Ngày nay, nhìn công viên Bách Tùng Diệp (còn được gọi là công viên Lý Tự Trọng) xanh rợp bóng mát ngay tại trung tâm quận 1 đông đúc của Sài Gòn, ít ai ngờ rằng nơi này từng có một cái tên rất ấn tượng, “Jardin d’Espagne” (Vườn Tây Ban Nha).
Khu vườn này trước kia bị chính phủ Tây Ban Nha bỏ trống trong hơn 60 năm, tuy nhiên vào năm 1927, khu vực này được quy hoạch trở thành Tổng Lãnh sự quán Anh tại Sài Gòn. Nhưng mọi việc lại không xảy ra như vậy.
Sử sách ghi lại rất rõ sự kiện lực lượng hải quân Tây Ban Nha liên quân với Pháp xâm chiếm Nam Kỳ vào năm 1859. Nguyên nhân châm ngòi cho cuộc tham chiến này là việc hành quyết vị giám mục Bắc Kỳ người Tây Ban Nha, Jose Sanjurjo, vào ngày 20 tháng 7 năm 1857. Đáp lại sự kiện đó, một số lượng lớn binh lính Tây Ban Nha chủ yếu được điều động từ Philippines để tham gia cuộc chiến tại Việt Nam.
Sau cuộc chinh phạt này, một số đường ở Sài Gòn đã được đặt tên để vinh danh Tây Ban Nha, trong đó bao gồm Rue Isabella, Rue Isabella II và Rue Palanca.
Chính quyền Pháp cũng cấp cho chính phủ Tây Ban Nha một khu đất để xây dựng lãnh sự quán. Theo biên bản của Hội đồng Thuộc địa ngày 8 tháng 11 năm 1928, các Hiệp định Công ước ngày 15 tháng 5 năm 1864 được ký bởi Quyền Lãnh sự Tây Ban Nha, ông Manuel M Caballero, và ngày 31 tháng 1 năm 1866 được ký bởi người kế nhiệm Fédérico Taque. Theo Công ước này, chính phủ Tây Ban Nha được trao cho một lô đất 3000 m² ở phía bắc ngã ba đường Rue Lagrandière và đường Rue Mac-Mahon (nay là ngã ba Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Để tỏ lòng biết ơn Tây Ban Nha đã tham gia cuộc chinh phạt Nam Kỳ, việc nhượng vùng đất này hoàn toàn miễn phí, nhưng phải tuân thủ theo quy định là chỉ được sử dụng để xây Lãnh sự quán Tây Ban Nha và không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác.
Trong một thời gian ngắn, một ngôi nhà cổ của người An Nam được xây dựng trên mảnh đất này cho một nhóm các sĩ quan hải quân Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khi phái đoàn Tây Ban Nha rời khỏi Sài Gòn, họ vẫn chưa xây dựng được một lãnh sự quán tại nơi đây. Trong thời gian sau này, các vấn đề ngoại giao của Tây Ban Nha tại Nam Kỳ đã được xử lý thông qua cơ quan Ủy quyền lãnh sự Bồ Đào Nha.
Trong nửa thế kỷ tiếp theo, khi các đường quanh vùng đất này đã phát triển thành “Tam giác quyền lực”' (bao gồm các Tòa án Pháp luật, Nhà tù Trung tâm thành phố và Dinh Phó Thống đốc Nam Kỳ), vùng đất lãnh thổ nhỏ bé này của Tây Ban Nha đã được đặt tên là “Jardin d'Espagne.” Trong thời gian này, Jardin d'Espagne được chăm sóc chu đáo bởi các nhân viên của Thảo Cầm Viên, những người này đã trồng thảm cỏ và vườn hoa, và ngoài ra còn chăm sóc rất tốt cho cây đa cổ thụ của vườn.
Đến năm 1919, Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh tại số 4 đường Rue Georges-Guynemer (Hồ Tùng Mậu hiện nay) đã quyết định tìm kiếm một mảnh đất thích hợp để xây dựng một phái lãnh sự quán lớn hơn. Jardin d'Espagne dường như quá phù hợp cho công trình này, và vào cuối năm đó, Tổng lãnh sự Anh đã viết thư cho Giám đốc chính quyền địa phương Pháp để xin nhượng lại vùng đất này từ chính phủ Tây Ban Nha cho chính phủ Anh, với đề xuất cho Vương quốc Anh xây dựng một lãnh sự quán ở đó.
Nhiều cuộc đàm phán ba chiều giữa Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh tiếp tục trong vòng tám năm. Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 11 năm 1927, cơ quan Ủy quyền lãnh sự quán Bồ Đào Nha, ông Brodeur, đã nhân danh chính phủ Tây Ban Nha và nhượng lại vùng đất Jardin d'Espagne cho Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh, do ông F Grosvenor Gorton đại diện.
Về phần mình, chính phủ Nam Kỳ cũng đồng ý cho Vương quốc Anh thay quyền Tây Ban Nha lấy mảnh đất này để xây dựng lãnh sự quán Anh.
Nếu mọi việc được tiến hành theo đúng kế hoạch, thì giờ đây Lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể ở một địa điểm rất khác và có lẽ Sài Gòn đã mất một không gian xanh quý giá. Nhưng đó vẫn chưa phải là kết thúc của câu chuyện.
Sau khi thực hiện một cuộc khảo sát dài hạn về Jardin d'Espagne vào tháng 12 năm 1927, người Anh đã gặp phải vấn đề và thông tin cho chính quyền Nam Kỳ. Vào ngày 21 tháng 1 năm 1928, Thống đốc Nam Kỳ Paul Blanchard de la Brosse đã viết cho Grosvenor Gorton: “Khi chuyển nhượng, ngài đã đề cập tới những bất cập của khu đất này, liên quan đến chức năng làm lãnh sự quán, và thông báo với tôi rằng ngài sẽ xem xét việc trao đổi lô đất này với một lô đất khác trong thành phố thông qua qua Domain Locale (Cục Địa Bạ).”
