Nối giữa Hoè Nhai và Hàng Đậu, Hồng Phúc là một trong số những con ngõ ngắn nhất Hà Nội. Nhưng đây lại là thiên đường dành cho những ai đam mê các loại bún, đặc biệt là bún riêu với sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong cách chế biến.
Các quán bún riêu được giới sành ăn khen hết lời không hề ít, nhưng hiếm có danh sách nào thiếu vắng bún riêu bà Thiệp ở ngõ Hồng Phúc. “Quán bún riêu nhà mình được mở từ trước những ngày đi sơ tán,” chị Thủy, cháu bà Thiệp kể lại, “sau đó bà truyền lại cho con cháu trong gia đình và đến nay đã được ba đời.”
Không cần biển hiệu to lớn, cầu kỳ, những tiệm ăn lâu đời như bún riêu bà Thiệp có cách “quảng cáo” trực tiếp: đi thẳng vào lòng người. Ngay trước cửa quán là bày các nguyên liệu cần thiết cho một bát bún riêu chất lượng, đủ làm nao lòng thực khách. Bên trái là nồi riêu cua lớn, bên phải là rổ bún. Ở giữa là cái tủ kính với đầy đủ những thứ ăn tùy theo ý thích mỗi người: ốc, đậu, thịt bò,..
Để tất cả những nguyên liệu, hương vị ấy hài hoà với nhau trong một “vũ trụ" bún độc nhất thì phải kể đến cách chế biến héo léo của người làm. Ngồi sau cái tủ với đôi tay thoăn thoắt, đầu tiên, chị Thuỷ sẽ chần bún và giá đỗ qua nồi nước dùng nóng hổi rồi cho bún vào bát. Tiếp đến, chị thêm hành lá, mì chính, sa tế, và các thức ăn kèm theo sở thích của khách rồi chan nước dùng. Và thế là bát bún riêu đã sẵn sàng để bưng đến bàn.
Là món ăn phổ thông, bún riêu bà Thiệp hội tụ đủ những yếu tố của một miếng ngon “chưa nuốt đến môi đã trôi đến cổ". Bát bún riêu được bưng lên nghi ngút khói, chỉ nhìn qua màu sắc thôi cũng “no” con mắt: bún trắng óng mướt, riêu cua lấp lánh giữa màu đỏ của nước cà chua điểm xuyết một chút màu xanh của hành lá. Rồi đến cái nước dùng.
Chị Thuỷ bật mí rằng nước riêu ở đây được nấu nguyên chất từ cua đồng. Ngoài ra, nước dùng còn được kết hợp với vị chua dịu của giấm, cà chua và có thể dùng thêm với mắm tôm nếu muốn vị đậm đà hơn.
Nhiều người mê bát bún riêu có lẽ cũng chính từ cái ngọt thanh đạm này, cái ngọt rất khác so với nước dùng béo ngậy làm từ xương hầm. Riêu cua có thể được kết hợp với nhiều đồ ăn kèm khác tuỳ theo ý thích của người dùng: đậu rán, thịt bò, nem tai, ốc… khiến bát bún riêu hấp dẫn và phong phú hơn.
Từ một món ăn vốn là thức quà của phụ nữ, các bà, các mẹ thường ngồi ăn xì xụp mỗi khi đi chợ về, giờ đây, người ta có thể ăn bún riêu dù sáng hay trưa, đi ăn một mình hay theo nhóm. Quán bún riêu Bà Thiệp thường mở bán từ 5h30 đến 15h30 (buổi tối quán sẽ bán lẩu riêu) và đông nhất vào buổi trưa. Giá của một bát bún cũng rất bình dân, chỉ từ 35.000 - 50.000VND/bát.
Khách đến ăn có cả người lao động, dân văn phòng và học sinh, sinh viên. Quán đông khách nhưng chỗ ngồi khá khiêm tốn, chỉ ở tầng 1 của hai gian nhà liền kề và ở vỉa hè đối diện quán. Tuy vậy, yếu tố này không hề ảnh hưởng đến cảm giác mãn nguyện khi thưởng thức bát bún riêu và mong chờ hương vị thanh đạm của nó trong những ngày hè oi nóng sắp tới.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Bún Riêu Bà Thiệp
22 Hồng Phúc, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.