Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Một thoáng Việt Nam thân thuộc giữa Tokyo xa lạ

Một thoáng Việt Nam thân thuộc giữa Tokyo xa lạ

Nhìn sang phải, một xe bánh mì đầy ắp thịt nguội. Xa xa bên kia đường, loạt biển hiệu đủ màu đề chữ Bích Karaoke rực góc phố. Mặt tiền cửa hàng bên cạnh chào người qua đường bằng hàng tương ớt Chin-Su và cà phê G7 gói uống liền. Vài bước nữa, ta sẽ bắt gặp quán ăn xinh xinh nghi ngút khói phở nóng bên bàn ghế nhựa thân thương.

Khung cảnh dễ khiến người ta lầm tưởng rằng tôi đang ở Phố cổ Hà Nội, nhưng sự thật là tôi đang rảo bước ngay ngoài Trạm tàu điện ngầm Takadanobaba ở trung tâm Tokyo, “thủ phủ” của văn hóa Việt giữa đất khách. Chỉ với vài con đường, nhưng nơi đây hiện diện nhiều quốc kì Việt Nam đến mức vài người bạn Nhật của tôi đùa rằng đây là khu “Vietnam Town” (Phố Việt Nam) của Takadanobaba. Đùa là một chuyện, nhưng tôi đồ rằng, với tốc độ lan rộng như hiện nay, danh xưng đó chắc sẽ thành hiện thực một ngày không xa.

Trạm Takadanobaba là nút giao của 3 làn metro, và là trạm đông thứ 9 trên toàn hệ thống metro.

Khoảng năm 2020, ngay trước khi đại dịch COVID-19 vừa nổ ra, dân số học sinh Việt sinh sống ở Nhật đạt đỉnh với 73,389 người, chỉ sau Trung Quốc. Con số ấy chững lại đôi chút trong dịch bệnh, nhưng đã quay lại đà tăng tiến gần đây. Đó là chỉ là mới tính du học sinh. Tính cả toàn cộng đồng thường trú nhân, dân số người Việt ở Nhật gia tăng từ khoảng 52,000 người năm 2012 lên hơn 476,000 năm 2022, cũng chỉ sau cộng đồng Hoa Kiều. Với gần nửa triệu người, cộng đồng người Việt ở Nhật hiển nhiên có sức hưởng không nhỏ đến nơi mình sinh sống.

Rất dễ thấy cờ Việt Nam và biển quảng cáo Tiếng Việt trong khu phố.

Liệu sự hiện diện của yếu tố Việt tại nước bạn có khiến dân Nhật thêm tò mò về văn hóa Việt Nam không, trong nghệ thuật, âm nhạc, hay thời trang chẳng hạn? Nhưng trước tiên, có thực mới vực được đạo. Khu Takadanobaba có kha khá tiệm bánh mì, bao gồm Bánh Mì Xin Chào và Bánh Mì Sandwich. Chủ tiệm Bánh Mì Sandwich bảo với tôi rằng chính tiệm mình đã châm ngòi làn sóng ăn bánh mì ở Tokyo. Ngoài ra, nơi đây còn được “trang bị” hai quán karaoke theo kiểu Việt, vài tiệm chả giò nhà làm, và hàng tá hàng quán khác bán đủ thứ từ cao lầu cho đến bún bò Nam Bộ.

Bánh mì xá xíu và cà phê sữa đá ở Takadanobaba.

Anh Bích Khoáng, chủ tiệm tạp hóa trong khu vực, vui vẻ đón tôi vào thăm nhà mình, tiệm đồ nhập khẩu Việt Shop. Tầng trệt tiệm là nơi nhân viên hí hoáy chuẩn bị bento kiểu Việt để bán mang đi, và cả thức ăn cho nhà hàng Nón Lá gần đó, cũng do anh Khoáng làm chủ. Len lỏi lên cầu thang khá hẹp, ta sẽ đến gian phòng bày đầy “quà quê” Việt, như Bia Hà Nội và bánh snack Oishi.

“Ôi, nhiều lắm anh ơi,” Khoang trả lời khi tôi hỏi về hàng quán người Việt ở đây, không giấu được nét tự hào về cộng đồng mình mỗi khi anh kể tôi nghe về từng hộ kinh doanh. Đúng là nhiều thật. Nội lượng cờ đỏ sao vàng lấp ló trong từng góc kẹt cũng có thể khiến ta chóng mặt, nhưng cũng như được tiếp thêm sức mạnh. Ngay tại đây, giữa đô thị khổng lồ xa lạ, có ngôi làng Việt thân thương làm nơi neo đậu văn hóa quê hương cho hàng ngàn người Việt ở Tokyo.

