Nếu không tính đợt khai thác hai chuyến bay quốc tế ngắn ngủi hồi cuối tháng 9 vừa rồi, tính đến nay, Việt Nam đã dừng nhập cảnh với người nước ngoài, ngoại trừ một số ít các chuyên gia, được gần tám tháng để kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19. Giai đoạn này đã đặt ra nhiều thử thách với các gia đình và cặp đôi đa sắc tộc khi các thành viên trong gia đình bị ly gián và họ chỉ có thể kết nối qua công nghệ, kể cả trong những ngày trọng đại nhất như ma chay hay hiếu hỉ.
Tháng 1 năm nay, ba ngày trước Tết Nguyên Đán, Việt Nam có ca mắc COVID-19 đầu tiên. Mùng 3 Tết, trong cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải "chống dịch như chống giặc." Đến nay, mặt trận chống "Cô Vy" ở Việt Nam vẫn diễn biến tích cực với chỉ khoảng hơn 1.000 ca nhiễm với tỉ lệ hồi phục lên đến gần 90%.
Như với các cuộc chiến khác, thường sẽ có những thiệt hại ngoài dự kiến. Ngày 22 tháng 3, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh với tất cả những người nước ngoài, ngoại trừ một số trường hợp như nhà ngoại giao, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư… Đây là một phương pháp phòng dịch hiệu quả, nhưng nó cũng vô tình gây ra bao cảnh chia ly.
“Chúng tôi gặp nhau gần bốn năm trước ở Geneva (Thụy Sĩ) trong một buổi nhảy swing,” chị Ambre Dupont kể về lần đầu tiên chị gặp chồng chị, anh Nguyễn Tuấn Anh. “Tôi mới học nhảy, còn vụng về nhưng rất háo hức. Và tôi nhìn thấy anh này, trông không quá đáng sợ, có vẻ như có kinh nghiệm, và trên khuôn mặt là một nụ cười tươi. Thế là tôi tự nhủ: ‘ok, mình có thể nhảy với anh ý.’”
Chị Ambre là người Pháp, còn Tuấn Anh là du học sinh gốc Việt. Sau khi Tuấn Anh lấy được bằng Thạc sĩ, Ambre theo anh về Việt Nam và họ sống ở Hà Nội từ năm 2018 đến nay. Họ định làm đám cưới vào mùa hè năm nay, nhưng phải tạm hoãn vì dịch. Và mặc dù được ở Việt Nam với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, Ambre không khỏi lo lắng cho gia đình ở Pháp khi ông bà cô là đối tượng yếu thế, và em gái cô hiện đang làm việc trong bệnh viện. Cô đã định về nhà vào mùa hè để ở gần hơn với gia đình, nhưng lệnh cấm nhập cảnh của Việt Nam làm mọi chuyện phức tạp hơn.
“Gia đình là một phần rất lớn trong tôi và giúp tôi cảm thấy vững vàng,” chị Ambre chia sẻ. “Nhưng tôi bị thiếu tình cảm gia đình đã quá lâu rồi. Đã hai năm rồi tôi chưa được về nhà. Nhưng tôi cũng không muốn rời Việt Nam trừ phi biết rằng mình có thể quay lại. Tôi không muốn phải xa chồng mà không biết lúc nào có thể đoàn tụ. Tôi cảm thấy mọi người nhìn tôi và nghĩ rằng: ‘Cô nên cảm thấy biết ơn vì được ở đây và thoát được lệnh cấm cửa kinh khủng ở nước Pháp.’ Và tôi nghĩ: ‘Ừ, đành là thế nhưng tôi không được ôm người thân, không được đoàn tụ với gia đình.’ Tôi cảm thấy như bị kẹt ở trong một cái lồng — một cái lồng rất đẹp — nhưng vẫn là một cái lồng. Đồng thời thì đây cũng là lựa chọn của tôi. Tôi có thể chọn về nhà. Nhưng nếu vậy thì tôi sẽ lại phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề khác.”
Để giữ liên lạc với gia đình, Ambre nhắn tin qua WhatsApp và gọi video khi có thể. “Nhưng không có gì là thay thế được việc ở bên nhau. Mỗi khi được nhìn ảnh của gia đình, tôi thấy vui vì biết họ đang có khoảng thời gian đầm ấm bên nhau, nhưng cũng buồn vì không được ở đấy cùng cả nhà. Nó nhắc tôi rằng tôi đang ở một nơi rất xa và bị cô lập với gia đình.”
