“Nơi văn chương giao hoà với nghệ thuật trong từng trang sách” là lời giới thiệu của nhà xuất bản độc lập Bar De Force.
Bar De Force đã ra đời vào những tháng cuối năm 2019. Những giọng văn đương đại mới, những thử nghiệm nghệ thuật về in và phương thức trình bày là điều mà nhà xuất bản độc lập này hướng đến. Đơn cử, series đầu tiên mà Bar De Force dành nhiều thời gian theo đuổi là tập truyện Những lũ đời mộng mơ khốn kiếp của nhà đồng sáng lập Nguyễn Thúy Hằng — một nghệ sĩ thị giác, nhà thơ, nhà văn hiện đang sinh sống ở Sài Gòn.
Thay vì xuất bản một ấn phẩm duy nhất tập hợp toàn bộ mười một tác phẩm được cô sáng tác từ năm 2002 đến 2016, Bar De Force đã tách chúng thành sáu cuốn sách nhỏ, lần lượt xuất bản.
“Chúng tôi muốn thử nghiệm với mô hình chapbook, tức một cuốn sách nhỏ,” Dương Mạnh Hùng, thành viên của Bar De Force, chia sẻ. “Nếu như tuyển tập truyện ngắn là một hình thức đã rất phổ biến trong giới xuất bản lâu nay, với series này, chúng tôi tìm đến một phương thức sáng tạo giúp đem lại trải nghiệm mới cho độc giả.”
Là một dịch giả trẻ trong nước, Hùng đã chuyển ngữ sang tiếng Việt các tác phẩm như Niên lịch miền gió cát của Aldo Leopold (NXB Lao động Xã hội), Thoát đến phương Tây của Mohsin Hamid (NXB Thế Giới), Mùa thu hoạch xương của Edwidge Danticat (NXB Hội Nhà văn), cũng như chuyển ngữ Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (NXB Trẻ) sang tiếng Anh.
Về mặt hình thức, bộ sách Những lũ đời mộng mơ khốn kiếp tương tự như series Little Black Classics và Vintage Minis mà trong đó, nhà xuất bản Penguin tại Anh đã tuyển chọn những truyện ngắn hoặc trích đoạn tiêu biểu cho sự nghiệp lẫy lừng của các nhà văn, nhà trí thức được mến mộ trên thế giới và in chúng thành những cuốn sách mỏng dao động từ 60 đến 160 trang. Mục đích ở đây là để giúp những ai vẫn còn đang tò mò về một cây bút nổi tiếng hay cảm thấy choáng ngợp trước kho tàng đồ sộ của họ có một sự dẫn nhập nhẹ nhàng đến các sáng tác bất hủ.
Quả vậy, chỉ với một truyện ngắn duy nhất in trên cuốn sách mỏng, nhỏ và nhẹ, sự tập trung của người đọc như được thôi thúc, đẩy mạnh và dồn nén vào nội dung trước mắt. Giữa những chi phối thường trực từ thiết bị thông minh và thông tin trên mạng, bất đắc dĩ việc hoàn thành một cuốn sách dày có chăng lại thành một rào cản tâm lý với không ít người đọc. “Tôi xem việc đọc xong một cuốn sách dù rất mỏng cũng là đọc xong một cuốn sách,” Hùng cười bảo. “Bất kể sách dày hay mỏng, điều quan trọng là bạn có đồng cảm, thu nhận, lĩnh hội và [đúc] kết được gì từ nội dung sách hay không.”
Nét đẹp khi tận tay, tận mắt thưởng thức các ấn phẩm trong bộ truyện còn nằm ở sự kết hợp giữa ngôn từ và nghệ thuật. Với mỗi truyện ngắn, Nguyễn Thúy Hằng cùng đội ngũ Bar De Force đã mời các nghệ sĩ đương đại trẻ trong nước vẽ tác phẩm minh họa dựa trên nội dung của truyện, nhằm "hé lộ cách các họa sĩ hình dung đã hình dung về nhân vật hoặc bối cảnh câu chuyện, cũng như sự chuyển hóa thông tin của họ từ ngôn từ sang hình ảnh ra sao," theo lời tựa ở mỗi ấn phẩm.
“Mình quan tâm và thích thú với những tình huống khi nghệ thuật giao kết với văn học,” Nghĩa Đặng — nghệ sĩ từng cộng tác với Bar de Force chia sẻ. “Ở đó, hai hình thức trừu tượng và giàu biểu cảm luôn có những cách kết nối và mở rộng rất thú vị mà để hình thành, cần phải có sự độc lập và tinh thần tôn trọng từ cả hai. Trong các ấn phẩm của Bar De Force, mình tìm được điều đó — một điều không dễ tìm trong những ấn phẩm khác.”
