Cứ vào mùa, tôi lại nhóp nhép thèm một dĩa mía ướp hoa bưởi. Phải là thứ hương thơm dịu dàng ấy thì vị ngon của món ăn chơi dân dã mới tăng lên gấp bội. Phải chăng đó là nhờ hương bưởi, hay là vì thấm đẫm tinh túy của đất trời tháng 3?
Hương tỏa từ những vần thơ
“Hoa rơi trắng mảnh sân con/ Ôi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương” — ngày bé, ríu rít đánh vần xong bài thơ ‘Hoa Bưởi’ trong tập Góc sân và khoảng trời (1968) của Trần Đăng Khoa, tôi không thôi băn khoăn tò mò về mùi hương của loài hoa ấy. Có thể, tôi đã bắt gặp nó rồi mà để quên. Mẹ bảo, hương bưởi là “hương thầm,” tìm thì đôi khi không thấy, nhưng hễ lơ đãng một chút là quấn quýt, ngập tràn cả không gian. Ngót nghét ít hôm nữa, mùa hoa bưởi lại về.
Mùa hoa bưởi. Nguồn ảnh: Thời báo Văn học Nghệ thuật.
Không biết tôi từng chờ thêm bao nhiêu hôm, chỉ biết là những lần bố chở qua phố Xã Đàn hay Láng Hạ, lòng lại bối rối khi bắt gặp những mẹt hoa trắng tinh khôi trên xe đạp của các cô bán dạo. Khi ấy, tôi mới biết là mùa hoa đã đến.
Bưởi (tên khoa học: Citrus grandis) là một loại cây thuộc họ cam quýt, được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, khu vực miền nam Thái Lan và miền bắc Malaysia, nơi tập trung nhiều giống bưởi nhất, rất có thể là nơi khởi nguồn của loài cây này. Từ đó, bưởi đã lan rộng dần khắp Đông Nam Á, đến Địa Trung Hải, châu Mỹ và cả châu Úc. Tại Việt Nam, bưởi cũng hiện diện rộng rãi với nhiều giống bưởi đặc sản như bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn hay bưởi Năm Roi.
Các giống bưởi ở Việt Nam. Nguồn ảnh: Food and Agriculture Organization of the United Nations.
Riêng ở miền Bắc nước ta, vì đặc tính thời tiết có bốn mùa xuân hạ thu đông nên bưởi thường ra hoa vào khoảng đầu tháng 3 âm lịch. Lúc này, mọc ra từ nách lá là các chùm nhỏ, ngắn và không có lông. Đài hoa có màu xanh, cánh màu trắng, kích thước khoảng 2–3.5cm.
Mùa hoa bưởi rất ngắn, nở rộ trong vòng một tháng nếu thời tiết ấm áp, còn trời rét cũng chỉ được khoảng 20 ngày. Thế nhưng, khoảnh khắc ấy vẫn đủ để làm nên nét chấm phá rất riêng cho thủ đô. Lúc này, Hà Nội có mưa phùn, nồm ẩm. Ễnh ương khó chịu nhưng đổi lại là vẻ đẹp đặc biệt của không khí chuyển giao, khi hoa sưa, ban, mộc miên (hoa gạo) và hoa bưởi đồng loạt bung nở — báo hiệu cái se se lạnh của mùa xuân sắp kết thúc và mùa hè sắp về.
Phố phường thêm màu nhã nhặn
Tại các vườn giống nổi tiếng Hà thành như Minh Khai, Phú Diễn, bưởi đã bắt đầu nở hoa trắng ngần tinh khôi. Từng chùm hoa sẽ được nông dân cắt tỉa, giữ lại những chùm to chắc dành quả sai. Hoa trắng xen chút nhuỵ vàng nằm ôm ấp trong lá xanh mơn mởn, còn đọng lại những hạt sương long lanh bởi công đoạn này được thực hiện từ sáng sớm. Và rồi, chúng sẽ theo chân người làm dịu mát mọi nẻo đường.


Thu hoạch hoa bưởi. Ảnh: Văn Tuyến qua Đài phát thanh & Truyền hình Hà Nội.
