Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Natural Selection » Lần đầu tiên, trái thanh long có trong bài viết Natural Selection

Lần đầu tiên, trái thanh long có trong bài viết Natural Selection

Trong tất cả các thành tựu mà tôi đạt được, thứ đỉnh nhất tôi từng chế ra có lẽ chính là "Banana Line" — hiểu nôm na trong tiếng Việt là "Hệ Quy chiếu Trái chuối." Giải thích ngắn gọn, đây là một thang đánh giá trái cây các loại dựa trên một cơ sơ niềm tin: nếu xếp hạng trái cây từ tốt đến xấu — cân nhắc các yếu tố như mùi vị, độ phổ biến, giá thành, kết cấu, khó/dễ vận chuyển, ứng dụng trong cuộc sống, v.v., trái chuối sẽ nằm ngay giữa. Và trong thang đo này, trái thanh long sẽ xếp hạng rất thấp, thấp hơn nhiều so với trái chuối.

Lời từ biên tập: Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không đại diện cho ý kiến của Saigoneer. Chúng mình vô cùng xin lỗi vì khẩu vị ngang ngược của Paul.

Lớn lên ở Mỹ, mãi đến hơn 20 tuổi tôi mới biết trái thanh long vuông méo ra sao khi đến Đông Nam Á du lịch. Với hình dáng bầu dục màu hồng, râu ria nhìn như bắn ra tia lửa, trái thanh long nhìn như một vật phẩm trong game. Khi bổ ra, phần thịt trắng bên trong đầy hạt đen li ti, khiến tôi cảm tưởng như đây là một loại thần dược có thể nâng cấp sức mạnh hay “nạp mana” cho người ăn ngoài đời.

Sai bét! Nói thật rằng thanh long có thứ mùi vị “sai sai thế nào,” chỉ có thể diễn tả bằng cảm giác đi ngược chiều thang cuốn trong trung tâm thương mại. Hương thơm chẳng có gì đặc sắc, và hương vị thì “thầm thì” như tiếng ru hời bên dưới động cơ máy bay. Nếu không nhờ vẻ ngoài “chanh sả,” thanh long có thể nói là loài trái cây gây thất vọng nhất trên thị trường.

Thanh long có thứ mùi vị “sai sai thế nào,” chỉ có thể diễn tả bằng cảm giác đi ngược chiều thang cuốn trong trung tâm thương mại.

Một sự thật khiến nhiều người, trong đó có tôi, khá ngạc nhiên là thanh long không phải là loại thực vật bản địa của Việt Nam. Loại trái cây này có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ, nơi nó được gọi bằng cái tên pitaya. Người Pháp đã mang thanh long đến các nước thuộc địa, có thể vì mục đích trang trí cho nơi ở của vua chúa hoặc tầng lớp thượng lưu. Thanh long có lớp vỏ gợi nhớ đến vảy rồng, đặc tính được thể hiện qua cả tên tiếng Anh (dragron fruit) và Việt của nó. Ở những nước nói tiếng Anh nơi thanh long chỉ mới được giới thiệu, một nhà quảng cáo thức thời đã  “vẽ ra” truyền thuyết về nguồn gốc trái thanh long để thúc đẩy doanh số: trước khi một con rồng biến mất, nó đã thở ra một hơi lửa cuối cùng, và trong đó bao bọc không gì khác ngoài trái thanh long.

Dù không phải loài bản địa của Việt Nam, loại trái cây thuộc họ xương rồng này có thể phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh miền Nam như nhờ tính ưa khí hậu nóng và khô, điển hình như là ở Bình Thuận, nơi thu hoạch khoảng ¾ sản lượng thanh long cả nước. Ngoài ra nếu để ý kỹ ta còn có thể thấy nó ở những tỉnh thành khác, đặc biệt lúc bay vào Sài Gòn về đêm, khi ánh hồng kỳ dị phát ra từ các nông trại thanh long nhìn như đồn điền ngoài hành tinh. Các dây leo đan xen nhau phụ thuộc vào các loài sống về đêm như dơi, bướm đêm và ong để thụ phấn; chúng làm điều này bằng cách ăn hoa thanh long, loài hoa nở về đêm. Khi được chăm sóc kỹ lưỡng, thanh long có thể đem lại nhiều vụ thụ mỗi năm. Chúng dễ gieo trồng vì những mảnh thân cây cũng có thể mọc thành cây mới, vì thế với điều kiện thuận lợi, chúng phát tiển mạnh mẽ đến mức vươn ra khỏi nơi trồng và trở thành cỏ dại.

Thanh long không phải là loại thực vật bản địa của Việt Nam, mà có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ, nơi nó được gọi bằng cái tên pitaya.

