Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Tinh thần bất khuất của họa sĩ Lê Triều Điển

Tinh thần bất khuất của họa sĩ Lê Triều Điển

"Điển giống như một bông hoa; bình dị nở ra giữa bao gian truân cuộc đời."

Đó là lời nhận xét họa sĩ Tri Ròm về người bạn lâu năm của mình là họa sĩ Lê Triều Điển.

Khi tôi hỏi chú Điển về lời nhận xét hay nhất ai đó từng dành cho tranh của chú, chủ bảo rằng: "Tranh của tôi như vết sẹo vậy. Có người nhìn vào chỉ thấy vết hằn xấu xí, nhưng nó lại là thứ chữa lành nỗi đau." Thế rồi, chú ví tranh mình như những đóa sen, nở rộ giữa những vũng lầy của miền đồng bằng quê hương.

Hình ảnh đóa hoa vươn lên giữa bùn đất là phép ẩn dụ hoàn hảo về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Lê Triều Điển. Sinh ra tại Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 1994, vị họa sĩ đã trải qua nhiều thập kỷ phải sống trong cảnh nghèo đói và thống khổ do chiến tranh. Trong cuốn tự truyện của mình mang tên Hành trình phù sa, chú viết rằng đó là số phận chung của cả dân tộc và là ký ức đau thương của một thế hệ người Việt. Dù thế, như bông hoa sen không úa tàn trong nắng hạn và rực rỡ khoe sắc khi mùa mưa về, họa sĩ Lê Triều Điển kiên cường vượt qua tất cả để trở thành một nghệ sĩ thành công và tạo được tên tuổi trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. 

Đoàn chúng tôi có chú Tri, chú Điển và con dâu của chú. Chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi ở một homestay Cần Thơ, nơi khách tới nườm nượp để dùng bữa sáng thịnh soạn rồi rời đi trên đoàn xe hơi hoành tráng. Con phố dọc theo bờ sông Hậu giờ đây lấp lánh ánh đèn của dãy biệt thự sang trọng với những cánh cổng đồ sộ, nguy nga. Tôi nói với chú Điển rằng Cần Thơ bây giờ hẳn đã thay đổi rất nhiều so với hồi chú đóng quân ở đây thời Kháng chiến chống Mỹ. Khi ấy, “tàu tuần tra hoạt động cả ngày lẫn đêm” trên sông, và xung quanh chỉ toàn là “vườn dừa trụi ngọn và cánh đồng lúa xác xơ vì chất hóa học."

Chú gật gù, rồi kể rằng hồi xưa người dân nơi đây thường dậy lúc trời chưa sáng để ra đồng bắt chuột, rắn, ếch và đem bán ở “chợ ma.” Bây giờ đời sống khá hơn rất nhiều, nhưng “thử bước vào mấy căn nhà đó mà xem, trên tường không có nổi một bức tranh tử tế.” Chú nói có phần trách móc, vì với chú, nghệ thuật là điều quan trọng nhất trong cuộc sống sau gia đình và cộng đồng.

Chú Điển không quan tâm mấy đến tiền bạc, đến mức một số người giúp chú bán tranh cũng phải ngán ngẩm. Bạn bè chú kể rằng có nhiều bức đã được gửi ra nước ngoài để bán hoặc sưu tầm mà chú không bao giờ được nhìn lại hay được trả công. Còn có lời kể rằng, một vườn thú nọ ở Đan Mạch đã "mượn" ý tưởng của chú để thiết kế chuồng gấu trúc của họ.

Trong thời gian tôi ở cùng chú Điển, có một chủ phòng tranh ghé đến và đề nghị mở cuộc triển lãm ở Hà Nội để giúp chú bán tranh. Chú Điển chỉ châm một điếu thuốc, xua tay rồi quay đi, nói ông ấy muốn làm gì thì cứ gặp người quản lý của chú. 

Khi tôi hỏi cảm nghĩ của chú về chuyện tiền nong khi làm nghệ thuật, chú trả lời rằng bản thân hiểu rõ điều đó, nhưng suy cho cùng thì “đã là một nghệ sĩ thì phải làm nghệ thuật, làm hết sức mình. Những thứ khác cứ để người khác lo."

