Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Đến ngoại thành Gò Vấp để thử cơm jollof Nigeria 'có một không hai'

Ẩm thực là một phần của lịch sử. Nhiều người chỉ xem đó là dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự sống, nuốt nhanh ăn vội cho qua bữa. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều loại thực phẩm đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến lịch sử nhân loại, như mía đường, dầu cọ, và hàng trăm loại gia vị khắp thế giới. Trong khuôn khổ nước ta, rất nhiều món ăn tưởng chừng như dân dã, như hủ tiếu Nam Vang hay cà ri gà, cũng là minh chứng sống cho những giai thoại lịch sử Việt Nam.

Saigoneer sử ký

Tấm biển báo hiệu đồ ngon ở gần đây.

Mỗi khi tôi có dịp lật lại ký ức của chính mình về Sài Gòn vào những năm 2010, trong đó luôn có một vị trí đặc biệt dành cho Baby African, quán ăn đồ Nigeria duy nhất trong thành phố. Quá khứ tuổi trẻ của tôi đong đầy những nơi chốn như thế: quán cà phê teen xập xệ ngay cạnh trường phổ thông bán mấy đồ ăn nhanh như cơm chiên, trà sữa; tiệm phở tôi hay ăn cùng ba với phần ăn “xe lửa” to đùng; hay quán bar Hàn Quốc nơi tôi đã nghe nhạc Lou Reed lần đầu tiên cùng người yêu cũ. Đa số đều đã đóng cửa vĩnh viễn, nhưng cũng có ít quán đã lên hàng “được lựa chọn bởi Danh sách Michelin,” và cũng không ít quán vẫn hoàn toàn không mảy may thay đổi qua bao năm tháng. Thập niên 2010 ở Sài Gòn, cùng những năm 20 tuổi ẩm ương của tôi, vẫn vương vấn mùi hương cơm gia vị và chuối sáp chiên ở Baby African.

Có lẽ vài bạn đọc có theo dõi phiên bản tiếng Anh của Saigoneer sẽ nhớ ngay đến quán này. Khoảng giữa năm 2016, Saigoneer xuất bản một bài viết trong series Hẻm Gems, được thực hiện bởi chị tổng biên tập, sếp cũ của tôi. Trong bài tản văn, chị hồi tưởng lại quá trình đã biết đến Baby African lần đầu tiên thế nào qua lời giới thiệu của sếp cũ của chị, và chuyến đi “bão táp” từ trung tâm lên tận Gò Vấp để được ngồi ăn ngay. Đối với nhiều thế hệ ban biên tập Saigoneer, bí mật “thâm cung bí sử” về sự tồn tại của Baby African được truyền lại cho đời sau cũng trân quý và bí ẩn như cách cô bán bún bò Huế đầu hẻm truyền bí quyết nấu nước lèo cho con cháu. Sếp cũ của chị sếp truyền lại cho chị, và chị trao nó lại cho tôi, thuở ấy mới chỉ là thực tập sinh. Tám năm sau, tôi cũng đã lên thay chị, và hôm nay, tôi sẽ phát huy truyền thống gia đình tốt đẹp này bằng cách san sẻ niềm yêu mến đồ ăn Nigeria này cho mọi người.

Sân trước quán không trang trí gì quá đặc biệt.

