“Má! Yêu Má!”
Ba chữ tưởng chừng vô hại, thậm chí là dễ thương trong nhiều ngữ cảnh. Nhưng khi chị Nguyễn Ngọc Tư dùng ba chữ ấy để kết thúc một chương trong cuốn tản văn Hong Tay Khói Lạnh, chúng như thụi vào bụng tôi cái đau khổ của sự mất mát.
Hong Tay Khói Lạnh là tác phẩm mới nhất trong ngót nghét 30 tựa sách của Nguyễn Ngọc Tư. Chị đã từng đoạt những giải thưởng danh giá cả trong nước lẫn quốc tế với những tác phẩm nổi tiếng như Ngọn Đèn Không Tắt và Cánh Đồng Bất Tận. Ấy vậy mà trên những bìa sách của chị, ít nhất là những cuốn tôi có, đoạn giới thiệu tác giả chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Sinh năm 1976. Hiện sống và viết tại Cà Mau.”
Hong Tay Khói Lạnh là tập tản văn ghi lại những câu chuyện của chị. Vẫn biết là những câu chuyện của chị Tư thường buồn. Nhưng trong những tập tản văn trước, đó là cái buồn man mác, nhẹ nhàng, vừa đủ để người ta cùng gặm nhấm, đồng cảm. Đến cuốn sách này, xuất bản năm ngoái khi đại dịch hãy còn hoành hành, nỗi buồn đã hóa thành tuyệt vọng. Cứ đi hết một chương là tôi lại tự hỏi: Chị, chị có ổn không?
Bản thân tôi vốn thích những thứ lạc quan nên cũng phải cố gắng lắm mới đọc hết cuốn sách. Dù vậy nhưng tôi vẫn biết rằng kiểu gì mình cũng phải đọc hết chứ không bỏ dở, đọc xong rồi còn muốn viết về nó nữa. Một phần vì tôi mê văn của chị Tư đã lâu, mê cái ngòi bút tinh tế và chân thực với không một chữ thừa. Đây, như cách mà chị bắt đầu chương “Việc nhà”:
Chị chẳng cần nói việc nhà là những việc gì nhưng chỉ đọc vậy thôi là đã thấy mệt lắm rồi. Chị cũng là một người kể chuyện điêu luyện. Chỉ cần mấy câu thôi mà chị có thể xây dựng những tình cảnh éo le mà kết thúc thường không có hậu. Và cuốn Hong Tay Khói Lạnh lại đầy rẫy, đúng hơn là chỉ có, những câu chuyện như vậy. Như một người mới nhận tin mình sắp làm mẹ chẳng hạn:
Trong cuốn sách mỏng, cứ vài ba trang thì cái chết lại hiện lên một lần, nhưng không phải lúc nào cũng với đau thương. Nhiều nhân vật của chị Tư đón chào tử thần như một người quen, một sự giải thoát. Như cụ bà nằm im trên sàn nhà vệ sinh, miệng chẳng buồn kêu cứu dù đứa con trai đang ngồi phòng bên:
“Cây lược giắt trên miệng ống [bàn chải], mới một tuần đã nhớt thứ bợn keo vuốt tóc của thằng Bảo, và tuýp kem đánh răng không đậy nắp, đốm kem phía trên miệng khô quánh queo. Tật đụng đâu bày bừa ra đó, Bảo di truyền sang cả đứa nhỏ. Cái bản sao nọ cũng biết rải vỏ kẹo khắp nhà, cơm rơi bánh rớt suốt đường đôi chân gầy gò ấy đi qua.
Tôi bị cuốn theo cuốn sách cũng bởi vì chị Tư giúp tôi định nghĩa lại tản văn là gì. Trước đây tôi nghĩ nó là một thứ ghi lại những gì người viết trải nghiệm trong cuộc sống, nhưng chị đã khai sáng tôi rằng ảo tưởng cũng có thể là tản văn. Nửa đầu cuốn sách, tiêu đề “giả tưởng sau tận thế,” chị đưa người đọc xuống Ngầm — một thế giới mà con người chui vào lòng đất để tránh cái nắng chết chóc của mặt trời.
Và ở trong cái Ngầm ấy còn gì nữa ngoài những câu chuyện buồn thiu. Nào là những người nghèo sống trong xó xỉnh, nào là những cảnh tan đàn xẻ nghé, nào là những cái chết. Thế giới giả tưởng nhưng tôi ngờ những cái buồn là thật, là do chị lắng nghe ngoài đời rồi chắt chiu vào lòng, để rồi nặn lên từng con chữ, từng nỗi đau một.
Đến cuối sách, chị Tư hiện lên với những lời bộc bạch cá nhân. Không còn ẩn sau câu chuyện của một bà già từ con hay một cậu trai đang trốn chạy, chị chia sẻ, với tư cách là một người viết, về những “lời thì thầm”:
“Hãy kể câu chuyện này ra, bởi bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết.”
Đặt cuốn sách xuống, đọng lại trong tâm tôi không phải là những khổ đau, mà là những lời thì thầm. Lời văn của chị Tư đặt ra cho tôi một mẫu mực để noi theo và rèn luyện. Và những câu chuyện của chị cũng truyền cảm hứng để tôi tự xây dựng một thế giới giả tưởng — việc mà tôi chưa bao giờ làm — rồi truyền vào đó những câu chuyện của riêng mình.