Tết này, mời bạn đến cùng tụ họp ở nhà ngoại tôi để ăn một mâm cơm Tết của người Hoa, gồm có xá xíu, khâu nhục, lạp vịt, v.v. Sau đó, bạn phải tặng ông bà tôi một câu chúc thật ấn tượng để được ông bà tôi lì xì, tôi gợi ý cho bạn lời chúc càng vần, càng có ý nghĩa sâu xa thì phong bì sẽ càng dày. Trước khi bạn về, ngoại sẽ tặng bạn mang về nhà một chiếc bánh tổ, cất trong tủ lạnh và ăn dần khi đợi cho hết Tết, vì bà tôi quan niệm rằng Tết nguyên đán là dịp để gắn kết và sẻ chia.
Bánh tổ là món bánh truyền thống của dân tộc Hoa, dùng trong các dịp cúng lễ, đặc biệt là Tết nguyên đán và Tết Đoan ngọ. Tên gọi Hán Việt của loại bánh này là niên cao (bính âm: niángāo), đồng âm với “năm cao hơn.” Với ý nghĩa là người ăn có thể nâng cao bản thân hơn trong năm mới, bánh tổ được xem là loại bánh tráng miệng đem lại nhiều may mắn nếu ăn trong dịp lễ Tết.
Loại bánh này được người Hoa du nhập vào Hội An (Quảng Nam) từ thế kỷ 16–17. Do thường được dùng để dâng cúng tổ tiên, món bánh này được gọi là “bánh tổ” trong tiếng Việt. Dần dần, bánh tổ đã trở thành một món ăn đặc sản không thể thiếu trong dịp Tết của người dân xứ Quảng.
Bánh tổ là món bánh không thể thiếu trong mâm cơm Tết của người Hoa
Người Hoa quan niệm rằng lễ vật cho Táo quân về trời luôn phải có yếu tố “dính” và “ngọt” để dụ dỗ Táo không thể bẩm báo lại những lỗi sai của gia chủ loài người. Vậy nên không chỉ nằm trong mâm cúng gia tiên, bánh tổ cũng rất phổ biến nhất cho các mâm cúng đưa ông Táo về trời, để mua chuộc ông Táo khỏi báo cáo những lỗi lầm trong năm qua của gia chủ, khác với các món trong mâm cúng của người Kinh gồm: xôi, gà, bánh kẹo, trầu cau, và rượu.
Nguyên liệu chính của bánh tổ gồm có bột nếp, đường, và đôi khi là đậu đỏ để làm nhân, nhìn chung thì đơn giản hơn nhiều so với những món bánh Tết của người Hoa như bánh thuẫn, bánh phát tài hay bánh xếp — chỉ cần trộn bột nếp với nước đường và đem hấp trong khuôn hình trụ có lót lá chuối, nên nhiều gia đình người Hoa vẫn có thói quen tự làm bánh ở nhà cho các dịp lễ.
Màu bánh tổ vàng ươm, óng ánh, có nhiều kích thước, với giá giao động từ 80,000VND một kí.
Nhưng đối với gia đình tôi, niềm vui vào dịp năm mới chính là giai đoạn đi chợ Tết để chuẩn bị và sắm sửa cho nhà cửa, lang thang khắp khu Chợ Lớn để mua sắm còn vui hơn cả việc xúng xính lì xì đi thăm họ hàng hay tụ tập ăn uống. Tôi cũng không rõ vì sao mình lại thích thú những dịp được cùng mẹ và bà ngoại đi chợ những ngày cuối tháng Chạp, dù cho vật giá có cao hơn thường ngày, đường phố có đông đúc hơn. Với tôi đây là cái đẹp mỗi năm chỉ có một lần của Sài Gòn, khi ai ai cũng hướng về gia đình và cái Tết sắp tới.
Một năm trôi qua, tôi đã quen với hình ảnh bà ngoại với mẹ cần kiệm làm lụng và chắt chiu từng đồng, những sự tích góp đó chỉ để dành cho dịp cuối năm có thể “vung” tiền nhiều hơn một chút để sắm sửa cho nhà cửa ấm áp dịp năm mới sang. Thường ngày họ có thể phân vân không biết có nên mua thêm nửa lạng thịt không, nhưng nếu Tết đến, cái gì nhất định cũng sẽ nhiều, sẽ dư.
“Không phải chỉ vì gia đình mình, mà còn là chiêu đãi thịnh soạn với họ hàng, bà con lối xóm,” bà ngoại tôi hay nói. Nếu thường ngày phải trả gần một trăm nghìn đồng chỉ cho một cái bánh, có lẽ bà ngoại tôi sẽ đanh mặt phản đối, thế nhưng nếu là bánh tổ ăn vào dịp Tết, bà có thể sẵn sàng mua tận 500,000VND tiền bánh để chia sẻ cùng con cháu, họ hàng và cả hàng xóm láng giềng.


Một gian hàng bán bánh Tết của người Hoa ở góc đường Phùng Hưng-Nguyễn Trãi.
Hương vị của bánh tổ cũng mang lại cho tôi cảm giác dư dả và đầy tràn, từ vị ngọt đậm đà của đường và kết cấu dẻo và dính từ bột nếp, tạo nên một hương vị mộc mạc nhưng quyến rũ, tan chậm trong miệng. Bánh tổ nguyên bản thường có màu nâu, nhưng để phù hợp với dịp lễ Tết. Bánh tổ ở chợ Lớn thường được thêm bột nghệ để tạo ra màu vàng hổ phách bắt mắt.
Thông thường, bánh tổ vừa mua về đã có thể được thái mỏng ăn liền và vẫn giữ được độ dẻo vừa phải, tuy nhiên bánh tổ có thể được bảo quản đến một tháng, và khi để lâu thì thường sẽ được thái mỏng đem lăn qua cùng trứng gà và chiên giòn trên bếp. Cách chế biến này làm tôi liên tưởng đến món bánh chưng hay bánh tét, vốn là những món để dâng lễ lên ông bà, thần linh, nhưng khi hết Tết mà chợ hay siêu thị vẫn chưa hoạt động trở lại, những món bánh truyền thống ấy trở thành “món vét tủ lạnh” cho cả nhà qua nhiều cách chế biến, và thường dùng cùng đồ chua cho đỡ ngấy.


Bắt đầu từ ngày rằm tháng Chạp, bà con đã tấp nập mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán.
Mỗi cái Tết trôi qua và ngày càng xa ông bà, tôi thấy mình như đang dần xa rời gốc gác của bản thân. Bánh tổ có lẽ là kết nối còn lại mà tôi có thể giữ gìn từ truyền thống người Hoa, không chỉ là hương vị thân thuộc, mà còn là tinh thần sẻ chia và gắn kết với mọi người xung quanh, để năm mới vẫn có thể “dính” nhau như bánh tổ.