Đâu đó trong khu trung tâm Sài Gòn ngày nay, có nhiều bí mật thời chiến đã được đưa ra ánh sáng nhưng rồi vẫn lặng lẽ khép mình giữa nhịp sống bận rộn của thành phố — những hoạt động cách mạng từng chỉ âm thầm diễn ra nơi hầm tối và lối đi bí mật, gắn liền với câu chuyện về mảnh đời rất vẻ vang nhưng rốt cuộc chỉ dùng để ngụy trang.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường đi ngang qua các công trình tưởng niệm, biểu ngữ tuyên truyền và bảo tàng, nhưng bộ não chúng ta lại chọn bỏ qua những hình ảnh ấy. Giống như chẳng mấy ai tự nếm thử vòm miệng của mình cả. Nhưng thú vị thay, Saigoneer lại bị thu hút bởi những hiện vật thuộc về giai thoại khói lửa, mà yếu tố quyết định thành bại lại chính là quá trình hậu cần "ngầm" không được để ai chú ý đến.
Đó là cuộc tập kích của Biệt động Sài Gòn, một lực lượng đặc công của quân Giải phóng miền Nam. Tổ chức ra đời trong kháng chiến chống Pháp và hoạt động trở lại vào đầu những năm 1960 nhằm mục đích lật đổ chính quyền Mỹ-Ngụy. Câu chuyện của họ đã được dựng thành bộ phim Biệt Động Sài Gòn. Trong phim, nhân vật ông chủ hào hoa của hãng sơn Đông Á được xây dựng từ nguyên mẫu là Anh hùng Lực lương vũ trang nhân dân Trần Văn Lai. Ngoài đời thực, ông là một nhân vật quan trọng của lực lượng. Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc tấn công, ông đã mua nhiều ngôi nhà ở Sài Gòn, tất cả đều dành để phục vụ cách mạng.
Mọi người đương thời biết đến ông Lai trong vai trò một nhà thầu khoán đồ nội thất có tiếng ở Sài Gòn. Nhưng không mấy ai biết lý do ông chọn nghề này. Có phải vì đó là một nghề giúp ông có được “cả tiếng lẫn miếng”? Nghề đó giúp ông lo cho gia đình được sống no đủ? Là nghề gia truyền từ đời cha ông? Hay là ngành nội thất chính là đam mê của ông, và vì thế ông chọn "làm những gì mình yêu thích để không bao giờ làm việc một ngày trong đời"? Những lý do trên đều nghe rất hợp lý, nhưng trên thực tế, nội thất chỉ được chọn lựa với mục đích duy nhất là hỗ trợ cách mạng.
Cách đây vài tuần, Saigoneer đã ghé thăm con đường điện thoại nức tiếng quận 1, nhưng không phải để mân mê "dế cưng" Apple mà để tìm ngôi nhà số 145 đường Trần Quang Khải. Đây là một trong số những nơi ông Lai may rèm cửa và làm đồ nội thất cao cấp để có thể dễ dàng ra vào Dinh Độc Lập và hoạt động giữa lòng địch.
Ngôi nhà được xây theo kiểu hình ống vào năm 1963, gần đây đã được sửa lại thành một quán cà phê. Nhưng khi nhìn thấy chiếc thang máy bằng sắt kiểu Pháp có hoa văn tinh xảo, với cửa và khóa đóng mở bằng tay, khách đến thăm sẽ biết rằng đây không chỉ là một quán cà phê retro thông thường; không phải chỉ để gợi lên cảm hứng hoài cổ theo phong cách của người thành phố bây giờ. Người thân còn sống của ông Lai đã biến nơi đây thành bảo tàng dành riêng cho Biệt Động Sài Gòn.
Bảo tàng có trưng bày công cụ làm gỗ của ông Lai, một nghề giúp ông ngụy trang và ra vào thành trì của địch mà không bị nghi ngờ. Bộ trường kỷ bằng da ở tầng trệt là thiết kế để ông giấu vũ khí bên trong. Bên cạnh đó còn có nhiều hiện vật khác như chiếc radio quân đội, chiếc máy đánh chữ từng thuộc sở hữu của Nguyễn Văn Thiệu, một chiếc đàn accordion và những chiếc xe máy được sử dụng để giao thư mật. Các hiện vật bổ sung này càng tái hiện thời kỳ ấy rõ hơn và phản ánh được tinh thần cách mạng của chủ nhà.
