoi.