Nằm ở Bắc Ấn Độ, Ladakh luôn hấp dẫn những tín đồ xê dịch khắp nơi trên thế giới với núi tuyết hùng vĩ trên dãy Himalaya, vẻ đẹp tuyệt mỹ của Pangong Tso trong bộ phim Ba chàng ngốc, sa mạc lạnh Hunder với giống lạc đà Bactrian hai bướu đặc thù trên con đường tơ lụa, những tu viện Phật giáo Tây Tạng cổ xưa đi kèm những lễ hội văn hóa đặc sắc.
Nếu đến viếng thăm miền đất linh thiêng này vào tháng 7, bạn sẽ không thể bỏ lỡ những điệu múa đầy sắc màu được biểu diễn bởi các vị Lạt ma ở tu viện Hemis.
Bước vào cõi huyền diệu của người Tây Tạng tại Ladakh
Diễn ra vào ngày 6 và 7 tháng Tse-Chu theo Lịch Tây Tạng, Hemis Tsechu là một lễ hội thường niên tại tu viện Hemis. Đây là tu viện lớn nhất vùng Ladakh theo hệ phái Drukpa trong Phật giáo Tây Tạng, có vị trí cách thủ phủ Leh khoảng 45km về hướng Đông Nam.
Lễ hội kéo dài hai ngày đánh dấu ngày sinh của Ngài Guru Padmasambhava (Đức Liên Hoa Sinh). Vào ngày này, tu viện được trang hoàng lộng lẫy, sân chính là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng. Trong bán kính 1km cũng rực rỡ đầy màu sắc với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống khắp các vùng trong và ngoài Ladakh. Người dân địa phương mặc trang phục truyền thống chỉn chu nhất và tập trung tại sân của tu viện Hemis để chứng kiến những màn tái hiện nghi thức đầy sắc màu và kỳ bí.
Ngài Guru Padmasambhava, người được tôn kính là hóa thân của Đức Phật, có công đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển Phật giáo ở Tây Tạng. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ VIII, ngài Guru Padmasambhava đã đến đây và đánh đuổi quỷ dữ và linh hồn tà ác khỏi xứ Tây Tạng. Lễ hội ra đời là sự tái hiện lại chiến thắng của cái thiện trước cái ác — các con quỷ đã bị thuần phục và trở thành những vị thần bảo vệ vùng đất này như thế nào.
Các nghệ nhân biểu diễn tất cả đều là các vị Lạt ma, tùy theo cấp bậc khác nhau trong quá trình tu tập mà điểm nhiệm các vai trò khác nhau trong buổi lễ. Các Lạt ma sẽ mặc trang phục đầy sắc màu, đeo mặt nạ phù hợp với nhân vật, diễn các cảnh về cuộc đời và sự giảng dạy của Ngài Guru.
Các điệu múa mô tả những phép thuật huyền diệu của Padmasambhava trong tám biểu hiện tương ứng với tám hóa thân của Ngài để đánh bại kẻ thù của Phật giáo. Đỉnh điểm của lễ hội là việc phá hủy Storma (lễ hiến tế) vào ngày cuối cùng, tựa trưng chiến thắng trước những con quỷ Ruta bao gồm Yama (Thần Chết) và Guru Trakpo.
Các điệu múa nhóm từ 10 đến 20, 30 vị và đơn lẻ tùy phân cảnh dập dìu theo tiếng trống chöd, kèn ốc loa, v.v. Ngoài các vũ điệu đeo mặt nạ, tu viện còn thực hiện nhiều nghi lễ khác nhau suốt cả ngày. Các đồ cúng lễ cũng như tranh thangka được sắp xếp và bày trí xung quanh tu viện một cách chỉn chu và hợp lý.
Cuối cùng, một tác phẩm điêu khắc được tạo thành từ bột tượng trưng cho sức mạnh tà ác bị phá hủy bởi người đứng đầu của các vũ công Mũ đen. Điều này ngụ ý xua đuổi tà ma. Các mảnh vỡ sau đó được ném theo bốn hướng khác nhau. Nghi lễ chỉ ra sự thanh lọc linh hồn sau khi chết.
Bức tranh thangka từ bột đá quý
Tranh thangka của Tây Tạng là một trong những gam màu hội họa tôn giáo đặc sắc và bậc nhất của Châu Á. Những bức thangka được thổi hồn vào đó sự linh thiêng và thánh linh kỳ bí, những vị Phật, bổn tôn, v.v. được khắc họa rõ nét và vô cùng sống động.
Cứ 12 năm một lần, một bức tranh thangka dài 12m đính đá quý khổng lồ phác họa chân dung Ngài Guru Padmasambhava được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng. Bức tranh được vẽ bằng bột đá quý trang trí bằng ngọc trai và được xem là bức tranh thangka lớn nhất vùng Ladakh. Tranh được treo từ tầng hai của chính điện trong suốt thời gian hai ngày của lễ hội.
Những gian hàng đá quý bắt mắt, hàng trăm gian hàng trang sức tuyệt đẹp, giỏ đan bằng liễu gai và thảm, đồ thủ công mỹ nghệ của Ladakh tạo thêm sức hấp dẫn cho lễ hội. Đây là nơi góp phần giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong vùng Ladakh rộng lớn.
"Không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn."
Hai ngày đến với Hemis và 11 ngày trên xứ Ladakh đưa tôi từ ấn tượng này đến choáng ngợp khác. Có nền văn hóa và lịch sử liên quan chặt chẽ với Tây Tạng, khu vực này được những kẻ lữ hành gọi với một cái tên mỹ miều: “Vùng đất huyền bí nhất trên dãy núi Himalaya.”
Những tu viện, những dải cờ lungta, những ngôi làng được xây dựng bằng đá. Những mảng rêu xanh chàm lặng lẽ. Thiên nhiên và con người nơi này như một nghệ sĩ, phóng túng và nhiều bột màu, có khả năng đem đến cho những du khách những trải nghiệm khó quên.
Trong cuốn Đường Mây Qua Xứ Tuyết, có một câu nói khiến tôi rất tâm đắc “không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn.” Từng câu chữ như xoáy sâu vào trong tâm thức tôi, để khi đặt chân đến đây, đến với lễ hội Hemis Tsechu, tôi càng cảm nhận được lòng nhiệt thành của người Tây Tạng với đức Phật, với đức tin. Rồi khi rời đi, lòng cứ mang nặng những mối trầm tư về vùng đất linh thiêng này.