Bão lũ dồn dập trong tháng 10 đã tàn phá nghiêm trọng các tỉnh miền Trung, gây ra biết bao thương đau và mất mát cho người dân nơi đây. Ngay từ đầu tháng, những trận mưa như trút nước liên tục đổ xuống, sau đó bão lớn nối nhau ập đến, kéo theo một số vụ sạt lở đất vô cùng nguy hiểm và khó có thể dự báo. Vào tháng 10, nhiếp ảnh gia của Urbanist đã có dịp theo chân một tổ chức từ thiện đến Quảng Bình để cứu trợ đồng bào ở những khu vực gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trải nghiệm thực tế của chúng tôi tại miền Trung Việt Nam đã được lưu lại trong những dòng hồi ký dưới đây.
Đọc phiên bản tiếng Anh của bài viết tại đây.
Thứ 2, ngày 19 tháng 10
Lúc này là 5 giờ sáng, tôi thấy mệt mỏi vì phải dậy sớm. Tôi cũng cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến những điều mình sắp nhìn thấy. Khi tôi thông báo với bạn bè và gia đình về dự định đến thăm vùng bị thiên tai, mọi người đều cổ vũ tôi, còn tôi thì luôn nhắc nhở bản thân rằng: “Hãy hết sức cẩn thận.” Hiện tại, tôi đang chuẩn bị bay đến Đồng Hới, nơi tôi vừa mới đến vài tháng trước để khám phá động Phong Nha. Tại đó, tôi được biết đến một kiểu nhà mới có gắn các thùng nhựa dưới sàn giúp căn nhà nổi trên mặt nước khi có lũ lụt xảy ra. Hướng dẫn viên trong chuyến đi đã kể lại rằng một cơn bão lớn cách đây vài năm thậm chí đã nhấn chìm hoàn toàn các cột điện ở đây.
Trên chuyến bay, trong khi những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi trước cứ vấn vương tâm trí, bỗng viên phi công phát thanh thông báo rằng máy bay sắp đi vào vùng không khí nhiễu động. "Chúng tôi sẽ cố gắng hạ cánh," anh ấy chưa kịp dứt câu thì máy bay bắt đầu xóc mạnh và rung lắc dữ dội, tôi chưa gặp phải trường hợp như vậy bao giờ khi đang bay. Sau đó vị cơ trưởng thông báo: "Xin lỗi quý khách, máy bay không thể hạ cánh được, chúng tôi sẽ hạ cánh xuống một sân bay gần nhất." Sau ba giờ bay vòng mệt mỏi trên không, chuyến bay buộc phải chuyển hướng và đáp xuống Hà Nội. Chúng tôi đã ở lại Nội Bài để chờ bay tiếp vào buổi chiều. Thật may mắn, chuyến bay thứ hai đã được sắp xếp và tôi đặt chân đến Quảng Bình một cách an toàn.
Khi vừa đến khách sạn và chưa kịp nghỉ ngơi thì người cộng sự của tôi thông báo rằng chính quyền địa phương đã cho chúng tôi địa chỉ của gia đình có người thân thiệt mạng do sạt lở đất. Người nhà nạn nhân vẫn chưa khỏi bàng hoàng thì nhận được một cuộc gọi khác: người ta đã tìm thấy thi thể của chồng cô và cả các chú lính trẻ đã tham gia cứu hộ. Dân trong làng ai cũng biết họ từ khi còn là những đứa trẻ. Gia đình của nạn nhân sau đó được mời đến trung tâm thể thao của xã.
Mẹ và vợ của người chiến sĩ đã rộng lòng đón nhận đoàn đến để phân ưu với họ trong khoảnh khắc vô cùng đau xót ấy. Khi đến nơi, trước mắt tôi là những khuôn mặt đầy đau khổ và mệt mỏi vì đã khóc hàng giờ liền, cả ngày lẫn đêm, kể từ khi họ biết về thảm họa lở đất. Bạn bè và gia đình của các nạn nhân, cùng người dân trong vùng, đều đã đến trước cửa trung tâm thể thao để chờ được gọi tên và đối mặt với thực tế cay đắng. Người bảo vệ gọi gia đình nhà hàng xóm của người mẹ. Trong nỗi đau vô hạn, bà kể lại con trai bà đã lớn lên, đi học và đi làm chung với cậu bé hàng xóm đã mất. Gia quyến của người đã mất đi vào bên trong, cái bóng đổ dài trên mặt đường đêm như điềm báo cho những gì họ sắp chứng kiến.
