Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Quãng 8 » Limebócx, bộ đôi Hà Nội đọc thơ Nguyễn Khuyến trên nền nhạc điện tử

Limebócx, bộ đôi Hà Nội đọc thơ Nguyễn Khuyến trên nền nhạc điện tử

Bò gặm cỏ rau ráu, đôi uyên ương rối tung tăng trên nước, ván bài tam cúc ma mị, nàng thơ ngổ ngáo mặc áo tứ thân đi giày bata, mâm cơm đạm bạc. Đây chỉ là một vài hình ảnh lập lòe trong tâm trí khán giả khi xem MV ‘Yêu Nhau (Qua Cầu Gió Bay)’ của Limebócx lần đầu.

Giữa đám đông nhân vật kì lạ, chen nhau trong từng khung hình nửa thực nửa mơ như thước phim siêu thực, Tuấn và Chuối, hai thành viên sáng lập Limebócx — nhóm nhạc indie gốc Hà Nội nhưng hồn Bắc Ninh — thoắt ẩn thoắt hiện như để trấn an người xem rằng mình đang xem video ca nhạc chứ không phải đang lên đồng. Cặp đôi gặp nhau lần đầu tiên qua một buổi jam ở cộng đồng Rec Room ngày xưa, nhưng chỉ thật sự chơi nhạc cùng nhau lần đầu trong chuyến trao đổi nghệ sĩ ở Hàn Quốc. Thuở ấy, Limebócx chơi nhạc bằng tất cả những gì được thừa hưởng, Đông có, Tây có, rắc thêm tí đàn tranh từ Chuối thì bỗng dưng thấy mượt không ngờ. Dần dần, khi Tuấn và Chuối có thời gian tìm hiểu cá tính âm nhạc của nhau hơn, định hướng của Limebócx cũng dần thành hình. Từ đó khung cảnh Tuấn khom lưng hí hoáy chỉnh loop station, miệng beatbox liên hồi, trong khi Chuối điểm xuyết bằng miếng bass, đàn tranh solo máu lửa đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt khán giả, kể từ giây phút band chính thức ra mắt năm 2019.

Tua nhanh đến năm 2023, sức sống của văn hóa truyền thống trong mặt bằng âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam đang mãnh liệt hơn bao giờ hết, đến độ ta khó có thể đi dăm bước trên những con phố mà không bắt gặp một bài hit có lồng ghép yếu tố truyền thống đang xập xình trong quán trà sữa hay cà phê lề đường. Nhiều cái tên cộm cán như Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy, Văn Mai Hương hay K-ICM đều tìm được chỗ đứng nhất định trong V-Pop bằng những sản phẩm âm nhạc tân-cổ kết hợp, bằng nhiều biện pháp sáng tạo như áp dụng đàn nhị, đàn tranh vào âm nhạc, hay viết lời hát từ tích, văn học Việt cổ. Hứng thú chắt lọc chất liệu quê nhà trong nghệ thuật có lẽ đã nhen nhóm từ nửa thập kỉ trở lại đây, và với mỗi năm trôi qua, lại càng len lỏi vào nhiều dự án âm nhạc và càng được đón nhận nhiều hơn. Trở lại 2019, dịp Limebócx ra mắt EP “Electrùnic” thật sự là lần đầu tiên tôi được diện kiến đàn tranh và văn học trung đại được ứng dụng trong bối cảnh mới mẻ và cực kì “ngầu” như vậy.

Cover EP đầu tay "Electrùnic" của Limebócx.

Dù chỉ giới hạn trong phạm vi vài bài hát, “Electrùnic” đã thể hiện xuất sắc hướng đi đầy sáng tạo, liền mạch về mặt ý tưởng, giúp nâng Limebócx lên hẳn một bậc so với mặt bằng chung của âm nhạc độc lập Việt Nam ngày ấy. EP bao gồm 4 track: ‘Yêu Nhau (Qua Cầu Gió Bay)’ trình làng đầu tiên, được lấy cảm hứng từ nhạc phẩm cùng tên — cái tên mang tính biểu tượng của dân ca quan họ Bắc Ninh. ‘Mục Hạ Vô Nhân’ và ‘Hồ Tây’ đem vào áng thơ của thi hào Nguyễn Khuyến, còn ‘Chiều Trù Nhật’ mang ảnh hưởng ca trù. Beatbox, bass, những đoạn loop bập bùng, và cả đàn tranh, hòa trộn thành “sân khấu” để Chuối cất tiếng hát. Dẫu với khởi đầu từ punk, cách cô đọc thơ, nhả chữ, hay thì thầm vẫn phảng phất nét lúng liếng, dí dỏm của chất liệu gốc.