Hồi 2016, khi Saigoneer vừa biết đến Baby African, quán bắt đầu với mặt bằng khá nhỏ, cũng ở Gò Vấp nhưng tương đối khó tìm hơn nhiều. Khuôn viên quán ăn đơn giản, không cờ phướn hay biển hiệu màu mè gì để cho người ngoài có thể nhận ra được bên trong bán gì. Trên mọi mặt, Baby African hoạt động theo phương châm “ai biết thì ăn,” gói gọn trong bốn bức tường và những tin nhắn trên WhatsApp. Trong suốt bao nhiêu năm, tôi thỉnh thoảng lại tạt vào trang Facebook của quán, để thở phào nhẹ nhõm rằng nó vẫn đang tồn tại bằng cách nào đó. Dù phải thay đổi địa điểm vài lần và cố gắng sống sót qua đại dịch năm 2021, quán vẫn bán đều đều. Năm ngoái, một bài đăng giới thiệu địa chỉ mới khang trang hơn trên Facebook quán đã thuyết phục tôi rằng mình nên trải nghiệm Baby African một lần cho biết, dù có phải bắt xe đi “phượt” lên Gò Vấp. Tới lúc tôi trưởng thành và phát huy truyền thống gia đình lâu đời ở Saigoneer: ăn ngập mặt cơm jollof trong ngày làm việc và ngủ gật ngay buổi chiều.

Ẩm thực châu Phi ở… Gò Vấp?

Sau khi bị lạc một tẹo do địa chỉ ở đây quá lạ lùng, chúng tôi đã đặt chân đến sân quán, được đón chào bởi tấm áp phích đỏ au với dòng chữ “Baby African Restaurant” mời gọi, cạnh bên đĩa cơm jollof đầy vun. Đã 8 năm rồi đấy, tôi tự nhủ. Bên trong gian nhà ăn máy lạnh phà phà, vài bộ bàn ghế vân vàng nhạt đặt ngay trước chiếc menu tràn tường liệt kê danh sách những đặc sản Tây Phi. Bên kia góc phòng, hai thực khách người Phi đã an tọa ngồi thưởng thức cơm trưa dậy mùi thơm gia vị. Ngay khi tôi chia sẻ rằng đã từng ăn món quán làm cùng “một chị người Canada tóc đỏ,” chị Ngân, một trong những chủ quán, nhận ra ngay, và chúng tôi dành vài giây cùng hoài niệm về địa điểm cũ vài năm trước.

Thực đơn liệt kê nhiều món đặc trưng Tây Phi.

Ngân chia sẻ rằng chị cùng điều hành quán cùng người chị của mình và anh rể người Nigeria sinh sống ở Việt Nam. Tuy quán không được nhiều người Việt biết đến, ngoài hàng xóm, những món ăn đậm phong vị Tây Phi ở đây rất được cộng đồng người Nigeria trong thành phố và cả dàn biên tập Saigoneer, ủng hộ. Nếu món Hàn, Nhật, Thái đã từng bước len lỏi đến khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn nhờ vào bao thập kỉ trao đổi văn hóa khu vực, món Phi lại không có được độ phổ biến như thế, cho nên sự có mặt của Baby African là một nét chấm phá kỳ thú, cần được trân trọng trên bản đồ ẩm thực thành phố.

Chị Ngân ngày ngày duy trì quán cùng hai vợ chồng chị ruột mình.

Nhóm chúng tôi nhanh chóng gọi món và ngồi thừ ra thưởng thức không khí mát mẻ của máy lạnh trong phòng sau khi đi ngoài trời nắng. Thực đơn vẫn giữ món yêu thích của tôi sau bao năm, cơm jollof gà chiên, nhưng chị Ngân gợi ý thêm bò chiên vào cho phong phú. Dù phần bếp ăn được đặt trong phòng riêng, thực khách vẫn có thể ngắm nghía quá trình lên món thông qua tủ kính âm tường nối hai không gian với nhau, trưng bày loạt đĩa đầy vun các loại topping đang chờ đến lượt được múc lên đĩa cơm cho khách. Ngoài tiếng muỗng đĩa kêu lanh canh, âm thanh duy nhất văng vẳng trong phòng ăn là tiếng nói chuyện rì rầm từ bàn bên và âm thanh đùng đoàn từ bộ phim HBO không tên đang chiếu trên TV trên tường.

Egusi và fufu, như nhiều món ăn châu Phi khác, thường được dùng bằng cách ăn bốc.