Blanchard de la Brosse sau đó đã gửi một báo cáo tiếp theo tới Hội đồng Thuộc địa. Báo cáo này cho ta hiểu rõ thêm về các vấn đề mà phái đoàn Anh gặp phải và cho chúng ta biết thêm về vùng đất được xem xét trong việc trao đổi:
“Đầu tiên, Tổng lãnh sự của Vương quốc Anh đã lưu ý rằng diện tích của vùng đất này quá nhỏ để xây dựng một tòa lãnh sự quán, và thứ hai đất ở Jardin d’Espagne có vẻ không thuận lợi cho việc xây dựng lãnh sự quán. Về phần chúng tôi, chính quyền địa phương đã thể hiện mối quan tâm của họ tới việc duy trì chức năng hiện tại của khu vườn, như một quảng trường thuận tiện cho người đi bộ và cho trẻ em vui chơi ở khu vực trung tâm. Do đó, nguyên tắc trao đổi đất này với Lô số 7 của Đại lộ Norodom theo kế hoạch phân khu đang được xem xét. Lô đất mới này nằm giữa Đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), Rue de Massiges (nay là đường Mạc Đĩnh Chi) và Rue Lucien Mossard (nay là đường Nguyễn Du), có diện tích 3.548m² và giá trị thị trường tương đương với Jardin d'Espagne.”
Một lời đề nghị chính thức đã được đưa ra, và vào ngày 25 tháng 4 năm 1928, Tổng lãnh sự Anh, ông F. Grosvenor Gorton đã viết thư cho thống đốc để chấp nhận việc trao đổi lô đất Jardin d'Espagne với lô đất trên Đại lộ Norodom. Điều này chắc chắn khiến chính quyền Pháp hài lòng; một báo cáo khác vào ngày 26 tháng 11 năm 1928 nói rằng địa thế của Jardin d'Espagne đối diện cung điện của Phó Thống đốc Nam Kỳ trên đường Rue Lagrandière không phù hợp cho việc xây dựng lãnh sự quán.
Vào ngày 6 tháng 10 năm 1928, báo ‘Les Annales Coloniales’ đã xuất bản một bài báo có tên “Lãnh sự quán tương lai của Anh tại Sài Gòn,” báo này ghi chép lại việc trao đổi Jardin d'Espagne cho lô đất trên Đại lộ Norodom, và cho biết kế hoạch xây tòa nhà lãnh sự mới sẽ được lập tại Luân Đôn và thực hiện tại Sài Gòn dưới sự giám sát của một hoặc nhiều kiến trúc sư người Anh. Thiết kế của tòa lãnh sự quán Anh tại Sài Gòn sẽ giống thiết kế của các lãnh sự quán Anh tại Băng Cốc và một số thành phố lớn ở Trung Quốc; hay đúng hơn là nó sẽ mang màu sắc Nam Kỳ với một lối kiến trúc phổ thông.
Domaine Locale đã chính thức bàn giao lô đất mới vào ngày 21 tháng 12 năm 1928, tuy nhiên, Tổng Lãnh sự quán mới của Anh tại số 21 Đại lộ Norodom (nay là 25 Lê Duẩn) đã mất vài năm để xây dựng và không được khánh thành cho đến năm 1934. Đáng buồn thay, không có bức ảnh nào của tòa nhà còn tồn tại đến ngày nay.
Vào năm 1944, tòa nhà này bị hư hại nặng sau khi bị quân Đồng minh ném bom. Sau đó, vào những năm 1950, Tổng Lãnh sự quán Anh trở thành Đại sứ quán Anh tại Quốc gia Việt Nam và sau này tại nước “Việt Nam Cộng Hòa.” Vào năm 1959, tòa nhà Đại sứ quán Anh được xây dựng lại theo thiết kế hiện đại modernist của kiến trúc sư Phạm Văn Thâng thuộc Công ty liên danh kiến trúc Hoa Thâng Nhạc nổi tiếng. Đại sứ quán này hoạt động cho đến năm 1975 với tư cách là Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
Điều quan trọng là việc trao đổi đất vào năm 1928 đã trả lại Jardin d’Espagne cho Cục Địa Bạ và khiến nơi này trở thành một trong những công viên nhỏ của thành phố.
Sau năm 1955, công viên này được đổi tên thành công viên Liên Hiệp, và sau năm 1975, trở thành công viên Lý Tự Trọng. Vào đầu những năm 1980, các tòa nhà nằm trên lô đất liền kề đã bị phá bỏ và công viên được nới rộng gấp đôi. Do đó, hiện nay công viên trải dài giữa đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Pasteur.
Bị người Tây Ban Nha bỏ rơi và người Anh từ chối, Jardin d'Espagne cuối cùng đã trở thành một trong những công viên được yêu thích nhất Sài Gòn ngày nay.
Đầu những năm 1980, các tòa nhà nằm trên lô đất liền kề đã bị phá bỏ và diện tích công viên được mở rộng lên gần gấp đôi. Ngày nay, công viên Bách Tùng Diệp trải bóng mát dọc khu vực giữa đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Pasteur.
Tim Doling là tác giả của cuốn sách The Railways and Tramways of Viet Nam (White Lotus Press, 2012) và các sách hướng dẫn lịch sử Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2018), Exploring Saigon - Chợ Lớn (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019) và Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020). Để biết thêm thông tin về lịch sử Sài Gòn, hãy truy cập trang web của Tim, www.historicvietnam.com.