Nhờ có Thư Viện Kỹ Thuật Số Thế Giới mà giờ đây những ai quan tâm có thể tìm đọc Truyện Kiều phiên bản năm 1984 qua các bản scan với độ phân giải cao. Đây là ấn bản có các chú thích của Paul Pelliot – một nhà Hán Học nổi tiếng người Pháp, được chính ông biên soạn sau khi mua bản thảo Truyện Kiều vào năm 1929.
Truyện Kiều là một kiệt tác văn học Việt Nam nổi tiếng nhất và hầu như người Việt nào cũng đã đọc qua. Vượt qua biên giới lãnh thổ, tác phẩm còn được đông đảo độc giả quốc tế đón nhận. Phiên bản năm 1984 thuộc sở hữu của Thư viện Anh Quốc và đã được chia sẻ trên Thư Viện Kỹ Thuật Số Thế Giới. Mặc dù phiên bản được ghi chép lại bằng chữ Nôm - chữ viết được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 - và không phải ai cũng đọc hiểu các kí tự này, phiên bản được chép và minh hoạ bằng hình ảnh rất tỉ mỉ và tinh tế giúp ta phần nào hiểu được tầm ảnh hưởng của kiệt tác này ở Việt Nam.
Sáng tác vào năm 1820, ban đầu bài thơ được Nguyễn Du đề tựa là Đoạn Trường Tân Thanh (còn được gọi là "Tiếng kêu Mới về Nỗi đau Xé lòng"). Đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng thể thơ lục bát để kể câu chuyện một gia đình chịu ảnh hưởng sâu sắc của những tư tưởng Nho giáo. Qua 3254 câu thơ, ông mô tả số phận bi ai của một người con gái do dòng đời xô đẩy phải bán mình chuộc cha, đồng thời truy vấn nạn tham nhũng, sự truỵ lạc và bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam thời phong kiến hồi cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.
Sự lan toả không ngừng của tác phẩm này đã giúp gìn giữ nhiều thành ngữ và khẩu ngữ dân gian, cũng như tạo ra các chủ đề và khuôn mẫu giúp định hình nền văn nghệ Việt Nam thời hiện đại. Là một tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng, Truyện Kiều có nhiều công lao trong việc kết nối những khán giả và chính phủ các nước khác với Việt Nam. Trong các chuyến viếng thăm của những nhà ngoại giao nước ngoài có cả tổng thống Mỹ Bill Clinton – người đã trích dẫn Truyện Kiều khi phát biểu. Tuyệt phẩm thơ ca này giờ đây là một nền tảng của giáo dục văn học: mỗi năm, hàng ngàn học sinh phải học thuộc, phân tích và suy ngẫm về các bài học đạo đức, triết lý và văn hóa.
Một số chuyên gia cho rằng phiên bản năm 1894 có mối liên hệ với hoàng tộc bởi trên bìa của bản này có hoạ một con rồng năm vuốt. Theo luật bấy giờ, chỉ có vua chúa và tầng lớp quý tộc mới được sử dụng hình ảnh này. Độc giả có thể xem một số trích đoạn qua những hình ảnh bên dưới và tìm hiểu bản đầy đủ trực tuyến tại đây.
[Hình ảnh: Thư viện Kỹ thuật số Thế Giới]