Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Photovoice, dự án nhiếp ảnh khắc họa Hà Nội qua góc nhìn của người lao động nhập cư

Photovoice, dự án nhiếp ảnh khắc họa Hà Nội qua góc nhìn của người lao động nhập cư

Như bao thành phố lớn khác, Hà Nội từ lâu đã là nơi chào đón người lao động từ tứ xứ đổ về. Bất kể là họ đến từ vùng núi hay miền biển, mảnh đất thủ đô vẫn luôn dang tay bao bọc và trao cho họ kế sinh nhai. Vì thế, đối với người lao động nhập cư, Hà Nội không chỉ là một nơi để bươn chải, mà còn là ngôi nhà thứ hai. Qua dự án nhiếp ảnh Photovoice, chúng ta có cơ hội lắng nghe câu chuyện của họ qua những tâm sự chân thành.

Photovoice là một dự án kể chuyện bằng hình ảnh do nhóm Vì Một Hà Nội Đáng Sống khởi xướng vào tháng 1/2021. Dự án khuyến khích người lao động nhập cư chia sẻ tâm tư của mình dành cho thủ đô thông qua nhiếp ảnh. Ban tổ chức hy vọng Photovoice sẽ giúp mở ra nhiều cuộc thảo luận, nâng cao hiểu biết, cũng như kêu gọi được nỗ lực chung của cộng đồng để biến Hà Nội thành một thành phố đáng sống cho mọi người.

Dự án có 34 người tham gia, hầu hết họ là người lao động từ khắp các vùng miền đất nước hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Có người làm tài xế Grab, có người làm nail trên vỉa hè, và nhiều công việc lao động phổ thông khác. Ban tổ chức hướng dẫn người tham gia các kỹ năng chụp ảnh cơ bản để họ có thể ghi lại những khoảnh khắc thường nhật ở thủ đô. Mỗi bức ảnh là câu chuyện của một nhân vật. Và Vì Một Hà Nội Đáng Sống đã đồng ý cho Saigoneer chia sẻ một số tác phẩm trong bài viết này.

Chị Cứ Thị Mai / Sơn La, nhân viên khách sạn

"Nếu sau này không sống ở Hà Nội nữa thì hình ảnh tôi nhớ về thành phố này chính là những chiếc xe đạp chở hoa như thế này. Đây cũng là điều khác biệt với quê tôi ở bản Phiêng Cành (xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La) vì người dân tộc Mông chúng tôi không có thói quen cắm hoa thờ cúng vào ngay rằm, mùng một. Phiên chợ ở bản tôi cũng không có những hàng hoa như ở đây. Từ quê ra Hà Nội, tôi ít mua hoa dù rất yêu hoa vì tôi ở trọ trong căn phòng khá chật, không có cửa sổ nên thiếu không gian để cắm và thưởng thức hoa. Hơn nữa, tôi đi làm cả ngày, đến tối mới về phòng trọ nghỉ ngơi. Nhiều lúc nghĩ cũng thấy buồn vì điều kiện kinh tế không được như mình mong đợi, thế nhưng không vì thế mà tôi thấy chán cuộc sống thành phố này. Trái lại, tôi thấy so với những ngày đầu xuống đây tôi càng thấy yêu Hà Nội hơn... Cảm ơn những chị em đã thức dậy từ sáng sớm từ khi người dân thành phố còn đang ngủ để lấy hoa, chọn hoa rồi đạp xe rong ruổi đến các con phố, để tôi được ngắm mỗi sớm mai. Sau khi xin chụp bức hình chiếc xe hoa này, tôi cũng đã mua 5 bông hoa của chị. Đây cũng là lần đầu tiên tôi mua hoa ở Hà Nội."

Chị Đỗ Thị Hồng / Vĩnh Phúc, người thu gom ve chai

“Hơn 30 năm qua, chị Nhung đã gắn bó với công việc giặt và phơi nilon. Từ Hưng Yên, chị ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề bốc vác, nhặt phế liệu. Công việc vất vả và bẩn thỉu theo đúng nghĩa đen của nó. Chị phải tiếp xúc với các loại nilon đã cũ, đã bẩn, phải dùng đôi tay để rửa, vò, phơi rồi gấp ngay ngắn để những mảnh nilon đã bị bỏ đi có thể được tái chế lại. Ngoài nilon ra, chị còn phải gom nhặt và vệ sinh nhiều loại phế liệu khác từ khắp nơi trong thành phố. Có lẽ, chị chỉ nghĩ đơn giản, đó là nghề mang lại thu nhập, để chị có thể nuôi con ăn học. Thế nhưng, với tôi, công việc chị Nhung vẫn làm hàng ngày một cách thầm lặng ấy lại chính là hành động thiết thực nhất để làm đẹp cho thành phố.”

