Cho đến năm 2011, cá nhân tôi vẫn ngỡ rằng người Sài Gòn nào cũng ăn tết như nhau cả — Cứ có cành mai trong nhà và dĩa bánh chưng, bánh tét trên bàn cúng, rồi cả nhà rủ nhau đi chơi trên đường hoa Nguyễn Huệ và cầu may tại các đền chùa, thế là Tết!
Thế rồi trong một dịp lang thang khu Chợ Lớn vào những ngày đầu năm mới cách đây gần mười năm, các ý niệm của tôi về Tết hoàn toàn thay đổi.
Tôi phát hiện ra rằng có những phong tục đón Tết ở ngay Sài Gòn mà trước giờ không hề hay biết. Ống kính bắt gặp những hình ảnh vô cùng lạ mắt: các câu liễn in trên giấy đỏ dán đầy nhà cửa, màu sắc của những chiếc bánh đầy mới lạ, mùi nhang nồng nàn lan tỏa khắp xóm và cách thờ cúng mang đậm bản sắc người Hoa.
Kể từ đó, tôi đã đem lòng yêu Chợ Lớn. Mỗi năm đều phải ghé thăm để có thể hòa mình vào không khí Tết đặc trưng của nơi đây. Có thể nói, cộng đồng người Hoa vẫn gìn giữ rất nhiều truyền thống đặc trưng, vừa mang bản sắc văn hóa của ông cha, vừa mang dấu ấn bản địa.
Chính những nét văn hóa đặc trưng ấy đã truyền cảm hứng cho bộ ảnh về Tết ở Chợ Lớn. Bài phóng sự ảnh này tổng hợp một số hình mà tôi đã chụp qua nhiều năm, ghi lại cách cộng đồng người Hoa đón Tết, bắt đầu từ tháng Chạp đến những ngày trước Tết Nguyên tiêu (diễn ra vào Rằm Tháng Giêng). Tại sao lại không làm luôn ảnh về Tết Nguyên tiêu? Vì ngày đó lại có quá nhiều thứ để nói, nên xin để dành lại cho một bài ảnh khác.
Lấy đề tài về Tết nhưng trong khuôn khổ một bài phóng sự ảnh, những hình ảnh sau không bao quát hết phong tục ăn Tết của người Hoa. Người viết mong rằng bộ ảnh vẫn sẽ cung cấp một cái nhìn sơ lược qua con mắt của một người vẫn đang trên hành trình tìm kiếm bản thân tại chính quê hương xứ sở của mình, Sài Gòn–Chợ Lớn.
Ông Trương Kiến Quốc, một ông đồ với hơn 60 năm kinh nghiệm viết thư pháp, đang bận rộn viết các câu liễn cho khách vào những ngày trước Tết, giống như hàng loạt những ông đồ khác trong khu Chợ Lớn này. Cứ mỗi Tết, rất nhiều người Hoa rủ nhau đi xin chữ, chủ yếu là chữ Hán viết trên cuộn giấy đỏ mang ý nghĩa cầu may chúc phúc, làm ăn phát tài, dùng để trang trí nhà cửa.
Đường Hải Thượng Lãn Ông là nơi lý tưởng nhất để mua đồ trang trí cho các ngày Tết, từ phong bao lì xì đến dây treo tài lộc điểm xuyết những cành mai. Cứ khoảng một tháng trước Tết là con đường này lại nườm nượp khách ra vào mua đồ chuẩn bị ngày lễ.
Dòng người xếp hàng tại chùa Bà Thiên Hậu (hay còn gọi là chùa Bà Chợ Lớn) để cầu may vào ngày đầu năm mới.
Lịch làm việc của một đoàn múa lân hoạt động tại Quận 11. Truyền thống múa lân sư rồng đã trở thành một phần không thể thiếu trong những buổi lễ khai trương, mở hàng ngày Tết, đặc biệt là với các hộ kinh doanh có người Hoa quản lý. Ngoài ra, nhiều nhà cũng mời đoàn lân đến để xông đất đầu năm, nên lịch làm việc của các nhóm múa sẽ trở nên kín mít vào những ngày Tết này.
Nghi thức khai quang điểm nhãn cho những con lân mới của đoàn lân sư rồng Hùng Dũng Đường hoạt động tại Quận 11. Theo phong tục, trước khi “khai trương” một con lân mới, thì một người đại diện hoặc khách mời của đoàn lân sẽ vẽ một dấu chấm châu sa vào trán hoặc lưỡi, sau đó là điểm mắt trên những bộ phận khác như mắt, mũi, tai, chân qua sự hướng dẫn của hội trưởng, cuối cùng con lân sẽ “sống dậy”. Đoàn đã chính thức dùng những con lân trong hình cho Tết năm nay.
