Mỗi khi xem xong một bộ phim hay, trong tôi thường đọng lại một cảm giác khó có thể gọi tên. Đó là sự hòa trộn giữa kinh ngạc, thỏa mãn, bâng khuâng, và cả giận dữ lẫn suy tư. Nhưng trên tất cả, có một nỗi buồn khi nhận ra rằng tác phẩm nghệ thuật ấy đã kết thúc, và tôi sẽ chẳng bao giờ có thể thưởng thức nó như lần đầu được nữa.
2 giờ sáng, tôi vẫn ngồi ở bàn làm việc của mình và nhìn vào những dòng credit kết thúc của Hoa đang chạy trên màn hình. Một lần nữa những cảm xúc lâng lâng khó tả ấy lại hiện. Hoa không phải là một game dài, sau vài lần thoát ra và quay trở lại chơi, tổng thời gian tôi dành cho trò chơi này chưa đến năm tiếng đồng hồ, tính cả thời gian tôi phải vật lộn với những câu đố và chướng ngại vật khó nhằn trong game. Mặc dù thế, trò chơi vẫn mang đến một trải nghiệm thú vị, khó trộn lẫn.
Hoa là công sức đầy tâm huyết của Skrollcat, một studio game độc lập của các nhà phát triển trẻ tuổi người Việt. Ban đầu, đây chỉ là một dự án nhỏ mà các thành viên thực hiện khi đang đi làm và đi học toàn thời gian.
Trong một bài báo viết trên 80lv, giám đốc dự án là anh Cao Sơn Tùng cho biết khi mới bắt đầu anh chưa thực sự có một ý tưởng cụ thể nào, mà chỉ làm vì niềm yêu thích đối với các tựa game side-scrolling (game cuộn cảnh theo màn hình ngang) anh từng chơi thuở bé: “Mình là một fan trung thành của các game side-scrolling có đồ họa đẹp mắt như Trine, Limbo, Rayman,v.v. và bản thân cũng muốn làm được một game giống như vậy.”
Kết quả là Tùng và nhóm đã cho ra đời một trò chơi thuộc thể loại phiêu lưu nhập vai, với nhân vật chính là một bé tiên nhỏ nhắn tên "Hoa" đến từ một bộ lạc sống trong rừng. Nội dung của game là hành trình tìm đường về nhà của cô bé sau khi thức dậy trên một chiếc thuyền lá ở một nơi xa lạ. Từ lúc bắt đầu, người chơi được chào đón bằng những khung cảnh nên thơ được vẽ tay tỉ mỉ và tiếng nhạc nền du dương mang đến một cảm giác rất đỗi yên bình.
Cả phần nghe và phần nhìn của Hoa đều lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli, và các nhà phát triển của game cũng không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ đối với studio hoạt hình Nhật Bản lừng danh này. Có thể thấy rất rõ rằng Skrollcat đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để có thể mô phỏng phong cách Ghibli qua nét vẽ tay sinh động đến từng chi tiết.
Không tấn công, không giết chóc
Rất nhiều tựa game đi cảnh (platform game) trong những thập niên gần đây đã trở thành kinh điển và định hình nên kỷ nguyên của loại game này, tiêu biểu như Mario, Rayman, Sonic, Mega Man hay Metroid. Còn với Hoa, chúng ta như được trở lại những ngày xưa cũ khi mà một cú nhảy thành công có thể mang đến sự phấn khích tột đỉnh và tốc độ phá đảo khẳng định đẳng cấp của người chơi.
Tuy nhiên, Hoa cũng thể hiện sự khác biệt của mình so với những tựa game đình đám một thời bằng niềm tin kiên định vào sự ôn hoà và khả năng chữa lành tâm hồn. Không giống như các tiền bối, trong Hoa không có bất kỳ một nhân vật phản diện nào mà người chơi phải chiến đấu chống lại, cũng không có thanh máu hay nấm tăng mạng, không có các đòn tấn công hay giới hạn thời gian khiến ta phải vội vội vàng vàng. Sự kiện chính của mỗi cấp độ là khi bạn gặp được vị “tộc trưởng” hiền lành và ban cho bạn sức mạnh mới sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Những người sáng tạo nên Hoa đã chủ ý không xây dựng một nhân vật phản diện nào trong mạch truyện. “Tinh thần chung là bọn mình không muốn ai phải chết cả,” Tùng chia sẻ trong buổi trò chuyện với LA Times. “Bọn mình muốn người chơi cảm thấy game không quá khó hay có quá nhiều thử thách nhưng cũng đồng thời cũng không muốn họ cảm thấy nhàm chán.”
