“Dù người trẻ biết những sản phẩm này đẹp nhưng họ không kết nối được với những hình ảnh ấy,” Trần Duy nói về cảm nhận của các bạn trẻ nói chung khi ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc gỗ truyền thống trong xưởng của gia đình.
Đây cũng chính là lý do vì sao chàng trai 9X lại nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng khi giới thiệu các tác phẩm điêu khắc gỗ của mình — đó là những bức tượng gỗ tinh xảo mang hình ảnh các nhân vật nổi tiếng trong văn hóa đại chúng như siêu anh hùng Iron Man hay các nhân vật manga quen thuộc với thế hệ trẻ như Goku và Doraemon. Câu chuyện đằng sau quá trình sáng tạo này của Duy cũng thú vị không kém các tác phẩm của chàng trai trẻ.
“Thật sự, lúc đầu mình không muốn học nghề điêu khắc gỗ vì từ nhỏ đến lớn, ngày nào mình cũng nhìn thấy tượng gỗ. Đó là một phần trong cuộc sống thường nhật của mình, và mình thậm chí còn thấy phát chán lên khi bắt gặp mọi người đang làm việc trong xưởng, không hề có chút hứng thú nào cả,” Duy chia sẻ với Saigoneer trong cuộc nói chuyện video trực tuyến vào tháng trước.
Bố của Duy là nghệ nhân khắc gỗ Trần Thu nổi tiếng tại một ngôi làng ngoại ô Hội An. Nghệ nhân Trần Thu là người duy nhất từng rời làng để học nghề điêu khắc gỗ. Sau 25 năm miệt mài sáng tạo và thu nhận 100 người theo học nghề, ông đã thành lập công ty Woodart Việt Nam chuyên sản xuất những bức tranh khắc gỗ và tượng gỗ cỡ lớn, thường được khách mua về trưng bày ở phòng khách, tiền sảnh hay đền chùa.
Mặc dù không đam mê điêu khắc truyền thống, nhưng Duy chắc chắn đã thừa hưởng được tài năng và tình yêu mỹ nghệ từ bố mình. Sau khi học xong cấp 3, Duy lên thành phố theo học tại trường Đại học Nghệ Thuật-Đại học Huế. Tuy nhiên chỉ sau một tháng, cậu nhận thấy mình không thích việc phải ngồi vẽ cả ngày và quyết định nghỉ học, trở về nhà. Tự nhủ dù rời giảng đường nhưng cần phải học hỏi một cái gì đó, cậu quyết định đến xưởng của gia đình để học nghề, điều này khiến bố cậu vui mừng. “Cứ thử đi xem nào!" bố Duy nói một cách hứng khởi khi con trai bày tỏ mong muốn tìm hiểu nghề gia truyền.
Tuy nhiên, Duy đã không thực sự hào hứng đến thế. “Khi bắt đầu học điêu khắc gỗ, mình không hề chú tâm hay đặt nhiều suy nghĩ vào đó. Chỉ là phải học vì không biết học gì nữa thôi, những học viên khác làm gì thì mình làm đó,” Duy kể lại.
Duy xem những người học nghề khác trong xưởng là anh em của mình, và được họ chỉ dạy kỹ thuật khắc tranh gỗ. Ban đầu, Duy học cách cắt gỗ thành bản mỏng từ những khúc gỗ lớn, rồi sau đó dùng máy khoan để khắc những đường phác thảo lên bản gỗ và từ đó, tinh chỉnh chi tiết bằng những dụng cụ cầm tay. Khi khắc tượng gỗ thì họ còn cần phải dùng đến cưa và Duy thừa nhận rằng mình thực sự không thích việc đó vì những khối gỗ lớn thường rất nặng. Điêu khắc tượng gỗ là một công việc có độ khó cao và vất vả, với một bức tượng lớn thì có khi phải mất đến 2–3 tháng mới hoàn thành.
Trong thời gian học khắc tranh gỗ, Duy cũng phụ giúp một số công việc quản lý khác: “Khi đó thì mình phụ trách thêm việc marketing vì không ai trong công ty biết cách làm nội dung và quảng cáo cả. Bố mình có thuê người để làm mảng này nhưng mình nhận thấy họ không thực sự hiểu được giá trị cốt lõi của sản phẩm nên không thể quảng bá một cách hiệu quả. Vì vậy mình đã đảm nhận luôn việc marketing và tìm tòi học hỏi thêm về nó.”
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Duy nhiều lần Duy nhắc đến việc “tìm tòi học hỏi” những kỹ năng cần thiết cho công việc hiện tại và trong tương lai. Duy tự học mọi thứ qua mạng, từ phương pháp marketing, cách làm video, SEO, đến cách khai thác các xu hướng trên mạng xã hội và sáng tạo nội dung. Cậu đã đăng tải nhiều video lên Youtube để giới thiệu quá trình thực hiện các tác phẩm điêu khắc gỗ trong xưởng nhà mình. Cùng với đó, cậu cũng trau dồi thêm tiếng Anh, cũng như cung cấp chỗ ở miễn phí cho những khách du lịch đến thăm Hội An trước thời điểm đại dịch để có thêm cơ hội giao tiếp với người nước ngoài.
Một ngày, Duy nảy ra ý muốn học làm tượng gỗ. Cậu tự mày mò làm những vật đơn giản như con nai, con cá, cái cây. Rồi thấy rằng: “Mình không muốn làm những tượng như vậy nữa, mình muốn làm một cái gì đó mới mẻ hơn. Và thế là mình bắt đầu làm Goku và những nhân vật trong manga Dragon Ball.”
