Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Thế lưỡng nan của Nghĩa trang Quy Nhơn cũ

Thế lưỡng nan của Nghĩa trang Quy Nhơn cũ

Nghĩa trang Quy Nhơn cũ nằm khuất mình ở cuối một con hẻm nhỏ trên đường Tây Sơn. Càng đến gần, khung cảnh nghiêm trang ấy càng mở rộng và dần chiếm trọn cả tầm mắt.

Phải nhìn từ trên cao, Saigoneer mới thấy được toàn cảnh khu nghĩa trang màu sắc với hàng nghìn ngôi mộ lớn nhỏ, từ chốn yên nghỉ đơn sơ đến lăng mộ gia tộc quyền quý, nối tiếp nhau trải dài đến tận những ngọn đồi xanh mướt phía xa.

Khắc trên bia đá là quý danh và chân dung của những người con Quy Nhơn đã lìa xa trần thế. Từng con số thể hiện năm sinh năm mất khiến chúng tôi ngẫm nghĩ về những câu chuyện đã mãi vùi sâu dưới lòng đất: có những đôi vợ chồng phải cách biệt âm dương vì chiến tranh, thế nhưng cũng có cặp đôi được ở bên nhau đến răng long đầu bạc; những ngôi mộ cũ kỹ không người thăm viếng nằm ngay cạnh chốn yên nghỉ vẫn còn ấm hơi nhang. Khi nhìn thấy những phần mộ dựng sẵn chưa điền năm mất, chúng tôi bất giác tự hỏi: Chủ nhân của những ngôi mộ trống rỗng này còn bao nhiêu thời gian nữa? Họ sẽ làm gì với những năm tháng còn lại ấy?

Trong cái nắng chói chang và gay gắt của của miền Trung hôm ấy, lòng chúng tôi như chùng lại và bồi hồi trong những cảm xúc khó tả, chẳng thể hòa mình với cảnh sắc nên thơ của ngọn núi Vũng Chua và phố biển mộng mơ.

Mãi đến khi rời khỏi nghĩa trang, cảm xúc ấy mới nguôi ngoai và nhường chỗ cho hành trình tìm hiểu về lịch sử của địa danh này. Lòng chúng tôi đau đáu những câu hỏi: Khu mai táng rộng lớn nằm ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn này có câu chuyện nào đằng sau? Nó đã có từ bao giờ? Và sẽ còn tồn tại bao lâu nữa trong bối cảnh thành phố biển đang phát triển mạnh mẽ từng ngày?

Trong quá trình trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, chúng tôi đã khám phá được nhiều điều bất ngờ thú vị về lịch sử cũng như tương lai của Nghĩa trang Quy Nhơn cũ. Từ lâu, khu đất này đã là nơi cư dân Quy Nhơn chôn cất người thân đã khuất. Cùng tọa lạc trong khuôn viên là Nghĩa trang Liệt sĩ, Nghĩa trang Cán bộ Trung Cao, và Nghĩa trang Phật giáo. Như bao khu mai táng khác ở Việt Nam, nơi đây ban đầu cũng chỉ là một khu đất nhỏ như trong bức ảnh được chụp vào năm 1965.

Năm 1994, khi nghĩa trang không còn đất mai táng, thành phố đã xây thêm hai nghĩa trang mới đều nằm ở ngoại ô cách khu vực trung tâm 20km. Một là Nghĩa trang Bùi Thị Xuân, đi vào hoạt động vào năm 1997 và cạn kiệt quỹ đất sau hai thập kỷ. Hai là Bình Định An Viên, được đưa vào sử dụng từ năm 2019.

Thế nhưng, Nghĩa trang Quy Nhơn cũ vẫn tiếp tục được mở rộng. Theo bản đồ năm 2000, nơi đây rộng hơn 137.000m2. Đến năm 2018, tổng diện tích nghĩa trang là 148.000m2, tăng thêm 11.000m2. Các khu mộ mới chủ yếu được xây tại khu vực núi Vũng Chua, khiến UBND thành phố phải đưa ra lệnh dừng mọi hoạt động mai táng và cải táng nơi đây.

Bất chấp lệnh cấm, nạn lấn chiếm đất vẫn âm ỉ diễn ra. Năm 2019, người dân vẫn có thể mua sẵn mộ phần là những ngôi “mộ gió” xây sẵn để giữ chỗ. Mỗi “lô đất” như vậy có giá từ 20–40 triệu đồng tùy vào vị trí. Chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý nhưng vẫn không thể kiểm soát một khu vực rộng lớn đến như vậy, khi mà có những gia đình thậm chí chấp nhận làm đám tang không có kèn trống để không bị phát hiện.

