Có thế nói, năm 2021 là một năm tràn ngập những tin tức không mấy tích cực vì sự hoành hành của dịch COVID-19. Dù mỗi người đều nên chủ động cập nhật diễn biến dịch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhưng việc quá tải các thông tin đau buồn cũng đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe tinh thần của từng cá nhân. Saigoneer cũng không phải là ngoại lệ. Vì cả Hà Nội và Sài Gòn phải đóng cửa trong nhiều tháng, đội ngũ cây viết và nhiếp ảnh gia cũng chúng tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để viết về ẩm thực đường phố và chụp những hình ảnh đó đây.
Nhưng trong những ngày tháng ở nhà, Saigoneer cũng đã có nhiều thời gian để nhìn lại hơn, để đọc và tìm hiểu kỹ lưỡng các nội dung hơn, cũng như để tạo ra các series hướng người đọc về các chủ đề ít được biết đến hơn. Một số đứa con tinh thần mà đội ngũ đã cho ra đời năm nay là Natural Selection — series về các loài động thực vật bản địa Việt Nam, và Ănthology — series về hành trình của ẩm thực Việt trên bản đồ thế giới.
Tổng kết lại một năm với nhiều dự định dở dang, ban biên tập Saigoneer xin tám chuyện một chút, và chọn ra những nội dung mà chúng tôi tâm đắc nhất.
1. Ảnh xưa được yêu thích nhất
Khôi Phạm: Tuy hạng mục là "ảnh" nhưng tôi xin phép "ăn gian" và đề cử loạt tranh được vẽ trong khoảng thế kỉ 17 và 18. Thật ra cũng không hẳn là ăn gian vì thời đó người ta chưa có máy chụp hình, máy chụp phim chắc phải gần một thế kỉ nữa mới ra đời, nên với ông cha ta vẽ tranh là giải pháp tối ưu để "sống ảo" rồi.
Qua mấy trăm năm nên tất nhiên tranh sẽ bị mờ, nhưng đường nét và chủ thể trong tranh trông vẫn đẹp và sắc nét. Các nhà bảo tồn tranh xứng đáng được nhận một tràng vỗ tay tán dương vì hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Paul Christiansen: Một trong những điều tôi thích nhất về ảnh chụp ngày xưa là chuyện phong cảnh, kiến trúc, thời trang từ những thập niên trước hoàn toàn thay đổi, nhưng con người thì vẫn vậy. Album giấc mơ trưa của người Sài Gòn thể hiện rất rõ tinh thần đó. Những người trong chùm ảnh này nằm gác chân trên xe gắn máy đời cũ, che mặt bằng tạp chí không còn xuất bản, và ngủ ngon ơ trên những con phố nay đã lát gạch,...
Có thể thấy, diện mạo của Sài Gòn đã thay đổi nhưng thói quen ngủ trưa của người Sài Gòn thì không. Thời tiết vẫn nóng như vậy, ngày vẫn dài như vậy, nên cư dân thành phố cứ chợp mắt cho đã lúc xế chiều vậy thôi. Nhìn những bức ảnh này khiến tôi rất muốn tìm cái ghế đá mát mẻ nào đó dọc bờ sông để làm một giấc.
Mike Tatarski: Tôi rất thích bộ ảnh chụp từ trên không của Raymond Cauchetier vào những năm 1950, cụ thể là hình ảnh này đây. Tôi biết là tôi than thở khá nhiều về chuyện Sài Gòn thiếu mảng xanh, nhưng mà độ phủ xanh của thành phố vào thời kỳ này thật là đáng nể.
Tất nhiên tôi không muốn Việt Nam quay về tình hình kinh tế xã hội của thế kỷ trước, nhưng tôi ngưỡng mộ việc thành phố lúc này có cây cối xum xuê trải dài mọi con đường. Sài Gòn đã thay đổi và phát triển rất nhiều từ năm 1950, nhưng khi nhìn lại những con đường trơ trọi như Tôn Đức Thắng và Lê Lợi, tôi tự hỏi thành phố đã phải đánh đổi những gì có được mức tăng trưởng như hiện nay.
