Một bữa cơm gia đình đúng nghĩa của người Việt sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu một vật dụng quen thuộc — cái mâm.
Cái mâm — chiếc khay hình tròn trông khá đơn giản dùng để đựng các món ăn — đã gắn liền với những bữa cơm gia đình của biết bao thế hệ người Việt trong nhiều thế kỷ qua. Sau khi thức ăn được bày biện sẵn sàng, mâm sẽ được bưng lên nhà trên và đặt vào giữa chiếu. Từ ông bà, cha mẹ, đến các con các cháu lần lượt ngồi xuống chiếu, khoanh chân ngồi sát nhau, quây quần quanh mâm cơm. Một thành viên, thường là con nhỏ tuổi nhất sẽ có nhiệm vụ so đũa và mời ông bà, cha mẹ, anh chị. Trong lúc đó, người ngồi đầu kia sẽ xới cơm vào từng bát cho các thành viên trong gia đình. Bữa cơm người Việt cứ tuần tự như vậy diễn ra quanh chiếc mâm tròn tự bao đời nay.
Những chiếc mâm cơm đầu tiên được làm bằng gỗ, thường là từ gỗ mít. Theo báo Tuổi Trẻ, những chiếc mâm ngày xưa được sơn màu đỏ thẫm và có hoa văn cầu kỳ phức tạp để thể hiện sự sang trọng, giàu có. Khi bắt đầu bước vào Thời đại đồ đồng, người Việt đã làm ra và chuyển sang sử dụng mâm đồng với độ bền cao. Sau đó một vài thế kỉ, người anh em họ mâm làm từ nhôm ra đời và nhanh chóng có mặt khắp mọi miền đất nước bởi tính tiện dụng cao.
Một số đồng bào dân tộc thiểu số lại dùng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường để làm ra chiếc mâm. Ở một số khu vực miền Bắc và dọc theo ven biển miền Trung nước ta, dân tộc Thái rất tự hào về những chiếc mâm bằng mây tre đan mà họ làm ra. Mâm được đan thủ công nên rất bền và chắc, có thể sử dụng đến 20 năm. Bên cạnh đó, người Mường thường dùng những lá chuối có màu hơi úa để làm lót mâm. Sau đó, người ta sẽ sắp xếp các món ăn đặc sản của núi rừng lên trên để tạo thành một mâm cơm đầy màu sắc.
Có thể ví mâm cơm như một ống kính — nhìn vào mâm cơm, người ta có thể thấy nét đẹp ẩm thực trong những bữa ăn hàng ngày của người Việt. Thực đơn cơ bản cho một bữa ăn bao gồm một món rau theo mùa, một món thịt và một tô canh. Các món ăn được sắp xếp hài hòa xung quanh mâm tròn, với bát nước mắm cay đặt ở trung tâm. Thật khó để hình dung một bữa cơm ngày hè mà không có dĩa rau muống xào hoặc một bữa cơm ngày đông lạnh giá mà không có món cá kho.
Thiết kế đơn giản và tiện dụng là lý do tại sao mâm được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Một chiếc mâm tròn với những món ăn thơm ngon hấp dẫn chắc chắn sẽ nhanh chóng thu hút ánh nhìn thèm thuồng của những người đang vào cơn đói cồn cào. Sự xuất hiện của mâm cơm như một tín hiệu vô thanh để các thành viên trong gia đình biết rằng giờ ăn cơm đã đến. Mọi người nhanh chóng thu xếp những công việc đang làm dở để cùng sum họp quanh mâm cơm. Khác với cách bày biện bàn ăn của phương Tây với từng vị trí ngồi thể hiện đẳng cấp, ý nghĩa khác nhau, mâm cơm tròn Việt Nam là tượng trưng cho tinh thần bình đẳng. Trong bữa cơm, chiếc mâm gắn kết tất cả mọi người, cùng nhau ngồi vòng quanh không phân biệt địa vị hay tuổi tác, cả nhà cùng sum họp trò chuyện để tăng thêm không khí vui vẻ cho bữa cơm. Mặc dù chiếc mâm chỉ đơn thuần là một vật dụng để bưng cơm từ bếp và dọn dẹp khi đã dùng xong nhưng khi mọi người ngồi quây quần xung quanh, nó lại chứa đựng nhiều giá trị tinh thần sâu sắc.
Bố tôi, năm nay đã hơn 60 tuổi, cho rằng sự gắn kết xung quanh mâm cơm của người Việt xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước. Ông bà tôi và chín người con đã từng làm việc trên đồng từ khi gà gáy đến lúc mặt trời lên quá đỉnh đầu. Cuộc sống lam lũ, khó nhọc lắm. Ăn cơm chỉ với hai quả trứng luộc, một ít nước mắm pha loãng và bó rau rừng. Bố tôi hồi tưởng lại: “Hồi xưa có gì ăn nấy, nhưng cả nhà đợi nhau, gắp cho nhau. Nghĩ lại vẫn thấy ấm lòng.”