Lúc đầu, Duy khá do dự khi đăng tải các tác phẩm của mình lên kênh YouTube của công ty vì cậu sợ mọi người sẽ chê bai và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của bố. Nhưng là một người không bao giờ ngại thử thách, Duy vẫn quyết định đăng tải video khắc tượng gỗ Iron Man của mình và bất ngờ nhận về hơn 100.000 lượt xem với nhiều bình luận hỏi mua tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Những phản ứng tích cực này đã mang đến cho Duy sự tự tin và cũng khiến cậu có hứng thú hơn với nghệ thuật điêu khắc gỗ. “Nếu bạn giỏi một việc gì đó thì bạn sẽ yêu nó,” Duy nhấn mạnh.
Niềm đam mê đã thúc đẩy Duy tạo ra thêm nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ những thứ cậu yêu thích từ khi còn bé như phim hoạt hình, manga và truyện tranh. Nhiều người nước ngoài khi nhìn thấy những tác phẩm như vậy trên Youtube đã hỏi mua và do đó, Duy tiếp tục phải tự tìm hiểu thêm về việc vận chuyển, thanh toán quốc tế, trả lời khách hàng online vì trước đó công ty chỉ bán cho khách hàng trong nước.
Khi có nhiều đơn đặt hàng hơn, Duy nhận ra rằng mình không có đủ sức để thực hiện tất cả những tác phẩm đầy phức tạp như vậy. Cậu cần đến những người anh em trong xưởng của mình. Những người thợ ở xưởng đều đã trên 40 tuổi và quen thuộc với việc khắc tượng Phật, tượng cá hay cây cối nhưng tượng nhân vật Vegeta ư? Họ hoàn toàn xa lạ những nhân vật mà Duy yêu cầu. Tuy nhiên khi biết đó là những nhân vật được rất nhiều yêu thích, các thành viên trong xưởng đã đồng ý tham gia. “Bây giờ thì mọi người đều biết hết tên nhân vật rồi nhưng lúc đầu thì mấy anh cứ gọi tất cả là Goku,” Duy cười kể lại.
Hiện tại, Duy chỉ thực hiện các bản vẽ chi tiết, còn những người thợ trong xưởng sẽ phụ trách việc điêu khắc trên gỗ. Duy nói về những anh em của mình với lòng ngưỡng mộ: “Các anh ấy đều đã hơn 40 rồi nhưng rất cởi mở và sẵn sàng đón nhận cái mới. Một số người copy mô hình kinh doanh của mình và tìm đến những làng điêu khắc gỗ khác ở Hà Nội và Sài Gòn, họ yêu cầu một vài nghệ nhân lớn tuổi [làm những bức tượng tương tự] nhưng những người nghệ nhân đó đều từ chối và cho rằng những hình mẫu như vậy là đồ trẻ con.”
Về phần bố của Duy, ông cũng chấp nhận hướng đi mới của con trai trong khi tiếp tục sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điêu khắc truyền thống. Duy chia sẻ rằng: “Bố mình đã thực sự rất vui vì mình đã giúp công ty tiếp cận được đối tượng khách hàng mới.”
Duy có vẻ là một người không bao giờ chấp nhận giới hạn hiểu biết của bản thân. “Mình muốn thiết kế những tác phẩm theo phong cách cá nhân... không phải là nhân vật manga, siêu anh hùng, mà là ý tưởng của riêng mình thôi,” Duy cho biết, nhưng không tiết lộ chính xác những ý tưởng đang ấp ủ của cậu là gì.
Ngay lúc này, Duy đang rất hài lòng với cuộc sống thanh bình ở làng quê, tận hưởng những buổi chiều bơi lội trên con sông gần nhà hoặc thỉnh thoảng leo núi để hít thở không khí trong lành, cậu không hề có ý định chuyển đến sống ở thành phố lớn. Thay vào đó, Duy hy vọng có thể giúp ngôi làng của mình trở thành một điểm đến đầy thu hút. “Mình muốn giới thiệu nghệ thuật điêu khắc gỗ của Việt Nam đến với thế giới,” chàng trai trẻ tâm sự.
Các tác phẩm của Duy rất ấn tượng, nhưng câu chuyện về sự kiên trì và lòng quyết tâm tìm tòi học hỏi đến cùng của cậu càng khiến chúng tôi nể phục. Khi được hỏi về lời khuyên Duy muốn dành cho những bạn trẻ đang bắt đầu con đường theo đuổi nghệ thuật, cậu đã không nói những lời sáo rỗng như “hãy theo đuổi ước mơ” hay lãng mạn hóa vai trò của nghệ thuật thủ công, mà thực tâm chia sẻ những gì cậu cho là thiết thực hơn: “Các bạn cứ bắt tay vào làm thử đi, thử nhiều cách khác nhau và tìm ra hướng đi tốt nhất cho mình, cùng với đó là phát triển thêm kỹ năng marketing và cố gắng để mọi người biết đến càng nhiều càng tốt, nhưng là bằng những nội dung có giá trị thực sự.”
Đây cũng chính là tinh thần đã giúp Duy có được hàng triệu lượt xem trên Youtube và giúp việc kinh doanh của gia đình ngày một phát triển hơn. Từ đó cho thấy được việc kết hợp sự nhạy bén trong kinh doanh, nghệ thuật truyền thống và văn hóa trẻ có thể mang lại những kết quả vô cùng khả quan. Có lẽ, nghề mỹ nghệ nào cũng nên tham khảo ít nhất hai trong ba yếu tố trên để tiếp tục phát triển và tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn, và nếu thực hiện được cả ba thì sẽ có được thành công đáng ngưỡng mộ như Duy và Woodart Việt Nam.