Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Những mẻ gạch cuối cùng ở 'vương quốc lò gạch' Mang Thít

Những mẻ gạch cuối cùng ở 'vương quốc lò gạch' Mang Thít

Ven những dòng sông và kênh đào trên vùng đất Mang Thít, những lò gạch cuối cùng vẫn đang chậm rãi nhả khói. 

Từ lâu, nghề làm gạch nung phục vụ ngành xây dựng đã phổ biến tại các tỉnh miền Tây, đặc biệt tập trung ở Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang. Trữ lượng đất sét giàu có, kết hợp với mạng lưới giao thông đường thủy dày đặc, đã tạo điều kiện cho ngành sản xuất và phân phối gạch phát triển.

Tại các làng nghề, hoạt động sản xuất của các lò gạch đã mang đến lượng công việc đa dạng, cung cấp sinh kế cho đông đảo cư dân trong vùng. Những dòng sông và kênh đào từng chật kín ghe thuyền ngược xuôi, mang vật liệu, lối sống và văn hóa của miền đất tỏa đi khắp các ngả sông.

Trong số rất nhiều làng nghề đó, có huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long từng được mệnh danh là “vương quốc lò gạch” của miền Nam. Giai đoạn phồn vinh vào những năm 1990, ngôi làng từng sỡ hữu hơn 1.500 miệng lò, với sản phẩm gạch ngói nức tiếng nhờ chất liệu đất và kỹ thuật nung đặc trưng.

Song, với những thay đổi công nghệ và tiêu chuẩn mới về môi trường, những làng nghề sản xuất gạch ngói truyền thống nơi đây cũng đang rơi vào quên lãng. Nhiều lò gốm nay đã phủ xanh cây cối và dần sụp đổ, khiến những ai đặt chân đến đây nhầm tưởng rằng mình đang lạc vào một vùng tàn tích.

Cái nghề, cái duyên làm gạch ngói của người Mang Thít sinh ra từ những ưu ái mà sông Cửu Long ban tặng. Dòng sông mang lượng phù sa khổng lồ từ thượng nguồn xa xôi, chảy qua những quang cảnh đa dạng để cuối cùng lắng đọng và tạo nên vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng phẳng, rộng lớn. Từ trầm tích của dòng sông, con người nhào nặn và chế tác vật liệu để dựng nên chốn cư trú.

Để khai thác đất sét, những người thợ đào xuyên qua nhiều mét đất đến khi chạm đến tầng sét đặc dẻo. Trước đây, trong vùng từng có đông đảo nam giới làm nghề “cạp đất” — tức dùng dụng cụ để khai thác đất sét bán cho lò gạch. Với cư dân nơi đây, cụm từ "cạp đất mà ăn" từng được phổ biến bởi một nhân vật mạng xã hội nào đó vốn dĩ không có nghĩa là “ăn đất,” mà là lấy sức lao động để có được sinh kế. Quá trình khai thác đất được một người chủ giám sát và chấm công, những người thợ sẽ được trả công vào cuối ngày tùy thuộc vào số lượng thùng đất họ khai thác được. Từng thịnh hành đến mức đi vào lời ăn tiếng nói, nhưng trước sự gia tăng của máy móc, nghề khai thác đất bằng sức người ở địa phương cũng đang biến mất.

Các loại sét được nhào trộn với cát theo một tỷ lệ do thợ pha đất quyết định. Đất được cho vào khuôn đúc để định hình thành gạch, ngói, chậu cây và các sản phẩm trang trí khác. Trước đây, quá trình nhào đất và đúc khuôn đều được làm bằng tay, nhưng máy móc nay đã giảm thiểu thời gian và công sức.

Đất sét được phơi khô cho đến khi có màu nâu sẫm, sau đó được đưa vào lò nung để tôi luyện thành hình. Thợ có kinh nghiệm sẽ sắp xếp các sản phẩm trong lò để đảm bảo sức nóng được lan tỏa tối ưu, cho ra màu sắc và cấu trúc đồng nhất. Chất đốt truyền thống là vỏ trấu (vỏ hạt lúa), nay có thêm công nghệ nung điện mang tính thử nghiệm. Thợ đốt lò giữ lửa liên tục trong khoảng một tuần, đến ngày thứ bảy nhiệt độ trong lò đạt 900°C, thợ cho ngưng lửa, bít miệng lò bằng đất sét và để nguội dần cho đến ngày mở lò. Sắc nâu của đất sau quá trình tạo tác khắc nghiệt trở thành sắc hồng cam đầy gợi cảm.