Tùng chia sẻ rằng tinh thần nhân ái và ôn hòa xuyên suốt trò chơi được ảnh hưởng từ tầm nhìn và cách sống của người đồng sáng lập kiêm giám đốc nghệ thuật của dự án, anh Lê Sơn Trà. “Khi đó mình và Trà đều đang học đại học. Trong khuôn viên trường có rất nhiều ốc sên và chúng thường bò lên lối đi rồi bị nhiều người dẫm lên do không để ý. Thấy như vậy Trà đã nhặt từng con một và đặt chúng lại vào bãi cỏ,” anh nhớ lại.
Loại bỏ hoàn toàn tính chất thù địch và các trùm phản diện ra khỏi nội dung, Hoa hướng người chơi tập trung vào nền tảng của thể loại game phiêu lưu, đó chính là thế giới trong game. Cảnh vật trong trò chơi ngập tràn sắc màu thiên nhiên, từ những bông hoa cúc khổng lồ, dây thường xuân xanh biếc, hoa chuông xanh rung rinh trong gió, cho đến đám bọ rùa tinh nghịch, đàn cá bơi hững hờ dưới làn nước trong và cả mạng nhện khổng lồ ảo diệu.
Những chướng ngại vật này tưởng chừng như đơn giản nhưng không dễ chinh phục, người chơi cần phải canh thời gian chính xác, đôi khi phải biết kết hợp giữa việc bật nhảy hai lần, đu dây và bay lượn. Nhưng sau hàng giờ bị kẹt trong những thử thách như vậy, tôi không khỏi ngán ngẩm sự xuất hiện của những bông chuông xanh và đám bọ rùa.
Con người vs Thiên nhiên
Phong cách Ghibli trong Hoa không chỉ dừng lại ở hình ảnh đồ họa hay âm nhạc mà còn trong tinh thần chủ đạo của trò chơi. Mối quan hệ đối nghịch giữa máy móc và thiên nhiên được thể hiện xuyên suốt các cấp độ và càng lúc càng trở nên rõ nét khi cốt truyện dần hé mở. Cái tên “Hoa” mang một ý nghĩa đặc biệt với Tùng và gợi nhắc cho anh đến Hà Nội nơi anh sinh ra. Còn với những người chơi như chúng ta, cái tên thuần Việt này ẩn chứa thông điệp về trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên.
Con người không xuất hiện trong Hoa, nhưng ta vẫn nhìn thấy tác động của con người lên tự nhiên qua hình ảnh những con robot với thiết kế lò xo đơn giản nhưng lại rất ngộ nghĩnh. Từ đầu đến cuối, Hoa không hề nêu ra lập trường của mình, nhưng thái độ của những người làm game đối với các đồ vật nhân tạo được thể hiện qua cách xây dựng hình ảnh cho khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ và những nơi đã trải qua sự khai thác của con người.
Phần lớn thời gian trong game là ở trong rừng, trên những ngọn cây, hay sâu trong đầm sen, tuy nhiên cũng có một phần game diễn ra tại một mỏ đá cũ. Khu rừng của bé tiên hiện lên sinh động và đầy sức sống, dù là ban ngày hay ban đêm, trên cạn hay dưới nước. Trong khi đó, hình ảnh mỏ đá lại khá ảm đạm với tông màu nâu buồn tẻ, không gian u ám, rỉ sét, ngột ngạt và trông như một bãi rác phế liệu.
Ốc đảo dịu êm giữa kỷ nguyên lo âu
Khi cuộc sống có quá nhiều áp lực, chúng ta có thể cảm thấy chán nản thực tại và chỉ muốn tìm cách giải tỏa nỗi muộn phiền trong lòng. Với một vài người, đó là hàng giờ chăm sóc cây cỏ trong vườn nhà, là một buổi chiều bên cuốn sách mới mua và tách biệt khỏi các thiết bị công nghệ, hoặc mơ màng trong tiếng nhạc lo-fi êm dịu.
Mặt khác, những căng thẳng trong hai năm đại dịch vừa qua cũng đã góp phần tạo những hiện tượng mới trong làng game mà tôi gọi là những trò chơi thư giãn, thu hút người chơi với không gian dịu nhẹ, yên ả, đồ họa tuyệt đẹp và lối chơi không quá cạnh tranh. Dòng game này có những cái tên quen thuộc với nhiều người trong chúng ta như Animal Crossing, Stardew Valley, Ad Lovely Home, và Cosy Grove. Giờ đây, Hoa nhập hội cùng với những tựa game trên để trở thành ngọn hải đăng chiếu sáng trong giông bão và neo giữ tâm hồn chúng ta giữa nhiều mối lo âu.
Đội ngũ sáng tạo của Hoa rất biết cách tạo ấn tượng ban đầu xuất sắc. Khi trò chơi mở màn, người chơi sẽ vào vai một bé tiên tên Hoa, đang chèo chiếc thuyền lá của mình để đi đến một đồng cỏ xanh. Khung cảnh xung quanh ngập trong ánh nắng long lanh tuyệt đẹp nhờ hiệu ứng hậu kỳ thông minh. Âm nhạc trong game dạo đầu với tiếng đàn piano tinh tế, rồi dần dần phát triển tiết tấu theo từng bước chân của nhân vật và đôi khi vút cao đầy uy nghi với sự kết hợp của sáo và violin.
Không chỉ được vẽ tay từng lớp, thế giới trong game còn được thiết kế tỉ mỉ đến từng chi tiết như âm thanh ngân vang của các sinh linh trong rừng; những bông hoa đung đưa mỗi khi bạn đi qua; cánh chuồn chuồn nhẹ nhàng lướt qua đâu đó trên màn hình. Có những khi, tôi để trò chơi ở chế độ chờ rồi đi dọn phòng hoặc đọc sách, bởi vì nhạc nền êm ả của Hoa cũng đủ để mang đến cho tôi cảm giác dễ chịu và thư thái.
Tuy nhiên, Hoa vẫn còn những điểm cần được cải thiện, dù chúng không thực sự ảnh hưởng đến niềm yêu thích của tôi dành cho phần hình ảnh vô cùng đẹp mắt của game. Những câu dẫn và lời thoại tiếng Việt cần được chỉnh sửa lại vì các nhân vật có cả tên tiếng Anh lẫn tiếng Việt, và một số câu còn khá rườm rà.
Một số thay đổi quan trọng khác có thể là cho phép người chơi tùy chỉnh các tổ hợp phím và lưu tiến trình của game để có một trải nghiệm thoải mái hơn. (Vâng, là tôi đang ám chỉ mấy bông hoa chuông xanh và đám bọ rùa đấy!) Nói tóm lại, đây sẽ là một trò chơi để bạn từ từ khám phá và thư giãn thay vì cố gắng đánh nhanh thắng nhanh.
Tôi quyết định ngồi lại xem hết phần credit chỉ để kéo dài trải nghiệm thêm một chút. Thật vui khi thấy hàng chục cái tên Việt Nam xuất hiện trên màn hình và đảm nhiệm nhiều vai trò trong khâu sản xuất chính, thay vì chỉ là một bên thứ ba thực hiện các bối cảnh hay hiệu ứng hoạt họa. Và khác với bao lần, đội ngũ ấy đã không lựa chọn lối mòn xây dựng DLC cho một game bắn súng góc nhìn người thứ nhất.
Là một trong số ít game đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bởi người Việt, Hoa có tầm nhìn rõ ràng và định hướng nghệ thuật bài bản. Trò chơi này có thể không hoành tráng hay gay cấn kịch tính, nhưng đủ để người chơi có được khoảng thời gian vui vẻ nhẹ nhàng — như đang tận hưởng vẻ đẹp của một bông hoa nhỏ xinh.
Hoa hiện đã có trên PC, MacOS, Nintendo Switch, PlayStation, Xbox One và Xbox Series X/S. Truy cập trang Steam của trò chơi để biết thêm chi tiết.