Với các cộng đồng Hoa Kiều trên khắp Châu Á, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Nếu như trong văn hóa Việt, ngày giữa năm này đánh dấu dịp Tết Đoan Ngọ, thì nhân dân Trung Hoa lại gọi ngày lễ này bằng cái tên Lễ hội Thuyền rồng (端午节). Tại mỗi quốc gia Châu Á, ngày lễ được cư dân đón nhận với mục đích và ý nghĩa khác nhau. Tết Đoan Ngọ trên đất Việt mang màu sắc tri ân hình tượng mẹ Âu Cơ, người đã sinh ra dân tộc Bách Việt, tổ tiên của người Việt bây giờ. Dân gian vẫn lưu truyền hai câu thơ nói về nguồn gốc này: “Tháng năm là tết Đoan Dương/Nhớ ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang.”
Đất nước mặt trời mọc không theo âm lịch, nên ở Nhật, lễ hội thường diễn ra vào ngày 5 tháng 5 dương lịch, với mục đích tôn vinh niềm hạnh phúc của trẻ con. Đó là lý do ngày này được biết đến với tên kodomo no hi (こどもの日), hay Ngày Thiếu Nhi, trong tiếng Nhật. Trong cộng đồng ngoài Châu Á, ngày 5 tháng 5 hay được gọi là Dragon Boat Festival (Lễ Hội Thuyền Rồng) theo hoạt động nổi bật nhất mà cộng đồng Hoa Kiều tổ chức trong dịp này.
Chiếc bánh bá trạng cỡ chuẩn nhân trứng muối đậu xanh.
Dù các nền văn hóa khác nhau tôn vinh Lễ Nửa Năm bằng nhiều tập tục khác biệt, một yếu tố xuất hiện xuyên suốt là các loại bánh khác nhau, có điểm chung là được gói tỉ mỉ bằng lá.
Sự tích nổi tiếng nhất về truyền thống gói bánh bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Nhà thơ, trung thần Khuất Nguyên vì khuyên can vua Sở Hoài Vương không được, nên đã trầm mình xuống sông Mịch La đúng ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng, vì muốn cứu vị hảo hán một lòng trung thành với nước, đã ném bánh gạo trên thuyền xuống nước, mong các loài thủy ngư sẽ đớp bánh lễ vật thay vì Khuất Nguyên. Thuyền của cư dân sau này trở thành cơ sở lịch sử cho những chiếc thuyền rồng trong lễ hội sau này ở Trung Quốc.
Trong câu chuyện huyền sử, không rõ loại bánh nào được người dân lúc bấy giờ dùng làm vật biếu, nhưng ngày nay, khắp Việt Nam, mỗi vùng có cách gọi và cách làm bánh Đoan Ngọ khác nhau: bánh ú phổ biến ở miền Nam, bánh tro hay bánh gio ở miền Bắc, và bánh bá trạng là tên gọi trong cộng đồng người Hoa. Hàng xóm của Việt Nam trong khu vực cũng có nhiều tên gọi khác nhau cho loại bánh này, như tống tử (粽子) hay bá trạng (肉粽) trong tiếng Hoa và tiếng Phúc Kiến, và chimaki (粽) trong tiếng Nhật.
Saigoneer có dịp ghé thăm cô Cầm và cô Trân, nhà ở chợ Phùng Hưng, để xem gia đình hai cô ăn Tết Đoan Ngọ và nấu bánh ra sao.
Cô Cầm nhà ở Chợ Phùng Hưng, gia đình cô năm nào cũng nấu bánh bá trạng.
“Cô có gốc Quảng, nhà cô làm mấy bánh này từ xưa lúc ông bà tới đây,” cô Cầm nói. “Bánh nhân thịt heo, trứng muối, hạt sen, nấm, gà với đậu xanh. Còn bánh chay thì làm bằng nước tro với đậu đỏ.” Cái bánh cô gói luộc ra có vị vừa vặn, không ngấy quá hay mặn quá. Tưởng như loạt nguyên liệu đã hòa thành một chủ thể mới, vừa ngon vừa hài hòa.
