Suốt chiều dài lịch sử, Hà Nội có nhiều tên gọi khác nhau. Và có lẽ, một trong những tên gọi mà không nhiều người biết tới đó là Kẻ Chợ.
Vào thời xưa, nhiều thợ thủ công tứ xứ đã di cư tới Thăng Long để làm ăn và sinh sống, dần dần hình thành các phường nghề tập trung chế tác và buôn bán đồ thủ công mà dân gian quen gọi là Kẻ Chợ. Cái tên này về sau dùng để gọi chung cả kinh thành Thăng Long-Hà Nội. Không khí buôn bán sầm uất của Kẻ Chợ vẫn không thay đổi khi Hà Nội trở thành thủ đô của Đông Dương vào thời Pháp thuộc.
Năm 1902, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer muốn tổ chức một hội chợ triển lãm quốc tế có quy mô lớn ở Hà Nội để “giới thiệu các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của Bắc Kỳ, cùng với hiện vật văn hóa của Đông Dương và Viễn Đông.” Dự án này đòi hỏi một không gian rộng lớn và vì thế kiến trúc sư Adolphe Bussy đã được giao trọng trách thiết kế Grand Palais Hà Nội, phỏng theo công trình Grand Palais tại Paris, Pháp.
Người Việt ta gọi Grand Palais là Nhà đấu xảo, nghĩa là nơi trưng bày sản phẩm thủ công để so sánh độ tinh xảo của chúng và tay nghề của nghệ nhân. Khu phức hợp này có diện tích 17 hecta. Sau khi hoàn thành, nơi đây đã tổ chức một hội chợ kéo dài suốt bốn tháng từ tháng 11 năm 1902 đến tháng 2 năm 1903. Toàn bộ chi phí đầu tư đã khiến ngân sách của thành phố bị thâm hụt suốt một thập kỷ sau đó.
Sau hội chợ, Grand Palais trở thành Bảo tàng Maurice Long, bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất ở Đông Dương. Không gian từng dùng cho triển lãm trở thành khu vực quảng cáo cho các công ty.
Khi quân Nhật xâm chiếm Việt Nam, Nhà đấu xảo đã bị biến thành căn cứ quân sự. Vào cuối Thế chiến thứ hai, bom đạn của Mỹ đã phá hủy hoàn toàn công trình này. Dấu tích còn sót lại chỉ là hai bức tượng sư tử bằng đồng hiện đang được đặt trước Rạp xiếc Trung ương ở Công viên Thống Nhất. Còn vị trí của Nhà đấu xảo xưa bây giờ là Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô xây dựng để làm nơi tổ chức các sự kiện âm nhạc nghệ thuật.
Giờ đây, Grand Palais Hà Nội chỉ còn tồn tại trong những bức ảnh xưa cũ. Hãy cùng Saigoneer ngắm vẻ đẹp tráng lệ của công trình này trong loạt ảnh được chúng tôi tuyển chọn từ RedsVN và nhiều nguồn khác:
[Ảnh bìa: Wikimedia]