Đến lượt chúng tôi bước vào. Không gian im lặng như tờ. Người bảo vệ nhắc: "Không được chụp ảnh." Họ dẫn chúng tôi đi vào khu vực bên trong rào chắn đến phòng tang lễ mới được dựng tạm. Nhang để thắp cũng là được chính quyền xã gửi đến. Tiếng thì thầm yếu ớt đã vỡ òa thành tiếng khóc nức nở: "Con ơi, con ơi..." Cổ họng tôi nghẹn lại, tôi cố kìm nén cảm xúc nhưng thật khó. Tôi quan sát, lắng nghe và giữ yên lặng hết mức có thể, nhưng rồi nước mắt cũng bắt đầu lăn trên má. Trong sâu thẳm, tôi biết mình cần phải khóc để giải tỏa cảm xúc, tôi cũng mong được chia buồn và ôm người mẹ này thật chặt.
Tuy nhiên, có điều gì đó giữ tôi lại. Ở đây tôi chỉ là người ngoài xa lạ. "Mình là ai mà dám làm gián đoạn khoảnh khắc đó? Mình đang làm cái quái gì ở đây vậy?" — những suy nghĩ như vậy lấp đầy tâm trí tôi. Trên đường đi ra, tôi cố gắng giữ khoảng cách và không để ai chú ý đến mình, nhưng không biết sự thu mình ấy có ăn thua không khi trước họ là một ông Tây cao gần hai mét với hai má đẫm nước mắt. Khi thời gian thăm viếng đã hết, chúng tôi phải rời đi và để lại gia đình họ với nỗi đau không gì có thể bù đắp được. Nhưng khi tôi tiến lại gần người phụ nữ ấy, tôi đã không kìm được mà bật khóc. Bà cũng khóc theo; đó là một khoảnh khắc với nhiều cảm xúc lẫn lộn, không chỉ thuần túy là đau thương, bởi vì khi ấy hai con người từ hai đất nước và hai thế hệ khác nhau có thể trao nhau sự đồng cảm nhân bản nhất, vượt qua mọi khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.
Thứ 3, ngày 20 tháng 10
Năm giờ sáng, chúng tôi ăn sáng xong và nhảy lên xe buýt để bắt đầu cuộc hành trình thực sự. Trong hoạt động này, chúng tôi vinh dự được đi cùng với lương y Võ Hoàng Yên. Chúng tôi gọi lương y là “sư phụ.” Sư phụ luôn ân cần, trìu mến, và đã cùng chúng tôi trò chuyện đùa vui trên đường đi. Mưa rơi liên tục trong những ngày qua và trong suốt hành trình của đoàn. Xe buýt dừng tại một ngôi nhà nọ, xung quanh khá hẻo lánh, nhìn từ bên ngoài thì trông nó cũng giống như những ngôi nhà khác trên đường. Chúng tôi dựng băng rôn của đoàn từ thiện và người đến dần đông lên. Máy quay đã sẵn sàng và tôi bắt đầu cảm nhận một nỗi lo lắng mà tôi biết sẽ bám lấy mình suốt ngày hôm ấy.
Mỗi khoản cứu trợ là một xấp những tờ 500.000 đồng được đặt trong phong bì và lần lượt phát cho từng người theo danh sách. Những người không có tên cũng tìm đến với hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ nào đó. Thế nhưng, trải nghiệm này không giống như tôi mong đợi, vì tôi muốn được làm gì đó có ích hơn cho mọi người.