Limebócx 2.0

Hà Đăng Tùng (trái) và Lê Trang "Chuối" (phải), đội hình hiện tại của Limebócx.

Khi theo dõi ‘Dung Họa’ — single và MV mới nhất của Limebócx — chắc khán giả cũng nhận ra một gương mặt mới trong đội hình band. Năm ngoái, Tuấn chia tay Hà Nôi đi du học Australia, và Limebócx dang tay chào đón thành viên mới, Hà Đăng Tùng, người đã, đang và sẽ đem niềm đam mê nhạc điện tử vào bức tranh âm nhạc của nhóm. Tôi hẹn gặp Tùng và Chuối lần đầu tiên qua “màn ảnh nhỏ,” chỉ nhìn và trò chuyện qua khung chat bé xíu tràn tiếng lanh canh của một quán cà phê Hà Nội. Thú thật, tôi không khỏi cảm thấy “khớp,” với cương vị là một fan Limebócx khá-cứng-nhưng-không-cuồng, khi được trò chuyện với chủ nhân của hàng loạt bài hát đã theo mình qua những chuyến bay dài, những cuốc xe giờ tan tầm, và cả những tối thứ Bảy mông lung chỉ nằm trên sàn để tiếng nhạc chảy tràn vào tai.

Trước khi bắt đầu một buổi phỏng vấn, tôi thường chuẩn bị một vài câu hỏi “vô tri” để mọi người đều cảm thấy thoải mái hơn, dẫu lần này có lẽ không thành công lắm, nhưng cũng giúp giải thích nhiều thắc mắc nho nhỏ về Limebócx. Lê Trang có nhiều tên gọi “ở nhà” do bố cô đặt, nhưng “Chuối” cuối cùng trở thành nickname thân thương nhất. Trái cây ưa thích của Chuối? Không phải chuối, mà là mít. Có ý nghĩa sâu sắc gì đằng sau cái tên nhóm không? Câu trả lời là không: “lime” là chanh, cách đọc trại của đàn tranh, còn “bócx” là beatbox. Cái tên Limebócx ra đời một cách nhanh gọn lẹ, mở ra chương mới trong hành trình âm nhạc của hai thành viên sáng lập nhóm.

Limebócx trong một phần trình diễn ở Văn Miếu.

Cộng đồng người viết nhạc, chơi nhạc và nghe nhạc ở Hà Nội vốn là một gia đình khá nhỏ nên quanh đi quẩn lại ai nấy đều quen nhau. Tuấn và Tùng đã là bạn từ trước, nên khi Tuấn rời nhóm, việc Tùng tham gia Limebócx cũng là bước đi mang tính “gia truyền.” “Mình bị dí đâu khoảng 3-4 lần, qua 4-5 buổi nhậu thì cuối cùng mình cũng đồng ý,” Tùng chia sẻ về buổi đầu vào nhóm. “Mình cũng quen với cả hai người. Lúc đầu vào cũng có trở ngại là không biết tham gia như thế nào, với cả mọi người cũng đã có hình ảnh sẵn, vào thì hơi khó để mình fit in.”

Nếu đã theo dõi quá trình phát triển của âm nhạc độc lập ở Hà Nội, chắc hẳn bạn đọc cũng không lạ gì hai cái tên Tùng và Chuối. Trang Chuối đã từng là một mảnh của “ngũ tấu” Gỗ Lim, một thời oanh liệt khắp các mặt trận punk của thủ đô, ngoài ra hiện tại cũng chơi bass cho nhóm rock metal Windrunner. Tùng, cũng thường được biết đến với tên gọi Đờ Tùng, tốt nghiệp chuyên ngành Guitar Cổ điển tại Học viện Âm Nhạc Quốc gia Việt Nam và cũng tham gia nhiều nhóm, dự án âm nhạc khác nhau như Bluemato, Phác Họa Xanh, hay Ngầm. Trở thành mảnh ghép mới của Limebócx, Tùng mang đến âm sắc điện tử, một thể loại mà anh bạn cũng đã và đang đào sâu trong thực hành nghệ thuật cá nhân của mình, bên cạnh nhạc thể nghiệm và nhạc ambient.

Những mảnh ghép đến ngay từ chương trình phổ thông

Từ bạn nhậu thành bạn nhạc.

