Khám Chí Hòa hay nhà tù Chí Hòa là trại giam rộng bảy hecta nằm ở Quận 10, Sài Gòn.
Theo VnExpress, năm 1943, quân đội Nhật đã triển khai xây dựng Khám Chí Hòa để thay thế Khám Lớn Sài Gòn. Sau khi quân Nhật rút về nước, công việc được tiếp quản bởi người Pháp. Ngày 8 tháng 3 năm 1953, ngay khi công trình này được hoàn thành, Khám Lớn Sài Gòn được dỡ bỏ. Ngoài những tù nhân được trả tự do, 1.600 người còn lại và một chiếc máy chém được chuyển đến Chí Hòa.
Năm 2012, nhà báo Lâm Chí Hiếu, một cây bút của Tạp chí Good Morning, đã viết rằng Chí Hòa từ lâu đã là một biểu tượng phong thủy “trấn áp ma quỷ” giữa lòng Sài Gòn. Công trình còn được đánh giá cao về mặt kiến trúc nhờ sự kết hợp hài hòa giữa đặc trưng kiến trúc Pháp và triết lý âm dương huyền bí của phương Đông. Trại giam này được một kiến trúc sư người Nhật thiết kế theo thuyết bát quái và xây dựng theo hình bát giác với tám cạnh đều nhau để trở thành một trận đồ bát quái có khả năng giam giữ các thế lực xấu xa. Mỗi cạnh của hình bát giác này là một khu tù giam; các bức tường phía ngoài được xây liền với nhau bao kín trại giam. Chí Hòa chỉ có một lối vào thông qua hệ thống đường hầm nhỏ, được bảo mật an ninh cao.
Một số nguồn lại cho rằng tám bức tường bằng nhau của nhà tù Chí Hòa tượng trưng cho tám quẻ cơ bản trong Kinh Dịch: Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Cẩn, Khảm, Đoài, và Ly. Trong số tám quẻ này, Càn có nghĩa là Trời và được cho là tương ứng với vị trí lối vào. Nhiều người tin rằng đó là lý do vì sao Lôi Công thường xuyên làm sấm sét đánh vào khu giam giữ này, đặc biệt là các năm 1956, 1964 và 1965.
Nhiều người cho rằng nhà tù được xây dựng dựa trên Bát trận đồ của Gia Cát Lượng. Trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Gia Cát Lượng đã sử dụng thuyết bát quái để thiết kế nên một trận đồ xếp bằng đá có ma thuật biến hóa khôn lường, ngăn chặn bước tiến của quân địch. Thạch trận ấy có tám cửa: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai.
Tù nhân ở Chí Hòa lại kể rằng lối vào được xây ứng với Cửa Tử, người bình thường không rõ về thuật cao siêu đi vào đó sẽ mất hết phương hướng như bị lạc trong mê cung, không thể tự tìm đường ra. Tuy nhiên, theo các nhà tâm linh, bố cục như vậy khiến nơi đây tích tụ rất nhiều âm khí và oán khí nặng nề, vì linh hồn của người chết không thể siêu thoát và đầu thai kiếp khác. Họ cho rằng những đợt sét đánh liên tục vào nhà tù là dấu hiệu Thiên Giới mở Cửa Sinh và giải phóng cho những linh hồn đang mắc kẹt này.
Các nhà khoa học thì đặt giả thuyết rằng phía dưới tòa nhà có một mỏ quặng có lực hút các tia sét, nhưng giả thuyết này không làm vơi đi nỗi sợ về những linh hồn không được yên nghỉ đã luôn ám ảnh nơi đây. Tổng thống Ngô Đình Diệm được cho là một trong những người ủng hộ việc mở Cửa Sinh: ông đã mời một thầy bói toán giỏi để hóa giải chướng khí ở Chí Hòa. Thầy bói toán đã đề nghị san bằng một trong tám mái nhà để phá vỡ thiết kế hoàn hảo của nhà tù, nhờ đó linh hồn của người chết có thể rời đi.
Năm 1954, để giải âm khí, cai ngục Khám Chí Hòa đã xây một ngôi chùa và đặt tượng Phật ngay bên ngoài bát trận đồ, nhưng vẫn nằm trong khuôn viên nhà tù. Sau này ngôi chùa không còn, bức tượng Phật hiện nằm trên một hồ nước nhỏ. Ngoài ra, nơi đây còn có một nhà thờ (nay được dùng làm hội trường của trại) do người Pháp xây dựng để làm nơi rửa tội cho tù nhân trước khi đưa đi hành hình.
Bên trong Nhà tù Chí Hòa, mọi hành lang và lối đi đều được thiết kế theo cung vị — học thuyết về mối tương quan vị trí của sự vật theo không gian và thời gian. Tám cạnh của nhà tù bao quanh một khoảng sân lớn, và ngay tâm của hình bát giác là một đài bơm nước và đồng thời cũng là một tháp canh. Khi nhìn từ trên cao, ngọn tháp trông giống như một thanh kiếm đang cắm xuống đất, và vì vậy nó thường được gọi là Tru tiên kiếm - một món linh khí chứa sức mạnh vô song, có thể khai thiên phá địa, giết thần diệt quỷ. Trong các giai thoại về nhà ngục Chí Hòa, đây là thanh kiếm trấn có vai trò tối quan trọng: Bọn tội phạm dù xảo quyệt đến đâu cũng không thể thoát khỏi lưỡi kiếm linh thiêng. Nếu Tru tiên kiếm bị nhổ ra khỏi mặt đất thì toàn bộ trận đồ bát quái này không cần phá mà sẽ tự vỡ.
Ngày nay, người ta vẫn thường kể lại những câu chuyện kỳ lạ và bí ẩn về Nhà tù Chí Hòa. Dựa trên những ghi nhận lịch sử, có lẽ nơi đây đúng là có sức mạnh tâm linh đặc biệt như vậy: trong lịch sử, chỉ có ba trường hợp vượt ngục thành công khỏi Chí Hòa kể từ khi nó được xây dựng. Trường hợp thứ nhất là khi các chiến sĩ cách mạng tận dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp năm 1945 để tẩu thoát;, thứ hai là tướng cướp Điền Khắc Kim vào năm 1972 và người thứ ba là tử tù khét tiếng Phước "tám ngón" năm 1995.