“Nhà cô luộc bánh hơn 8 tiếng sau khi gói bằng lá tre. Cũng mệt lắm. Người Tiều ngày xưa họ sao nếp bằng mỡ heo, xì dầu, tôm khô, với mấy thứ khác nữa, nhưng mà nhà cô không có làm kiểu đó nữa vì bánh ra vị dầu mỡ lắm. Dầu mỡ nhưng mà ngon, bánh bá trạng chính hiệu người Hoa đó! Cô chỉ gọi bánh cô làm bánh ú.”
![](http://media.urbanistnetwork.com/saigoneer/article-images/2022/06/03/duwuan/04b.jpg)
![](http://media.urbanistnetwork.com/saigoneer/article-images/2022/06/03/duwuan/07b.jpg)
Nấu bánh bá trạng cũng giống như bánh chưng: sau khi bánh gói xong, người làm bánh sẽ luộc trong nồi hàng giờ đồng hồ.
Sau khi hỏi thăm xung quanh, chúng tôi được người dân “mách nước” cho địa chỉ của một “siêu sao” trong làng bánh bá trạng — cô Phượng. Nhà cô nằm sâu trong con hẻm quận 11 gần Đầm Sen, nhưng chúng tôi cũng gắng sức lặn lội trong cái nắng trưa Sài Gòn và đường phố đông đúc để diện kiến cho được “nữ hoàng bánh bá trạng Sài Gòn.”
“Nhà cô làm bánh này ba đời rồi đó, mỗi năm có bốn ngày thôi, nhưng làm gần 80 năm rồi,” cô Phượng xởi lởi nói. “Để làm bánh loại lớn nhất, cao cấp nhất, cô xài 12 loại nguyên liệu, từ đơn giản như đậu xanh, gà, heo cho tới món sang như bào ngư hay thậm chí vi cá. Hầu hết nguyên liệu cô tự làm hết, kể cả tôm khô. Cô không có xài hóa chất bảo quản gì. Gà, heo cô cũng tự quay bằng lò ở nhà.”
![](http://media.urbanistnetwork.com/saigoneer/article-images/2022/06/03/duwuan/13b.jpg)
Loạt nguyên liệu làm nhân cho phiên bản bánh cao cấp của cô Phượng.
Quang cảnh “lò” bánh nhà cô Phượng rất ấn tượng. Mỗi chiếc bánh bá trạng nặng cả kí, nấu trong ít nhất 10 tiếng và chỉ bán theo cặp cho hên. Thoạt nhìn cặp bánh hao hao bánh chưng, nên tôi hỏi cô vì sao bánh được gói hình vuông thay vì hình kim tự tháp như thường thấy.
“Thật ra, vì người Việt thích vậy. Nói thật thì ngày xưa bánh này rất đơn giản vì chỉ có người Hoa ăn,” cô giải thích. “Giờ khách cô nhiều người Việt hơn người Hoa. Người ta khá giả hơn nên người ta thích loại cao cấp nhất, vì cũng để cúng trước khi ăn.”
Để làm đủ bánh bá trạng bán, mỗi năm cô Phượng phải huy động "nhân công" cả nhà.
“Cô không sử dụng những thứ ‘chuẩn’ Hoa như hạt dẻ hay lạp xưởng vì khó đồng đều. Một hạt bị hư thôi là cả bánh không ăn được, cũng khó xem lúc nào hạt chín.”
Sự thật lúc nào cũng có vị bùi vị đắng trong đó. Món ăn và truyền thống ẩm thực đang biến hóa, thích nghi hằng ngày để phù hợp với thị hiếu thay đổi và khẩu vị người ăn từng vùng. Vậy thì đâu là tiêu chuẩn để xác định xem một thức quà có tuân theo truyền thống và nguyên bản hay không? Theo cá nhân tôi, đó chính là cái tâm. Khi tôi hỏi cô Phượng bí quyết để gói bánh ngon, thì cô cười rồi nói: “Nghĩ ngon là mình làm.”