Qua khúc hai chiều Lê Duẩn hay Giải Phóng, ta sẽ dễ thấy hoa bưởi nhất. Những chùm hoa xếp tỉ mẩn, ngay ngắn trong chiếc mẹt tre, dưới quang gánh hàng rong hay trên lưng xe đạp cũ. Dù chẳng rực rỡ như nhiều loài khác, hoa bưởi tinh khôi, mộc mạc mà vấn vương bao người bởi hình ảnh giản dị cùng hương thơm thanh khiết, dịu ngọt như làn gió tươi mát mang theo hơi thở của đất trời.
Trong những ngày cuối mùa xuân, phố phường như hóa nhã nhặn hơn nhờ bông hoa trắng ngần ấy. Cái thời tiết “khó chiều” cũng trở nên dễ chịu phần nào. Hoa bưởi hớp hồn người đi đường bằng mùi hương nồng đượm, gieo vào lòng một xúc cảm khoan khoái và thân thương đến lạ thường. Dù có vội vã đến mấy họ cũng tranh thủ dừng lại, chọn mua những bó hoa bưởi nhỏ nhắn. Chẳng hay vì những điều đặc biệt của nó, hay vì mùa hoa bưởi ngắn ngủi nên ai cũng mong muốn có được.
Những xe hoa bưởi đặc trưng của tháng 3. Ảnh: Cam Ly qua Báo Lao Động.
Tôi biết một giả thiết khá thú vị giải thích vì sao hoa bưởi thường bán ở phố lớn, đường hai chiều rộng, thoáng chứ ít thấy tại các khu phố cổ. Nguyên nhân trước hết là để người mua dừng lại “hít hà” lâu hơn mà ít cản trở giao thông. Hai là dù mùi thơm tới cả vài chục mét, nhưng trong không gian đông đúc và đủ thứ mùi từ khói xe đến hàng quán, thật khó để sự “mỏng manh” của nó chọi lại được. Chưa kể, hoa bưởi được bán hết rất nhanh, người bán chỉ cần neo một chỗ chứ ít khi phải dạo sang khu khác, giá một lạng có thể lên đến 40.000VND.
Minh họa: Ngọc Tạ.
Riêng hoa bưởi cho tôi cảm giác hoài niệm khác thường. Thấy chúng, tôi nhớ về những “mùa hè chiếu thẳng đứng,” có hàng tạp hóa gói gọn cả Hà Nội trong các thứ quà và qua khói ống thuốc lào sau một hơi dài của bố, là mấy ngôi nhà cổ hé cửa nằm im lìm giữa nắng óng vàng. Còn hương bưởi lại gợi ra góc vườn xanh mát, xa xa mẹ ngồi buông mái tóc dài óng ánh thơm mùi dầu gội, cả những bát chè, nong mía ướp hoa bưởi trong ký ức ngày thơ.
Mê mẩn thức quà giao thời
Chẳng quá khoa trương hay phức tạp, hoa bưởi cứ tự nhiên đi vào sự thường nhật của lớp người thủ đô, qua những nếp quen, món ăn thân thuộc chỉ lúc giao thời này mới có. Càng khiến con người ta mê mẩn, hoa bưởi càng đánh thức khát khao được níu giữ mãi hoài hương thơm chớp nhoáng ở lại lâu hơn. Vì đó mà muôn cách thức chưng cất, chế biến truyền thống ra đời và được kế thừa cho đến tận ngày nay.
Giản đơn nhất là mang hoa bưởi về cắm, vừa thơm nhà mát cửa vừa thêm vẻ tinh tế cho không gian. Chọn những chùm hoa còn hàm tiếu chưa bung nở, thì hương mới còn nhiều và lan tỏa dần. Những bông chúm nụ cũng được phơi để ủ trà. Chén trà hoa bưởi đúng vị, phải nhặt nhạnh từng cánh hoa ra, gạt bỏ nhụy rồi sao mới ít bị đắng. Ủ lẫn với búp trà xanh, mỗi lớp trà một lớp hoa xen kẽ, chuẩn nhất là đựng trong thạp gốm xưa, xong xuôi đợi khoảng hai ngày là có mẻ trà thơm đem hãm.
