Vào năm 2014, giữa muôn vàn bản tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì có một bài tin ảnh được dư luận quan tâm hơn cả, đó là bức ảnh Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Bảo Châu đi dép tổ ong giảng bài cho các em học sinh trong một phòng học dựng tạm ở trường tiểu học Lũng Luông, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học người Pháp gốc Việt hiện đang công tác tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ và là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huy chương Fields, một giải thưởng cao quý dành cho các nhà toán học xuất sắc. Mặc dù hình ảnh GS Ngô Bảo Châu đến thăm hỏi, động viên và dạy học cho các em nhỏ khiến nhiều người xúc động và nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng điều khiến cư dân mạng thích thú nhất khi xem bộ ảnh lại là sự xuất hiện của đôi dép tổ ong màu vàng nhạt của GS Châu — một vật dụng vốn được xem là “đôi dép quốc dân” của Việt Nam.
Kể từ khi đạt được huy chương Fields, GS Ngô Bảo Châu đã trở thành một biểu tượng của trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế, vì thế hình ảnh một vị giáo sư tài ba, nổi tiếng trong trang phục giản dị, với đôi dép tổ ong huyền thoại đã khiến nhiều người thật sự ngạc nhiên và cảm phục. Đôi dép tổ ong tượng trưng cho những gì khiêm tốn nhất của đời sống vật chất, hình ảnh này đã gắn liền với thời kỳ đất nước mình còn nghèo đói và khó khăn.
Nói như vậy không có nghĩa là người Việt Nam không thấy tự hào với dép tổ ong. Chúng ta vẫn yêu quý chúng như “người thân” của mình. Đôi dép không chỉ gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ mà còn gợi nhắc chúng ta về thời kỳ mà cha ông ta phải “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua những khó khăn sau chiến tranh. Ở một khía cạnh nào đó, đôi dép tổ ong cũng có thể được coi là thành tựu tiêu biểu trong lao động sản xuất của người Việt Nam bởi đã có thể tồn tại và thịnh hành trên thị trường trong gần bốn thập kỷ qua.
Dép tổ ong không có mẫu mã bắt mắt hay hợp thời trang. Dép được làm bằng cao su, màu vàng ngà với đế dày dặn, thiết kế đơn giản, quai dép được đúc theo họa tiết hình lục giác giống như tổ ong. Tuy nhiên những hạn chế ở kiểu dáng của đôi dép lại được bù đắp bởi độ bền và tính tiện lợi, đây cũng là những đặc tính của hầu hết hàng hóa được sản xuất trong thời kỳ Đổi mới. Cũng vì thế mà hiện nay, đôi dép tổ ong vẫn là vật dụng quen thuộc của nhiều trẻ em kém may mắn ở các vùng kinh tế khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Mẫu dép tổ ong đầu tiên được sản xuất vào những năm 80 bởi Xí nghiệp nhựa Hải Phòng, mang nhãn hiệu Tiền Phong. Dép được làm từ cao su thiên nhiên với những tông màu đơn giản như màu vàng nhạt của vỏ trứng và màu vàng ngà, những đôi dép này sẽ dần ngả màu sậm hơn sau một thời gian đồng hành với chủ nhân của mình trên khắp các nẻo đường quê hương. Các chi tiết trong thiết kế của đôi dép đều đáp ứng những nhu cầu sử dụng của cụ thể người dùng: chất liệu cao su bền bỉ, đế dày để bảo vệ đôi chân trên những con đường xưa cũ vốn nhiều đất bụi và chưa trải nhựa đường, và các lỗ nhỏ trên mặt quai dép giúp thoáng khí, cho bàn chân ráo mồ hôi trong cái nóng khắc nghiệt của miền nhiệt đới.
Cùng với mì gói Miliket và xe đạp Thống Nhất, dép tổ ong dần trở thành một trong những vật dụng thiết yếu trong mỗi gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh thành phía Bắc gần Hải Phòng. Mặc dù trên thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu dép tổ ong khác, nhiều người vẫn cho rằng dép tổ ong Tiền Phong là tốt nhất, và do đó cũng đắt nhất. Một độc giả của Zing kể lại một kỷ niệm thời thơ ấu của mình rằng: năm 1987, để mua được 2 đôi dép cho 2 bố con, mẹ anh đã phải bán tới 15 buồng chuối.
Ai có thể nghĩ rằng những đôi dép lê đơn giản, lỗi mốt này lại từng là một món đồ mà ai cũng mang mỗi khi ra đường? Ngày nay, mỗi đôi dép tổ ong được bán với giá 25.000–30.000 đồng, tùy thuộc vào thương hiệu, xuất xứ và kiểu dáng. Các mẫu dép được sản xuất hàng loạt từ Trung Quốc thường mỏng hơn và lòe loẹt hơn với nhiều màu sắc bắt mắt từ đỏ tươi, xanh đậm đến neon. Những đôi dép này cũng rẻ hơn so với những đôi dép màu vàng nhạt truyền thống được sản xuất ở trong nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với Infonet, chuyên gia về xây dựng thương hiệu Đặng Thanh Vân đã đồng tình rằng câu chuyện về dép tổ ong là một trong những bài học về xây dựng thương hiệu thành công nhất của Việt Nam.