Để được chọn làm nhà thầu khoán cho Dinh Độc Lập, ông Lai phải gây dựng được “tiếng thơm” ở khu mình sống. Vì vậy, tổ chức đã sắp đặt cho ông kết hôn với bà Phạm Thị Chinh. Bà sinh ra trong một gia đình Hà Nội giàu có làm nghề buôn vàng. Khi tham gia cách mạng và kết hôn với ông Lai, bà giúp ông có nhiều mối quen biết cũng như có nguồn vốn để gia nhập giới tư sản Sài Gòn và lấy được sự tin tưởng của quân địch. Họ mua hơn chục ngôi nhà khắp thành phố để làm nơi họp bí mật và cất giữ vũ khí.
Năm 1964, bà Chinh bị bắt khi bảo lãnh hai cán bộ đang bị cầm tù tại Côn Đảo. Bà bị tra tấn dã man và đã không qua khỏi. Sau khi bà Chinh mất, ông Lai cần phải tái hôn để duy trì vỏ bọc của mình. Năm 44 tuổi, ông Lai kết hôn với bà Đặng Thị Thiệp, khi ấy mới 21 tuổi. Giống như với người vợ trước, có thể nói mục đích ban đầu của cuộc hôn nhân là vì lợi ích, nhưng hai người dần thương nhau thật lòng và có với nhau sáu mặt con.
Những năm đầu sau khi đi bước nữa, ông Lai tiếp tục mua nhà khắp thành phố vì mục đích cách mạng dưới danh nghĩa một nhà thầu khoán nội thất có tiếng trong giới tư sản Sài Gòn. Hai vợ chồng đã mua ba căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay. Bên dưới những ngôi nhà, họ dành nhiều năm đào một đường hầm bí mật để dần dần tích trữ vũ khí được chuyển về từ các khu vực do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam kiểm soát. Đến năm 1967, tầng hầm bí mật ấy chứa đến hơn hai tấn súng, chất nổ, lựu đạn và đạn dược.
Khu vực này đã được dựng lại để khách tham quan hình dung rõ hơn về cảnh tượng năm xưa. Cửa xuống hầm được đậy bằng lớp gạch bông quen thuộc, khi tháo gạch ra sẽ thấy có một không gian bên dưới — hầm tối le lói đầy bóng hình vũ khí bạo động (hy vọng là đã bị vô hiệu hóa). Bảo tàng cũng xây cầu thang xuống hầm để phục vụ du khách trong thời bình. Nhưng cho dù có tiện lợi hơn, việc lên xuống hầm trong cảnh khách khứa ra vào đông đúc cũng khó mà kín đáo được. Điều này càng chứng tỏ những nguy hiểm ông Lai phải đối mặt suốt thời gian hoạt động cách mạng. Thật phi thường khi ông có thể tích trữ lượng vũ khí lớn như thế, trong một ngôi nhà rất đỗi bình thường, và tránh được miệng lưỡi của hàng xóm.
Cuộc tấn công được phát động vào sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968. Theo kế hoạch, 15 chiến sĩ đến nhà ông Lai để lấy số vũ khí được giấu bên trong giỏ rau. Sau đó, họ tiến đánh Dinh Độc Lập. Đây là một phần trong chiến lược tổng tiến công vào nhiều mục tiêu quan trọng trong thành phố, bao gồm Đại sứ quán Hoa Kỳ, đài phát thanh và nhiều đồn bốt quân sự. Sáng hôm đó, ông Lai chở một nhóm lính biệt động cùng vũ khí đến Dinh rồi trở về nhà để hỗ trợ các lính biệt động khác.
Tiếc thay, kế hoạch bất thành, kho vũ khí bí mật của ông Lai bị phát hiện và Biệt động Sài Gòn phải giải tán. Ông Lai bị truy nã với khoản tiền thưởng trị giá 2 triệu USD. Tuy nhiên, ông đã không đi xa mà chỉ giả làm bác của các con mình và chung sống trong ngôi nhà trên đường Nguyễn Kiệm. Bên ngoài chỉ có lời đồn rằng ông đã bỏ trốn với bà bé. Những đứa con nhỏ của ông lúc đó thậm chí còn không biết rằng mình đang sống với bố và gọi ông là “bác.”
Trong thời gian mai danh ẩn tích, cuộc sống gia đình ông Lai rất khó khăn. Vì không còn là nhà tư sản năm nào, nên có những khi ông và các con qua bữa nay không biết bữa mai. Đến thời bình, mọi chuyện cũng không dễ dàng hơn. Bà Đặng Thị Thiệp kể với Saigoneer rằng ông bà được cấp giấy chứng nhận có công với cách mạng, được ưu tiên mua lương thực và một số mặt hàng trong những năm tháng khó khăn sau chiến tranh. Tuy nhiên, ông Lai vẫn phải làm nhiều nghề cùng một lúc để kiếm sống, như chở khách đến chợ và chăn lợn trong căn nhà chật chội gần chợ Tân Định.