Trong lúc chúng tôi ngồi đợi, chị Ngân mang từ trong bếp ra chén egusi nhỏ và một đĩa fufu (ăn lấy thảo chứ không lấy tiền), vì chị nghĩ lên hình sẽ đẹp — và quả thật là lên hình rất ăn ảnh. Rất được ưa chuộng ở Tây Phi, egusi món hầm làm từ hạt bí nghiền, cá khô, ớt và các loại gia vị khác; ăn vừa có vị bùi nhẹ của hạt và vị ngọt thịt đặc trưng của cá khô kèm chút the the của ớt. Tôi liên tưởng ngay đến vị ngọt thịt đầy umami của sốt XO trong ẩm thực Hong Kong, trong khi phần hạt bí có kết cấu hao hao trứng bác. Đi kèm với hỗn hợp mặn mòi này là fufu, khối tinh bột đặc quéo như mochi, thường được làm từ khoai mì, chuối xanh, hay củ cocoyam. Khi ăn, người ta nặn fufu thành một chiếc “đĩa” nhỏ để “xúc” egusi.

Hân hoan jollof

Phần cơm jollof cùng gà, bò, và chuối sáp chiên, kèm salad bắp cải.

Đĩa cơm jollof hạ xuống bàn đánh kịch, vẫn nặng trĩu và tràn trề đồ ăn như trong trí nhớ tôi lưu giữ. Từng hạt gạo sáng bóng, bọc trong gia vị và đây đó vài mảnh cà chua đỏ ối. Mùi thơm nhẹ của ớt, bột cà ri trêu đùa khứu giác. Bên trên là chiếc đùi gà chiên vàng giòn cạnh vài miếng thịt bò bóng loáng. Mỗi đĩa cơm đi kèm với ụ salad bắp cải bên chuối sáp chiên cắt lát. Anh bạn chụp hình đi cùng tôi đùa rằng “nhìn như cơm gà xối mỡ kiểu Phi” — nhận xét này làm tôi phì cười vì vừa bất ngờ vừa chính xác đến lạ. Dẫu thế, đôi khi trong cơm gà xối mỡ, cơm lại là phần hay bị bỏ quên, không được chăm chút kỹ lưỡng nên thường bị sống, nhạt nhẽo, khô rang. Ở đây hoàn toàn ngược lại, với jollof, cơm lại chính là “vơ-đét,” tất cả chỉ là vũ đoàn múa minh họa.

Mâm cơm Tây Phi sung túc.

Ngày trước, mỗi khi chúng tôi hẹn nhau gọi Baby African đến văn phòng Saigoneer ăn trưa, tôi thường tự bảo mình hôm ấy không được ăn sáng, vì khẩu phần luôn rất hào phóng, người bình thường phải cố lắm mới ngồi ăn hết được một lần; chắc chắn ai cũng sẽ bị mê hoặc cố ngồi ăn hết, vì cơm jollof rất bắt miệng. Hạt cơm mẩy, nêm nếm vừa, dậy mùi gia vị, ăn hoài không chán. Cộng thêm cái ngọt bùi của chuối sáp chiên, mỗi muỗng là một trải nghiệm đặc biệt. Gà chiên khá giòn khi ăn tại chỗ, không bị cứng, tuy nhiên bò có thể hơi khó kham với những ai răng yếu. Khi tôi trông thấy được đáy đĩa cũng là lúc cơn “say tinh bột” bắt đầu, đưa tôi vào miền cảm xúc vừa bâng khuâng vừa thỏa mãn, đến mức tôi ngủ gật lúc nào không hay trên xe về lại văn phòng.

Mỗi phần ăn đều rất nhiều cơm, nên chuẩn bị cho buổi chiều no nê nhé.

Jollof là món thuần túy, phổ biến Tây Phi, đến mức mỗi quốc gia, mỗi gia đình đều có phiên bản cho riêng mình, nhưng Nigeria và Ghana có niềm tự hào hơn cả rằng jollof đến từ nước mình, đến mức đã có nhiều giai thoại trong lịch sử rằng cư dân hai nước đã “choảng nhau” để tranh quyền sở hữu nguồn gốc jollof. Về cơ bản, jollof chỉ đơn giản là gạo hạt dài nấu cùng hành tây, cà chua, ớt và gia vị, chân phương đến mức tôi cũng đã từng nấu thành công ở nhà khi cảm thấy nhớ hương vị này.

