Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Tìm đến Aoya Ramen để ăn thử tô mì shoyu ngon nhất nhì vỉa hè Sài Gòn

Hẻm Gems: Tìm đến Aoya Ramen để ăn thử tô mì shoyu ngon nhất nhì vỉa hè Sài Gòn

Lần đầu tiên tôi thử tìm đường đến Aoya Ramen là vào một tối thứ Hai. Khi ấy, vạt lề đường trong hình trên mạng không một bóng người, mì ramen, hay quán xá. Tôi tiu nghỉu phát hiện ra quán nghỉ thứ Hai hàng tuần. Lần thứ hai, chưa kịp vui mừng vì quán mở cửa, lòng tôi khựng lại vì ngay bên trái xe mì là một hàng dài thực khách đã đứng chờ từ trước. Lần thứ ba, rút kinh nghiệm từ lần hai, tôi cố tình tới trễ hơn vào khoảng tám rưỡi, thì lại bàng hoàng nghe được quán đã hết sạch ramen.

Lúc đó, trong đầu tôi văng vẳng ý nghĩ rằng chắc vũ trụ và các đấng tối cao trên kia đang trêu đùa tôi. Tôi như nam chính phim tình cảm giờ vàng, và tập hiện tại đang là cách biên kịch dạy cho mình rằng “nếu ta yêu thứ gì, hãy mở lòng cho nó tự do đi; nếu nó quay lại, đấy mới chính là chân ái.” Cá nhân tôi chẳng tin vào triết lý tình cảm thụ động như thế, nên đương nhiên tôi đã lên ngay lịch mò đến thăm Aoya Ramen lần thứ tư. Vì đến mức này, đối với tôi, việc được ăn tô ramen này không chỉ đơn thuần là được nếm thử một chiếc quán hay ho nữa, mà đây đã trở thành hành trình chính nghĩa của nam chính phim tình cảm, quyết tâm chứng minh rằng chỉ có con người mới làm chủ đời mình, mặc biên kịch hay vũ trụ sai khiến gì.

Đến sớm là cách tốt nhất để giành được ghế ăn ngay ramen nóng.

Vào đêm thứ tư tìm đến quán, tôi cẩn thận rà soát mọi chi tiết hành trình: đến sớm 15 phút, gửi xe, né tôi thứ Hai ra. Cơn mưa phùn nhỏ rì rầm trên trời nhá nhem tối, rải những hạt mưa mùa hè con con xuống mặt đường Ngô Thời Nhiệm. Trong sắc xanh tím của buổi hoàng hôn, ánh đèn dịu ngọt và từng cuộn hơi nước lèo nóng tỏa ra từ Aoya Ramen như một trạm nghỉ chân mời gọi lữ khách.

Có nét đẹp lạ lẫm trong cái bề bộn.

Giữa vỉa hè, xe mì nằm nhỏ nhắn giữa 8 cái ghế đẩu và chiếc bàn vừa đủ 4 người ngồi; phía trong, bạn bếp trẻ măng thoăn thoắt chuẩn bị từng món ăn kèm để chào đón một đêm nấu mì cho thực khách khắp Sài Gòn. Một bên xe đẩy, phần vách trong suốt giờ bị che lấp bởi hằng hà sa số những sticker đủ hình dáng, vừa hỗn loạn nhưng cũng rất duyên dáng. Mọi thứ tắm trong màu vàng nhẹ của đèn huỳnh quang và hai chiếc lồng đèn đỏ bụ bẫm. Tôi đã từng nhiều lần chạy xe qua khu này ngoài giờ mở cửa của quán, và phần lề đường này ngay trước một bãi giữ xe cũ. Đối diện là mặt bên của nhà thi đấu Hồ Xuân Hương, nên ngoại trừ đôi tiếng dằn banh, gọi nhau í ới của đội bóng rổ nhà bên, đoạn đường này chẳng có hàng quán, nhà dân, hay bất cứ thứ gì tạo nên nét văn hóa đường phố Sài Gòn mà người ta vẫn trìu mến ca tụng trong văn chương.

Mưa trên nón, trên đầu là chuyện “thường ngày ở huyện” khi ghé đây ăn.

Nơi đây, với sự có mặt của sạp mì nhỏ xinh này, khiến tôi không khỏi liên tưởng đến một trường đoạn trong Spirited Away, khi hoàng hôn buông xuống, và đột nhiên công viên trò chơi tối ngòm, thiếu sức sống bỗng choàng tỉnh dậy, lấp lánh ánh đèn và tấp nập khách khứa mặt cóc nhái rủ nhau đi tắm suối nước nóng. Có lẽ trong câu chuyện ngoài đời, tôi là một trong những vị khách mặt nhái, đến Ngô Thời Nhiệm để tìm cơ hội đắm chìm vào không khí lễ hội nô nức, trò chuyện cùng thực khách khác, và, quan trọng hơn hết, vục mặt vào tận hưởng tô mì shoyu ramen.

