Mỗi lần ngồi ăn uống ở lề đường hay dừng xe chờ đèn đỏ, tôi hay ngẩng lên nhìn những cột điện, cột đèn, hay những bờ tường chưa sơn chưa trét vôi, và thấy những tờ rao vặt chuyển nhà.
Những tờ giấy cỡ A3, A4, kiểu chữ Arial, in đậm màu đen, chữ bự để người ta nhìn qua một lần là có thể thấy rõ nội dung cần quảng cáo: chuyển nhà, chuyển trọ, văn phòng, 090X… Có những tờ cũ đã úa màu mưa nắng, những tờ mới lì lợm nằm chồng lên dấu giấy trước đây — dấu vết của một đợt ra quân cạo rửa để chỉnh trang mỹ quan đô thị của chính quyền địa phương.
Nhìn những tờ rao vặt ấy, tôi chợt nhớ đến những lần mình vật vã chuyển nhà, vật vã dọn đồ đạc, rồi đứng nhìn đống nợ đời ngổn ngang ấy được chất lên xe chở về nơi ở mới. Tôi cũng nhớ nhiều lần bước xuống sảnh chung cư, thấy một chiếc ba gác hay xe tải đậu ven đường, với từng mớ hành lý được vác xuống và đẩy dần lên thang máy, còn gia chủ thì chạy lăng xăng để mở cửa.
Hình như mỗi ngày trong lòng thành phố này đều có những sự đổi dời không ngừng nghỉ. Núp trong các hội nhóm Facebook tìm nhà, lúc nào tôi cũng thấy có người, nhiều khi là người quen, bạn bè bình luận xin thông tin giá cả. Người ta chuyển nhà vì hết hợp đồng, vì nhu cầu công việc, gia đình; có khi oái oăm hơn là nhà đang ở bị chủ rao bán. Chuyện chuyển nhà như thế cứ diễn ra khi người ta thấy cần thiết. Khi ấy, các dịch vụ vận chuyển trở nên vô cùng quan trọng, nhất là với những ai trót sắm sửa quá nhiều đồ đạc.


Tôi nghĩ đến bao con người đằng sau những số điện thoại rao vặt ấy, những giọng nói ồm ồm hoặc lanh lảnh bên kia đầu dây khi bạn gọi tới. Nếu như đó không phải là lừa đảo, thì bên kia chắc là một ông chú, một bà cô, một anh chị nào đó, một người hẳn đã quen với những đống hàng lỉnh kỉnh, những chuyến xe hết chui từ hẻm này lại rúc vào hẻm khác để bắt kịp hành trình dời đổi nơi ở của khách tứ phương.
Hẳn là trên chuyến xe đó, họ không chỉ chở theo hành lý của khách mà còn là ký ức, tâm tư, hi vọng của người sắp rời bỏ một nơi chốn để đi về vùng trời mới. Và bản thân họ cũng có thể là những người nhập cư đến thành phố này lập nghiệp. Chính họ đã từng là những người chuyển nhà như thế, mang theo những khối hành lý mà họ nâng niu cho chặng đường mới.


Có phải những người nhập cư đã len lỏi và làm nên từng góc cạnh nhỏ nhất của thành phố này không? Tôi không dám chắc khi đứng trước câu hỏi có tính bao quát như vậy.
Nhưng tôi đã thấy từng lớp người, từng thế hệ từ khắp mọi nơi đổ về đây, sẵn sàng cho mọi sự thay đổi để có được nhiều cơ hội phát triển hơn. Vài người trong số họ trở thành mắc xích giúp chuyển dời cho những lớp người nhập cư khác. Những tờ rao vặt chuyển nhà cũ rơi rụng sẽ lại được thay thế bởi những tờ mới, như một thứ hiện thân cho vòng lặp liên tục của đời sống thành thị. Nhịp độ liên tục ấy đã góp phần tạo nên sức sống mạnh mẽ không ngừng nghỉ của Sài Gòn, và nhiều khi làm tôi xúc động trước sự bền bỉ và nghị lực của nó.