2. Bài viết về ẩm thực được yêu thích nhất
Paul: Năm 2021, tôi ăn mì gói nhiều hơn so với bất kỳ năm nào khác, một phần là vì giãn cách, một phần là vì tôi nấu ăn dở tệ. Và vì đã ngốn rất nhiều mì gói, tôi tự thấy thấy mình đã trở thành một chuyên gia về các sản phẩm mì trên thị trường (nhân tiện đây tôi xin review nhanh mì Hảo Hảo Premium: không sang-xịn-mịn như bao bì, không ngon đến mức phải trả thêm tiền, có thể nói là dở hơn bản gốc). Ngoài ra, bài viết của Saigoneer về mì gói cũng đã giúp tôi biết thêm lịch sử và văn hóa gắn liền với món ăn tiện lợi này.
Món ăn ngon-bổ-rẻ thời niên thiếu của tôi là bánh mì bơ đậu phộng và Hot Pocket, chứ không phải mì gói, nhưng khi đọc được những kỉ niệm gắn liền với món mì gói mà tác giả nhắc đến trong bài viết, tôi cảm thấy như mình đã bỏ lỡ rất nhiều niềm vui mà mì gói mang lại.
Dù sao thì tôi cũng rất hân hạnh được dành những tháng năm giãn cách của mình tại thị trường tiêu thụ mì gói lớn thứ 3 trên thế giới. Tôi chưa hề ăn mì gói từ khi thành phố mở cửa trở lại, nhưng lần tiếp theo tôi nấu mì, tôi sẽ biết quý trọng bữa ăn của mình nhiều hơn vì bài viết này.
Mike: Tôi thích tất cả các bài viết của Ănthology nói chung, bởi tác giả chính của series, Tâm Lê, là một cây bút xuất sắc, nhưng bài viết về đậu hũ Hodo chính là lựa chọn của tôi. Câu chuyện của đậu hũ Hodo có một mô-típ vô cùng quen thuộc: một người nhập cư đến Mỹ, làm việc chăm chỉ trong nhiều năm, để rồi thực hiện thành công "giấc mơ Mỹ."
Điều truyền cảm hứng cho tôi nhất là nỗ lực của Minh Tsai trong việc quảng bá hình ảnh một loại thực phẩm vốn dĩ đã quá phổ biến ở Việt Nam trên đất Mỹ. Trước đây tôi cũng không hề biết là có một bộ phận người Mỹ phản đối món đậu hũ đến vậy, nên những ai ra sức thay đổi quan điểm sai lầm đó cũng sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tôi.
Paul: Tôi cũng rất thích bài viết này, suýt nữa thì tôi đã chọn đây là bài viết yêu thích. Qua bài viết, tôi biết được rằng ở Mỹ có những người có suy nghĩ lạ kỳ là đậu hũ không phải là món ăn dành cho "đàn ông nam tính." Cá nhân tôi thì khá cuồng đậu hũ nên khi đến Việt Nam và thấy các cụ già ngồi trên vỉa hè uống bia hơi, ăn đậu hũ chiên giòn, tôi biết vì mình đã đến đúng nơi. Tôi rất vui vì có những người như Minh Tsai đang góp phần thay đổi hình ảnh của món đậu hũ trên toàn thế giới.
Khôi: Từ nhỏ tôi đã thích đậu hũ nên tôi thấy rất vui vì bây giờ ai cũng muốn ăn đậu hũ, hoặc ít nhất là không kỳ thị đậu hũ nữa. Ngày trước, ở Việt Nam người ta thường nghĩ đậu hũ là món ăn chỉ dành cho các nhà sư hoặc những người có tài chính eo hẹp, nhưng từ ngày có trào lưu bún đậu mắm tôm và phong trào ăn chay, món đậu hũ cũng được "giải oan."
Cá nhân tôi thì thích bài viết đầu tiên trong series Ănthology nhất, vì tôi khá hâm mộ chị Christine Hà. Sự xuất hiện của chị trên MasterChef US và câu chuyện về nghị lực của chị có thể nói là điểm sáng của chương trình. Tôi nghĩ tài năng của chị ấy đã khiến các giám khảo chuyên nghiệp, đặc biệt là Gordon Ramsay, phải nghiêng mình. Chưa kể là chị Christine còn từng học chuyên ngành viết nữa, mà "người trong một ngành phải thương nhau cùng" phải không?
3. Loài vật được yêu thích nhất từ Natural Selection
Diệu Anh: Một trong những mục tiêu mà ban biên tập đặt ra cho series này là tôn vinh các loài động vật ít được biết đến của Việt Nam, và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ động vật hoang dã. Tôi nghĩ bài viết của Paul về sao la đã đạt được mục tiêu này.