Có không ít người đang bị chia cắt với gia đình giống chị Ambre. Trên Facebook, có cả một nhóm mang tên “Người thân của công dân Việt Nam mà không được nhập cảnh” với gần 500 thành viên. Hầu hết trong nhóm là những người nước ngoài không phải là lao động kỹ thuật cao hay nhà đầu tư. Mối liên hệ của họ với Việt Nam là những người vợ, người chồng, người con mà họ đã xa cách hơn nửa năm rồi. Một người trong nhóm đó là anh Brenno Amor, một công dân Úc. Chị Ambre khó về quê được, thì anh Brenno lại bị kẹt ở quê hương và phải xa vợ xa con.
“Tôi là một kỹ thuật viên của công ty khoan giếng dầu Schlumberger,” anh Brenno kể. “Hiện giờ tôi đang làm việc trên một giàn khoan bán tiềm thủy ngoài khơi phía tây Úc.” Anh Brenno gặp vợ mình năm 2017 khi đang làm việc ở Vũng Tàu. Lịch công tác của anh là cứ bốn tuần đi làm rồi bốn tuần nghỉ. “Thường thì tôi sẽ dành bốn tuần nghỉ ở Việt Nam. Nhưng gần đây tôi làm việc nhiều hơn vì COVID-19 và không được quay lại Việt Nam.”
Ngày 20 tháng 3 năm 2020, anh Brenno rời Việt Nam về Úc để đi công tác. Đáng lẽ ra anh sẽ được quay về sau bốn tuần. Nhưng hai ngày sau khi anh bay thì lệnh cấm nhập cảnh bắt đầu có hiệu lực. Và anh ở Úc từ đó đến nay. Anh bị lỡ mất kỷ niệm ngày cưới, và cũng không có mặt khi đứa con đầu lòng chào đời.
“Ngày con gái tôi sinh ra, tôi đang ở Perth (Úc). Tôi cảm thấy như mình đã khiến vợ thất vọng vì tôi không thể ở đó để hỗ trợ bà xã và nhìn thấy đứa con đầu lòng của chúng tôi chào đời. Chúng tôi cố gắng gọi video vài lần một ngày, nhưng khi tôi ở ngoài khơi thì chỉ nói chuyện được một lần vào buổi tối thôi,” Brenno giải bày.
Nỗi lo của anh ngày một lớn hơn khi thời gian trước mắt vẫn còn nhiều sự không chắc chắn. “Mọi thứ khá nặng nề, đặc biệt là giờ con tôi đang lớn rất nhanh, và tôi bị lỡ cơ hội để ôm con và nhìn con lớn lên. Tôi đang làm việc nhiều để tự giữ mình bận rộn nhưng thật khó vì không biết khi nào tôi mới có thể được đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam.”
Vấn đề các cặp đôi bị chia cắt vì đại dịch không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là thực tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một số đất nước đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng việc phát hành "visa người yêu." Ở Đan Mạch, những cặp đôi chứng minh được mình đã ở bên nhau ít nhất sáu tháng sẽ được đoàn tụ dưới dạng visa này. Và không chỉ có những cặp đôi, cả ông bà, cháu chắt của người Đan Mạch cũng được ở trong danh sách cho phép; họ chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính nhiều nhất là 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Ở Việt Nam, nỗi lo của anh Brenno, chị Ambre, và bao người đồng cảnh ngộ, có thể được bớt đi phần nào khi ngày 15 tháng 9 vừa rồi, Việt Nam chủ trương mở lại đường bay với một số quốc gia. Theo đó, Việt Nam sẽ mở lại những đường bay với Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, và Campuchia. Những đối tượng là du học sinh và người có thân nhân ở Việt Nam cũng được bổ sung vào danh sách được nhập cảnh.
Tuy vậy, quy trình cách ly người nước ngoài nhập cảnh vẫn chưa được thống nhất để triển khai đồng bộ dẫn đến việc đóng cửa lại biên giới chỉ sau hai chuyến bay quốc tế. Gần đây nhất, theo đại diện văn phòng Bộ Y tế, văn bản hướng dẫn giám sát y tế, quy trình cách ly đối với các hành khách trên các chuyến bay thương mại quốc tế đang được nhanh chóng hoàn thiện. Theo dự thảo, các hành khách trên các chuyến bay này sẽ tự chi trả các chi phí bao gồm vận chuyển, xét nghiệm và cách ly tại khách sạn.
“Tôi rất vui vì thấy mọi việc có diễn biến tích cực hơn một chút,” chị Ambre chia sẻ. “Hi vọng rằng, tôi có thể đi về nhà với gia đình để đón Giáng Sinh mà không sợ bị mắc kẹt bên ngoài Việt Nam và xa chồng.” Anh Brenno cũng đồng tình. “Tôi nghĩ đây là dấu hiệu tốt cho việc Việt Nam bắt đầu mở cửa. Hy vọng sẽ có thông báo sớm về quy trình và tất cả mọi thứ chúng tôi cần cho việc nhập cảnh.”
Một số tên trong bài đã được đặt lại theo nguyện vọng của các nhân vật.