Có lẽ nhiều người sẽ không cảm được cái lạ hơi nhiều dầu mỡ của Baby African, cho rằng hơi mất công đi xa hay gọi mang về, nhưng đối với bản thân tôi, quán góp một phần quan trọng trong con đường tìm lại Sài Gòn của tôi vào những năm 2010, tìm về với những khác biệt kì diệu, đa dạng văn hóa, và năng lượng sôi nổi của thành phố. Sau nhiều năm đi học xa, khi ấy tôi, cũng như nhiều bạn du học sinh Việt khác, cảm thấy khó kết nối với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, với nhịp điệu hối hả của Sài Gòn. Làm việc cùng Saigoneer, chính nhờ những nơi như Baby African, cứ cần mẫn tô điểm cho thành phố bằng những câu chuyện rất riêng của mình, đã làm cho tôi nhận ra rằng nơi ta đang ở mang trong mình một kho tàng nhiều viên ngọc quý, và tôi rất yêu thích công việc “đãi cát tìm vàng” trong cái hỗn loạn của đô thị. Nghe qua thì Baby African có vẻ lạ lẫm với người Việt, nhưng theo tôi, nó lại là đại diện rất mẫu mực của tinh thần rộng mở của Sài Gòn.

Baby African mở cửa từ 11:30am đến 10pm.

Đánh giá:

Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Dịch vụ: 5/5
Địa điểm 3/5 — Địa chỉ nhìn giống trong hẻm, nhưng thật ra quán nằm ở đường bên quay mặt ra sông.

Baby African

965/102/3 Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp, Tp. HCM

In bài này

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Bữa cơm món Hoa đầy đặn trong căn nhà cổ Chợ Lớn

Vượt ra khỏi hình ảnh quen thuộc của những quán Hoa gia đình thường thấy ở quận 5, An Duyên Chợ Lớn đem đến trải nghiệm ẩm thực vừa thuận mắt, vừa êm mông, và cũng không kém phần ngon miệng.

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Đổi vị với cơm gà 'quốc hồn quốc túy' Indonesia, ayam penyet

Có lẽ cách đơn giản nhất để dịch ayam penyet sang tiếng Việt là “cơm gà Indo.” Tuy ayam penyet có cơm, có gà, và xuất xứ từ “đất nước nghìn đảo” Indonesia, nhưng một khi ai đã có duyên được nếm thử mó...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Ngồi tâm tình ở Curry Shika, quán cà ri Nhật 12 năm tuổi trong hẻm Sài Gòn

Trung bình nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể người, nhưng nhiều lúc tôi trộm nghĩ rằng chắc có khi cơ thể mình hết 70% là cà ri, và hơn một nửa trong đó là cà ri Nhật.

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Phở gà Kỳ Đồng — 40 năm đông khách và danh xưng Michelin

Nếu một ngày nọ ta lạc trôi ở đất quận 3, cứ tìm đường đến quán phở gà nức tiếng Kỳ Đồng, nơi nghỉ chân xua tan mỏi mệt và xoa dịu cái bụng đói.

in Ăn

Hẻm Gems: 'Comfort food' kiểu Tây chữa lành và phủ phê giữa lòng Bình Thạnh

Comfort food là một khái niệm quen thuộc trong ẩm thực thế giới, nhưng chưa có cụm từ tiếng Việt nào để diễn giải chính xác. 

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Chè bột lọc heo quay ở Sài Gòn liệu có ngon như ở Huế?

Khi hai nguyên liệu cấu thành món ăn đều thuộc hàng cực phẩm trong thế giới của mình, không có gì thất vọng hơn một thành phẩm chỉ dừng lại ở mức ăn tàm tạm.