Trà hoa bưởi. Nguồn ảnh: An Hải Trà.
Những câu chuyện đầu môi thêm thân tình, nhấp một ngụm là thoảng liền hương bưởi, vị ngọt hậu đọng lại một hồi nơi cuống lưỡi. Trà hoa bưởi đem biếu lại càng quý, bà con phương xa ghé chơi dịp này ắt cũng được giắt túi mang về. Phần nhụy còn thừa, tận dụng cho vào nước ấm gội đầu. Hẳn là bí quyết “điệu đà” của các bà, các mẹ ngày xưa. Hoa bưởi được coi là một loại mỹ phẩm thiên nhiên lành tính, giúp mái tóc sạch mượt, óng ả và thơm ngát.
Người ta còn chưng cất tinh dầu từ hoa bưởi kết hợp cùng một số vị thuốc khác để giải cảm, giải rượu, chữa đau dạ dày, giải tỏa lo lắng, cải thiện sức khỏe tinh thần. Hay có thể cho vài ba giọt vào bánh trôi, bột sắn dây, tào phớ và nhiều món ăn khác thêm mùi vị. Trong tập Tinh hoa Hà Nội, tác giả Mai Thục có viết: “Mùa hoa bưởi các cụ chưng cất, hương bưởi thơm ngào ngạt cả phố Hàng Than. Bây giờ anh em tôi vẫn ngẩn ngơ nhớ hương bưởi mà không chưng cất nổi.”
Mía ướp hoa bưởi. Nguồn ảnh: VnExpress.
Nhắc đến ẩm thực mùa này, khó lòng bỏ qua món mía ướp hoa bưởi trứ danh. Thức ăn vặt chơi chơi mà thanh cảnh và chỉ thực sự dành cho người sành. Mía mua về chẻ từng khúc nhỏ vừa bằng đốt ngón tay, xếp lớp với một vài cánh hoa bưởi rồi ướp lạnh trong vòng 3 tiếng. Hoặc cầu kỳ hơn là đem chưng cách thủy cho hương hoa bưởi thấm sâu vào từng khúc mía, giúp vị ngọt của nó thêm thanh khiết và thơm thảo, như đánh thức tất cả mọi giác quan. Những buổi trưa nồm ẩm, nhâm nhi những khúc mía mát lạnh, lòng khoan khoái hớn hở như đón nắng xuân mà đỡ ức thời tiết khó chịu.
Người Hà Nội chọn trưng hoa bưởi vào giữa mùa, đất trời bắt đầu khô ráo nên sẽ lâu tàn và đậm hương hơn. Hoa dâng cúng thì là cành nhiều bông, cánh tươi mới, không bị bầm dập. Hoa bưởi thường xuất hiện trong mâm quả tháng Giêng, thể hiện tấm lòng trân trọng thiên nhiên, cầu mong một năm mới hanh thông và tốt lành. Hương thơm của nó cũng giúp xua đi vận rủi và thanh lọc không khí phòng thờ, mang lại sự thanh tịnh, tao nhã. Trên mâm quả Bắc Bộ điển hình, hoa bưởi lúc này chính là đại diện cho sắc trắng trong ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Trong văn hóa Việt, hoa bưởi còn là biểu tượng của tình yêu trong sáng. Hương hoa mở đầu cho tình yêu đôi lứa, xốn xang trên những gánh hàng rong cho đến bờ vai, tà áo người. Đôi nam nữ xưa cũng mượn loài hoa bày tỏ tiếng lòng, như lời bài hát nổi tiếng ‘Hương thầm’ được Vũ Hoàng phổ từ thơ của Phan Thị Thanh Nhàn:
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa
Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
Tháng 3 trôi qua nhanh như những cánh hoa bưởi nở rộ, nhưng nó đã kịp in hằn dấu ấn rất đẹp đẽ trong ký ức và đời sống của lớp thế hệ người thủ đô. Để rồi khi mùa hoa qua đi, ai nấy đều mong đợi như mong đợi một điều gì rất đỗi quen thuộc.