Quyết định đình bản của tập san Áo Trắng, diễn đàn văn học được yêu mến của thế hệ độc giả trẻ, đã để lại nhiều tiếc nuối cho cộng đồng viết lách cũng như bạn đọc.
Theo báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ sẽ chính thức ngừng phát hành tập san Áo Trắng sau hơn 30 năm hoạt động. Theo dự định ban đầu của NXB, số cuối cùng của tập san đáng nhẽ đã lên kệ từ cuối tháng 7, nhưng vì TP. Hồ Chí Minh giãn cách nên thời gian phát hành đã được lùi tới nay. Số cuối cùng mang tên "Dân ca trong trí nhớ" đã được phát hành toàn quốc vào ngày 25/10 vừa qua, đánh dấu hồi kết của một chặng đường văn chương dài hơn ba thập kỷ.
Tập san Áo Trắng được thành lập vào năm 1990 dựa trên sáng kiến của cựu giám đốc NXB Trẻ, ông Lê Hoàng. Sau đó, nhà văn kỳ cựu Đoàn Thạch Biền đã tình nguyện làm trưởng ban biên tập, và trực tiếp tuyển chọn và chỉnh sửa từng số báo. Từ đó đến nay, tập san Áo Trắng đã trở thành không gian nuôi dưỡng những tài năng văn học và thơ ca, và là nơi để các cây viết trẻ, cả những bạn học sinh trung học, thể hiện thế giới nội tâm của mình. Không ít nhà thơ, nhà báo và tác giả hiện nay, như Lê Minh Quốc, Trang Hạ, Dương Bình Nguyên, Nguyễn Thị Thanh Bình, v.v. đã bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình ở tập san Áo Trắng.
Như nhiều đơn vị xuất bản khác tại Việt Nam, tập san Áo Trắng phải chịu nhiều tổn thất kinh tế vì đại dịch. Năm ngoái, vào dịp kỉ niệm 30 năm thành lập, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã thông báo mình sẽ không chủ quản công tác biên tập của tập san nữa vì lý do tuổi tác, cũng như để nhường chỗ cho những tài năng mới. Tuy nhiên, "tình hình thị trường khó khăn, nên một diễn đàn văn chương dù cần thiết cho nhiều cây viết như Áo Trắng bấy nay cũng đến lúc không duy trì được," nhà văn chia sẻ với báo Tuổi Trẻ.
Theo NXB Trẻ, việc tiếp tục một ấn phẩm truyền thống như Áo Trắng trong điều kiện khó khăn hiện nay là bất khả thi. Trong những năm gần đây, lợi nhuận mà tập san mang lại đã không đủ để chi trả cho các chi phí in ấn và nhuận bút cho tác giả.
"Chúng tôi cũng đã làm hết sức mình nhưng vì thời điểm này kinh tế khó khăn quá," nhà thơ Trần Hoàng Nhân, một thành viên nồng cốt của ban biên tập, chia sẻ sự luyến tiếc của mình với báo Thanh Niên. "Mặc dù có lúc mọi người nghĩ đến việc kêu gọi tài trợ nhưng lại gặp vướng mắc, đến khi tháo gỡ được lại không có nhà tài trợ nên tập san phải nói lời giã bạn thôi.”