“Cảm xúc trong veo như nước chảy từ suối nguồn”

Suốt cả cuộc đời mình, họa sĩ Lê Triều Điển gắn bó với việc sáng tạo nghệ thuật. Năm 12 tuổi, chú chuyển vào Sài Gòn học vẽ. Chú không thích chương trình học cứng nhắc và cách tiếp cận khô khan của nhà trường, nhưng nhờ sống ở thành phố nên chú làm quen được với nhiều nghệ sĩ, nhà văn, và họa sĩ cùng thời. Triết lý và lối sống của họ đã góp phần định hình thế giới quan và cách nhìn nhận bản thân trong nghệ thuật.

Trong chiến tranh, Lê Triều Điển không phải xông pha tiền tuyến mà ở hậu phương tham gia thực hiện bản vẽ kỹ thuật và sau đó nghiên cứu cơ khí hàng không. Thời gian này Lê Triều Điển lang thang giữa Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long và Sài Gòn, giao lưu với nhiều cá nhân có cùng đam mê về văn học, thơ ca, âm nhạc, hội họa và cùng lúc cho ra đời các tạp chí văn học, tổ chức các triển lãm nghệ thuật nhỏ tại các quán cà phê và quán bar. Chú nói mình sống như kẻ bụi đời, một kẻ lang thang. Mang chiếc ghế xếp nhỏ làm giường ngủ, chu du khắp nơi, thỉnh thoảng lại trở về thăm gia đình.

Suốt những năm tháng đó, hội họa như liều thuốc xoa dịu tâm hồn chú. “Tôi thấy mình đang vẽ cho chính mình, cho cái tâm hồn đớn đau vì đất nước bị chiến tranh tàn phá. Vẽ những ước mơ và hy vọng về một tương lai hòa bình, vẽ niềm vui và tiếng cười của trẻ em trên cánh đồng hạnh phúc. Tôi vẽ những ngôi chùa đổ nát mà ở đó, giữa những gốc cây cháy rụi là mầm non xanh tươi đang đâm chồi."

Lê Triều Điển không vẽ theo phong cách đã được dạy ở trường hay theo bất kỳ xu hướng cụ thể nào. Thay vào đó, họa sĩ đi theo bản năng và những cảm hứng chợt đến với mình. Khi bước tới khung vải trắng, chú không chuẩn bị sẵn một ý tưởng hay hình dung nào mà chỉ đơn thuần là để cho các đường nét và màu sắc tự nhiên đến. Chú diễn tả: “Dần dần, tôi cũng quên hết những kỹ thuật được học và thấy mình trở về làm một đứa trẻ hồn nhiên, vẽ vời đơn giản như cách những người cổ đại vẽ tranh trên vách hang. Khi ấy, cảm xúc của tôi trong veo như dòng nước chảy từ suối nguồn, len lỏi qua sỏi đá rồi đổ vào đồng bằng vậy."

Đến bây giờ, Lê Triều Điển vẫn vẽ như vậy. Tranh của họa sĩ thường có kích thước lớn, mang phong cách thô đậm với những đường nét khỏe khoắn và hình mũi tên mạnh mẽ đang tràn vào khung vải như dòng nước lũ. Những ai biết chuyện đời chú Điển sẽ thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện lên rõ nét qua mỗi tác phẩm: đây là cánh đồng mùa nước ngập, kia là vựa lúa vàng và những căn nhà nông thôn bé nhỏ. Bên cạnh đó, chú còn lồng ghép các yếu tố của ngôn ngữ ký hiệu, văn hóa Khmer, văn hóa Óc Eo và Phật giáo Nam truyền. Vị họa sĩ  không đưa ra nội dụng cụ thể cho các tác phẩm mà để người xem tự đúc kết thông điệp cho bản thân. Tuy nhiên, không có đường nét hay vệt màu nào là vô nghĩa, chỉ là chúng được vẽ nên bởi một thứ ngôn ngữ nghệ thuật rất riêng.

Tranh của họa sĩ Lê Triều Điển phần nhiều mang phong cách trừu tượng, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu hiện và trường phái lập thể, nhưng cũng không thiếu tính hiện thực. Bước vào nhà chú, tôi thấy tranh vẽ treo kín các bức tường, giấy vẽ xếp thành nhiều chồng, và các khung vải canvas được đặt ở bất kỳ chỗ nào còn trống. Hôm chúng tôi đến thăm, chú đã lật giở vài chục bức và chỉ tôi xem những tranh con trâu, con ngựa, con thuyền, chiếc xích lô, hình ảnh vợ mình đang làm thơ hay lúc hờn dỗi, và một bức chân dung tự họa. Chú không kể vì sao những bức họa này lại ra đời, và tôi thấy cũng không cần phải hỏi. Nó chẳng khác gì tôi hỏi một đám mây vì sao nó lại làm mưa. Tuy nhiên, chú bật mí với tôi về nguồn cảm hứng của mình. Chú bảo chú thấy vẻ đẹp trong mọi thứ: không gian xung quanh, những tranh vẽ trong hang động, công trình kiến trúc và quan trọng nhất là gia đình và bạn bè.