Lần đầu tiên tôi nghe đến sao la khi loài động vật này được chọn làm linh vật chính thức của SEA Games 31 tại Việt Nam. Tuy nhiên, những tư liệu nhạt nhẽo mà báo chí đưa ra khiến tôi không buồn tìm hiểu thêm về loài động vật quý hiếm này. Kiến thức của tôi về sao la hồi đó chỉ gói gọn trong những cụm từ thường được nhắc đến như “cực kỳ nguy cấp”, hay “được liệt kê trong Sách đỏ của IUCN,” v.v.
Bài viết về hành trình khám phá sao la, cùng với những hình ảnh minh họa và ảnh ghép sống động từ nhóm thiết kế Saigoneer, để giúp tôi dễ hình dung, hiểu rõ, và quý trọng những chú "kỳ lân châu Á" hơn. Ban biên tập chắc chắn sẽ còn tìm hiểu thêm nhiều loài động vật quý hiếm như sao la trong năm 2022.
Mike: Tôi phải "gồng" lắm mới không chọn một trong những bài viết mình tự thực hiện, vì tôi toàn chọn những con vật mà tôi cực kỳ yêu thích, và bài nào trong series Natural Selection cũng hay. Nhưng có lẽ tôi sẽ chọn bài viết về bồ kết, vì trước đó tôi không có một chút kiến thức nào về loại thực vật này. Qua bài viết, tôi đã học được nhiều điều, cảm nhận được câu chuyện cá nhân của tác giả, và biết thêm về bối cảnh lịch sử xung quanh quả bồ kết. Nói chung đây là một viết hữu ích.
Khôi: Bài viết Natural Selection làm tôi ngạc nhiên nhất chắc phải là bài viết về thằn lằn hay thạch sùng. Tôi có thể hiểu vai trò về văn hóa và môi trường của các loài động-thực vật khác trong series, nhưng tôi chưa bao giờ để tâm đến thằn lằn, vì chúng sống nhan nhản trong nhà tôi từ đó đến giờ. Bài thơ của Paul cũng như các tác phẩm văn học khác về thằn lằn đã giúp tôi trân trọng chúng hơn. Kể từ bây giờ, tôi sẽ nhìn những chú thằn lằn trong nhà một cách âu yếm thay vì hét toáng lên vì sợ.
Paul: Series yêu thích của tôi cũng chính Natural Selection, bởi thay vì viết một bài sớ theo kiểu bách khoa toàn thư về các loại động-thực vật, series chọn tập trung vào những câu chuyện thần thoại, những áng văn, những cảm nghĩ cá nhân của người viết về chúng. Bài viết lêkima là một dẫn chứng hoàn hảo điều này.
Loài hoa khá kín đáo này trở nên nổi tiếng vì được gắn với cái tên của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, qua tác phẩm của một nhà thơ và một ca khúc nổi tiếng. Trên thực tế, chị Võ Thị Sáu đã không cài hoa lêkima lên tóc trước khi bị hành quyết, nhưng sự nhầm lẫn và bay bổng của thơ ca đã thay đổi nhận thức của phần lớn công chúng. Thế là lêkima đã vô tình trở thành một trong những biểu tượng cho sự quả cảm.
Sự giao thoa ngẫu nhiên của nghệ thuật, lịch sử và thực vật học được thể hiện qua bài viết này chính là lý do vì sao tôi thích tìm hiểu và chiêm nghiệm về những khía cạnh khiêm tốn nhất của tự nhiên quanh ta.
4. Bài viết feature yêu thích nhất
Khôi: Vào tháng 9, Saigoneer đã đăng tải một bài viết về vai trò của tiếng rao trong đời sống đô thị hiện nay. Tiếng rao là một trong những điều mà tôi, cũng như bất kỳ ai lớn lên ở Sài Gòn, ghi nhớ sâu sắc. Tôi là người sinh ra ở thành phố, nên từ lâu đã không còn quá bận tâm vì sự ồn ào náo nhiệt ở đây. Dù nhà hàng xóm có mở đám cưới hay đám ma xuyên đêm thì tôi vẫn ngủ ngon giấc được.