Trước mỗi lò đều có một hốc thờ nhỏ, được các người làm nghề giải thích là trang thờ "Táo lò." Trong niềm tin của họ, mọi vật đều được thánh thần bảo vệ. Tin vào Táo lò, họ thấy những vất vả và nguy hiểm trong nghề nghiệp như được xua tan, và những đêm dài canh lửa lò cũng bớt phần trống vắng. Chu kỳ đóng lò, mở lò gắn liền với vòng quay trong đời sống của người nghệ nhân. Họ tạo dựng một mối liên kết tinh thần với chiếc lò cùng những biến chuyển của nó, để thấy rằng chiếc lò cũng có linh hồn và sẵn lòng bảo bọc những người giữ lửa.

Nhưng rồi cũng đến lúc những chiếc lò gạch dần tắt lửa. Khi đời sống chảy trôi, thay đổi ắt phải đến. Các làng nghề đứng trước áp lực chuyển đổi khi các công nghệ vật liệu mới tạo ra nhiều lựa chọn khác ngoài gạch nung. Những lo ngại về tác động của khí thải lên môi trường cũng khiến hoạt động sản xuất truyền thống gặp không ít xét nét. Trước những ngã rẽ của thời gian và xã hội, những gì còn lại của một “vương quốc thịnh vượng” có nguy cơ chỉ còn là một chương ký ức giữa thời hiện đại.

Nhưng đâu đó, vẫn có tia sáng cuối lò gạch. Trên thế giới, các công trình công nghiệp khi ngừng hoạt động thường được bảo tồn (conserve) hoặc chuyển đổi công năng (rehabilitate) để phục vụ cho những chức năng mới, như nhà trưng bày, điểm thăm quan, xưởng nghệ thuật. Kho báu kiến trúc ở làng gạch Mang Thít cũng đang chờ đợi để được chuyển mình thành một di sản kiến trúc đương đại.

Cho đến lúc quá trình chuyển mình ấy được hoàn thành, ngôi làng nghề vẫn mãi miết với công việc mà nó đã làm hàng chục năm nay: vừa nấu những mẻ gạch cho những công trình khắp đất nước, vừa làm một nhân chứng lịch sử cho những đổi thay về công nghệ, lối sống và thị hiếu của con người Vĩnh Long.

Nếu có bao giờ chu du trên tuyến sông huyết mạch kết nối Cái Bè, Vĩnh Long và Cần Thơ, hãy đánh mắt ngắm nhìn đôi bờ của huyện Mang Thít. Nơi những lò gạch vẫn đang bám trụ với làng, với nghề, và tồn tại như một bến đỗ trong hành trình tiến vào phương Nam.

Bài viết được thực hiện trong chương trình hợp tác nội dung giữa Saigoneer và Tản Mạn Kiến Trúc (TMKT), một dự án truyền thông độc lập về di sản đô thị Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Việt Nam. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về các nghiên cứu của TMKT qua trang Facebook chính thức của nhóm tại đây.

Bài viết liên quan

in Dishcovery

Bánh bò nướng chảo gói ghém hương vị ngọt lành của thốt nốt An Giang

Có những thức quà dung dị mà gói trọn cả hương vị của một vùng đất.

in Văn Hóa

Bên trong tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Châu Đốc

Cùng lúc Việt Nam bước vào chuỗi ngày lễ quốc gia dài hơi, cộng đồng người Hồi giáo trong nước cũng bắt đầu sự kiện quan trọng nhất năm với mình: tháng Ramadan.

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Di Sản

Câu chuyện đằng sau các trạm biến áp kiểu Pháp ở Sài Gòn

Len lỏi giữa phố phường hiện đại, những trạm biến áp với tuổi đời hàng chục năm là nhân chứng cho một thời kỳ lịch sử được ghi khắc bởi di sản phức tạp của chế độ thực dân Pháp.

in Di Sản

Dấu ấn Sài Gòn-Gia Định qua di tích lăng miếu Tả Văn Duyệt ở Bình Thạnh

Giữa lòng quận Bình Thạnh sầm uất, nơi giao nhau của hai con đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu, lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vẫn đứng lặng lẽ, giữ nguyên nét uy nghi và cổ kính giữa dòng chảy thời g...

in Văn Hóa

Đặc sắc lễ hội đua ghe ngo — hơi thở tâm linh của cộng đồng Khmer Sóc Trăng

Đến với Sóc Trăng vào một ngày tháng 10 oi nóng, chúng tôi còn đang phân vân không biết khám phá gì tại xứ sở chùa vàng của Việt Nam, thì anh chủ homestay nhiệt tình rủ đi giải nhiệt bên dòng sông Mas...