Một luật bất thành văn của giới hội họa đó là người họa sĩ phải hiểu rõ các quy tắc mới có thể phá vỡ được chúng. Một ví dụ kinh điển là Picasso. Ông theo học rất nhiều trường phái vẽ phổ biến lúc bấy giờ, sau đó mới đột phát và tạo nên những tác phẩm vượt thời đại. Vì thế tôi hỏi chú Điển chú có nghĩ việc học hội họa truyền thống ở trường đã tạo nền tảng cần thiết để chú phát triển lối vẽ trừu tượng của mình không. Chú lắc đầu và nói rằng đó là kết quả của việc tự rèn luyện và dẫn thêm một câu chuyện:

Ngày xưa, có một vị vua phương Bắc tự cho là kỹ thuật vẽ của Đại Việt có phần thua kém các nước láng giềng. Tuy vậy, vị vua này vẫn mời Đại Việt tham gia một cuộc thi vẽ, và nước ta đã cử Trạng Quỳnh đi thi, dù Trạng chưa học vẽ bao giờ. Tại cuộc thi, vị vua ra đề rằng ai vẽ được con rồng đẹp nhất sẽ là người thắng cuộc. Những họa sĩ khác đều vẽ những con rồng hoa mỹ và hoàn thiện đến từng chi tiết. Trong khi đó, Trạng Quỳnh nhúng cả mười ngón tay vào khay mực rồi di lên bảng vẽ. Nhà vua lắc đầu trước mười vết mực ngoằn ngoèo và nói rằng loài rồng không giống vậy. Quỳnh bác lại rằng ở quê mình thì rồng là như vậy, và trừ khi ở đây có một con rồng thật để đối chứng, bằng không thì không ai có thể nói khác đi được.

Ta cũng thấy được tinh thần tự tôn này ở người họa sĩ qua hàng trăm bức tranh đã vẽ. Đó là sự tự tin của người họa sĩ vào tầm nhìn hội họa của mình, là óc hài hước cùng sự gắn bó của chú với mảnh đất quê hương.

 

Khi được hỏi chú có lời khuyên nào dành cho những họa sĩ trẻ tìm đến chú để “học nghề” hay không, chú nói rằng: “Tôi chẳng biết giảng dạy thế nào, chỉ biết sống ra sao mà thôi.” Tuy chú Điển không truyền lại phương thức để cân bằng màu sắc hay sử dụng khoảng trắng trong tranh, nhưng bất kỳ họa sĩ trẻ nào cũng có thể học được từ chú cách sống của người làm nghệ thuật. Lúc đó, tôi đã "ngây thơ" hỏi rằng chú thích làm việc trong điều kiện thế nào: yên tĩnh hay có âm nhạc? Vào buổi sáng hay buổi tối? Ở nhà hay ở studio? Sau một vài ly rượu hay lúc tỉnh táo? Câu trả lời của chú? Đơn giản là "có."

Chú cũng chẳng nề hà hình thức trong việc chọn chất liệu để vẽ. Vải canvas và giấy, các loại màu mực thông thường với màu nước hoặc bút bi, thậm chí là gốm sứ — người nghệ sĩ có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật từ bất cứ thứ gì. Ví như khi chú hí hửng lật một bức tranh cho tôi xem và chỉ ra rằng đó thực chất là vỏ hộp bánh trung thu. Quả là một bất ngờ thú vị! Nhìn lên cầu thang, tôi thấy mấy chiếc nệm ghế được tô vẽ bắt mắt, và trên trần nhà có treo những tác phẩm được sáng tác trên... hình chụp X-quang!

