Vào đầu thế kỷ 20, Đà Lạt vẫn còn là một vùng đất hoang sơ, mới được phát hiện trên một cao nguyên lộng gió. Tuy nhiên đã có một tuyến đường sắt mang thương hiệu Thụy Sĩ đã được xây dựng để nối liền thị trấn mờ sương này với khu vực ven biển. Đó là tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt dài 84 ki-lô-mét, thường xuyên được sử dụng để vận chuyển trái cây tươi, rau củ và hoa từ Đà Lạt đến khu vực ven biển đồng thời đón khách du lịch từ vùng biển đến Đà Lạt.
Theo nhà sử học Tim Doling, tuyến đường sắt được xây dựng trong gần 30 năm. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1903 và phải mất 16 năm để hoàn thành 40 ki-lô-mét đường ray từ Tháp Chàm đến Sông Pha. Đoạn đường ray còn lại dẫn đến Đà Lạt có độ dài 44 ki-lô-mét được xây dựng ở độ cao từ 186 mét đến 1.550 mét so với mực nước biển.
Loạt ảnh đen trắng dưới đây được chụp từ năm 1920 đến năm 1940 cho thấy những khó khăn gian khổ trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt, những đoạn núi được khoan nổ để làm đường ray xuyên núi và những ngọn đồi thông chạy dọc theo tuyến đường.
Đường sắt đã từng là phương tiện giao thông chính được sử dụng để di chuyển tới Đà Lạt. Tuy nhiên, vào năm 1969, chính quyền địa phương cho rằng tuyến đường sắt này không còn hiệu quả về kinh tế nữa nên đã cho dừng hoạt động. Vì thế, sau năm 1975, phần lớn đường ray đã bị tháo dỡ, các toa tàu và các thiết bị còn lại được sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Hiện tại, một trong số các nhà ga với lối kiến trúc hòa trộn giữa phong cách châu Âu và Tây Nguyên vẫn còn được gìn giữ tương đối nguyên vẹn. Năm 1991, đoạn đường ray dài 7 km nối từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát đã được phục hồi. Hơn nữa, đầu năm 2019, tỉnh Lâm Đồng ủng hộ việc nhà đầu tư là Công ty CP Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt với kinh phí lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng. Trong tương lai, có lẽ tuyến đường sắt độc đáo này sẽ không chỉ là những ký ức lịch sử từ những bức hình đen trắng nữa.
Cùng ngắm nhìn những bức ảnh về tuyến đường sắt huyền thoại dưới đây:
[Ảnh: Người dùng Flickr manhhai]