Ấy vậy nhưng tôi lại cực kỳ cảm động khi đọc được bài viết này trong giai đoạn giãn cách, khoảng thời gian mà chúng ta phải sống cuộc sống tách biệt, khi âm thanh phố thị dường như không còn tồn tại. Tác giả của bài viết đã khai các cặn kẽ những khía cạnh của tiếng rao, và sự biến mất của người rao hàng trong thời đại mua sắm trực tuyến, một thực tế không thể tránh khỏi nhưng vẫn nhiều người thấy buồn bã.
Mike: Hơi khó để chọn những bài viết không phải từ gần đây vì tôi không nhớ được sự kiện gì từ trước tháng 6. Có lẽ tôi đã bỏ lỡ rất nhiều ứng cử viên cho hạng mục này. Nhưng dù sao thì tôi cũng sẽ chọn bài viết về Tô Đậm, một tập thể các nghệ sĩ vẽ tranh tường cho các ngôi trường ở các vùng sâu vùng xa trên khắp Việt Nam. Một bài viết ấm lòng về người tốt việc tốt. Tôi hi vọng có thể tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm của Tô Đậm vào một ngày nào đó.
Paul: Tôi sẽ chọn một bài viết từ khá gần đây, bài viết về câu chuyện của nữ ca sĩ Phương Tâm. Phương Tâm từng là một danh ca nổi tiếng ở Sài Gòn vào thập niên 60, nhưng khi bà chuyển đến sống ở Mỹ, sự nghiệp của bà hoàn toàn đi vào dĩ vãng. Chính con gái của bà cũng không hề biết về cuộc sống trước đây của mẹ mình. Thế rồi một ngày, một đoàn phim đã gửi thư xin phép sử dụng ca khúc của bà trong bộ phim sắp ra mắt...
Quá trình tìm kiếm, khôi phục và phát hành âm nhạc của Phương Tâm một lần nữa đã tạo nên một câu chuyện cực kỳ cuốn hút. Nó làm tôi nhận ra rằng có bao nhiêu bản nhạc hay từng được sáng tác nhưng chưa được ai biết đến, và đến giờ vẫn đang chờ được "khai quật." Kết cục của câu chuyện còn "có hậu" hơn nữa vì quá trình làm nhạc đã đưa các nhân vật chính đến gần nhau hơn. Tôi cảm thấy cuộc đời của nữ ca sĩ Phương Tâm thật đáng kinh ngạc, bởi chỉ trong ngần ấy năm thôi mà biết bao chuyện đã xảy ra.
Vả lại, nếu bạn đọc của bài viết không thấy ngỡ ngàng trước số phận lắt léo của một đời người, thì cũng có thể thưởng thức những bài hát về Sài Gòn của danh ca Phương Tâm mà các nhạc sĩ, nhà sản xuất đã phục chế được.
Mike: Đây chắc chắn là bài viết feature cho tôi trải nghiệm phỏng vấn thú vị nhất năm nay, vì các nhân vật đều rất thân thiện và dễ bắt chuyện. Ít khi nào có thể thực hiện một dự án đa quốc gia, đa cá nhân một cách dễ dàng như vậy.
Khôi: Tôi hơi bị ganh tị với Hannah vì lịch sử gia đình cô ngầu hết sức. Nếu mẹ tôi từng là thần tượng vào thập nhiên 60, chắc tôi sẽ đi khoe hết cả xóm cho xem!
Diệu Anh: Năm nay, ban biên tập đã thực hiện kha khá các bài viết về các startup môi trường, những doanh nghiệp mang đến giải pháp về rác thải nhựa. Cá nhân tôi thì ấn tượng nhất với cách tiếp cận vấn đề của PLASTICPeople. Họ sản xuất nhiều loại sản phẩm được tái chế từ “nhựa chết”, tức loại nhựa không được các nhà máy tái chế khác tiếp nhận, thường sẽ bị chôn vùi trong các bãi rác hoặc trôi ra môi trường. Việc PLASTICPeople hợp tác với các studio sáng tạo tại Việt Nam để tăng tính thẩm mỹ cho các sản phẩm của mình là một bước đột phá lớn trong quy trình tái chế nhựa tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Saigoneer cũng đã có cơ hội đến thăm nhà máy của PLASTICPeople, tìm hiểu các vật liệu, sản phẩm và máy móc của họ, đồng thời học hỏi rất nhiều về nhựa và quá trình tái chế. Đội ngũ của PLASTICPeople cũng rất thân thiện, nên những ai không ngại bẩn tóc tai có thể thử đến tham quan nhà máy thú vị này nhé.
