Bản dịch trích đoạn mô tả Đảo Phú Quốc trong cuốn sách Dans le Golfe de Siam xuất bản năm 1907 của Pierre Rev.
Đảo Phú Quốc có độ dài khoảng 50km và chiều rộng khoảng 15km.
Con đường đi từ Hàm Ninh ở bờ Đông hòn đảo đến Dương Đông phía bờ Tây là một đoạn đường rừng đầy gian nan, băng qua nhiều khe núi và leo đồi liên tục. Ngồi trên chiếc xe bò đi qua đoạn đường với vô số vết hằn lún sẽ cảm tưởng như đang trải qua một cơn địa chấn lớn. Con đường ngoằn ngoèo ẩn mình dưới bóng râm của vòm cây dây leo, ở một số đoạn lại mở ra trước mắt một vùng rừng trống rộng lớn và thoáng đãng.
Vẻ đẹp của khu rừng chẳng hề mất đi khi chúng tôi đặt chân đến Hàm Ninh; cây ở đây vẫn ở độ cao trung bình, suốt cả đoạn đường luôn có vòm lá thấp che phủ trên đầu, tầm nhìn cũng vì thế mà thu hẹp đi nhiều. Nhưng càng lên cao càng thoáng đãng, và cứ đến mỗi khu rừng trống thì cảnh vật phía xa lại hiện ra rõ ràng hơn, ta có thể phóng tầm mắt vượt qua đồi núi nhấp nhô và nhìn ra biển, nơi có những cánh buồm trắng giương mình đón gió.
Thiên nhiên đã chẳng tiếc một vẻ đẹp nào cho cung đường này: hàng cây họ dầu khổng lồ mọc hai bên đường là nguồn cung cấp tinh dầu thiên nhiên vô cùng giá trị và hữu dụng, thân cây thẳng tắp như cây thông; những cây sung giăng bóng che chắn cho lùm cây cỏ mọc bên dưới; suối mát róc rách chảy qua khe đá; chim rừng thoăn thoắt chuyền cành trong bộ lông vũ đủ sắc màu như đang rực sáng lên dưới ánh mặt trời.
Rừng ở Phú Quốc không có thú dữ mà chỉ có một vài con trâu từ lâu đã thôi việc đồng áng và quay về với đời sống hoang dã tự do tự tại. Ngoài ra, khu vực này có rất nhiều heo rừng, nai, và khỉ.
Khi đi được hai phần ba chặng đường và xuống đến ngọn đồi cuối cùng trước khi tới địa phận Dương Đông, cỏ cây cũng thưa thớt dần. Dòng sông Dương Đông cũng đã vượt qua bao thung lũng vùng cao và đỉnh đồi xanh ngát của hòn đảo, để giờ đây thong thả men theo con đường rừng này. Dòng nước có khi đỏng đảnh đánh võng một đoạn rồi lại quay về bầu bạn và tắm mát cho hàng cây bên bờ. Nước sông sạch trong, không bẩn như những con lạch ở vùng đất thấp Nam Kỳ. Khi mặt trời lặn, ráng chiều lấp lóa trên những gợn sóng lăn tăn của dòng nước chảy xiết, như thể đang rót lời thầm thì bên bờ đá.
Trên sườn đồi là những vườn tiêu xanh mướt. Từng cây tiêu mọc lên tươi tốt, nhánh cành sum suê leo kín cả trụ đỡ, nom xa như những chiếc cột cao quá đầu người và xếp thành hàng dài thẳng tắp. Nhờ sự coi sóc của những người nông dân gốc Hoa, vườn tiêu luôn gọn gàng sạch sẽ, trông giống như khu vườn cây cảnh được cắt tỉa kỳ công.
Sau đoạn đường bộ tầm 3km băng qua những cánh đồng và vườn tiêu khá dễ chịu, ta cũng đến được Dương Đông, trung tâm hành chính của hòn đảo. Ngôi làng này nằm ngay ở khúc cong của con sông cùng tên, dọc bờ sông là những ngôi nhà gỗ xinh xắn nằm kề bên nhau. Người dân nơi đây rất thân thiện và có cuộc sống sung túc, bình yên.
Nếu không phải vì hàng trăm thùng nước mắm tỏa ra thứ mùi khó chịu thì bất cứ ai cũng sẽ đem lòng yêu mến ngôi làng nhỏ xinh đẹp này. Nơi đây còn có một ngôi chùa thả bóng bên dòng sông xanh mát, yên ả như thể đang ngủ vùi trong âm thanh du dương của những con sóng trắng xóa được gió mùa Tây Nam lùa vào bờ cát.
Đây cũng là nơi Nguyễn Ánh tìm đến để nương náu trong những tháng ngày trốn chạy quân Tây Sơn. Thất thế và kiệt quệ, vị hoàng đế tương lai suy ngẫm rất nhiều về thời cuộc và sứ mệnh của mình. Và cũng ở gần những mỏm đá ướt ấy, dưới vòm lá của hàng phi lao khẽ cất tiếng hát trong gió, giám mục Adran đã giảng về nước Pháp xa xôi cho vị học trò mang dòng máu hoàng tộc của mình. Từ Phú Quốc, giám mục Adran đã ra đi cầu viện nước Pháp trên chiếc thuyền tương tự những con thuyền buồm ta vẫn thấy ngày nay ở bến tàu. Sau đó, cũng từ đây, Nguyễn Ánh đã lên thuyền để trở về đương đầu với Tây Sơn.
Tim Doling là tác giả của cuốn sách The Railways and Tramways of Viet Nam (White Lotus Press, 2012) và các sách hướng dẫn lịch sử Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2018), Exploring Saigon - Chợ Lớn (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019) và Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020). Để biết thêm thông tin về lịch sử Sài Gòn, hãy truy cập trang web của Tim, www.historicvietnam.com.