"Chị sinh năm 1948, bằng tuổi bố tôi, nhưng hoàn cảnh giống nhau nên chúng tôi đồng cảm và chơi thân. Chúng tôi coi nhau như chị em, có việc buồn vui hay ốm đau thì san sẻ. Nói là vậy, nhưng chị sống ở một cái bè trôi ở ven sông. Muốn sang thăm chị, tôi phải gọi chị chèo thuyền sang đón. Đường ra bến cũng khó đi bởi dốc thẳng đứng lại phải giẫm lên đủ loại rác từ túi, chai lọ đến cả mảnh sành, thủy tinh. Tối đến là một màu đen kịt vì xung quanh không có điện. Bè của chị chơ vơ đơn độc giữa lạch, nổi lênh đênh trên vùng nước bốc mùi nồng nặc. Lý do chị gắn bó với nơi này là bởi chị đã sống ở đây từ lúc 9 tuổi, đã trở nên thân quen với mọi thứ ở đây, không gian lẫn con người. Ở đây, chị có thể chèo thuyền vớt vỏ chai nhựa để kiếm sống. Chị và chồng chị, tôi đoán vậy, ở với nhau và có thêm chú chó bầu bạn. Chị đã từng một lần sinh nở nhưng con chị chẳng may mất sớm. Chị và tôi giống nhau, đều không có con, không có nhà thế nên chúng tôi rất hiểu nhau. Lại thêm công việc giống nhau, vì tôi cũng làm nghề lượm ve chai ở khắp các ngõ phố, cũng thường đi lượm ban đêm đến 1,2 giờ sáng mới về. Dù cuộc sống gian truân nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy chán ngán cuộc sống hay muốn rời xa Hà Nội. Bởi nếu mình chán cuộc sống thì cuộc sống sẽ chán mình."

Chị Đỗ Thị Út / Hưng Yên, người làm nail trên vỉa hè

"Đã hơn 90 tuổi rồi nhưng hàng ngày cụ vẫn ngồi bán bánh giò, ít hoa quả tại vỉa hè ở phố Hàng Trống. Góc hè này chính là nơi cụ đã gắn bó bao năm nay, cũng là nơi nuôi sống cụ và gia đình. Không có vỉa hè này thì không biết cụ sẽ bán ở đâu bởi lời lãi của vài chiếc bánh giò làm sao đủ tiền tiền để thuê một cửa hàng vốn rất đắt đỏ ở Hà Nội. Hơn nữa, góc hè này cũng gần nhà cụ, một căn phòng chật hẹp ở phố Bảo Khánh (giáp hồ Gươm) chỉ vỏn vẹn 10m². Nhưng đây là nơi ở của cụ ông, cụ bà và con trai đã lớn tuổi... Cũng chính từ góc hè này mà tôi đã có duyên gặp được cụ. Mười mấy năm làm móng dạo ở các con phố cổ của Hà Nội, buổi trưa tôi thường chỉ có thời gian ăn tạm gì đó cho qua bữa bởi khách hàng tranh thủ làm móng vào giờ họ nghỉ trưa. Bánh giò là lựa chọn tối ưu. Thời gian cứ thế trôi qua và tôi dần trở thành khách quen của cụ. Hơn nữa, tôi cũng muốn ăn để ủng hộ cụ. Chúng tôi vẫn thường trò chuyện với nhau. Tôi quý cụ và thương cụ vì ở cái tuổi lẽ ra phải được an nhàn thì cụ vẫn miệt mài lao động từ sáng tới tận tối mới về. Tôi cũng phục cụ vì lớn tuổi như vậy mà còn minh mẫn lắm. Tôi cảm thấy giữa tôi và cụ gần như không có khoảng cách, dù cụ là người Hà Nội còn tôi là người ở quê ra."

Anh Kiều Khánh Duy / Hà Nội, nhân viên pha chế tại quán bar

"Hà Nội 36 phố phường. Mỗi con phố mang nét đặc trưng riêng gắn với nghề nghiệp của Hà Nội như phố Lò Rèn, Hàng Mã, Hàng Trống, Hàng Quạt, Hàng Tre,… Thành phố ngày bị xâm chiếm bởi cao ốc nên hình ảnh những người thợ mộc, những cây tre, sản phẩm từ tre trong lòng phố vô cùng quý giá về lịch sử, cũng tạo điểm nhấn thú vị cho thành phố. Một Hà Nội phát triển vẫn nên giữ lại những làng nghề, con phố đặc trưng như thế này."