Được tận mắt xem chú Điển làm việc, tôi càng hiểu rõ hơn về triết lý sống của người họa sĩ này. Ngày Saigoneer đến để chụp ảnh cho bài viết, chú đã tiếp đón chúng tôi bằng trái cây tươi, đồ ăn nhẹ và bia. Chưa kịp mở lời về cách thực hiện buổi phỏng vấn, chúng tôi đã được chú cảm ơn vì đã ghé thăm. Chú bày tỏ mong muốn tặng mỗi người một bức tranh khi ra về. Chúng tôi ngỏ ý muốn ghi hình chú khi đang "tác nghiệp," và chú quyết định họa cho tôi một bức chân dung vì hôm đó cũng là sinh nhật tôi. Với sự tập trung cao độ, đôi tay chú nhẹ nhàng phác những đường nét chính. Sau đó, chú dừng lại suy ngẫm trong chốc lát, rồi chuyển sang một gam màu mới. Bức tranh dần dần được hoàn thành, và suốt quá trình ấy, tôi cảm thấy như đang ngắm nhìn một nụ hoa dịu dàng bung cánh khoe trọn vẻ đẹp cầu kỳ của mình.

Làm trước, chơi sau

Sáng tạo nghệ thuật có thể là một hành trình đơn độc và dài đằng đẵng, nhất là khi người nghệ sĩ chọn bước đi trên một con đường khác với số đông, nhưng bản thân người nghệ sĩ thì không nhất định phải sống trong cô đơn. Hôm đầu tiên theo chân chú đi ăn trưa, tôi có thể cảm nhận được lòng yêu mến chú dành cho những người bằng hữu chí cốt. Đến cuối bữa ăn, chú nâng cốc bia lên và chầm chậm hướng về phía từng người trong bàn mà nói: “Này chú, nào có tranh phải cho tôi xem nhé. Còn cậu nữa, phải cho tôi đọc bài thơ mới đấy. Chú này nữa, vẽ xong tranh tới thì nói tôi hay. Còn cậu kia, hẹn cậu hôm nào làm một bữa."

Biết về cuộc đời và hành trình nghệ thuật của chú Điển, tôi không ngạc nhiên trước những lời thành tâm và đầy khích lệ của chú hôm đó. Trong tự truyện của mình, chú kể về những người thầy mà mình từng học và bạn bè cùng thời, sau đó nhắc đến các họa sĩ, nhà điêu khắc, ca sĩ và nhà văn mà chú đã từng từng ngồi vai kề vai trong các quán cà phê và quán bar, chia sẻ ý tưởng và trao đổi công việc. Chú chia sẻ về những thăng trầm của rất nhiều tạp chí văn học và những cuộc triển lãm của các hội nhóm bên bờ vực tan rã. Thế nhưng những câu chuyện về quá khứ ấy không phải để khoe khoang. Đó là cách người nghệ sĩ tỏ lòng biết ơn với cộng đồng nghệ thuật và những ảnh hưởng to lớn của đồng nghiệp đến cuộc đời mình.

Trước sự chân thành ấy, tôi không lấy làm lạ khi ngày chúng tôi tới Vĩnh Long, lịch trình chính là gặp lại những người bạn cũ tại một lò gốm. Chúng tôi ngồi với nhau trong một phòng khách rộng rãi, được trang trí bằng nhiều bức tranh, tác phẩm điêu khắc và gốm sứ. Chú chỉ vào từng bức tranh và giới thiệu tác giả: “Cái này là của một người bạn. Cái này là trẻ con vẽ. Còn cái kia là của tôi." Họ ngồi cùng nhau để uống cà phê và ăn nhẹ, rồi tặng nhau mấy quyển sách mới. Tôi ngây ngô hỏi chú Điển có phải ngày xưa chú cũng ngồi với bạn bè mình như thế này không. Chú cười phá lên và nói: "Không, hồi xưa thì chỉ có lao động, lao động rồi lại lao động thôi."

Quả thực, trước khi có được điều kiện thoải mái như bây giờ, họa sĩ Lê Triều Điển đã phải làm việc cực nhọc suốt hàng chục năm. Trong những tháng ngày sống tạm bằng khoai luộc và bo bo hầm xương heo, chú làm những công việc như vẽ biển số xe và áp phích tuyên truyền cho nhà nước, làm cỏ ruộng, hái rau muống, bán bánh tẻ, rồi cả giao báo. Và tất nhiên, chú cũng từng nặn tượng đất trong xưởng gốm rộng rãi bên cạnh ngôi nhà chúng tôi đang ghé thăm.

