Bắt đầu từ khoảng cuối năm 2017, doanh nghiệp xã hội Lensational cùng với Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH) đã tích cực thực hiện chương trình đào tạo nhiếp ảnh cho một số phụ nữ khuyết tập ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, tạo điều kiện để họ được cất lên tiếng nói về hoàn cảnh của bản thân.
Bình Phước là một tỉnh có với số lượng người khuyết tật chiếm tỷ lệ cao mà rất nhiều trong số đó chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến chống Mỹ.
Anh Phan Quốc Bảo, cán bộ của VNAH, chia sẻ rằng: “Vùng quê này vẫn có rất nhiều người còn đạn găm trong cơ thể, những người bị mất tay mất chân không được điều trị đúng cách, và cả những gia đình mà ảnh hưởng của chất độc da cam di truyền đến đời con cháu. Song, nguồn lực hỗ trợ, cơ sở vật chất và sự quan tâm của cộng đồng với người khuyết tật còn rất hạn chế.”
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu thốn các dịch vụ và sự hỗ trợ về chuyên môn để tạo điều kiện sinh sống thuận lợi cho người khuyết tật. Những gia đình khá giả có điều kiện chi trả để người thân của họ được chăm sóc tốt, còn những người sống trong cảnh nghèo khó thì không tiếp cận nổi các dịch vụ ấy. Cũng vì thế, các dịch vụ hiện có vẫn còn rất yếu kém, sơ sài, so với tiêu chuẩn quốc tế thì thậm chí còn mang tính chất ngược đãi bệnh nhân. Với kinh nghiệm làm việc với hàng trăm bệnh nhân trên khắp Việt Nam, anh Bảo đã nghe những câu chuyện kinh hãi có thật về việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Như ở các vùng nông thôn, một số cơ sở điều trị sẽ xích bệnh nhân lại để dễ dàng kiểm soát họ.
Ngoài ra cũng phải kể đến sự kỳ thị nặng nề từ xã hội mà bệnh nhân tâm thần và người khuyết tật phải đối mặt hàng ngày. Đối với bệnh nhân được chăm sóc tại nhà, nếu gia đình họ có hoàn cảnh khó khăn thì họ bị xem là gánh nặng và dễ trở thành đối tượng của hành vi ngược đãi và bạo lực. Anh Bảo giải thích không hiếm gặp những gia đình đã nhốt và trói người thân tàn tật của họ trong những nơi biệt lập, không có nhà vệ sinh và cách xa nơi họ sinh sống.
Ngô Nhi, một cán bộ khác của VNAH nhấn mạnh thêm rằng sự kỳ thị này còn khủng khiếp hơn nhiều đối với bệnh nhân nữ.
“Phụ nữ khuyết tật không được coi trọng bằng cả nam giới có cùng vấn đề,” chị Nhi chia sẻ. Cũng vì thế, khó khăn đầu tiên mà các cán bộ công tác gặp phải chính là phải thuyết phục được các gia đình rằng việc học nhiếp ảnh sẽ thực sự có lợi cho con gái, vợ, mẹ hay chị gái của họ. Trong số sáu người họ tiếp cận ban đầu thì chỉ có ba người được phép tham gia khóa đào tạo.
Marlee Quinn, một nhà vật lý trị liệu đã hỗ trợ VNAH trong việc tìm kiếm đối tượng tham gia chương trình ở địa phương, nhận ra rằng một số gia đình không muốn người thân là phụ nữ được nhận lấy cơ hội này. Có trường hợp còn rất cực đoan, Marlee kể lại: "Họ nói rằng họ không quan tâm và giờ chỉ chờ cho cô ấy chết thôi."
Là một doanh nghiệp xã hội toàn cầu, Lensational đặt mục tiêu hỗ trợ phụ nữ ở các nước đang phát triển và những phụ nữ gặp nhiều khó khăn bằng cách trang bị cho họ kỹ năng nhiếp ảnh. Với các dự án tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ Nga đến Kenya, Lensational đang dần thu hút rất nhiều sự chú ý vì có thể đại diện cho người tham gia để đưa tiếng nói của họ lên truyền thông. Ở mỗi quốc gia mới mà tổ chức này đặt chân đến, vai trò của nhiếp ảnh lại được mở rộng thêm.