Nhiều người dân Quy Nhơn không đồng tình với lệnh cấm vì nghĩ rằng dưới chân núi vẫn còn rất nhiều chỗ để xây mộ mới. Hơn nữa, hai nghĩa trang mới lại cách trung tâm thành phố đến 40 phút đi đường, không tiện cho việc thăm viếng và khiến họ cảm thấy quá xa cách với người đã khuất. Có lẽ vì thế mà nhiều gia đình vẫn muốn chôn cất người thân trong khu nghĩa trang đông đúc này.

Trong khi đó, nhiều gia đình đã chuyển đi nơi khác sinh sống và không thể thường xuyên thăm viếng mộ phần của người thân tại Nghĩa trang Quy Nhơn cũ. Tình trạng này đã tạo điều kiện cho mô hình dịch vụ “thăm viếng hộ” hình thành và phát triển.

Những người bán trái cây và hoa ở cổng nghĩa trang cũng nhận thắp nhang và dâng đồ cúng thay cho những gia đình không thể đến viếng. Báo Người Lao Động đã tìm hiểu về thực trạng này và nhận được lời giới thiệu của một trong số những người cung cấp dịch vụ: “Bận rộn công việc lắm hay sao, mà lâu rồi lắm mới thấy các em thắp hương cho ngôi mộ này. Sao để cụ nằm lạnh lẽo vậy, cụ trách thì sao. Nếu các em không có thời gian thì chị giúp cho. Ở đây chị giúp nhiều người lắm, mỗi tháng 100.000 đồng/mộ thôi.”

Quy Nhơn đã có sự phát triển vượt trội trong những thập kỷ qua. Dân số thành phố chỉ là 60.000 người vào năm 1965, sau đó tăng lên 160.000 người năm 1986, và rồi 280.000 người năm 2013, còn bây giờ là khoảng nửa triệu người. Một trong những hệ quả của đà phát triển này là nhu cầu tìm mộ phần tăng cao, sinh ra nhiều vấn đề và gây sức ép lên công tác quản lý của chính quyền địa phương. Điều này thể hiện rõ nhất qua diện tích hiện tại và những hoạt động “ngầm” ở Nghĩa trang Quy Nhơn cũ.

Sân bay Quy Nhơn nằm ở ngoại ô thành phố và đường đi đến đó băng qua một vùng trồng lúa thưa thớt dân cư. Rải rác trên những cánh đồng là mộ phần của nhiều thế hệ dân làng do con cháu lập nên. Không biết họ còn sẽ nằm đó bao lâu nữa trước khi bị bắt phải di dời? Và con cháu họ sẽ cảm thấy thế nào khi ông cha mình phải rời nơi chôn rau cắt rốn?

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

Paul Christiansen

in Ao Ta

Vẻ đẹp mê hoặc nhìn từ trên cao của tháp Chăm Bình Định

Vượt qua những vòng xoay thời gian, những di sản kiến trúc của ngàn năm trước còn tồn tại đến ngày nay là mảnh ghép ký ức rõ nét nhất, gợi nhắc về những chương sử đã qua. 

in Đời Sống

Bên trong lò rèn Thủ Đức giữ lửa truyền thống gia đình suốt 4 thế hệ

Chẳng ngoa khi nói làm việc tại một lò rèn tựa như đang ở Hỏa Diệm Sơn.

in Đời Sống

Hành trình 'tái sinh' của nội thất cũ tại hẻm đồ gỗ Phạm Thế Hiển

Càng đi sâu vào con hẻm 124 trên đường Phạm Thế Hiển, tôi càng khó thở vì những cơn ho khan.

in Đời Sống

Sức sống bình dị của nông thôn miền Bắc qua bộ ảnh đời sống về loài trâu

Là linh vật thứ hai của chu kỳ 12 con giáp, trâu là loài có ý nghĩa và ứng dụng quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt.

in Đời Sống

Thế giới sinh động dưới gầm cầu, 'nơi chốn thứ ba' ẩn dấu trong lòng Sài Gòn

Nơi chốn thứ ba (danh từ): Một địa điểm ngoài không gian sống và làm việc, nơi mọi người giao lưu và tương tác xã hội.