Tuy nghèo khó, ông Lai vẫn lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn và ai nấy về sau cũng đều thành tài. Giờ đây, họ cố gắng thu thập nhiều công cụ, tài liệu và thậm chí cả những ngôi nhà cha mình từng mua vì mục đích cách mạng để đóng góp cho bảo tàng.
Sau khi thăm hai ngôi nhà đầu tiên, chúng tôi đến số 113A Đặng Dung. Vào những năm 1960, nơi đây vừa là một quán ăn vừa là nơi giao liên và lưu trữ tài liệu cách mạng.
Đến giờ này thì chúng tôi đã đói meo sau một buổi sáng chạy quanh thành phố trong cái nắng đầu hè. Ai nấy cũng vui khi biết quán cà phê có phục vụ cơm tấm. Thế nhưng, khi dĩa cơm được dọn ra, chúng tôi khá bối rối khi thấy bên cạnh những thành phần đặc trưng của cơm tấm, sườn nướng và trứng lại có thêm kim chi. Đối với một buổi sáng chỉ dành để tìm hiểu về người thật việc thật trong lịch sử, thì món ăn kèm lệch chuẩn này thật khiến chúng tôi bất ngờ. Nhưng hóa ra đó cũng là sự khéo léo của ông Lai và những người lính biệt động.
Theo suy tính của lực lượng, Biệt Động Sài Gòn có thể tránh được nghi ngờ nếu mở một quán ăn phục vụ chính những người có thể lật tẩy âm mưu của họ. Vì thế, quán đã đưa món kim chi xứ người vào bữa ăn quen thuộc của Sài Gòn và thu hút nhiều binh lính Hàn Quốc sống quanh đó đến ăn.
Nhưng dù là món ăn kèm, phần kim chi ấy cũng thể hiện nỗ lực phi thường của Biệt động Sài Gòn. Họ không chỉ dám mạo hiểm mời kẻ thù đến nơi hoạt động, mà còn bỏ thời gian và công sức học cách làm kim chi thật ngon để khách Hàn Quốc thường xuyên lui tới. Đối với một quán ăn bình thường thì việc ấy đã là một thử thách lớn rồi, huống chi với họ chỉ là một mẹo nhỏ để hỗ trợ mục tiêu chính lớn lao hơn.
Đoạn dây xích tải đạn từ tàu L’Escarmouche do lính biệt động giữ lại.
Một ứng cử viên khác cho hạng mục “Hiện vật tiêu biểu nhất trong ngày” chắc hẳn là đoạn dây xích tải đạn nặng trịch được trưng bày tại 145 Trần Quang Khải. Được biết đó là đoạn dây xích bằng đồng dùng để kéo đạn lên súng trên chiến hạm L’Escarmouche, một tàu khu trục nhỏ (frigate) của Pháp từng tham gia chiến thắng Normandy trong Thế chiến thứ hai. Sau đó tàu được điều đến Việt Nam để phục vụ cho hoạt động của thực dân Pháp tại đây. Theo lời kể thì trong một cuộc tấn công vào cảng Sài Gòn năm 1946, những người lính biệt động đã lấy đoạn dây xích này về làm kỷ vật. Tuy nhiên, thật khó để xác minh thông tin này. Vì đoạn xích chỉ xuất hiện trong các tài liệu tiếng Việt về Biệt Động Sài Gòn. Và dù rằng tàu L’Escarmouche đúng là đã cập bến Việt Nam sau Thế chiến thứ hai, nhưng không có tài liệu tiếng Anh hay tiếng Pháp nào mô tả về cuộc tấn công năm ấy.
Đã 80 năm trôi qua, có lẽ thông tin về đoạn dây xích đã thay đổi ít nhiều. Có thể người Pháp và các đồng minh không công bố các báo cáo về vụ tấn công con tàu để giữ thể diện cho mình. Hoặc có thể chưa từng có ai đưa tin về sự kiện ấy vì nó không “sốt dẻo” bằng các tin tức khác vào thời điểm đó. Chúng tôi lại cảm thấy phần lịch sử gần như bị lãng quên này cũng giống với câu chuyện của ông Trần Văn Lai. Ông là một trong rất nhiều người có cống hiến to lớn cho đất nước. Thế nhưng, những đóng góp của ông giờ đây hầu như không được chú ý đến, mặc dù dấu tích vẫn còn lưu lại ở ngay trung tâm Sài Gòn. Tôi thầm nghĩ rằng chắc ông cũng vui mừng khi thấy thành phố đã phát triển như ngày hôm nay, và cuộc sống của người Việt Nam giờ đây sôi động và tự do đến mức mọi người có thể đi ngang qua những dấu tích ấy hằng ngày mà không cần được nhắc về những hy sinh thầm lặng trong quá khứ.