Trước tiên, sư phụ chúng tôi có đôi lời gửi đến đồng bào trong hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, việc phát cứu trợ diễn ra tuần tự và có chút đơn điệu. Tôi quyết định đi dạo để ngắm cảnh và làm quen với con người nơi đây. Đó là lúc cảm xúc của tôi bắt đầu thay đổi, tôi hiểu rõ hơn cảm nhận của mình về người Việt nam suốt nhiều năm qua: họ luôn cho tôi một cảm giác ấm áp cho dù ngoài kia có mưa lớn bão bùng đến nhường nào. Dù có khó khăn đến mấy thì cuộc sống này vẫn tiếp diễn.
Khi quay lại nơi phát hàng cứu trợ, tôi đã cảm nhận được không khí đặc biệt này theo một cách gần gũi hơn. Tôi đã hiểu tại sao chúng tôi ở đây. Người nhận quà sau cùng là một cụ bà sức khỏe đã yếu và được một bác trai cõng đến, gọi với theo đoàn xe. Ý nghĩa của công việc thiện nguyện chính là nằm ở khoảnh khắc này đây. Sau đó chúng tôi lên xe để tiếp tục cuộc hành trình.
Cứ thế, chúng tôi hoàn thành công việc của mình ở nhiều địa điểm khác nhau, bất chấp tình trạng tắc đường gây ra nhiều cản trở. Sau đó, chúng tôi đi đến một nơi rất giống với tưởng tượng của tôi — một khu vực chìm trong biển nước và rất khó tiếp cận, nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng có thể trao số hàng cứu trợ đến những người có hoàn cảnh khó khăn.
Giờ đây chúng tôi đã nắm bắt được tình hình. Khi xe buýt dừng lại tại nhà văn hóa thôn cạnh ngã ba đường, có mấy bác mang rượu gạo và thuốc lá 555 mời chúng tôi, thế là chẳng mấy chốc mọi người từ lạ thành quen. Anh Tuấn hóm hỉnh giới thiệu với mọi người rằng tôi là Anh Ba Khía còn anh là Anh Ba Tuấn. Chúng tôi uống rượu và trò chuyện trong bầu không khí vui vẻ thân mật.
Sau bữa cơm chay ngon miệng, chúng tôi đi tiếp đến Huế và tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức cho ngày hôm sau.
Thứ 4, ngày 21 tháng 10
Mới 5 giờ sáng và mọi người lại lên xe. Sư phụ thông báo rằng hôm nay chúng tôi sẽ đi đến một khu vực ngập nặng ở cố đô. Trên đường đi, tôi nhìn qua khung cửa sổ và rất ngạc nhiên khi thấy nhiều lăng mộ gia tộc bị chìm một phần trong nước. Những người bạn đồng hành của tôi chia sẻ rằng ở Huế có tập tục mua đất để làm nơi chôn cất riêng cho người đã khuất.
Khi đến gần ngôi làng, chúng tôi dừng lại ở một căn nhà tập kết hàng cứu trợ để chuẩn bị phát thực phẩm, thuốc men và áo phao cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Chúng tôi chất số hàng lên máy kéo và băng qua vùng nước lũ.
Chúng tôi dùng những gì có sẵn để treo băng rôn của đoàn từ thiện. Tôi lại đi bộ xung quanh, nhưng lần này tôi cảm thấy tâm trí mình hoàn toàn yên bình. Tôi sẵn sàng đón nhận trải nghiệm này và chủ động tiếp xúc với người dân địa phương. Ở đây, mọi người chăm sóc lẫn nhau bất kể già trẻ, nụ cười trên môi họ ánh lên vẻ tươi vui như thể chuỗi tai họa vừa rồi chưa từng xảy ra.
Tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết một đức tính rất đáng tự hào của người Việt Nam và cũng là điểm mạnh dân tộc — ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn giữ trên môi nụ cười hiền hòa và thắp lên ngọn lửa hy vọng trong trái tim mình. Một dân tộc có sức sống mạnh mẽ và tinh thần lạc quan trước mọi nghịch cảnh cuộc đời.