Khi lệnh cấm vận kinh tế với Mỹ được dỡ bỏ, kinh tế nước nhà đã phát triển đáng kể, và xưởng đất nung này cũng nhờ đó mà phất lên. Nơi đây từng có quy mô lên đến 1.000 nhân công, nhưng sau này người chủ quyết định nghỉ ngơi và giảm tải công suất. Điều kiện sống của chú Điển cũng khá hơn trong những năm gần đây.

Sau nhiều thập kỷ được trưng bày ở các buổi triển lãm nhóm và cá nhân, từ năm 2005 trở đi, các tác phẩm của người nghệ sĩ đã gặt hái được những thành công nhất định về mặt thương mại. Tranh của họa sĩ đã được giới thiệu tại phòng tranh Galerie Dumonteil danh giá ở Paris, thu hút sự chú ý của các nhà sưu tập nghệ thuật quốc tế nổi tiếng, và từng góp mặt tại nhiều nhà triển lãm và phòng trưng bày tại Việt Nam.

“Năm mươi năm tù giam”

Xưa có người họa sĩ nghèo, một hôm anh về nhà thì bỗng thấy nhà cửa đã được dọn dẹp, quần áo cũng được giặt sạch, thức ăn được nấu xong xuôi. Chuyện tiếp diễn trong một thời gian dài, và anh chẳng biết ai là người đã "ra tay." Một ngày nọ, anh nhìn thấy một cô gái trong tranh của mình và bắt đầu nghi ngờ. Anh giả vờ đi ra ngoài rồi trốn ở một góc để chờ. Khi nhìn thấy cô gái bước ra từ trong bức tranh, anh đột ngột quay vào nhà khiến cô vô cùng ngạc nhiên. Anh giữ cô lại và hai người lấy nhau. Từ đó, anh không chỉ có gia đình êm ấm mà còn có cả sự nghiệp lẫn tiền tài. Nhưng không may, dần dần chàng họa sĩ rơi vào con đường nghiện ngập rượu chè và đánh mất đam mê nghệ thuật của mình. Cảm thấy bất lực vì không thể cứu giúp chồng và khơi dậy tình yêu của anh dành cho hội họa, người vợ đã bỏ đi.

Câu chuyện này của chú Điển được cải biên từ nguyên tác của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Chú lấy nó làm lời cảnh cáo về sự cám dỗ của thành công và danh vọng. Chú nói rằng giờ cuộc sống của chú đã khá hơn trước, nhưng chú già rồi nên không "sa ngã" được nữa. Mà chú Điển có nổi tiếng không? Bạn có hỏi thì chú cũng không biết mà cũng không quan tâm đâu!

Nhưng rồi tôi gặng hỏi xem liệu nhân vật trong truyện có điểm nào giống với chú và cô Hồng Lĩnh vợ chú không. Chắc chắn là có, chú gật đầu đồng ý. Sự hiện diện của cô có ý nghĩa rất lớn với cuộc đời chú. Cô không những quán xuyến việc nội trợ, mà còn đi làm bên ngoài, từ công việc ở thư viện đến các việc vặt khác, để lo toan cho gia đình trong những năm tháng nghèo khó và giúp chú mua họa cụ cần thiết. Nhưng như thế cũng chưa nói hết được rằng đối với chú, cô quan trọng biết nhường nào. Chú Điển nói đùa rằng họ đã "chịu đựng" nhau được nửa thế kỷ rồi, nhưng lại vô cùng chân thành khuyên tôi rằng: “Khi lấy nhau rồi thì cậu phải đối xử với vợ mình như là một bà hoàng."

Bản thân cô Hồng Lĩnh cũng là một nhà thơ, một nhà điêu khắc và một họa sĩ tài năng. Hơn 50 năm trước, cô đi xem tranh của chú Điển khi hai người còn chưa gặp mặt. Chính những tác phẩm ấy của chú đã chinh phục được trái tim nữ nghệ sĩ. Tại đám cưới của họ, một người bạn đã đùa rằng: “Hai người sau này chắc sẽ nghèo xơ xác. Một người nghệ sĩ đã khổ rồi, mà giờ hai người đều là nghệ sĩ thì chắc còn khổ gấp đôi."

