Có lẽ ít ai biết được rằng “quần áo” thực chất là từ Hán-Việt hay “khám bệnh” là biến âm từ bản gốc “khán bệnh,” một từ có gốc Hán. Những bất ngờ thú vị xoay quanh từ ngữ chúng ta dùng hàng ngày, và các câu chuyện lịch sử, văn hóa liên quan đến những từ Hán-Việt phổ biến trong đời sống hiện đại là chủ đề của Hán-Việt Thông Dụng.
Hán-Việt Thông Dụng là một trang Facebook mới được thành lập, với khoảng gần 500 lượt theo dõi. Trẻ nhưng không non, trang thông tin này sở hữu kho tàng nội dung thú vị xoay quanh các từ Việt gốc Hán thông dụng, được cập nhật hàng ngày qua các chuyện mục đa dạng. Nổi bật trong số đó chuyên mục "Hán-Việt," có nội dung phân tích, giải nghĩa các từ thường bị lầm tưởng là từ thuần Việt; hay "Hán-Việt thường sai" chỉ ra các từ thường dùng sai trong giao tiếp hằng ngày và "Hán-Việt gốc Nhật."
Theo Lê Chung, quản lý dự án, Hán-Việt Thông Dụng từng ra mắt bản thử nghiệm vào năm 2019 với nhóm độc giả chủ yếu là các học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP. HCM cũng như sinh viên thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tuy nhiên, sau một vài tháng hoạt động, Lê Chung quyết định tạm dừng dự án để dành thời gian nghiên cứu về Ngôn ngữ học nhằm củng cố nền tảng, phục vụ việc tra cứu, đọc hiểu các công trình, bài báo khoa học về ngôn ngữ học nói chung và tiếng Việt nói riêng. Cuối cùng, Hán-Việt Thông Dụng đã quay trở lại vào tháng 5/2021 với một phiên bản “chín” hơn so với năm 2019.
x
Dẫu biết khối lượng từ Hán Việt là rất lớn, chiếm khoảng 60% từ tiếng Việt, nhưng chúng ta đôi khi vẫn phải bất ngờ khi nhận ra những từ ngữ thông dụng ngỡ như là thuần Việt vốn lại có gốc tiếng Hán. Đây cũng là một trong những chủ đề được trang khai thác nhiều. Một ví dụ là từ ghép "quần áo." Theo một bài viết trong chuyên mục "Hán-Việt": "'Quần' (裙) vốn để chỉ phần y phục mặc dưới của cả nam lẫn nữ, sau dùng để chỉ cái váy của phụ nữ. Truyện Kiều có câu: 'Phong lưu rất mực hồng quần, Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.' Hồng quần ở đây chính là cái váy đỏ. 'Áo' (襖) là phần y phục mặc ở trên, nhưng phải ngắn thì mới gọi là 'áo.' Hai từ này trong tiếng Việt được dùng để chỉ các loại quần áo nói chung."
Lựa chọn khai thác những từ ngữ thông dụng, thay vì những từ hàn lâm hay thường gặp trong văn cổ, Lê Chung hy vọng dự án sẽ giúp bồi đắp kiến thức của mọi người về từ Hán-Việt nói chung, từ đó có thể từng bước tiếp cận những văn bản khó hơn.
Trong các series, “Hán Việt thường sai" là nội dung "sinh sau đẻ muộn" nhưng lại nhận được nhiều tương tác và phản hồi tích cực nhất. Bởi lẽ ai cũng ngạc nhiên khi biết rằng những từ cửa miệng thực chất lại đang bị dùng sai hoàn toàn. Như “khốn khiếp” đúng ra lại là “khốn kiếp” hay “mãn tính” viết đúng là “mạn tính.” Theo bài viết được thực hiện để "cứu" từ "mạn tính" được chia sẻ gần đây, "mạn" (慢) nghĩa chậm chạp, "tính" là (性) tính chất. Bệnh mạn tính là những bệnh kéo dài và diễn biến chậm. Trong khi đó, nếu dùng chữ “mãn” (滿) với ý nghĩa tràn đầy thì sẽ thật vô lí khi nói bệnh có tính chất tràn đầy.
Là một người được đào tạo về báo chí và truyền thông nên Lê Chung có một lợi thế lớn trong việc tìm hiểu, tra cứu, phát hiện những từ Hán-Việt thường xuyên bị sai trong văn nói và viết thông dụng, từ đó có một lượng từ ngữ lớn “dự trữ” cho dự án của mình. Mỗi bài đăng đều được Lê Chung lên kế hoạch và chuẩn bị từ vài tuần trước. Việc lên lịch từ sớm giúp cậu có nhiều thời gian để tìm hiểu và chỉnh sửa, giúp bài viết thêm chỉn chu.
Hiện tại Lê Chung đang lên kế hoạch cho nhiều chuyên mục mới sẽ dần được ra mắt trong tương lai. Thế nhưng, dù đi theo hướng phát triển nội dung nào thì Hán-Việt Thông Dụng cũng sẽ tập trung vào mục tiêu giúp đỡ các độc giả viết đúng, hiểu đúng từ Hán Việt. “Mình mong rằng các nội dung này sẽ ngày càng được nhiều độc giả đón đọc, đặc biệt là các bạn trẻ. Từ đó giúp các bạn yêu và hiểu hơn ngôn ngữ của dân tộc mình,” Lê Chung bày tỏ.
[Hình ảnh sử dụng trong bài do Lê Chung cung cấp]