Một nhóm bạn trẻ cùng nhau điều hành xe mì.

Thực đơn ở đây chỉ có duy nhất một món, à mà thật ra cũng chẳng có thực đơn, bạn phục vụ sẽ giới thiệu và lấy đơn luôn. Phần Aoya ramen đặc biệt bao gồm một tô mì ramen (100.000 VND) với nước dùng shoyu cùng topping gồm thịt heo chasu, rong biển wakame, măng, nửa quả trứng lòng đào ngâm tương, hành poa-rô cắt nhuyễn, và một lát chả cá narutomaki. Thực khách ai cũng ăn phần giống nhau, nhưng bạn có thể chọn uống kèm trà matcha đá hay bia chai tùy hôm ấy có loại gì.

Với nước dùng gà làm nền, khi khách gọi mì, phần shoyu tare sẽ được thêm vào mỗi tô trước khi topping được xếp lên trên cùng.

Đối với cá nhân tôi, phần mì của Aoya tuy chưa hẳn là tuyệt nhất thành phố, nhưng chắc chắn cũng nằm trong top 5. Nhưng với các thành tố đều được chăm chút kỹ lưỡng, đây có thể coi là một hình mẫu ramen tròn trịa, thỏa mãn được tất cả các giác quan, từ mùi hương, khẩu vị, cho đến phần nhìn. Đi từ xa, ta đã có thể cảm nhận ngay trong sống mũi hương vị umami và beo béo của nước dùng, báo hiệu một bữa ăn ngọt thịt trong từng muỗng nước. Và rồi, cái giây phút tô mì đáp xuống mặt bàn, ai nấy đều thốt ra tiếng trầm trồ, thích thú ngắm nghía quả trứng nâu mây mẩy, thớ mì bóng lưỡng mỡ gà, và xoáy chả cá trắng hồng.

Itadakimasu!

Tôi chậm rãi húp thử một muỗng nước lèo. Tròn trịa, mặn mòi, béo nhẹ — tất cả len lỏi vào từng ngóc ngách của topping, kéo mọi thứ gần nhau hơn thành một tổng thể đồng nhất. Sợi mì, đôi khi không được chăm chút lắm ở nhiều quán khác, có độ dai vừa phải và kết cấu đều đặn, không đậm vị bột hay trứng. Có lẽ đây là một trong số ít lần ăn ramen mà tôi mê vắt mì hơn cả nước lèo hay topping, dù miếng chasu và quả trứng ngâm tương cũng khá ngon nhờ phần lòng đỏ dẻo quẹo. Về giá cả, ramen có lẽ không phải là thị phần dễ xơi ở Sài Gòn, nhất là khi hầu hết các quán ramen đều định giá 150.000 VND hoặc hơn. Công bằng mà nói, mức giá 100.000 VND một tô của Aoya có thể chấp nhận được nếu dựa trên độ ngon, dù miếng chasu có hơi khiêm tốn một chút.

Các quán yatai như Aoya Ramen mang trong mình nét văn hóa ẩm thực đường phố Nhật Bản.

Aoya Ramen hoạt động theo mô hình yatai (屋台), dịch đơn giản là “xe đẩy,” loại hình quán ăn lề đường phổ biến ở các đô thị ở Nhật, thường bán các món ăn nóng đơn giản cho người đi đường như ramen, yakitori (gà xiên nướng), okonomiyaki (bánh xèo), và oden (lẩu chả viên). Các xe đóng cửa ban ngày và mở vào ban đêm để phục vụ nhân viên văn phòng sau giờ tan làm. Mỗi xe đẩy thường có không gian khá chật, vừa đủ cho 8–10 khách ngồi ăn quanh khu bếp. Nhưng chính cách ngồi ăn gần nhau thế này tạo nên không khí gần gũi, đầy tình bằng hữu của yatai, vì không gì có thể xóa nhòa khoảng cách bằng một buổi “chén chú chén anh” xì xụp húp mì với người lạ.

Ngồi ăn chen chúc với khách lạ cũng là cách hay để tìm bạn mới.

