Một số trang web du lịch cho rằng một trong những cánh cổng của Thành Gia Định xưa vẫn còn tồn tại đến nay, và nằm ở ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Phan Đăng Lưu ở Quận Bình Thạnh, gần Lăng Lê Văn Duyệt. Tuy nhiên, ta chỉ cần nghiên cứu một chút về lịch sử của khu vực này để đặt dấu hỏi về tính chính xác của thông tin ấy.
Thường được gọi là Cổng Thành Gia Định, cánh cổng trên được xây nối tiếp vào tường ngoài của trường trung học Trương Công Định. Nhìn thoáng qua, cánh cổng này quả có nét tương đương với cổng phía đông của năm 1837, thông tin Thành Gia Định được biết đến nhờ bản vẽ nổi tiếng về cuộc tấn công của Pháp năm 1859, mặc dù rõ ràng nó đã được xây dựng ở một quy mô nhỏ hơn đáng kể.
Tuy nhiên, cả Lũy Bán Bích xây năm 1772, và hai tòa thành lần lượt được xây dựng vào năm 1790 và năm 1837 ( xem thêm về "Các Thành cổ Gia Định" tại đây), đều nằm quá xa khu phố này, ta có thể loại bỏ suy đoán rằng cánh cổng từng là một phần của thành cổ Gia Định.
Những bản đồ cũ vẽ khu đất trường THCS Trương Công Định ngày nay cho thấy, trước kia, tại đây là Trường Vẽ Gia Định (École de Dessin Gia-Dinh), một trường nghệ thuật do người Pháp thành lập năm 1913 để các sinh viên Trường Mỹ nghệ Bản xứ Thủ Dầu Một (École d’Art Indigène de Thu-Dau-Mot, giảng dạy chủ yếu nghề khắc gỗ và sơn mài); và Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (École d’Art de Bien-Hoa, dạy chủ yếu là gốm sứ và đúc đồng) có thể tiếp tục học lên cấp cao hơn. Vào những năm 1920, khuôn viên trường được mở rộng với một tòa nhà hai tầng được xây mới, nằm ở phía tây tòa nhà cũ (vị trí của Đại học Mỹ thuật ngày nay).
Là một cơ sở đào tạo quan trọng cho nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc tiên phong ở miền Nam, ngôi trường được đổi tên thành Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (École des Arts Décoratifs de Gia-Dinh) vào năm 1940, và sau năm 1954, nơi này trở thành Trường trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định, nay là Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, tất cả các hoạt động của trường đại học đều tập trung trong tòa nhà xây trong những năm 1920. Còn tòa nhà cũ ở ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Phan Đăng Lưu được quy hoạch lại và sau này trở thành trường THCS Trương Công Định.
Cho đến ngày nay, cánh cổng có khắc chữ “Gia-Định” vẫn tồn tại và hiện là một phần của bức tường bao quanh trường Trương Công Định.
Tim Doling là tác giả của cuốn sách The Railways and Tramways of Viet Nam (White Lotus Press, 2012) và các sách hướng dẫn lịch sử như Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2018), Exploring Saigon-Chợ (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019) và Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020). Để biết thêm thông tin về lịch sử Sài Gòn, hãy truy cập trang web của Tim tại: www.historicvietnam.com.