Với bài đầu tiên trong loạt bài về lịch sử của những con đường và quảng trường nổi tiếng ở Sài Gòn và Chợ Lớn, tác giả Tim Doling chọn kể lại câu chuyện về quảng trường Quách Thị Trang.
Trong hai thập kỷ đầu tiên dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, địa điểm ngày nay là quảng trường Quách Thị Trang hồi đó nằm ở bờ phía Đông của một đầm lầy lớn có tên gọi Marais Boresse.
Đầu những năm 1880, vùng đất này được quy hoạch để xây dựng một đề-pô xe lửa thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Tuyến đường được khánh thành vào năm 1885, và khởi hành từ một ga nhỏ ven sông ở cuối đường Hàm Nghi ngày nay và chạy qua mảnh đất thuộc quảng trường bây giờ.
Khu quảng trường rộng 0,322 ha, được xây dựng trong gian đoạn 1912-1914, là quảng trường chính phía trước chợ Halles centrales — nay là Chợ Bến Thành. Trong quá trình thi công, đề-pô xe lửa đã bị phá hủy và tuyến đường sắt này được định tuyến lại và dời một nhà ga về phía Tây Nam của quảng trường. Khu vực này hiện nay là công viên 23-9 (khu phố Tây trên đường Phạm Ngũ Lão).
Suốt nhiều năm, người dân quen gọi khu vực này là Place du Marché (công trường chợ). Cho đến tháng 7 năm 1916, để tưởng niệm cựu thị trưởng Sài Gòn vừa qua đời trong thời gian đó là Eugène François Jean-Baptiste Cuniac (giữ chức qua các nhiệm kỳ 1890-1891, 1892-1895, 1901-1906, và 1912-1915), quảng trường được chính thức đặt tên là Place Eugène-Cuniac. Ông đã rất ủng hộ dự án xây khu chợ mới.
Ga Sài Gòn mới được khánh thành vào năm 1915, sau đó một trạm xe điện mới được xây dựng ở khu chợ này vào năm 1923, biến quảng trường thành một trong những đầu mối kết nối giao thông tấp nập và quan trọng nhất của thành phố. Hai trạm xe buýt — một ở phía Đông của chợ và một ở phía Tây — cũng hoạt động tại đây cho đến những năm 1940.
Trước năm 1929, quảng trường Place Eugène-Cuniac chỉ là một khoảng đất trống đơn giản. Sau đó mới xây thêm một bùng binh và khu vườn kiểng ngay giữa quảng trường.
Sau năm 1955, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đổi tên Place Eugène-Cuniac thành quảng trường Diên Hồng, theo tên Hội nghị Diên Hồng năm 1284 do vua Trần Thánh Tông chủ trì với mục đích bàn luận về chiến lược quân sự khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Sự kiện này được một số nhà sử học xem là hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Khi chính sách chống Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm được đẩy mạnh vào năm 1963, quảng trường Diên Hồng trở thành nơi biểu tình của những người phản đối. Tuy nhiên, vào ngày 25 tháng 8 năm 1963, tình huống chuyển biến xấu khi Quách Thị Trang, 15 tuổi, bị cảnh sát bắn chết tại đó khi đang tham gia một cuộc biểu tình của học sinh. Một năm sau, Hội Sinh viên Sài Gòn đã đặt một bức tượng của Quách Thị Trang tại bùng binh, ngay chỗ chị qua đời.
Sau đó, vào năm 1965, bức tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn (1390-1429) đang cưỡi ngựa được dựng lên ngay chính giữa bùng binh. Ông là một vị tướng tài ba đã giúp vua Lê Lợi (1384-1433) đánh bại quân Minh xâm lược và lập nên vương triều nhà Lê. Tuy nhiên, khi bị vua nghi ngờ có ý đồ soán ngôi, Trần Nguyên Hãn đã tự sát để bảo toàn danh dự.
Sau ngày thống nhất, quảng trường được chính thức đổi tên thành quảng trường Quách Thị Trang.
Cả bức tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn và bức tượng Quách Thị Trang vẫn được giữ nguyên cho đến năm 2014, trước khi khởi công xây dựng nhà ga Bến Thành cho tuyến tàu Metro số 1 xuất phát từ khu vực quảng trường. Vào tháng 12 năm 2014, bức tượng Trần Nguyên Hãn đã được chuyển đến công viên Phú Lâm ở Quận 6 và bức tượng Quách Thị Trang được chuyển đến công viên Lý Tự Trọng tại Quận 1.
Nhiều người thắc mắc liệu quảng trường có bị đổi tên một lần nữa hay không. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về vấn đề này.
Tim Doling là tác giả của cuốn sách The Railways and Tramways of Viet Nam (White Lotus Press, 2012) và các sách hướng dẫn lịch sử Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2018), Exploring Saigon-Chợ (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019) và Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020). Để biết thêm thông tin về lịch sử Sài Gòn, hãy truy cập trang web của Tim www.historicvietnam.com.