Lưu Thanh Đông / Vĩnh Phúc, sinh viên

"Bác sửa chữa đồ điện tử, máy móc ở ngay đầu ngõ tôi ở. Tôi thường nhìn thấy bác chăm chỉ làm việc mỗi lần tôi đi ăn cơm gần đó. Vì là sinh viên lười nấu cơm nên tôi vẫn hay đi bộ từ nhà ra đầu ngõ ăn cơm ở quán quen gần nhà bác. Lần nào đi qua, chúng tôi cũng mỉm cười chào nhau rồi người nào tiếp tục làm việc người đó. Bác là người Hà Nội và đã gắn bó với nghề này chục năm nay. Có lần tôi hỏi 'Làm nghề này có vất vả lắm không bác?' thì bác trả lời hiền từ 'Vất vả thì vất vả nhưng là nghề mưu sinh mà cháu.' Dù ít nói chuyện, thậm chí tôi còn chưa hỏi tên bác là gì nhưng mỗi lần gặp bác là tôi lại có cảm giác rất thân thiện và gần gũi."

Phạm Thị Hậu / Hải Dương, người bán hàng rong

“Chiều buông, trẻ em vui chơi và phụ nữ di cư luộc khoai sắn tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Đây từng là một bãi đất hoang, nhiều rác thải, chó mèo thả rông, thế nên người dân địa phương ngại ra đây. Họ nhìn nhận những người phụ nữ luộc khoai sắn với con mặt khinh khi. Mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều từ khi không gian này được cải tạo bởi mạng lưới Vì Một Hà Nội đáng sống.”

“Sân chơi đã gắn kết mọi người lại với nhau, người dân địa phương cũng có nhìn nhận khác về chúng tôi, không còn kỳ thị 'bọn bán hàng rong' như trước mà tôn trọng và hòa đồng hơn. Mọi người cùng nhau tổng vệ sinh mỗi tuần. Trước đây, những người phụ nữ di cư như chúng tôi không ra đây họp vì tối và nhiều muỗi. Còn bây giờ thì chúng tôi rất thích ra đây họp vì đã có điện chiếu sáng, sân chơi lại sạch sẽ. Nhiều chị vừa họp lại vừa tranh thủ tập thể dục nữa.”

Phạm Thị Luyến / Thái Bình, người giúp việc nhà

“Sáng nào cũng vậy, từ 6 giờ sáng, bất kể trời mưa hay nắng, các cụ lại gặp nhau ở hồ Hoàn Kiếm. Từ một vài người, đến nay một câu lạc bộ đã hình thành với hơn 70 người cao tuổi. Cụ cao tuổi nhất năm nay đã 78, còn người trẻ nhất cũng đã ở độ tuổi gần 50. Mỗi người một khu phố, nhiều người ở xa cũng bắt xe buýt đến để gặp nhau. Họ bắt đầu bằng một số động tác khởi động, vươn vai rồi cùng nhau khiêu vũ thể thao. Phần mà các cụ yêu thích nhất chính xếp thành hàng để bóp vai cho nhau. Sau đó, họ ngồi ở ghế đá nghỉ ngơi, trò chuyện, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống, thăm hỏi, động viên nhau vượt qua khó khăn. Tập luyện và sẻ chia trong không gian rộng rãi, thoáng mát của hồ Hoàn Kiếm đã giúp mọi người thêm phấn chấn. Tôi cũng tham gia câu lạc bộ được 2 năm nay. Nếu không ra đây, tôi chỉ biết tập ở ven sông Hồng, con đường nhỏ chỉ đủ cho vài người chạy bộ chứ không thể tập trung đông vui như hồ Hoàn Kiếm. Tôi thấy, Hà Nội rất cần có nhiều không gian thoáng đãng để tất cả mọi người, từ trẻ tới già đều có chỗ để tập thể dục để nâng cao sức khoẻ.”

Huỳnh Trần Duy / Đồng Tháp, tài xế Grab

“Em có câu chuyện hơi buồn khi nhắc về xiên nướng anh ạ."

"Cậu có thể chia sẻ với tớ, biết đâu vui hơn."

"Em dẫn người yêu đi ăn xiên về bị chia tay. Người yêu em bảo nghèo mới phải đi ăn xiên."