Những cử chỉ diễn ra xung quanh mâm cơm truyền thống, từ bao đời nay, dù nhỏ nhặt thôi, nhưng diễn ra rất nhịp nhàng, tuần tự. Khi ngồi vào mâm, con cháu ít tuổi phải mời cơm lần lượt từng người theo thứ tự tuổi tác để thể hiện sự biết ơn, tôn trọng với các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Những người lớn tuổi sẽ nhẹ nhàng gật đầu đáp lại và chỉ khi người lớn tuổi nhất cầm chén lên thì các thành viên khác mới bắt đầu. Bữa cơm không chỉ đơn thuần là gặp gỡ mọi thành viên trong gia đình, mà còn là cơ hội để thể hiện sự yêu thương, chia sẻ, chăm sóc cho nhau. Hành động gắp thức ăn cho người ngồi hơi xa một món ăn nào đó thể hiện sự quan tâm một cách tinh tế của người trong nhà. Hay nếu ai đó không về kịp để ăn bữa cơm tối với gia đình, thức ăn sẽ được để phần lại trong bát được đậy kín.
Hình ảnh mâm cơm khiến tôi liên tưởng tới một chiếc đồng hồ báo thức, không kim, không số, không chuông báo: chỉ cần nhìn thấy là các thành viên trong gia đình tự động quây quần cùng nhau. Mâm cơm gia đình, một cách vô thức, báo gọi mọi người nhanh chóng sắp xếp công việc, tạm gác lại những cuộc điện thoại và rời xa nhịp sống hối hả, bộn bề hàng ngày để nhanh chóng về nhà, ngồi quanh mâm cơm với những người thân yêu. Vào đêm 30, thấy con cháu tề tựu đông đủ quanh mâm cơm sau khi cúng giao thừa, thế là thấy Tết về rồi.
Tính kết nối của chiếc mâm không chỉ thể hiện ở bữa cơm ngày thường. Ở lễ ăn hỏi, những chiếc mâm xếp đầy trầu cau, sính lễ đã giúp trai gái nên đôi nên cặp, đưa hai họ về cùng một nhà. Trong những dịp lễ tết, mâm lễ cúng được sửa soạn chu đáo để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, thể hiện sự thành kính, biết ơn của con cháu.
Ngoài việc gắn kết những thành viên trong gia đình, chiếc mâm đôi khi cũng là hiện thân của sự phân chia cao thấp bởi những quan niệm phong kiến xưa cũ và gia trưởng. Trong những dịp giỗ tết ở nông thôn, đến ngày nay vẫn còn khái niệm mâm trên mâm dưới. Khi vào bàn tiệc, phụ nữ ngồi với nhau, xung quanh là đám trẻ con. Trong khi các cụ lớn tuổi và đàn ông ngồi cụng ly vui vẻ, thoải mái ăn uống thì phụ nữ vừa chăm trẻ con, vừa chạy lên chạy xuống để phục vụ mâm khác.
Với những gia đình Việt Nam hiện đại ở thành phố, sự gắn kết giữa các thành viên và thế hệ dần trở nên ít hơn. Em gái tôi, sinh viên năm hai, nói rằng không khí trong nhà khiến bản thân thấy ngột ngạt. Cô gái thấy ăn quà quán xá cùng bạn bè vui hơn nhiều. Thói quen và sở thích ăn uống của cô em tôi, và cũng là của các bạn trẻ bây giờ là một trong những yếu tố khiến những buổi gia đình quây quần ăn uống bên nhau ngày một thiếu vắng.
Ngày nay, các hàng quán cũng đang tìm cách để tích hợp truyền thống và hiện đại trước những thay đổi văn hóa mới mẻ. Chủ các nhà hàng hiện đại phục vụ món Việt Nam cũng bày biện món ăn trên mâm cơm truyền thống. Ngồi ăn quanh mâm cơm tròn là cách giúp các đối tác làm ăn dễ dàng giao tiếp, tạo cảm giác tin tưởng hơn. Chủ các homestay cũng hay nấu mời khách cùng dùng bữa để thưởng thức hương vị truyền thống đích thực của ẩm thực Việt.
Tự bao đời, mâm cơm đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ, luôn ở đó trong mỗi lần sum họp như nói khẽ cho ta nghe rằng: giữa chúng ta, những thành viên trong gia đình, giữa bạn và tôi đều có sự kết nối lạ kỳ. Chúng ta không lẻ loi trong cuộc sống mà là một phần của những vòng tròn gắn kết, rất thiêng liêng và đầy yêu thương.