“Doanh nghiệp có thể phá sản, tan rã hoặc tổ chức không tồn tại, nhưng những ‘liên tưởng trong tâm trí công chúng' sẽ có đời sống độc lập tương đối. Doanh nghiệp dầu muốn cũng khó có thể phá bỏ những liên tưởng đó,” bà chia sẻ.
Những ấn tượng lâu bền này thực sự là một thách thức không thể tránh khỏi bởi những sản phẩm này đã gắn liền với đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam trong thời bao cấp suốt hơn 3 thập kỷ. Hình ảnh đôi dép tổ ong đã tồn tại trong đời sống người Việt suốt bao thế hệ và cứ thế vẫn thịnh hành cho đến tận những năm 2010.
“Đôi dép tổ ong phổ thông ấy hiện được giới trẻ hiện đại đánh giá là ‘không bao giờ lỗi mốt’ vì nó vừa có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của khách hàng bình dân (rẻ, bền, thoải mái) lại vừa phù hợp với thị hiếu của khách hàng trẻ (dân dã, xuề xòa, mong muốn thể hiện cái tôi khác biệt),” chuyên gia Đặng Thanh Vân nói thêm.
Trong thập kỷ này, có những cô bé cậu bé lớn lên trong những năm 80 và 90 hiện đang là những người trưởng thành làm việc trong các lĩnh vực như định hình phong cách, thiết kế và kinh doanh. Họ mong muốn hồi sinh những giá trị cũ đong đầy kí ức tuổi thơ vào trong đời sống giới trẻ hiện nay, và một lẽ rất tự nhiên là dép tổ ong trở thành một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo cho các dự án mới mẻ và ý nghĩa này.
Đối với nhà thiết kế trẻ Nguyễn Duy Anh đến từ Hà Nội, đôi dép tổ ong đã rách của anh gợi nhớ đến cuộc sống những năm 90 ở khu phố cổ của thủ đô. Anh lớn lên trong một gia đình nhiều thế hệ và chiếc dép tổ ong đầu tiên anh sở hữu là một đồ vật “gia truyền” được truyền từ anh em họ hàng sang anh trai rồi đến anh. “Đôi dép đó quá khổ, màu cháo lòng, và rách nát,” anh nhớ lại trong một email gửi Urbanist. “Nhưng đối với tôi, nó không chỉ là đôi dép, mà còn là miếng đệm lót cho chiếc bàn hay tủ quần áo bị khập khiễng; thứ dùng để ném lon, làm gôn đá bóng hoặc thậm chí là là, vũ khí khi cần thiết.”
Gần đây, Duy Anh công bố một dự án mới rất thú vị trên trang Behance của mình. Mục tiêu của dự án là làm mới lại toàn bộ nhận diện thương hiệu của vật dụng “huyền thoại” này, mang đến vẻ trẻ trung, tươi mới cho dép tổ ong. Dự án cá nhân có tên gọi là TỔONG và là sự kết hợp giữa thiết kế vượt thời gian của chiếc dép với thẩm mỹ đương đại để tạo ra một sản phẩm với các chi tiết tối giản, màu sắc nhẹ nhàng và cảm giác “cool ngầu”. Ban đầu, dự án là bài tập của Duy Anh trong lớp đồ họa 2D của mình, nhưng anh quyết định phát triển nó lên và ứng dụng kỹ năng đồ họa 3D vào bản thiết kế.
Trong mô hình mock-up của Duy Anh, những chiếc dép thô kệch bỗng hóa thành những cánh chim tự do, uyển chuyển bay lượn trên không trung theo những đội hình đầy mê hoặc giống như hình ảnh những vận động viên bơi nghệ thuật, đàn cá trong đại dương, hoặc bầy chim di trú trên bầu trời. Sử dụng phong cách trưng bày sản phẩm lấy cảm hứng từ Apple, các phông nền là màu cực tím, xanh lá cây và hồng thạch anh — chính là màu Pantone chính thức của các năm 2016, 2017 và 2018, Duy Anh đã thổi hơi thở hiện đại trẻ trung vào hình ảnh đầy hoài niệm của đôi dép tổ ong.
Dép tổ ong quá đỗi quen thuộc với người Việt Nam là thế, nhưng ban đầu Duy Anh lại gặp khó khăn khi tìm kiếm thông số kỹ thuật của đôi dép trên mạng Internet. Thế nhưng, cuối cùng anh cũng thiết kế ra được một phiên bản ấn tượng của “đôi dép quốc dân.” Giờ đây, đôi dép bất hủ ấy đã bước ra từ đời sống vật chất người Việt tiến vào thế giới kỹ thuật số và Internet nhờ dự án TỔONG của nhà thiết kẻ trẻ Nguyễn Duy Anh.