5. Nội dung "bá đạo" nhất
Mike: Chắc chắn là hình em corgi lắc mông khi được nhân viên y tế khử trùng vào tháng 6. (Thật ra thì, tôi không chắc động vật có thực sự cần được khử trùng hay không, tôi cũng chưa bao giờ xịt thuốc khử trùng lên hai chú chó của mình). Đây là một giây phút nhẹ nhàng đáng yêu mà ai cũng cần trong lúc tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam trở nên căng thẳng. Với lại ai mà không thích chó corgi nhỉ? (chắc là trừ Paul ra).
Paul: Tôi nghĩ câu thành ngữ "Ăn vụng nhớ chùi mép" nên được áp dụng cho trường hợp người phụ nữ tổ chức đám tang giả cho chính mình.
Tôi có thể nghĩ ra đủ loại lý do để một người giả chết: bạn có thể bắt đầu cuộc sống mới ở một hòn đảo xa xôi và tránh xa mấy người làm phiền bạn; bạn có thể hả hê khi thấy mọi người khóc nức nở và tiếc thương sự ra đi của bạn; bạn có thể đột nhiên "sống lại" và thuyết phục mọi người mình có năng lực thần kỳ và là đấng cứu thế hay gì gì đó. Bà Trần Thị Tuyến, đương sự trong câu chuyện, đã giả chết để không phải trả nợ, cũng là một lý do chính đáng, nhưng phần thực hành có vẻ không được tinh vi cho lắm.
Bà Tuyến nói cho mỗi thành viên trong gia đình một lý do từ trần khác nhau; không để gì nặng vào quan tài, khiến những người khiêng vác cũng nhanh chóng nhận ra; ngay cả đồng phạm của bà cũng không thèm tỏ ra buồn bã tại đám tang. Tôi không thấy "mưu đồ" của bà Tuyến có gì sai, nhưng tôi thấy trình phạm tội của bà có lẽ cần được cải thiện. Bài học cần được rút ra từ câu chuyện này là phải tránh vết xe đổ của bà Tuyến nếu một ngày nào đó phải ngụy tạo đám tang của bản thân.
Khôi: Tôi nghĩ ai cũng thích xem và cười vào mặt mấy bức tượng xấu đau xấu đớn được xây lên mỗi năm. Sống ở Việt Nam là phải nhẵn mặt với mấy tác phẩm quái đản như vậy. Cá nhân tôi thì lại thích sự kỳ quặc của chúng, và bức tượng Elsa ở Sa Pa là tác phẩm đáng nhớ nhất trong năm đối với tôi.
Ban đầu, bên xây dựng đã cho thực hiện bức tượng Nữ thần Tự do, nhưng vì cộng đồng mạng quá phẫn nộ nên họ phải dỡ nó xuống. Thế rồi họ không chịu bỏ cuộc, mà xây thêm một bức tượng Elsa, khiến chính quyền địa phương phải trực tiếp ra tay "sát phạt." Tôi phải thán phục "nỗ lực" không ngừng nghỉ của chủ sở hữu khu resort trong việc xây dựng những bản sao xấu có chủ đích. Tôi hy vọng có thể thấy nhiều thiết kế như vậy nữa trong tương lai!
Paul: Nếu anh là người tư vấn cho chủ resort, anh sẽ chọn "danh tác" nào tiếp theo?
Khôi: Tôi sẽ khuyên ông ấy thực hiện lại bộ tượng 12 con giáp phiên bản nude ở Hải Phòng. Bản gốc trông đã 18+ và dị thế rồi thì thêm một bản ăn theo nữa chắc cũng không sao.
Mike: Tôi lại thấy mấy tượng này khá vui đấy chứ. Tôi cũng hơi tiếc cho chủ sở hữu mấy bức tượng, vì đây là bộ sưu tập cá nhân mà, chúng đâu có được trưng bày ở một địa điểm công cộng đâu nhỉ. Là tôi thì tôi sẽ loại bỏ những công trình kỳ quặc đã được phê duyệt ở các dự án du lịch tại Fansipan hay Bà Nà Hills kìa.
Ban biên tập hy vọng các độc giả đã có được nhiều thông tin và giá trị hữu ích từ các bài viết của chúng tôi trong năm 2021. Đội ngũ Saigoneer mong muốn có thể mang lại cho các bạn nhiều bài viết hơn nữa về văn hóa, lịch sử, cũng như ẩm thực Việt Nam trong năm 2022!