Dù là trong giai đoạn 1.0 hay 2.0, Limebócx luôn toát ra thứ năng lượng rất “ngầu,” gây ấn tượng mạnh mỗi khi tung hoành trên sân khấu. Khả năng tạo ra âm thanh, gõ nhịp chỉ bằng cử động khuôn miệng, chuyển mình mượt mà từ nhạc cụ hiện đại sang cổ đại, và hòa trộn nhịp nhàng những yếu tố Đông-Tây, mới-cũ không phải là chuyện chỉ ngày một ngày hai mới nhuần nhuyễn được. Ngược lại, “ngầu” không phải là tính trạng mà người ta liên tưởng ngay lập tức khi nói về văn hóa truyền thống. Đương nhiên, quan họ, ca trù, chèo, đờn ca tài tử, hò, tuồng, xòe, và nhiều hơn nữa, là những kho báu nghệ thuật với bề dày lịch sử, đòi hỏi kỹ thuật chuẩn xác, và đều là những ví dụ thuyết phục cho thấy văn hóa Việt đa dạng và thú vị đến nhường nào. Nhưng trong bối cảnh ngày nay, ta chỉ có thể bắt gặp những thể loại diễn xướng âm nhạc mang tính truyền thống trong chương trình tài liệu hay những khu du lịch hơn là trong văn hóa trẻ. Ngay cả Nguyễn Khuyến, tác giả của lời nhiều bài hát của Limebócx với lời thơ dễ hiểu, dễ thuộc, có lẽ cũng thường gợi lại những kí ức gây toát mồ hôi trong lòng khán giả trẻ khi nhớ về những bài thi Ngữ Văn phổ thông, hơn là niềm yêu thích văn chương. Tựu trung, con đường đưa văn hóa dân gian đến với âm nhạc đương đại không phải dễ đi, nhưng bằng tính cách âm nhạc rất riêng của mình, Limebócx và một bộ phận nghệ sĩ trẻ đã phần nào giải được bài toán khó nhằn này.

Con đường đưa văn hóa dân gian đến với âm nhạc đương đại không phải dễ đi, nhưng bằng tính cách âm nhạc rất riêng của mình, Limebócx và một bộ phận nghệ sĩ trẻ đã phần nào giải được bài toán khó nhằn này.

Về phần Limebócx, một phần những ảnh hưởng dân gian trong âm nhạc của nhóm đến từ Chuối. Từ khi còn đi học cấp 3 đến nay, thơ văn và sở thích đọc vẫn được cô duy trì. “Ngày học cấp 3 mình cũng được học đủ thể loại thơ văn các thứ, trong đấy có những thứ mình rất ghét, nhưng cũng có những thứ mình thấy hay, hợp với mình,” Chuối nói về ảnh hưởng của văn học trong nhạc Limebócx. “Lúc đấy thì không thấy hay đến thế, chỉ thấy là ‘ơ ông này buồn cười nhở.’ Tớ thích những thứ như thế, hơi romanticism, hoặc kể cả khi một thứ không phải ‘vịnh’ thì mình cũng làm hơi hơi có kiểu đi chơi ngắm hoa một chút, uống rượu các thứ, tớ nghĩ là hợp với mình.”

Dù là trong giai đoạn 1.0 hay 2.0, Limebócx luôn toát ra thứ năng lượng rất “ngầu,” gây ấn tượng mạnh mỗi khi tung hoành trên sân khấu.

Xen giữa những ý thơ và lời nhạc mang đầy tính “vịnh,” âm nhạc của Limebócx có điểm nhấn khác biệt từ âm thanh đanh thép của đàn tranh. Chuối kể rằng chiếc đàn tranh cũng là được tặng, nhưng khi chơi thử thì thấy khó quá, nên cô cũng không màng đến một thời gian dài. Bẵng đến những ngày đầu thành lập Limebócx, cô mới quyết tâm đào sâu hơn vào nhạc cụ có phần “khó tính” này. Về phần Tùng, guitar phím lõm — nhạc cụ không thể thiếu để tạo ra âm thanh réo rắt đặc trưng của đờn ca tài tử Nam Bộ — là một nhạc cụ anh cũng vừa được tiếp cận gần đây, và có thể sẽ trở thành nhạc cụ cổ truyền thứ hai trong những dự án âm nhạc tiếp theo của nhóm.