Người Việt chắc chẳng lạ gì văn hóa ăn uống vỉa hè, nhưng bất ngờ thay, đây lại là truyền thống đang dần mai một ở Nhật. Yatai, như người ta thường thấy hiện nay, đã xuất hiện rất sớm từ thế kỉ 17, và khi xã hội Nhật bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, chúng trở thành hình ảnh đại diện cho công cuộc đổi đời của tầng lớp lao động tìm đến các thành phố lớn mưu sinh. Tuy nhiên, trước thềm Olympics mùa hè 1964 ở Tokyo, chính quyền thành phố, vì mong muốn đem đến bộ mặt chỉn chu nhất của thủ đô, đã thẳng tay dẹp sạch cộng đồng yatai sở tại. Nhiều đô thị khác cũng theo bước Tokyo. Nhưng may mắn thay, Fukuoka là một trong những thành phố duy nhất ở Nhật vẫn còn số lượng yatai tương đối đông đúc, nhờ vào nghiệp đoàn yatai Fukuoka ra đời năm 1950 để bảo vệ lợi ích của các quán ăn nhỏ lẻ truyền thống.

Hẹn gặp lại tô sau nhé.

Nói gì thì nói, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia với văn hóa buôn bán đường phố cởi mở, phát triển, và sôi động nhất, cho nên tôi vừa ngạc nhiên vừa gật gù đồng tình khi thấy một nét truyền thống ẩm thực Nhật như yatai lại có thể thích nghi, và được chấp nhận dễ dàng đến thế ở Sài Gòn. Mỗi lần tôi được dịp trải nghiệm bữa ăn đặc biệt, như tô mì shoyu ramen ở Aoya, tâm trí tôi lại liên tưởng đến ba mẹ của Chihiro. Không thể cưỡng lại ma lực của đồ ăn ngon (nhưng bị yểm bùa), họ cứ ăn mãi cho đến khi biến thành heo, dành cả thước phim ngồm ngoàm trên bàn tiệc. Được ăn tô ramen này, theo tôi, có biến thành heo cũng đáng đấy.

Aoya Ramen mở cửa từ 6pm cho đến khi hết mì, từ thứ 3 đến Chủ Nhật.

Đánh giá:

Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 5/5
Dịch vụ: 5/5
Địa điểm: 4/5

Aoya Ramen

30 Ngô Thời Nhiệm, phường Võ Thị Sáu, Q3

In bài này

Bài viết liên quan

in Ăn

Hẻm Gems: Cô Ba Ân, quán nhỏ 'núp hẻm' đem ký ức phố Hội về Sài Gòn

Nếu phải dùng một từ để nói về phong thái ăn uống của người Sài Gòn, thì tôi sẽ chọn từ “sung túc.” Ai đã từng ngồi ghế nhựa trên vỉa hè, cố sức ăn cho bằng hết ly trà sữa trân châu full-topping, chắc...

in Ăn

Hẻm Gems: Quán izakaya 'cool ngầu' nơi nhạc thập niên 80 giao thoa ẩm thực Nhật

Phải mất vài lần ghé thăm tôi mới nhận ra rằng nhạc nền ở quán Sakaba Sasuke ngày nào cũng như nhau.

in Ăn

Hẻm Gems: Thách thức giác quan cùng bún cua Gia Lai

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn nuôi một niềm tự hào nho nhỏ rằng mình không phải là đứa kén ăn. Đây là một “đức tính” mà ba mẹ đã rèn giũa cho tôi và các anh chị từ nhỏ, bằng cách tạo cơ hội cho chúng tôi t...

in Ăn

Hẻm Gems: Ngồi tâm tình ở Curry Shika, quán cà ri Nhật 12 năm tuổi trong hẻm Sài Gòn

Trung bình nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể người, nhưng nhiều lúc tôi trộm nghĩ rằng chắc có khi cơ thể mình hết 70% là cà ri, và hơn một nửa trong đó là cà ri Nhật.

in Ăn

Hẻm Gems: Phở gà Kỳ Đồng — 40 năm đông khách và danh xưng Michelin

Nếu một ngày nọ ta lạc trôi ở đất quận 3, cứ tìm đường đến quán phở gà nức tiếng Kỳ Đồng, nơi nghỉ chân xua tan mỏi mệt và xoa dịu cái bụng đói.

in Ăn

Hẻm Gems: Quán mì hoành thánh gia truyền 3 thập kỷ trong xóm nhỏ Bình Dương

Nhiều người khi đặt chân đến Bình Dương sẽ thắc mắc xem: nên ăn gì bây giờ? Điều này dễ hiểu, không phải vì nơi đây ít món ăn, mà vì Bình Dương là nơi giao thoa của nhiều cộng đồng văn hóa, nền ẩm thự...