Không khó để tìm thấy hiện thân của văn hóa Mỹ ở Sài Gòn.
Tôi đã từng nghe nhiều người nói về niềm vui trong lòng khi tự dưng bắt gặp một mảnh Việt Nam ở nơi xa xứ: từ mùi phở nóng tại thị trấn miền núi nào đó ở châu Âu, đến cái tên người Việt thân quen trên sạp báo nước ngoài, và cả câu bông đùa đặc giọng huế văng vẳng trên toa tàu điện ngầm mùa tuyết rơi. Chắc có lẽ cảm giác nhớ quê ấy cũng hiện hữu trong lòng nhiều người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam. Dẫu thế, đối với một công dân Mỹ như tôi, điểm tương đồng về mặt cảm xúc này thật khó tìm, vì văn hóa Mỹ phổ biến khắp thế giới đến độ khó… nhớ mong.
Nào là nhãn hiệu quần áo, áp phích phim Marvel, cửa hàng đồ công nghệ Apple — gần như không trốn được dấu tích Mỹ Quốc trên đường phố Việt Nam vào 2024. Nhưng lạ thay, chỉ duy nhất một nơi đặc biệt ở TP. HCM khiến tôi bâng khuâng: mặt tiền của Bưu điện Thành phố.
Tòa bưu điện được xây dựng từ 1886 đến 1891, dựa trên thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux, dù người ta vẫn hay nhầm thành ông Gustave Eiffel. Với nhiều chi tiết phong cách Gothic và Phục Hưng, tòa nhà được thiết kế như một tượng đài tôn vinh thành tựu khoa học công nghệ. Phải kể đến bức bích họa bản lớn bên trong, thể hiện bản đồ điện tín khu vực vào thời ấy. Bên cạnh đó, phần ngoại thất bưu điện cũng được đính tên những nhà khoa học đã có cống hiến quan trọng cho sự phát triển của bưu chính viễn thông.
Tiếc thay, không một cái tên người Việt nào được vinh danh trong số đó. Cũng không ngạc nhiên khi người Pháp lúc ấy, với tính kiêu hãnh rất châu Âu, chỉ chăm chăm biểu dương các nhà bác học người Pháp — trừ một người là Benjamin Franklin. Ông là một nhà tư tưởng, sáng chế, tác giả người Mỹ, người đã chế tạo ra kính hai tròng, ống thông y tế và cả hòa cầm thủy tinh (glass armonica). Trong lĩnh vực viễn thông, Benjamin là cha đẻ của cột thu lôi, đặt nền móng cho sự phát triển của vệ tinh và điện thoại không dây.
Dù ông cũng là vĩ nhân với nhiều góc khuất, Benjamin Franklin là một thần tượng thuở nhỏ của tôi. Trong ông chứa đựng ngọn lửa ham tìm tòi luôn cháy bỏng, phong thái làm việc nghiêm túc, niềm yêu mến nghệ thuật và cả sự tháo vát rất đời thường, cho nên được nhìn thấy tên ông ở đây, hơn cả bao thứ đồ Mỹ nhan nhản khác, cho tôi cảm giác tự hào hơn cả. Nó nhắc tôi rằng, bên cạnh chủ nghĩa tiêu dùng lồng lộn và sự tôn thờ cá nhân đến mu muội chảy tràn ra lem luốc cả thế giới, nước Mỹ cũng còn những điều có ích để đóng góp cho nhân loại. Cho nên, mỗi khi tôi có dịp đi ngang bưu điện, tôi đều nhớ đến lời Benjamin từng nói: “Nếu không muốn bị quên lãng ngay khi vừa tắt nén nhang, thì hãy viết những thứ đáng đọc, hay làm gì đó đáng được lưu danh trong sử sách.”