Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Văn Hóa Ẩm Thực » Chất chứa nỗi nhớ quê nhà trong bao thức quà mẹ gửi

Chất chứa nỗi nhớ quê nhà trong bao thức quà mẹ gửi

“Hai chị em ăn gì để mẹ gửi.”

Tôi và em gái sống cách quê hương 600km tại một thị trấn nhỏ bình yên nằm giữa núi đồi xanh mát. Mỗi tháng, mẹ đều đặn gửi cho chúng tôi một thùng lương thực “cứu đói.” Ngày còn nhỏ, chị em tôi quây quần bên mâm cơm thơm lừng mẹ nấu. Đến lúc xa nhà, mẹ vẫn như ở bên chúng tôi bằng một cách giản dị mà thương lắm. Mỗi lần mở thùng đồ ăn mẹ gửi, hương vị quê nhà, tháng ngày thơ bé cứ ùa về trong lòng chị em tôi.

Đồ ăn mẹ gửi mùa nào thức nấy: mùa mưa thì trong thùng là cá tép mẹ mua của mấy cô chú quen ngoài chợ. Mùa xả ao xả hồ cá vừa tươi ngon lại vừa béo núc. Chục trứng gà ta bé xíu mẹ bỏ trong hũ nhựa ủ thêm trấu cẩn thận. Rồi thêm cả những rau củ vườn mẹ trồng, măng non lúp búp, ít nấm mối mọc sau mưa vẫn còn thơm mùi đất, có gì ngon cũng gói ghém vào cả. Mùa hè thì tha hồ ăn các loại trái cây vườn, nào là sầu riêng, bơ, chôm chôm, nhãn, vải. Mẹ gói cả chợ quê vào chiếc thùng nhỏ xíu ấy cho chúng tôi.

Mở nắp ra, tôi thấy những món ăn được mẹ nấu sẵn rồi kỳ công chia thành từng phần nhỏ — nào cá kho chuối, thịt gà rang sả, bò hầm củ — đủ cho một đến hai bữa, để các con khỏi phải hâm lại nhiều lần. Có thịt heo, thịt gà quê mẹ đã cấp đông trước, hay chỉ một nhúm rau nhỏ cũng được mẹ sơ chế, gói kỹ trong túi, có khi còn kèm lời nhắn dặn dò ăn sao cho ngon. Nhìn qua thì giản dị, nhưng đằng sau là hai ngày mẹ tất tả chuẩn bị, chọn nguyên liệu, tất bật nấu nướng, đóng gói rồi gửi xe. Tôi hay đùa: “Tình yêu của mẹ được gói trong lá chuối, bọc ni-lông và mấy cục đá giữ lạnh trong thùng xốp.” Thứ tình cảm mộc mạc mà ấm lòng hơn bất cứ điều gì chị em tôi có được trong đời.

Có lần tôi chỉ nhắn vu vơ: “Mẹ ơi, con thèm thịt heo đồng bào quá.” Vài hôm sau, tôi nhận được cả… 7kg. Tôi dở khóc dở cười và nghĩ thầm, hình như mẹ Việt Nam nào cũng vậy. Càng lớn hơn tôi lại càng thấy rõ, mùi vị quê hương thấm đẫm vào da thịt những đứa trẻ lớn lên từ đất đỏ như chúng tôi, xa quê hương là cứ nhớ quay quắt những món quê nhà, dù nơi đang sống là thành phố giàu có và hiện đại bậc nhất, chẳng thiếu thứ gì. Cái nhớ trong lòng, đôi khi bắt đầu từ vài bó rau mẹ gói ghém.

Khi thùng đồ vừa đến, tôi luôn tự tay mở ra, rồi từ từ lấy từng món ra phân loại — rau, thịt, cá, trái cây — thứ nào vào ngăn nào cho đúng. Có món tôi rửa sạch rồi xếp vào hộp, có món chỉ cần cấp đông như cách mẹ dặn. Việc cất giữ trở thành một nghi lễ nhỏ, tôi làm rất chậm, rất kỹ, như thể không muốn bất cứ thứ gì bị hỏng hay vô tình bị tôi quên lãng. 

Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, mọi thứ đều tiện lợi, việc mẹ vẫn cặm cụi gói từng bó rau, xếp từng hũ mắm, buộc từng túi trái cây quê như một nhịp chậm thắt giữ tình cảm ruột rà. Thỉnh thoảng, khi thoáng nghĩ đến một ngày nào đó mẹ không còn nữa, lòng tôi chững lại: rồi ai sẽ là người gửi thức quà quê cho chị em tôi đây?

Với những ai đang tha hương, có lẽ sẽ thấy đâu đó bóng dáng chính mình trong câu chuyện này. Ai xa quê mà không đôi lần được cha mẹ gửi đồ. Mỗi khi mở nắp thùng đồ cha mẹ gửi, ký ức thân thuộc ùa về, có khi lại khóc ngon lành như đứa trẻ vì thấy mình được yêu thương quá nhiều. Còn người đang kề cận bên cha mẹ, biết đâu sẽ ngẫm lại mà trân quý thêm từng bữa cơm chung.

Có lẽ sau này, tôi rồi cũng sẽ trở thành mẹ, tôi rồi cũng sẽ gửi cho các con tôi những thùng đồ chất chứa mùi vị quê nhà.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Không chỉ mang may mắn, Ông Địa là vị thần hộ mệnh của những món đồ tôi làm thất lạc

Vào một ngày năm tôi bảy tuổi, tôi đã lóng ngóng chắp tay, run run khấn Ông Địa lần đầu.

in Đời Sống

Tản mạn về những tờ rao vặt chuyển nhà rơi rải khắp thành phố

Mỗi lần ngồi ăn uống ở lề đường hay dừng xe chờ đèn đỏ, tôi hay ngẩng lên nhìn những cột điện, cột đèn, hay những bờ tường chưa sơn chưa trét vôi, và thấy những tờ rao vặt chuyển nhà.

in Văn Hóa Ẩm Thực

Nhiếp ảnh gia ẩm thực Đức Bùi chia sẻ cách trụ vững với nghề: ‘Hãy sống như một quả trứng’

Sau hơn sáu năm lăn xả cùng các shoot ảnh để mang những bữa tiệc thị giác chiêu đãi khán giả, nhiếp ảnh gia ẩm thực Đức Bùi đã ngồi xuống với Urbanist để chia sẻ những trải nghiệm của bản thân và kinh...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Tản mạn về ốc, món ăn bị hiểu nhầm của người Việt

Có lẽ không quốc gia nào có công thức chế biến món ốc tươi ngon như ở Việt Nam. Ốc là một món ăn gây tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng câu chuyện ẩm thực đằng sau món ốc Việt Nam có thể đang ...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Từ Hàn đến Việt, chuyện bánh đồng xu và kỉ niệm về tiền mặt trong thời đại số

Đã có giai đoạn tôi ăn bánh đồng xu thay cho cơm bữa.

Paul Christiansen

in Văn Hóa Ẩm Thực

Từ New York, cô gái trẻ Việt lan tỏa tình yêu ẩm thực nước mình qua sáng tạo hình ảnh

"Khi hiểu rõ công việc mình làm, một food stylist mới có thể thổi hồn vào món ăn mà họ trình bày," là cách mà Thư Phạm Buser, một food stylist người Việt hiện đang sinh sống và làm việc ở New York, ch...