"Ôi trời, hồi xưa thời sinh viên tớ cũng đi ăn xiên suốt. Chắc vì thế nên không có bạn gái."

"Em cũng không biết nữa. Mà nó là đam mê rồi anh ạ. Phải chăng Hà Nội trong tôi là mảnh ký ức rất đỗi thân quen về những món ăn đường phố đơn giản nhưng chẳng thể quên."

Phan Thị Bích / Vĩnh Phúc, người giúp việc 

"Những đứa trẻ trong xóm trọ của tôi tuy bé nhưng rất có ý thức giữ gìn vệ sinh. Lần nào được giao nhiệm vụ đổ rác là các cháu bé mang đi đổ rác vào thùng. Các cháu làm việc này một cách cẩn thận, không để rác rơi vãi ra đường. Thế nhưng trái ngược với các cháu bé, tôi thấy nhiều người lớn còn vứt rác bừa bãi. Tờ khăn giấy chính mình đánh rơi rồi tự nhặt lên thì không sao chứ nếu tờ khăn giấy đó mà người khác nhặt thì sẽ rất ghê. Vì vậy, tôi nghĩ tự bản thân mỗi người trước hết đều phải có ý thức làm dọn rác do chính mình thải ra."

Đoàn Văn Hà / Nam Định, nhân viên văn phòng

"Đi qua khu đô thị Smartcity (đường đại lộ Thăng Long), tôi gặp một bác gái khoảng 50 tuổi đi trên chiếc xe máy đã cũ, kéo một xe hai bánh chất đầy thiết bị xây dựng. Trong khu đô thị hiện đại lung linh ánh đèn, hình ảnh của bác gây ấn tượng mạnh với cá nhân tôi. Bởi lẽ, giữa thành phố phát triển như vậy mà vẫn có những người lớn tuổi như bác làm công nhân lao động ở công trường. Hình ảnh của bác đối lập với khung cảnh xung quanh xe cộ tấp nập, ô tô sang trọng của những người giàu có trong xã hội."

Trần Văn Hải / Vĩnh Phúc, sinh viên

“Vào một ngày đầu Xuân, tôi vô tình bắt gặp các cô, cậu bé mặc trang phục dân tộc Mông dạo chơi ở hồ Hoàn Kiếm. Bản thân là người dân tộc Sán Dìu nên tôi có sự đồng cảm lớn. Hơn nữa, tôi vô cùng thích thú khi giữa trung tâm Hà Nội, người ta vẫn được thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Tôi cũng mong rằng sẽ có nhiều hoạt động để những người dân tộc như tôi có thể quảng bá văn hóa của dân tộc mình đến với người dân trên mọi miền cả nước.”

Bài viết liên quan

in Văn Nghệ

Tái hiện tranh Mai Trung Thứ bằng ảnh thực như tranh

Với mong muốn tái hiện các tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ qua phương thức nhiếp ảnh, bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Minh Sơn và những người bạn của mình đã khiến không ít người trầm trồ về khả năng chụp ...

Chris Humphrey

in Ao Ta

'Mùa vàng' mênh mang trên những cánh đồng ở Mù Cang Chải

Tháng 9 hằng năm, những cánh đồng lúa Mù Cang Chải lại chín vàng, trông tựa những thước lụa óng ánh uốn lượn theo triền đồi, báo hiệu một vụ mùa lại về trên bản làng.

Paul Christiansen

in Loạt Soạt

'Time Is a Mother' – Những dấu chấm hỏi đặt giữa cuộc đời

Phải chăng danh tiếng khó là bạn đồng hành cùng người làm thơ?

in Loạt Soạt

'Truyền Kỳ Mạn Lục' kể chuyện 'drama' tam giới li kì của văn học trung đại

“Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải.”

in Quãng 8

7UPPERCUTS: Punk không chỉ là nhạc, punk là văn hoá!

Thành lập từ năm 2017, 7UPPERCUTS, hay còn gọi là 7UP, là ban nhạc đại diện cho một thế hệ âm nhạc đầy sức trẻ và sức sáng tạo. Lấy punk rock làm dòng nhạc chủ đạo, âm nhạc của 7UP không chỉ mang đến ...

Linh Phạm

in Văn Nghệ

Album ‘Ếch Ếch Vol.1,' bức tranh toàn cảnh âm nhạc underground Hà Nội

Với sự góp mặt của nhiều thể loại nhạc như hardcore, indie, metal, và folk, album tổng hợp này đã phác họa được đời sống âm nhạc đa dạng của thủ đô. 

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...