Hàng quán Việt đem lại cảm giác thân thuộc nơi đất khách.

Diệu Linh, sinh viên quan hệ quốc tế đang sinh sống và làm việc ở Tokyo, cũng chia sẻ niềm vui mỗi khi cô đặt chân đến đây: “Đương nhiên em thấy vui chứ, được thấy cờ Việt Nam đầy đường, và khi thấy văn hóa Việt rất được đón nhận tại đây. Nhiều khi đi ở đây mà cứ ngỡ như em đang ở Hà Nội hay gì ấy.”

Được kết nối, dẫu chỉ trong giây lát, với những “đặc sản” văn hóa rất Việt luôn khiến Linh phấn khởi mỗi khi ghé thăm Takadanobaba, nhưng cảm giác tự hào khi thấy người dân sở tại chào đón sản phẩm văn hóa đất nước mình là một điều gì đó rất khó giải thích.

Ka-ra-ô-kê và tương ớt, đặc sản Việt không thể thiếu ở nước ngoài.

“Khi em dẫn các bạn Nhật đi ăn món Việt, hay nghe người Nhật bàn về Việt Nam hay khen đồ ăn ngon, em cảm thấy vui khi đến Takadanobaba, và cả lễ hội Việt Nam thường niên tổ chức ở Công viên Yoyogi,” Linh kể. “Em thấy mình thoải mái hơn khi thấy người ta có thiện chí với cộng đồng mình.”

Tiệm Bánh Mì Sandwich xếp ghế nhựa rất Việt Nam cho khách ngồi.

Chị Meiko Tamura, chuyên viên thiết kế đồ họa tôi gặp ở Takadanobaba, đã sinh sống ở đây hơn 10 năm; chị tin rằng văn hóa Việt rất có tiềm năng tiến xa hơn ở Nhật. “Sao lại không chứ? Người Nhật rất thích ăn món Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt,” Tamura nói. “Ở đây cũng có rất nhiều người Việt sinh sống, họ cũng hòa nhập rất nhanh nữa. Chị thấy ở đây có quá trời quốc kì Việt Nam nên cũng coi như ‘Phố Việt’ rồi.”

Tôi không dám chắc liệu quần thể hàng quán, cửa tiệm Việt ở đây sẽ phát triển thành “Phố Việt Nam” như mọi người nói không. Nhưng tôi biết rằng Takadanobaba đã gầy dựng cho mình tiếng tăm đáng kể trong mắt người Nhật, với cương vị là điểm đến không thể bỏ qua khi thèm món Việt ngon, và “đường vào tim em ôi băng giá,” nhưng có tô phở nóng thì như ngắn lại vô chừng.

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Tìm đến Aoya Ramen để ăn thử tô mì shoyu ngon nhất nhì vỉa hè Sài Gòn

Lần đầu tiên tôi thử tìm đường đến Aoya Ramen là vào một tối thứ Hai. Khi ấy, vạt lề đường trong hình trên mạng không một bóng người, mì ramen, hay quán xá. Tôi tiu nghỉu phát hiện ra quán nghỉ thứ Ha...

in Saigoneer Getaways

Xem núi Phú Sĩ, ngắm mặt trời lên từ bãi biển Shonan

Lần đầu tiên tôi đến bãi biển Zushi là vào một buổi chiều tà.

in Ănthology

Bánh mì của Charles Phan không phải là tấm vé về miền ký ức

“Charles Phan là người có ảnh hưởng lên ẩm thực Việt Nam hơn bất kỳ đầu bếp nào trong nước.” — Michael Bauer, San Francisco Chronicle.

in Uống

Hẻm Gems: Bộ đôi cafe và snack bar đưa bạn 'xuyên không' về nước Nhật thời kỳ Showa

Từ quận Bình Thạnh, có hai cách để đi vào quận 1, Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Hữu Cảnh. Ít ai biết rằng nằm giữa hai con đường tấp nập ấy là phường 19, một sân chơi sôi động cho cả Tây lẫn Ta.

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Ngồi tâm tình ở Curry Shika, quán cà ri Nhật 12 năm tuổi trong hẻm Sài Gòn

Trung bình nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể người, nhưng nhiều lúc tôi trộm nghĩ rằng chắc có khi cơ thể mình hết 70% là cà ri, và hơn một nửa trong đó là cà ri Nhật.

in Ăn

Hẻm Gems: Quán izakaya 'cool ngầu' nơi nhạc thập niên 80 giao thoa ẩm thực Nhật

Phải mất vài lần ghé thăm tôi mới nhận ra rằng nhạc nền ở quán Sakaba Sasuke ngày nào cũng như nhau.