Đi tìm cân bằng mới cho album mới

Sau vài năm khá yên lặng, Limebócx cũng xác nhận rằng nhóm đang trong quá trình nhào nặn một chiếc album mới, với 3 mảng khác nhau để tôn lên những giai đoạn khác nhau trong lịch sử hoạt động của band. “Album mới hiện giờ đang dừng lại ở 3 mảng,” Tùng chia sẻ. “Mảng đầu tiên, mình khai thác những bài cũ của Limebócx như những bài trong EP nhưng với nhiều input mình hơn. Mảng tiếp theo là mảng Limebócx 3 người, trong đấy có ‘Dung Họa.’ Cuối cùng còn lại là Limebócx 2.0.” Ai đã ủng hộ nhóm từ những ngày đầu ra mắt vẫn sẽ tìm thấy trong đó tính truyền thống đặc trưng trong EP, nhưng nhạc điện tử cũng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trước trong album, cho âm nhạc mới sức nặng và tính “chì,” như nhạc của Tùng, theo lời Chuối.

Nhạc điện tử cũng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong album, cho âm nhạc mới sức nặng và tính “chì.”

“Mặc dù Tùng cũng tham gia ban nhạc một năm rồi, nhưng trong lúc ấy bọn tớ cũng đang trong quá trình tìm hiểu nhau một tí, vừa làm vừa dần dần phát hiện ra thêm những thứ mới,” Chuối kể. “Tớ muốn album mới này được ‘bóc lột’ bạn này [Tùng] hết sức có thể [cười], để album mới trở thành cái gì đấy với rất nhiều tính cách và tiếng nói của bạn ấy trong đấy.”

“Hy vọng là sẽ ok,” Tùng nói. “Mình nghe thì mình cũng thích phết đấy nhưng mà không biết mọi người thấy như thế nào.”

Ngay từ những ngày mới ra đời, mong ước lớn nhất của Limebócx vẫn luôn là được đem nhạc của mình và những chất liệu văn hóa truyền thống ra quốc tế nhiều hơn. Đây không phải là niềm khát khao của riêng gì nhóm, vì nhiều năm nay, nhạc Việt vẫn đang rất vất vả trong quá trình tìm một chỗ đứng trong sân chơi khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đã có những đốm sáng trong bầu trời âm nhạc nước ta gần đây có thể giúp định hình cái gọi là “chất Việt” trong âm nhạc, qua những dự án của Hoàng Thùy Linh, Dzung, hay cả Limebócx. Sau hàng thập kỷ học tập, xào nấu những gì sẵn có từ các nền công nghiệp phát triển, có lẽ ta đang sắp vươn đến thời điểm phù hợp để vun đắp cái đã học thành một âm sắc riêng biệt.

Mong ước lớn nhất của Limebócx là gì?

Chuối: Được đánh với dàn nhạc. Đó là ước mơ của tớ, dàn nhạc cổ truyền nữa thì tốt.

Tùng: Glastonbury. [cười]

Bài viết liên quan

in Quãng 8

Từ rapper tới ca-nhạc sĩ: Minh Đinh và các phép thử để tìm thấy bản thân

Hành trình tự mày mò từ một rapper thành ca-nhạc sĩ của Minh Đinh là câu chuyện đại diện cho nỗ lực đa dạng hóa bản thân của những nhân tố đa-zi-năng trong làng indie Việt.

in Quãng 8

Thành Đồng: 'Mình chỉ là người bình thường viết nhạc'

Lấy cảm hứng từ những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, Thành Đồng đem đến cho người nghe sự gần gũi, chân thực và đậm chất tự sự trong từng bài hát của mình.

in Quãng 8

Dòng nhạc 'sáu người cùng chơi' của The Flob

The Flob, ban nhạc với sáu chàng trai còn ngồi trên ghế giảng đường, đã chọn âm nhạc để biến tuổi trẻ của mình thành những trang giấy đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Paul Christiansen

in Quãng 8

Gặp Mixed Miyagi, chàng rapper hoà quyện bản sắc miền Tây và văn hoá hip-hop Mỹ

"Miền Tây sông nước tao ngắm cánh đồng xanh / Buổi sáng là thức dậy để đi cày mà làm ăn / Trên đời này thành công là siêng năng / Không có giống mấy thằng chó, có chút tiền rồi kiêu căng."

in Quãng 8

Gặp gỡ hooligan., chủ nhân 'người Việt 100%' của bản hit 'To the Moon'

Gần đây, ca khúc ‘To The Moon,’ với ca từ ngọt ngào, giai điệu êm ái, dễ cảm và đặc biệt là vibe âm nhạc đậm chất quốc tế, đã trở thành hiện tượng mới trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.

in Quãng 8

Hành trình của Táo: Người làm nhạc và kẻ đi gieo mầm

Người nghệ sĩ đâu thể phản ánh cuộc sống nếu họ không sống?”