Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Thời Trang » Ton-sur-Ton » Biến hóa 'quần què' thành 'quần lành' có một không hai nhờ ngẫu hứng

Biến hóa 'quần què' thành 'quần lành' có một không hai nhờ ngẫu hứng

Chiecquanque (Chiếc quần què) là một thương hiệu thời trang độc lập với sản phẩm là những mẫu quần áo, balo và túi được may thủ công hoàn toàn. Mỗi món đồ của thương hiệu non trẻ này là một thiết kế riêng biệt, không trùng lặp và gần như chỉ có một mẫu duy nhất.

Tôi đến thăm không gian của Chiecquanque tại một khu tập thể cũ ở thủ đô Hà Nội. Căn nhà nép bên ngách nhỏ cạnh phố Kim Mã, như thể đang giấu mình khỏi phố xá xô bồ. Đây là nơi làm việc của Nguyễn Trung, chàng trai trẻ đứng đằng sau thương hiệu Chiecquanque.

Gian hàng đã chuyển về đây gần một năm, trước đó Chiecquanque được đặt trong căn nhà gỗ trên cây với không gian rộng rãi, thoáng mát trên con phố Thái Hà. “Mình từng tự hào là Chiecquanque có cửa hàng đẹp nhất Hà Nội. Nhưng chị chủ lại có việc cần đến căn nhà, thế là không thuê được nữa,” Trung cười với vẻ tiếc nuối.

Mỗi chiếc quần, áo, balo và túi là một thiết kế riêng biệt, được may thủ công hoàn toàn.

Bắt đầu từ một lần “nghịch dại”

Ý tưởng thành lập thương hiệu đến với Trung từ một sự cố trong chuyến đi Đà Lạt. “Mình đã chơi dại khi trượt một cái ván dài để đổ đèo. Thế rồi mình ngã, lăn liền mấy vòng và rách hết quần áo. Trong đó có một cái quần mình rất thích, mình không muốn vứt đi nên vá lại, vá lại thấy đẹp nên mình cứ mặc. Thế là mình nghĩ ra Chiecquanque.”

Ý tưởng về Chienquanque bắt đầu từ một... chiếc quần què.

Sản phẩm đầu tiên của Trung dưới cái tên Chiecquanque là một chiếc túi nhỏ đựng USB, ra đời một cách ngẫu hứng. Anh chụp hình lại và đăng bức ảnh trên tài khoản Instagram, khi ấy vẫn để cài đặt tài khoản là “Nhà khởi nghiệp.” Thế nhưng anh không ngờ rằng chiếc túi “làm cho vui” ấy lại nhận được lời khen và thậm chí còn có người đặt làm, từ đó Trung quyết định đổi tài khoản Instagram thành “Nhà thiết kế” và đầu tư nghiêm túc vào Chiecquanque.

Bộ dụng cụ của Trung.

Trong những ngày đầu lập nghiệp, Trung gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính. Đối với các nhà thiết kế độc lập, nguồn vốn luôn là một bài toán khó mà nếu không giải được, giấc mơ khởi nghiệp sẽ buộc phải dừng lại. Để giải quyết vấn đề, Trung làm việc với những chất liệu mình có sẵn, sau đó bán sản phẩm và xoay vòng vốn. “Chỉ có khó khăn về tài chính thôi. Còn ý tưởng thì lúc đấy thực ra hứng lên thì mình làm. Nhưng bây giờ thì phải đốc thúc, cơm áo gạo tiền mà,” anh chàng bồi hồi.

Chỉn chu từ những điều nhỏ nhất

Ban đầu, Trung may các sản phẩm bằng vải jeans cũ, sau đó mở rộng sang các chất liệu khác như đồ da cũ hay vải chàm. Thậm chí, anh còn tận dụng cả những miếng vải vụn lấy được từ một người chị thân quen làm nghề may.

Trung không có tiêu chuẩn cụ thể nào với các vật liệu mình có được, mà anh sẽ biến hóa các thiết kế của mình theo hiện trạng của từng tấm vải. Nếu tấm vải có vết sờn rách, anh chàng sẽ giữ lại nguyên vẹn, hoặc đôi khi sẽ mài thêm ra nếu “chưa hợp mắt.”

Một chiếc áo khoác đang được cắt ghép. 

Để ghép các miếng vải với nhau, Trung sử dụng kỹ thuật thêu sashiko và kỹ thuật ghép vải boro của Nhật Bản. “Ngày xưa, khi quần áo ở nhà của người chồng bị rách thì người vợ sẽ vá lại, nhiều lần vá thì nó sẽ thành như này. Trông như bầu trời, nhìn rất đẹp,” anh chàng giải thích lý do chọn phong cách ghép boro trong khi vân vê tấm vải đang khâu.

Lựa chọn chất liệu, thêu hay ghép vải là một phần trong quá trình tạo ra từng sản phẩm, mà theo Trung thì mất rất nhiều thời gian bởi anh luôn muốn mọi thứ mình làm ra thật chỉn chu. Thông thường, anh sẽ làm ra sản phẩm mẫu để thử nghiệm, sau đó khắc phục những lỗi nhỏ nhặt trước khi đăng tải cho khách đặt hàng. “Mình phải bỏ hết tâm huyết vào sản phẩm mình làm, như mình đang làm cho mình dùng chứ không phải làm cho xong. Kể cả có làm đến lần thứ mấy thì cũng phải coi như lần đầu tiên.”

Đôi giày Thượng Đình “quốc dân” được Chiecquanque biến tấu.

Có lẽ vì luôn tâm huyết với những gì mình làm mà đối với Trung, tất cả sản phẩm mang tên Chiecquanque đều vô cùng đáng nhớ. “Thiết kế mình nhớ nhất có lẽ là giày Thượng Đình. Đợt đó nó nổi lên vì rapper Hieuthuhai đi mẫu giày gần giống.” Đôi giày từng là “lựa chọn quốc dân” đã được Trung biến tấu với các mảnh vải jeans và họa tiết ngẫu hứng. Nó trở thành sản phẩm bán chạy nhất của Chiecquanque, đến mức có ngày trên bàn may chỉ toàn những đôi giày sọc nằm la liệt.

“Không có gì gọi là thời trang bền vững”

Nếu dạo một vòng trên thị trường thời trang thủ công ở Việt Nam, không khó để bắt gặp những thương hiệu theo đuổi triết lý “thời trang bền vững.” Tuy nhiên với Trung, khái niệm đó không tồn tại và nhiều người đang hiểu sai về thời trang bền vững. Theo Trung, dù các sản phẩm thời trang được tạo ra từ nguyên liệu có thể tái chế thì các khâu sản xuất khác cũng ít nhiều tác động tới môi trường. Hơn nữa, các mẫu mã quần áo thay đổi chóng mặt tính theo ngày, vì vậy lượng quần áo cũ bị thải bỏ cũng tăng lên. 

“Có thể trong tương lai khái niệm ‘thời trang bền vững’ sẽ đúng khi khoa học phát triển cao hơn. Nhưng hiện tại thì ‘thời trang bền vững’ là không có, hoặc đơn giản là mỗi người sử dụng những sản phẩm thời trang như trong phim hoạt hình. Ngày nào cũng một bộ quần áo, phụ kiện giống nhau,” chàng trai trẻ giải thích.

Từ chiếc quần què đến đôi bốt què và quyển sổ què.

Với Trung, Chiecquanque không theo đuổi định hướng thời trang bền vững, và những sản phẩm thủ công cũng không nhất thiết phải như vậy. Khi tôi hỏi về điểm khác biệt của Chiecquanque so với các thương hiệu khác, anh cho biết sự khác nhau nằm ở màu sắc và họa tiết của từng món đồ, nhưng về mặt kỹ thuật thì tương tự nhau. “Cá nhân mình thấy không có gì đặc biệt cả, mọi người cứ phải đặt nặng chuyện thương hiệu tôi có gì khác biệt.”

“À! Nhưng khác biệt thì chắc là về giá. Mọi người hay chọn mình vì mình bán rẻ hơn,” Trung bật cười sau một hồi ngẫm nghĩ về câu hỏi của tôi.

Rẻ hơn nhưng không kém tỉ mỉ.

Nói về những dự định tương lai, nhà thiết kế trẻ tuổi cho biết anh sẽ vẫn duy trì Chiecquanque như hiện tại. Không chỉ tập trung sáng tạo, Trung còn chia sẻ kinh nghiệm cho những ai yêu thích thời trang thủ công. Với anh, đó là tri thức và nên được chia sẻ rộng rãi, thậm chí là miễn phí. Lúc đó tôi hiểu rằng, những gì Trung chia sẻ không chỉ là hiểu biết mà còn là cái tâm làm nghề hiện hữu trong từng đường kim, mũi chỉ của anh.

[Ảnh trong bài được cung cấp bởi nhân vật.]

Bài viết liên quan

in Ton-sur-Ton

Thảo Vũ, nhà sáng lập Kilomet109: 'Trang phục là một ngôn ngữ có thể dùng để viết'

Saigoneer đã có dịp gặp gỡ nhà thiết kế Thảo Vũ và lắng nghe chia sẻ về sự khởi đầu bỡ ngỡ của chị với thời trang và tâm sự của chị trên hành trình phát triển một thương hiệu định hướng bền vững. ...

in Ton-sur-Ton

Có một 'tiểu yến tử' ở Seattle ngày ngày đem chất queer thổi hồn vào trang sức

Phụ kiện “lồng lộn,” phá cách với chút tinh nghịch và “huyền bí” là cách mà Đinh Nguyễn Song Khanh và bạn đời, Meiyin, mang sắc màu riêng vào văn hóa thời trang queer tại Mỹ — nơi cả hai đang sinh sốn...

in Ton-sur-Ton

Great Vietnam: 'Cổ phục Việt đâu phải chỉ để người đã khuất mặc!'

Trong vòng bốn đến năm năm trở lại đây, việc phục dựng các trang phục của người Việt xưa đang trở thành một xu hướng được đông đảo người trẻ hưởng ứng. Đây là thành quả từ nỗ lực bảo tồn, quảng bá cổ ...

in Ton-sur-Ton

Gặp gỡ Kim Berhanu, người lãnh đạo 'vương triều' Dynasty the Label

“Mình còn trẻ nên vẫn mơ lớn lắm” là cách mà Kim Berhanu bắt đầu cuộc nói chuyện với tôi vào một ngày đầu tháng 9. Dù mới ở tuổi 23, Kim đã là CEO và Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Dynas...

in Ton-sur-Ton

Kimono Ơi: Mang đường kim mũi chỉ Việt vào thiết kế kimono đương đại

Biết đâu hình ảnh một cô gái đầu đội nón bảo hiểm, người mặc áo kimono phối quần jean mài, vi vu lượn quanh các con đường ở Sài Gòn sẽ sớm trở nên thịnh hành trong thời gian tới. 

in Ton-sur-Ton

Nhà thiết kế trẻ cho denim cũ một kiếp sống mới phong trần

Lựa chọn thời trang tuần hoàn để khởi nghiệp, chàng trai Dương Hoàng Hảo — nhà sáng lập thương hiệu thời trang trẻ Perfect Vintage Stuff — xác định sẽ bước trên một con đường nhiều khó khăn nhưng cũng...