Thật may là lời tiên đoán này đã không thành sự thật. Thay vào đó, họ cùng nhau vượt qua những khó khăn, gắn kết với nhau hơn nhờ ân nghĩa vợ chồng và niềm đam mê nghệ thuật. Về sau, hai người cùng con trai chuyển tới Sài Gòn với mong muốn có thể cùng nhau tạo nên những tác phẩm hội họa và điêu khắc để bán cho các nhà hàng và khách sạn. Giờ đây, các tác phẩm của cô chú vẫn sát cánh bên nhau trong những phòng trưng bày, buổi triển lãm và trên những gian tường nơi mái ấm của hai người.

Gắn bó là thế nhưng phong cách của hai người nghệ sĩ lại có sự tương phản rõ rệt. Nghệ thuật của họa sĩ Lê Triều Điển là những nét vẽ thô đậm và góc cạnh còn của họa sĩ Hồng Lĩnh là những đường cong mềm mại. Dấu ấn của nữ nghệ sĩ là những vần thơ được gieo lên tranh. Cô Hồng Lĩnh sáng tác thơ bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Đôi khi cô cũng đề thơ của tác giả khác. Cô Lĩnh có phong thái điềm đạm và yên lặng hơn chồng, cả khi họ ở cùng nhau ta cũng sẽ chỉ nghe thấy tiếng cười giòn tan của chú Điển. Thế nhưng, nghệ thuật và cuộc đời của nữ nghệ sĩ cũng đặc biệt không kém và xứng đáng có một bài viết riêng. Tôi mong sẽ sớm được thực hiện điều đó trong tương lai, bởi quả thật chúng tôi không thể kể một câu chuyện nào về chú Điển mà không có sự hiện diện của cô Lĩnh.

Giữa nhiều tranh được treo trên tường, có những nét vẽ nguệch ngạc của con cháu trong gia đình. Chú trân trọng những hình vẽ đó như chính tác phẩm của mình. Qua đây, ta hiểu được phong cách vẽ đơn giản như trẻ con của chú Điển thực chất là kết quả của thái độ làm việc nghiêm túc, sự luyện tập miệt mài cùng với tâm hồn mãi luôn tươi trẻ. Hơn thế nữa, hình ảnh này cũng thể hiện sự gắn kết giữa chú và gia đình, một nguồn cảm hứng bất tận của vị họa sĩ. Đây là minh chứng cho thấy tinh thần nghệ thuật có thể được phát huy ở bất cứ nơi đâu và một khi có được cảm hứng sáng tạo thì không nên bỏ qua mà cần phải nắm bắt, nuôi dưỡng thành một ý niệm, và phát triển thành một tác phẩm hoàn thiện.

Các tác phẩm của họa sĩ Lê Triều Điển và nghệ sĩ Hồng Lĩnh đang được trưng bày tại triển lãm “Vết in từ đất” tại Sàn Art, quận 4 từ nay đến 29/5.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Các nền tảng trực tuyến mở ra hướng đi mới cho triển lãm nghệ thuật trong nước giữa đại dịch

Cho đến tháng 2/2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) vẫn nhộn nhịp tổ chức các hoạt động triển lãm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có triển lãm "Tỏa 3" do Đỗ Tườ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

‘Giấc mơ’ Việt Nam thơ mộng và bình dị qua vệt màu của người con xa xứ

Diễn ra tại không gian của Ngõ Art Gallery, triển lãm tranh màu nước “Giấc mơ” là điểm đến của một hành trình mỹ thuật đặc biệt, kéo dài nhiều thập kỷ của người nghệ sĩ với nỗi niềm không dứt hướng về...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'In Art We Trust,' triển lãm tranh cổ động hướng tới nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới

Tuần vừa rồi, triển lãm tranh cổ động "In Art We Trust" đã diễn ra tại không gian của Viện Goethe Hà Nội. Triển lãm do Heritage Space và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chàng 'phù thủy tiền lẻ' sáng tạo các mẫu origami độc đáo

Bạn có thể làm được gì với tờ 200VND?

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chơi xuân Nhâm Dần đúng điệu với bộ bài minh họa '54 sắc thái Dần'

Trong văn hóa của người Việt, Tết đánh dấu sự khởi đầu của năm mới Âm lịch, cũng như một chu kỳ mới của cuộc sống.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Dự án minh họa mang tinh hoa nghệ thuật hát bội vào con chữ

“Hát bội làm tội người ta. Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…” Ấy là lời ca tụng từng lan truyền trong dân gian về vẻ đẹp mê hoặc của những sân khấu hát bội.