Những người đến lễ ở chùa người Hoa sẽ mua dầu ăn rót vào các ngọn đèn và đọc lên họ tên của mình cùng lời cầu khấn để xin phước lành.
Treo nhang vòng là một phần không thể thiếu của các đền chùa người Hoa. Lúc Tết, nhiều người sẽ dâng nhang gắn kèm lời thỉnh cầu hoặc ước mong của năm mới. Sau đó, chùa sẽ treo nhang ở bên trong.
Tại Hội quán Ôn Lăng, người dân cúng tế thần Bạch Hổ và đánh hình nhân giấy gọi là “tiểu nhân”. Khi thực hiện tục “đánh tiểu nhân," người Hoa sẽ dùng giày dép đập xuống hình nhân trên mặt đất, với ý nghĩa xua đuổi, giải trừ những điều xấu xa, để chúng không hại người.
Rất nhiều người đóng góp công đức cho chùa vào những dịp tết, nên chùa sẽ ghi họ tên của những gia đình đã quyên góp vào một miếng giấy hồng và dán quanh các sảnh lớn trong chùa, như một lời cầu may và cảm tạ cho những nhà hảo tâm này.
Một góc của chợ Phùng Hưng. Các khu chợ trong Chợ Lớn thường sẽ hoạt động trở lại vào mùng 2 Tết để lấy lộc ngày xuân. Những món ăn Tết truyền thống của người Hoa như bánh tổ, bánh trái lựu hoặc bánh phát tài vẫn sẽ được bán suốt Tết.
Chợ Phùng Hưng những ngày trước Tết. Nhiều gia đình người Hoa luôn mua lạp xưởng vào những ngày này, vì ăn lạp xưởng để bắt đầu năm mới sẽ được may mắn, giàu sang.
Cứ mỗi sáng ngày 30 Tết, người dân Chợ Lớn lại quây quần để xem múa lân. Lúc này đoàn múa cũng sẽ làm lễ cúng trước khi bắt đầu biểu diễn khắp thành phố trong những ngày Tết.
Cũng vào ngày 30 Tết, các đoàn múa lân sư rồng sẽ tụ tập tại chùa Bà Thiên hậu và chùa Ông (còn gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán) để xin lộc cầu may trước Tết.
Nghi lễ xoay quạt ở chùa Ông Hược (hay còn gọi là Hội quán Hà Chương). Người dân xoay quạt ngược chiều kim đồng hồ bảy lần để giải hạn, xoay tám lần theo chiều kim đồng hồ để cầu mọi thứ được thuận buồm xuôi gió.
Khi đi chùa ngày Tết, rất nhiều người tin rằng chạm tay vào tượng thần sẽ mang lại may mắn.
Hai mẹ con bưng đồ vàng mã và nhang cúng đến Chùa Ông tại Quận 5.
Bánh tổ (hay còn gọi là bánh niên cao) là một loại bánh truyền thống chúc Tết của người Hoa, giống như món bánh chưng, bánh tét của người Kinh. Bánh được làm từ gạo nếp và đường, và là một món không thể thiếu trên bàn cúng và trong nghi lễ. Ăn bánh niên cao vào những ngày Tết sẽ được coi là may mắn vì cách đọc “niên cao” mang ý nghĩa "nhiều tuổi hơn," vì thế thể hiện lời chúc về một năm mới khỏe mạnh và đắc thọ.
Múa rồng vào những ngày Tết năm 2021, ai ai cũng mang khẩu trang.
Bức liễn với dòng chữ Hán mạ nhũ vàng trên nền giấy đỏ “Khai trương hồng phát”. Người Hoa rất thích treo những câu chúc này vào dịp tết, đặc biệt nhất là vào những ngày khai trương đầu năm để cầu làm ăn phát tài phát đạt, đem lại nhiều tài lộc trong việc kinh doanh.
Bên ngoài một tiệm bán dầu hào là biển báo ngày khai trương và một miếng giấy đỏ với lời chúc phúc cho các khách hàng bằng tiếng Trung lẫn tiếng Việt, những nét chữ này chắc chắn là đã qua tay của những ông đồ Chợ Lớn. Đây vẫn là một nét đẹp mà ta sẽ thường thấy tại Chợ Lớn những ngày Tết.
Chùa Thiên Hậu vào mùng 2 Tết Tân Sửu.
Mâm cúng Thần Tài vào mùng 2 Tết của một xóm người Hoa. Thông thường các tiệm kinh doanh sẽ khai trương trở lại vào ngày này.