Với mỗi tựa sách, Bar De Force chỉ xuất bản 100 bản in giới hạn (limited edition). Hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, tất cả doanh thu bán sách mà đội ngũ có được đều quay ngược lại vào chi phí in ấn. Và với mỗi bản in, Bar De Force luôn dành thời gian chăm chút không chỉ nội dung, mà còn trau chuốt về chất lượng giấy, thiết kế và trình bày.
“Ưu tiên của chị Hằng và đội ngũ lúc nào cũng là chọn loại giấy tốt nhất, có màu hợp nhất với cái tông của cuốn truyện từ độ ngả, độ bóng cho đến độ chìm, sao cho con chữ và hình ảnh khi in lên trông sắc nét, rõ ràng nhất,” Hùng chia sẻ. “Bar De Force tâm niệm mỗi cuốn sách là một tác phẩm. Khi nào cảm thấy nó hoàn thiện nhất có thể, chúng tôi mới cho phép cuốn sách được in ra. Một khi ra đời, nó là một cái gì đấy chắt lọc tất cả công sức, những cái tinh túy, sáng tạo từ những cá nhân làm nên ấn phẩm.”
Là một nhà xuất bản trẻ, Bar De Force đặt cho mình một tầm nhìn khá lớn — đưa văn chương đương đại Việt Nam ra thế giới. Từng cuốn truyện trong bộ sách Những lũ đời mộng mơ khốn kiếp luôn bao gồm bản dịch tiếng Anh nhắm đến những độc giả nước ngoài từ các dịch giả trẻ. Một trong số đó là Nam Đỗ.
“Những dịch giả tham gia từ đầu khi Bar de Force mới ra đời đều là những người bạn đã biết nhau từ trước, cùng chia sẻ nhu cầu và niềm vui viết lách, sự hứng thú với ngôn ngữ, và một vài điểm chung khác trong tư tưởng và cuộc sống,” anh chia sẻ. “Mình đã dịch thơ và đọc truyện của nhà văn Nguyễn Thuý Hằng từ khá lâu trước và rất thích những hình ảnh, câu chuyện và ngôn ngữ xuất hiện trong các tác phẩm. Nhờ những trao đổi liên tục nhưng vẫn đảm bảo và tôn trọng tính độc lập của người dịch trong quá trình cộng tác, mình cảm thấy tự tin hơn khi thử sức với những tác phẩm của chị, vốn không hề đơn giản để hấp thu chứ chưa nói đến việc truyền tải lại một cách trọn vẹn qua một ngôn ngữ khác."
Trong mọi chuyến công tác nước ngoài ở châu Á hay châu Âu, dù là tham dự hội thảo văn hóa, liên hoan văn học hay chương trình lưu trú nghệ thuật, cả Nguyễn Thúy Hằng và các thành viên trong Bar De Force đều cầm theo các ấn phẩm đã xuất bản. Một là tiện tay giới thiệu đến những người bạn quốc tế yêu thích văn chương và nghệ thuật, hai là để lại một, hai cuốn tại thư viện hay không gian sáng tạo nước bạn, để những ai ghé thăm đều có thể cầm lên thưởng thức.
Cách đây không lâu, Bar De Force cùng nhà xuất bản độc lập Gantala Press ở Philippines đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ Văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation) ở Manila để thực hiện dự án hợp tác quốc tế mang tên When we are: When the storm comes (Ta ở đâu: Khi bão đến), nhằm cho ra đời trong tháng 12/2020 một ấn phẩm trực tuyến bằng tiếng Việt, Anh và Filipino, tuyển chọn và tổng hợp “tác phẩm của những tác giả nữ ở Việt Nam và Philippines — những nghệ sĩ, cây viết, nhà hoạt động xã hội luôn phải tìm lối đi cho mình và cộng đồng trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, và o bế," mà hiện hữu nhất là đại dịch COVID-19.
“Tôi nghĩ rằng một nhà xuất bản thì nên có sự cân bằng giữa việc nhắm đến những tác phẩm kinh điển, nổi tiếng hay là có giải, với việc đảm bảo rằng cộng đồng độc giả luôn được tiếp cận đến một phổ đa dạng các nhà văn khác nhau về mặt địa lý, sắc tộc, màu da, về những điều kiện kinh tế, gia cảnh khác nhau,” Hùng kết lời.
“Trong bối cảnh xã hội mà không có điều gì là cố định, trong đó sự bất định là điều ổn định duy nhất, thì những người trẻ sẽ luôn luôn và tiếp tục trăn trở với ngòi bút của mình. Bar De Force mong muốn được tiếp cận và giới thiệu đến cộng đồng những cây viết sinh sống ở những miền đất khác ngoài hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội. Tôi cho rằng điều đó sẽ mở rộng biên độ sáng tạo và thử nghiệm của Bar De Force trong tương lai gần, và trên hết, tạo ra lựa chọn đa dạng hơn cho bạn đọc trong nước và quốc tế lưu tâm đến văn học đương đại Việt Nam."