Những tiệm cắt tóc vỉa hè từng là một biểu tượng của Sài Gòn xưa. Nhưng trong tiến trình toàn cầu hóa và thích ứng với tiêu chuẩn mới của thời đại, Sài Gòn nay đã thưa dần hình ảnh chiếc ghế cũ dưới mái hiên nơi người thợ lành nghề cắt tóc cho khách, bên cạnh là con phố tấp nập người xe.
Khi xã hội không ngừng tìm kiếm những điều mới mẻ và hiện đại hơn, thì các giá trị xưa cũ cũng dần chìm vào quên lãng. Xu hướng này thể hiện rõ nhất qua sự biến mất của những tiệm cắt tóc vỉa hè, nơi mà người cung cấp dịch vụ và người mua dịch vụ trở thành bạn bè lâu năm của nhau.
Chỉ mới vài năm trước thôi, những tiệm cắt tóc nam bình dân này vẫn mọc lên như nấm trên các con đường Tôn Đức Thắng hay Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giờ đây chỉ còn lại một vài địa điểm như thế ở Sài Gòn, phục vụ cho khách hàng có thu nhập thấp và người lớn tuổi đã quen với hình thức cắt tóc lâu đời này. Hầu hết những người thợ đều đã theo nghề hơn 20 năm, họ tạo được niềm tin với khách hàng và nhờ đó có nhiều khách quen luôn trở lại tiệm để cắt tóc.
Dù không thể cung cấp trải nghiệm cắt tóc sang trọng như các salon nhưng những người thợ này mang đến cho khách hàng cảm giác thân thiết và ấm áp. Tuy nhiên, nếu chỉ cắt tóc thôi thì thu nhập rất hạn chế, thế nên họ còn kiêm luôn nhiều dịch vụ khác: từ tỉa lông mũi, vệ sinh tai, cho đến phục vụ nước uống hay đồ ăn. Nhìn chung, thành công của một tiệm cắt tóc vỉa hè dựa vào mối quan hệ giữa người thợ và khách hàng nhiều hơn là công việc chính. Ngay cả khi không đến để cắt tóc, nhiều khách quen vẫn ghé thăm và ngồi chụm lại bên lề đường, bàn tán sôi nổi về tin tức thời sự hay những chuyện trong nhà ngoài phố. Anh Thanh, thợ cắt tóc tại Quận 4, chia sẻ với Saigoneer rằng anh xem những vị khách của mình như gia đình và rất quan tâm đến họ. Sự trân trọng này là điều thôi thúc anh làm việc mỗi ngày trong suốt 31 năm qua.
Từ năm 2017 cho đến nay, “chiến dịch giành lại vỉa hè” đã khiến nhiều người trong số họ mất đi kế sinh nhai. Chiến dịch này là một ví dụ điển hình cho ảnh hưởng của xu thế hiện đại hóa tại Việt Nam, với mục tiêu biến đường phố trở nên sạch sẽ, tinh tươm như ở các nước phát triển, nhưng nó đồng thời cũng làm mất đi nét riêng vốn có. Ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch Quận 1 và cũng là lãnh đạo chiến dịch này, từng tuyên bố nguyện vọng biến khu vực thành một “Singapore thu nhỏ”. Thế nhưng không ít người cho rằng, trong nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn đó, Sài Gòn đang phải đánh đổi vẻ đẹp văn hóa độc đáo của mình.
Dù thế, vẫn còn một số tiệm cắt tóc vỉa hè trụ lại cho đến nay. Những người thợ mà Saigoneer có cơ hội trò chuyện cùng cho hay họ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến dịch này. Anh Diệp, một thợ cắt tóc vỉa hè trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm giải thích rằng tiệm của anh vẫn được phép hoạt động vì không lấn chiếm quá nhiều không gian cũng như “có ý thức” hơn so với các các hàng ăn. Anh Thanh, một thợ cắt tóc trên đường Tôn Thất Thuyết ở Quận 4, đưa ra câu trả lời tương tự khi chia sẻ rằng anh từng phục vụ trong quân đội nên khi về lại thành phố, chính quyền đã tạo điều kiện để anh duy trì công việc này.
Thế nhưng, dù được phép tiếp tục hoạt động, nghề cắt tóc vỉa hè vẫn gặp phải nhiều khó khăn do sự thay đổi chóng mặt trong đời sống văn hóa tại Sài Gòn. Khách hàng ngày càng có nhu cầu làm những kiểu tóc cầu kỳ hơn để phù hợp với tiêu chuẩn mới về cái đẹp. Nhiều người đã quen với trải nghiệm làm tóc sang trọng ở salon và cho rằng người thợ cắt tóc vỉa hè không có tay nghề, thiếu cập nhật những xu thế mới và dùng những dụng cụ cũ kỹ, kém vệ sinh.
Đây là một thách thức lớn cho những người làm nghề này, vì đa số họ không có điều kiện mở cửa tiệm khang trang có lắp máy điều hòa và thuê nhân viên. Bên cạnh đó, một số người có khả năng mở cửa tiệm vẫn chọn ở lại trên hè đường khiêm tốn để giữ gìn niềm kiêu hãnh và đam mê của mình. Họ đã gắn bó với công việc và khách hàng của mình suốt hơn 20 năm, và sẽ còn tiếp tục như thế thêm nhiều năm nữa. Cảm ơn những người thợ yêu nghề vì sự tận tâm và nét duyên dáng rất riêng mà họ mang đến cho những góc đường nhỏ của Sài Gòn bao năm qua.
Thực hiện video: Anh Nguyễn và Alberto Prieto.