Có bao giờ bạn thử tưởng tượng rằng cuộc sống sẽ thế nào nếu thiếu đi những tiện ích sinh hoạt tối thiểu như toilet mà mình đang dùng hàng ngày?
Câu hỏi này được nhà làm phim kiêm nhiếp ảnh gia Morgan Ommer khai thác trong bộ phim tài liệu ngắn mang tên Dignity (Tạm dịch: Phẩm giá). Phim kể về cuộc sống thường nhật của hai dì cháu là chị Yến và bà Bo trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở Bến Tre, bao quanh là cây cối um tùm rậm rạp. Trước đây, cả hai vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh cầu tõm xiêu vẹo được dựng phía trên ao nước.
May mắn là gần đây, họ đã có thể dùng nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại nhờ chương trình Women-led Output Based Aid (WOBA), một sáng kiến do Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West), Bộ Ngoại Giao Úc (DFAT), và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết hợp thực hiện.
Nhà vệ sinh mới do chương trình WOBA hỗ trợ xây dựng. Hình ảnh: Morgan Ommer cung cấp.
Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc của Đông Tây Hội Ngộ tại Việt Nam, tổ chức đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ từ năm 2010 để cải thiện chất lượng vệ sinh cho phụ nữ có điều kiện khó khăn trên khắp cả nước.
Bà Hạnh cho biết: “Tổng cộng, chúng tôi đã xây dựng 130.500 nhà tiêu hợp vệ sinh cho những gia đình thu nhập thấp và các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã vận động tài trợ cho gần 200.000 hộ với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, đồng thời cung cấp thông tin về vấn đề vệ sinh cho hơn 1,5 triệu người dân tại 15 tỉnh thành Việt Nam. Hành trình này đã giúp hơn 6.000 thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ củng cố kiến thức và tầm ảnh hưởng của họ trong các vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nước, điều kiện vệ sinh và phát triển nông thôn.”
Người dân tại các thành phố lớn sẽ khó có thể hình dung được việc sinh hoạt hằng ngày nếu thiếu đi nhà vệ sinh hiện đại. Thế nhưng, chị Hạnh cho biết, trên thực tế, chưa đến 50% hộ ở các tỉnh miền núi được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch hiện nay.
Bà Hạnh chia sẻ: “Việc thiếu nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh kém có thể dẫn đến các hệ lụy như tiêu chảy, nhiễm trùng phụ khoa và lây nhiễm ký sinh trùng, cũng như sự lây lan của COVID-19. Bên cạnh đó, vệ sinh hợp lý có thể giúp giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sống, đảm bảo an toàn cho phụ nữ, người già, trẻ em, và người khuyết tật.”
Mặc dù khai thác một vấn đề mang tính quốc gia, đạo diễn Morgan đã chọn góc nhìn hẹp, đi sâu vào đời sống cá nhân của một hộ dân. Hầu hết các cảnh trong đoạn phim đều sử dụng góc máy cố định để bắt được những khoảnh khắc thường nhật của chị Yến và bà Bo, vốn mắt yếu và phải mang một chiếc chân giả. Mỗi sáng, chị Yến tới chợ và kiếm chỗ bán đậu phộng và bắp bên đường, còn bà Bo ở nhà xem TV.
Xuyên suốt đoạn phim, ta thấy nổi bật là tình cảm dì cháu khắng khít và quang cảnh thôn quê đẹp thanh bình; thế nhưng hiện thực khó khăn của những người dân vùng sâu vùng xa chính là điều mà nhà làm phim muốn lột tả. Dù vậy, bộ phim cũng không thiếu những khoảnh khắc khôi hài, đáng yêu, như lúc được hỏi trưa nay muốn ăn gì thì bà Bo đùa rằng mình đã chán cơm rồi.
Nhà làm phim Morgan cho hay làm việc với hai dì cháu rất vui: “Chúng tôi luôn ở bên cạnh chị Yến và dì Bo để hỗ trợ họ kể lại câu chuyện của chính mình. Lời thuyết minh trong phim cũng là chị Yến tự viết. Âm thanh được thu trực tiếp khi quay, nhưng quá trình này gặp chút khó khăn, không phải do hai nhân vật chính cảm thấy ngại ngùng mà do tiếng ồn xung quanh — tiếng động cơ xe máy, tiếng chó sủa, tiếng gà kêu, và cả tiếng hát karaoke của nhà hàng xóm. Cả hai dì cháu đều vô cùng tự nhiên trước ống kính.”
Bà Hạnh giải thích rằng việc tiếp cận những hộ gia đình giống như chị Yến và bà Bo chính là chìa khóa giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn vệ sinh: “Nhận thức của người dân vùng sâu vùng xa về vấn đề vệ sinh và sức khỏe đang dần được cải thiện, nhờ đó nhu cầu xây dựng nhà vệ sinh hiện đại đã tăng cao. Thế nhưng, nhiều hộ gia đình khó khăn vẫn chưa theo kịp bước tiến này do thiếu thông tin cần thiết về các thiết bị vệ sinh cũng như những mô hình nhà tiêu giá rẻ phù hợp với họ. Vì vậy, chương trình của chúng tôi đặc biệt chú trọng tập trung vào những hộ gia đình như thế.”
Ra mắt dịp Ngày Toilet Thế giới, phim ngắn Dignity là một trong bộ ba phim về chương trình này của tổ chức WOBA, hai phim còn lại được quay tại Lào và Cam-pu-chia.
“Điểm chung của cả ba bộ phim là bối cảnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như những sáng kiến và nỗ lực để giúp phụ nữ có điều kiện tốt hơn trong cuộc sống,” Morgan nói. “Các nhân vật chính trong cả ba phim đều là phụ nữ.”
Cùng Saigoneer theo dõi câu chuyện của hai dì cháu chị Yến và bà Bo qua đoạn phim dưới đây: