Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » 'Thấy đỏ là thấy Tết' tại Hải Thượng Lãn Ông, phố trang trí sầm uất giữa lòng Chợ Lớn

'Thấy đỏ là thấy Tết' tại Hải Thượng Lãn Ông, phố trang trí sầm uất giữa lòng Chợ Lớn

Dạo một vòng quanh khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi mới nhận ra chẳng ở đâu câu nói “thấy đỏ là thấy Tết” lại đúng như ở phố trang trí Hải Thượng Lãn Ông.

Tọa lạc tại trung tâm của quận 5, Hải Thượng Lãn Ông là một trong những tuyến đường cổ xưa nhất của Chợ Lớn khi thành hình từ những năm đầu thế kỷ 19. Từng là một con rạch được các thương lái người Hoa dùng làm kênh vận chuyển và trao đổi hàng hóa, con đường bị san lấp theo quá trình đô thị hoá. Ban đầu, chính quyền Pháp thuộc chia đây làm hai đại lộ riêng — Quai de Gaudot và Quai de Bonhoure. Về sau, hai đại lộ được thống nhất lại thành một với tên gọi đại lộ Khổng Tử dưới chế độ Cộng Hòa. Đến năm 1975, đường mới chính thức đổi tên thành Hải Thượng Lãn ông như hiện nay. 

Góc đường Hải Thượng Lãn Ông — Tống Duy Tân.

Tuy trải qua nhiều lần “thay tên” nhưng con đường huyết mạch này không mấy “đổi vận” mà vẫn phần nào giữ được nét riêng của cộng đồng — nhất là ở khía cạnh đời sống kinh tế. Vì từng tập trung nhiều kho hàng và hoạt động giao thương, nơi đây tiếp tục thu hút các gia đình tiểu thương đến định cư và lập nghiệp. Họ buôn bán những mặt hàng đặc trưng, đơn cử nổi tiếng nhất là các loại thuốc đông y, thảo dược — đúng như cái nghiệp của vị lương y mà đường được đặt tên theo.

Ngoài dược phẩm, Hải Thượng Lãn Ông còn được mệnh danh là “địa bàn” của các sản phẩm trang trí theo mùa. Với hàng trăm hộ kinh doanh mặt tiền và sản phẩm được bày bán ngay trên mặt đường, nơi đây thu hút hàng nghìn du khách đến chiêm ngưỡng khi hoá thân thành những dáng vẻ khác nhau mỗi mùa lễ hội. Tuy nhiên, thời điểm con phố này nhộn nhịp và đặc sắc nhất trong năm phải là dịp Tết Nguyên Đán — khi con đường được phủ một sắc đỏ rực rỡ như chính cách cộng đồng Hoa Kiều ăn mừng dịp lễ này.

Tại một dãy shophouse điển hình trên đường Hải Thượng Lãn Ông, các tầng trên là nơi sinh sống của hộ dân, còn bên dưới là mặt bằng được trưng dụng để bày bán các mặt hàng trang trí Tết. Câu đối, đèn lồng, pháo hoa, hay bao lì xì là những mặt hàng chủ đạo, gần như luôn luôn là màu đỏ. Trong văn hóa của người Hoa, đây là màu đại diện cho sự may mắn, bình an và thịnh vượng. Đây là lý do gam màu này thường xuất hiện vào những dịp quan trọng của người Hoa như Tết Nguyên Đán đám cưới, và tân gia. Việc treo các vật phẩm màu đỏ vào những dịp này được tin là sẽ mang lại may mắn cho gia chủ. Qua thời gian tiếp xúc giữa hai nền văn hóa, niềm tin này cũng được tiếp nhận và thực hành bởi người Việt.

Các món trang trí theo phong cách truyền thống của người Hoa thường sẽ biểu thị các Hán tự như phúc (福), lộc (禄) và thọ (壽) cùng hình ảnh ba vị thần này hoặc cặp đôi tiên đồng ngọc nữ.

Thông qua quá trình tiếp biến văn hoá, vật dụng và ngôn ngữ của người Việt cũng bắt đầu xuất hiện trên các sản phẩm ngày Tết.

Vào những ngày cao điểm, việc buôn bán đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều thế hệ. Ở nhiều cửa tiệm, người trẻ sẽ được phân việc mời chào và tiếp đón khách hàng. Người lớn sẽ ở “hậu trường” đảm trách việc kiểm kê hàng hóa và thu chi. Vì tính chất cạnh tranh và bận rộn của công việc kinh doanh tại đây, phần lớn người lớn tuổi khá e dè khi tiếp xúc với ống kính của chúng tôi. Trong khi đó, người trẻ có vẻ cởi mở hơn, một số còn tạo dáng để chụp ảnh và dành chút thời gian để tán gẫu.

Hậu, 16 tuổi, cho biết cả cả gia đình cậu đều tham gian bán hàng trong dịp Tết này. “Nhưng em nghĩ năm nay bán đắt hàng hơn vì có em.” Cậu rất hứng khởi khi kiếm được đến 300.000VND từ mỗi ngày làm việc.

Tất nhiên không phải quầy hàng nào cũng có đông đúc khách ra vào. Những dự đoán về một năm kinh tế khó khăn sắp tới đang khiến người dân dè sẻn trong việc chi tiêu đầu năm hơn.

Một cảnh tượng thú vị năm nay là sự xuất hiện của hai con giáp — con thỏ theo niềm tin của người Hoa và con mèo theo niềm tin của người Việt. Tại một vị trí có sự giao thoa mạnh mẽ về văn hóa giữa hai cộng đồng, hai linh vật này được bày bán song song và không có sự tách biệt.

Dạo quanh Hải Thượng Lãn Ông là cơ hội để chiêm ngưỡng những di sản kiến trúc còn len lõi trong đời sống Chợ Lớn — như một cửa hàng xây dựng dưới ảnh hưởng của kiến trúc thời thuộc địa (trái) và một tòa nhà theo phong cách modernist (phải).

Chú Hùng là một nghệ nhân thư pháp. Mỗi dịp Tết, chú lại dựng quầy ở đây để chấp bút theo yêu cầu, thường là những ký tự may mắn gia chủ muốn trưng trong nhà để cầu tài lộc. Chú Hùng cho biết, khi chú lần đầu đến Hải Thượng Lãn Ông cách đây hai thập kỷ, mặt hàng chủ lực của con đường này là dụng cụ thể thao chứ chưa phải đồ trang trí như bây giờ.

Mèo, ông địa, bánh chứng và câu đối, phố Hải Thượng Lãn Ông đã có tất cả để mang không khí Tết về với các tổ ấm trên khắp Sài Gòn.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Lòng vòng quanh Phùng Hưng, khu phố náo nhiệt mà hoài cổ của quận người Hoa

Tọa lạc tại vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Chợ Lớn (quận 5), Phùng Hưng là con đường kết nối kênh Tàu Hũ với đường Hồng Bàng. Xuyên suốt chiều dài ấy, con đường mang trong mình hai sức sống song son...

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Trên xe buýt 146, có niềm vui nhỏ nhặt từ thú bông, gà cao su và tình người ấm áp

Giữa rừng phương tiện nườm nượp, lọt vào mắt tôi là một chiếc xe buýt chỉ có thể miêu tả bằng từ "dễ thương."

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Văn Hóa

Bên trong tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Châu Đốc

Cùng lúc Việt Nam bước vào chuỗi ngày lễ quốc gia dài hơi, cộng đồng người Hồi giáo trong nước cũng bắt đầu sự kiện quan trọng nhất năm với mình: tháng Ramadan.

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.