“Nếu có thể cho mọi người thấy rằng phụ nữ khuyết tật có thể tạo ra giá trị như chụp được những bức ảnh đẹp, điều đó chứng tỏ là họ có khả năng đóng góp cho xã hội nếu được hỗ trợ đúng cách,” anh Bảo khẳng định. "Chúng ta có thể cho mọi người thấy rằng đây là điều hoàn toàn có thể."
Trong bức ảnh này, Liễu thấy rất nhiều điều thân thuộc với cuộc sống của mình ở vùng quê miền Bắc. Bức ảnh cũng khiến cô nhớ đến bố mình, một người hiền lành và nhân hậu. Liễu đã rất hạnh phúc khi kể về tất cả những điều này và hơn thế, cô vô cùng hào hứng khoe với gia đình rằng mình đã biết chụp ảnh.
Ngoài việc giúp người khuyết tật có thêm một kỹ năng, các buổi đào tạo nhiếp ảnh còn là một liệu pháp tâm lý cho chính người tham gia: họ được hỏi suy nghĩ của mình về những bức ảnh mình chụp được, về màu sắc và về thế giới mà họ nhìn thấy. Những bức ảnh như một phương tiện để thể hiện và chia sẻ nỗi đau cũng như niềm vui của bản thân.
Thy, 22 tuổi, mở một cửa hàng nhỏ trước nhà mình để kiếm thu nhập. Thy không thể đi làm bên ngoài với chứng động kinh nặng, cộng thêm nữa là cô không hiểu rõ tình trạng của bản thân, và ở địa phương cũng không có dịch vụ chăm sóc y tế phù hợp. Khi nhìn thấy chiếc xe đạp trong bức ảnh trên, cô liên tưởng rằng chủ nhân của nó sẽ rất tự do và có thể “đi bất cứ đâu họ muốn.” Cô quan sát khung cảnh với một góc nhìn độc đáo, dựa trên hoàn cảnh của bản thân và cách cô nhìn về tương lai.
Còn về Hợi, cô đã chụp rất nhiều ảnh con gái Phương Anh của mình. Có thể thấy được sự hạnh phúc rạng ngời của một người mẹ khi chụp cô con gái nhỏ chạy nhảy trên cánh đồng, bên những bông hoa và khi bước bên cạnh mẹ. Khi mô tả bức ảnh này, Hợi đã rất xúc động như nhìn thấy tương lai của con gái khi không có mẹ bên cạnh. Cô muốn qua nhiếp ảnh để khám phá các vấn đề cá nhân và cũng có năng khiếu kể chuyện bằng hình ảnh. Những buổi hướng dẫn ảnh đã tạo ra một không gian thân thiện để Hợi thể hiện suy nghĩ của mình về những khó khăn cô gặp phải, một điều cô khó có thể chia sẻ với gia đình của mình.
Chiến lược hỗ trợ phụ nữ bằng khóa học nhiếp ảnh của Lensational đã có hiệu quả ở nhiều mặt: mang đến cho phụ nữ những kỹ năng thực tế để trở nên tự tin hơn, cung cấp phương tiện để họ thể hiện bản thân, tạo không gian cho họ chia sẻ câu chuyện riêng, và đồng thời là một liệu pháp tâm lý vì họ được bộc bạch cảm xúc và suy nghĩ của mình. Lensational cũng muốn giúp những người phụ nữ này cải thiện thu nhập, vì thế hợp tác với một phòng tranh online và các nhiếp ảnh gia quốc tế để giúp bày bán các tác phẩm này.
Nếu bạn muốn mua bất kỳ bức ảnh nào trong bài viết này để ủng hộ những người phụ nữ ở Đồng Xoài, bạn có thể truy cập trang web Lensational tại đây. Còn nếu bạn quan tâm đến hoạt động tình nguyện với Lensational, vui lòng liên hệ với Lilly Pugh tại lilly@lensational.org.