Vào những năm thập niên 1980 khi kinh tế Việt Nam khởi sắc, nông dân và các tập đoàn bắt đầu chú ý hơn đến loại quả này, họ thử nghiệm với phương pháp vun trồng và bón phân khác nhau. Đầu những năm thập niên 1990, có nhà nghiên cứu cho rằng 1kg có giá 80.000VND, đủ để mua một chiếc xe đạp thời đó. Nhưng thời thế thay đổi, hiện tại thanh long là một trong những loại trái cây vừa túi tiền nhất được bán ở các chợ và cửa hàng thực phẩm trong nước.

Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu lớn từ trong và ngoài nước, cũng như tiềm năng canh tác thuận lợi, nông dân trên cả nước đã bắt đầu tham gia sản xuất thanh long. Trong chuyến đi Hà Giang gần đây, tôi giật mình khi thấy thanh long trên các sạp ven đường và mọc dại trên những bức tường làng H’Mông. Người dân nơi đây giải thích rằng thanh long xuất hiện tại nơi đây khoảng 10 năm trước. Mặc dù được bán rộng rãi tại các cửa hàng trên khắp nước, loại thanh long đỏ có vị ngọt hơn được trồng chủ yếu ở các vùng phía nam, dù loại này chỉ chiếm 10% tổng sản lượng thanh long tại Việt Nam. Các nhà nghiên cứu hiện đang đầu tư vào loại thanh long vàng phổ biến hơn ở Trung và Nam Mỹ.

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất thanh long lớn nhất thế giới với hơn 1,4 triệu tấn bán ra thị trường hàng năm. Chỉ 15 đến 20% thanh long được tiêu thụ trong nước, phần còn lại đều được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Con số này đóng vai trò quan trọng trong việc đạt thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực tăng độ nhân diện và giá trị của sản phẩm nông nghiệp quốc nội, từ cà phê, tôm hay gạo, thanh long là một minh chứng quan trọng cho chất lượng và độ an toàn của sản phẩm Việt Nam với người tiêu dùng quốc tế.

Ảnh: Alberto Prieto.

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất thanh long lớn nhất thế giới với hơn 1,4 triệu tấn bán ra thị trường hàng năm

Nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, Việt Nam hiện đang xuất khẩu nông sản đến hơn 40 quốc gia, nhưng sản lượng thanh long xuất khẩu tới Trung Quốc vẫn chiếm đến khoảng 70%. Một người bạn đến từ tỉnh Bình Thuận chia sẻ với tôi rằng các nhà vườn gần nhà cô cho thuê người đến bẻ cong và tạo dáng cuốn gai thanh long mỗi ngày để chúng mang “dáng vóc của loài rồng” — nhằm đáp ứng thẩm mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc. Cô bạn cũng nói rằng nông dân thường không dám ăn thanh long mình trồng vì họ biết phải sử dụng nhiều hóa chất và thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác.

Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề trồng thanh long khi dịch COVID-19 bùng phát. Ắt hẳn ai cũng nhớ khoảng thời gian khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, khiến hàng tấn thanh long bị đổ đống ở nhà vườn, nhà kho và container chở hàng. Vậy rồi, một chiến dịch “giải cứu” nổ ra khiến nhà nhà ăn thanh long, người người ăn thanh long. Các nhãn hàng F&B cũng chạy đua cho ra các công thức kết hợp thanh long làm nguyên liệu. Khi tôi nhìn lại khoảng thời gian COVID-19, có lẽ điều đáng nhớ nhất chính là miếng gà KFC kẹp giữa 2 lát burger hồng đậm. Hiện tại hầu như các loại bánh mì hay burger rực rỡ như vậy đã biến mất khỏi menu, nhưng câu chuyện “giải cứu thanh long” đã thể hiện rõ tinh thần sáng tạo, “lá lành đùm lá rách” của người Việt. Nhưng câu chuyện này cũng không thể cứu vãn hình ảnh thanh long trong mắt tôi. Việc nó có thể được thêm vào đủ thứ công thức mà chẳng hề thay đổi mùi vị của món ăn là minh chứng cho sự nhạt nhẽo ngay từ đầu của nó.

Năm 2011, báo chí nước Mỹ dự đoán thanh long sẽ trở thành “loại trái cây của tương lai” vì thị trường đồ uống và thực phẩm chức năng tại đây bắt đầu quảng cáo rầm rộ về những lợi ích sức khỏe thanh long đem lại. Trò chuyện cùng gia đình ở Mỹ của tôi gần đây, tôi mới biết rằng thanh long vẫn đang là một loại trái cây “hot hit” xuất hiện ồ ạt trong các loại đồ uống từ sinh tố đến trà và các loại thức uống có cồn đắt đỏ. Nhưng khác với Việt Nam, nơi tôi thấy giá thành thấp tương xứng với giá trị của loại trái này, người Mỹ đội giá lên đến 10 đô cho một trái thanh long. Điên thật chứ!

