Từng có thời, Sài Gòn là nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ những người Ấn Độ tản cư với màu sắc văn hóa rất đặc trưng. Dù họ từng là một phần của lịch sử thành phố, tuy nhiên lại mảng màu văn hóa này lại ít được ghi chép lại hay thường xuyên nhắc đến.
Không có tài liệu nào đề cập chính xác thời điểm những người Ấn Độ đầu tiên di cư đến Sài Gòn, nhưng sự hiện diện của họ có thể lần về tận những năm 1880, hầu hết đều đến từ các khu định cư của người Pháp tại Ấn Độ.
Theo một bài viết của tác giả Lại Thị Thu Trang, cộng đồng người Ấn Độ ở Sài Gòn thường được người dân địa phương gọi là chà và – có thể chia thành hai nhóm: chà Bombay, bao gồm những người đến từ các thành phố lớn như Bombay, New Delhi, Benares, v.v; và chà Chetty, bao gồm những người Tamil đến từ vùng Coromandel ven biển hoặc quận Ramnad. Nhóm thứ hai này còn được biết đến với các tên gọi như chettiar, malabar, hay phổ biến hơn là chetty. Ngoài ra còn có những nhóm dân tộc khác từ Ấn Độ di cư đến Sài Gòn nhưng vào thời điểm đó cộng đồng người Tamil là vẫn là lớn nhất.
Nếu như văn hóa của người Hoa làm nên màu sắc của khu Chợ Lớn thì người Tamil ngày trước đã mang vẻ đẹp truyền thống của mình tô điểm cho con đường Ohier, cũng chính là đường Tôn Thất Thiệp từ năm 1955 cho đến nay. Sự quy tụ của nhiều cơ sở buôn bán và hộ gia đình người Tamil đã khiến Ohier trở thành một “Tiểu Ấn Độ” trong lòng thành phố. Bản sắc ấy không hề phai nhòa bất chấp những biện pháp “khai hóa” của thực dân Pháp, như khi giới cầm quyền khuyến khích người Ấn mặc Âu phục vào năm 1939 và cho dù phần đông trong số họ đã làm theo, thì trang phục truyền thống Ấn Độ vẫn xuất hiện trên đường phố Sài Gòn suốt những năm 30 và 40 của thế kỷ trước.
Đa số người Tamil đều rời Sài Gòn trước năm 1975, để lại nhiều dấu ấn về một thời kỳ lịch sử của họ trên khu phố quanh đường Tôn Thất Thiệp. Ngoài chuồng bồ câu đã bị phá bỏ một phần vào năm 2017, thì đền Sri Thendayuthapani tại số 66 Tôn Thất Hiệp cũng là một di tích tiêu biểu của cộng đồng người Tamil từng cư ngụ nơi đây.
Không ai biết chính xác ngôi đền được xây năm nào. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng nó đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 19. Ban đầu ngôi đền có một ngọn tháp khác, nhưng vào năm 1936, các nghệ nhân người Tamil đã xây một ngọn tháp mới tồn tại đến ngày nay, với thiết kế mô phỏng cấu trúc cổng gopuram của đền thờ của đạo Hindu, mang đặc trưng của kiến trúc Dravidian.
Sri Thendayuthapani là tên gọi khác của Thần Chiến tranh Murugan trong truyền thuyết của đạo Hindu, có xuất thân là con trai của thần Shiva và thần Parvati. Bên cạnh việc phục vụ các hoạt động tôn giáo và văn hóa cho cộng đồng người Ấn Độ, ngôi đền còn là một ngân hàng trung tâm vào thời điểm đó.
Bây giờ, cùng nhìn lại hình ảnh ngôi đền và khung cảnh cuộc sống của người Tamil trên đường Tôn Thất Thiệp thời Pháp thuộc qua bộ ảnh dưới đây:
[Ảnh: Tài khoản người dùng Flickr manhhai]