Nông dân trên khắp thế giới chạy đua để bắt kịp với cơn sốt thanh long. Chẳng hạn như ở Kenya, cho đến 2010, tất cả trái thanh long đều được nhập khẩu, nhưng trước tiềm năng lợi nhuận và nhu cầu thị trường, nông dân đã nhập khẩu trái phép hạt thanh long về trồng. Sự phát triển này cũng có cái giá của nó. Mùa vụ thất thường và giá cả thị trường biến động có thể dẫn đến nguy cơ tồn đọng nông sản. Chẳng hạn như năm nay, châu Mỹ hiện trải qua giai đoạn thặng dư thanh long. Lại thêm ảnh hưởng từ lạm phát, nông dân đành ngậm ngùi trắng tay khi thanh long không có ai thu mua, phải đổ đống ven đường.

Ảnh: Alberto Prieto.

Nông dân trên khắp thế giới chạy đua để bắt kịp với “cơn sốt” thanh long.

Quay lại câu chuyện về Hệ quy chiếu Trái chuối tí nhé. Chắc hẳn chuyện tôi dám dán mác thanh long là loại trái cây tầm thường sẽ xúc phạm một số người, nhưng tôi cam đoan đã cho thanh long nhiều cơ hội để thay đổi ý kiến mình. Tôi thậm chí còn mua thanh long để ăn trong quá trình viết bài báo này. Trong cả năm qua, mỗi lần đi ăn buffet trong những chuyến công tác, tôi đều lấy một đống thanh long để ăn. Nhưng nó vẫn không thăng được một hạng nào trên Hệ quy chiếu Trái chuối cả.

Tôi công nhận thanh long có thể giúp giải khát, nhưng uống nước lọc cũng giải khát được mà. Và đúng là thanh long có đem lại những câu chuyện ấm lòng cũng như những trào lưu ăn uống thú vị; như mì gói màu hồng chẳng hạn. Nhưng có loại trái cây nào mà không có những yếu tố đó đâu. Suy cho cùng, đó là mục đích đằng sau toàn bộ series này mà nhỉ? Sau tất cả, những gì tôi muốn khi ăn trái cây đó là nó phải gây ấn tượng ngay với vị giác của mình và làm tôi đắm chìm trong sự sung sướng khi ăn nó, chứ không phải một loại trái cây mùi vị nhạt nhẽo như một người khách đến dự tiệc mà mấy hôm mới phát hiện là họ có mặt trong hình lúp ló đằng sau chậu cây. Nếu không vì vẻ ngoài nhiệm màu của nó, tôi đã bỏ qua mùi vị nhạt nhẽo của nó và xếp nó vào hàng của mãng cầu, đu đủ hoặc khế. Vì điều đó, thanh long chỉ đặc biệt vì màu chủ đạo đẹp mắt (phù hợp để bỏ lên đồng phục bóng đá hoặc biển hiệu club nào đó), và vì thanh long trông giống một món hàng hiếm trong game, chứ không phải một món quà vặt ngon miệng. Thì cũng không phải là vô thưởng vô phạt, nhưng không bao giờ đủ để vượt mặt chuối đâu.

Bài viết liên quan

in Natural Selection

Sấu gọi hè, chứa chan hương vị Hà Nội đầy thương nhớ

Anh đồng nghiệp cũ gọi tôi với vẻ hối thúc về cái kèo ra Hà Nội chơi mãi còn dang dở: “Hay mày định sấu rụng hết mới ra?”

in Natural Selection

Gõ nước: Loài cây hồi sinh từ bờ vực tuyệt chủng giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Có phải những gì càng có nhiều tên gọi thì càng được yêu mến không? Hãy thử nhớ xem bạn đặt bao nhiêu biệt danh cho bạn thân của mình? Và các nền văn hóa trên thế giới có bao nhiêu cách xưng tụng nhữn...

Paul Christiansen

in Natural Selection

Luận tội lục bình, kẻ xâm lược sông nước Việt bằng vẻ đẹp phù phiếm

Trôi khắp bao nhánh sông, những hệ thống rễ, cuốn, lá đan xen tạo thành bao bụi lục bình xanh mướt, nhấp nhô theo dòng nước nhờ phần thân rỗng xốp, điểm xuyết bởi những cánh hoa hồng tim tím xếp nếp, ...

Thi Nguyễn

in Snack Attack

Sầu riêng và Măng cụt: hai số phận được định đoạt bởi chủ nghĩa thực dân

Sầu riêng và măng cụt đều là những loại trái cây bản địa của vùng Đông Nam Á và rất được yêu thích ở địa phương, nhưng hai cái tên này lại có hình ảnh trái ngược nhau trong cảm nhận của bạn bè phương ...

in Snack Attack

Thư tình gửi kho tàng trái cây Sài Gòn

Diễm phúc trời ban là được sinh ra với cái miệng biết ăn và lấy cái miệng đó để ăn bao nhiêu thứ ngon trên đời.

Paul Christiansen

in Đời Sống

Viết cho túi bọc trái cây, 'chiến thần' diệt sâu bọ thầm lặng

Chuột, muỗi, rắn, rết, sâu, bọ và sên: một vùng đất càng trù phú thì lại càng được các đoàn thể, họ hàng nội ngoại của giống loài chuột bọ ưu ái.