Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới vào thời điểm này mà kiến trúc hiện đại được lên ý tưởng, triển khai xây dựng bởi người dân trên một vùng lãnh thổ lớn, và từ đó lưu giữ "khẩu vị" về thẩm mỹ của nhân dân. Một ví dụ nổi bật là giàn leo trên sân thượng các căn nhà phố và sự biến đổi của về nhận dạng cấu trúc này theo thời gian.
Được sắp đặt ở trên mái hoặc tầng thượng, giàn leo giúp làm dịu bức xạ nhiệt hấp thụ bởi mái nhà và đem lại một không gian thư giãn với tầm nhìn thú vị. Tuy nhiên, giàn leo, còn được gọi là pergola, ở kiến trúc hiện đại Việt Nam không phải loại làm bằng xà gồ gỗ hay tre nứa trong vườn giống như các nước khác. Từ giữa thế kỷ XX ở nước ta, cấu trúc này được làm bằng bê tông gia cố với thép để có thể vươn ra xa khỏi bộ khung kết cấu. Các thanh bê tông mỏng hay rất mỏng, vốn đòi hỏi trình độ thi công cao, lại được sử dụng linh hoạt và thuần thục theo nhiều phương vị phức tạp để tạo ra các sáng tác thật đa dạng.
Trong quá trình xây dựng các khu phố mới với nhà phố từ hai đến năm tầng, người chủ nhà, người thợ xây và cả kiến trúc sư, gọi chung là những người tạo tác nên một căn nhà, đã tự học hỏi lẫn nhau. Trên khuôn mẫu về công năng của một căn nhà phố hiện đại (modernist shophouse), với những thành phần kiến trúc điển hình như lam che nắng, bồn cây, lan can, lam sắt, hoa gió, giàn leo v.v., những người tạo tác đã gọt giũa và sáng tác nên những thành phần kiến trúc với những trạng thái hình học vô cùng thú vị và trừu tượng. Những ý tưởng thiết kế được học hỏi qua lại lẫn nhau, được mang từ ngôi nhà này đến ngôi nhà khác trong công cuộc xây dựng mới đầy năng lượng. Và cứ mỗi lần di chuyển như vậy, một thế hệ mới các thành phần kiến trúc được sinh ra. Chúng được lược bỏ, hoặc thêm thắt, được chọn lọc, hoặc nhào nặn để vừa mắt người chủ nhà mới.
Trong dòng vận động mạnh mẽ ấy, có những cấu trúc vẫn giữ lại giá trị công năng của nó như bồn hoa đưa ra trên mặt tiền. Nhưng có những ý tưởng được chuyển hoá bởi cộng đồng mạnh mẽ tới mức, chúng tiến hoá thành một thành phần kiến trúc mới, thuần trang trí, để mất hẳn đi chức năng ban đầu. Giàn leo trên sân thượng các căn nhà phố là một ví dụ thường thấy của hiện tượng này.
1. Giàn leo nguyên bản
Giàn leo, như tên gọi của nó, được dựng nên để làm điểm tựa cho các loại cây leo như hoa giấy. Hình thức đơn giản nhất là một lưới các thanh bê tông cốt thép ngang và dọc được đúc tại công trường. Hệ lưới này có một tỉ lệ độ mở thích hợp để điều tiết giữa ánh sáng và độ dày đặc của cây leo. Thông thường, mỗi thanh bê tông cách nhau từ 30 đến 40cm, xếp thành khoảng mười thanh trên một mặt tiền 4m và thường có ba đến năm hàng thanh ngang. Các thanh bê tông cốt thép được đúc vô cùng thanh mảnh với một tỉ lệ chiều cao và chiều rộng hợp lí.
2. Xuất hiện tính đa dạng
Sự can thiệp thô sơ nhất để tạo nên sự thú vị là sự tác động đến kích thước của hệ lưới bằng cách chia nửa một ô lưới hay gộp hai ô lưới theo một nhịp điệu nhất định. Sự can thiệp đôi khi cũng có thể chỉ là sự biến đổi tỉ lệ ngang dọc của một ô lưới. Thay vì một hệ lưới đều có quy luật, thì quy luật bị phá vỡ. Điều này đã mang lại sự mất cân bằng trong bố cục, cùng với đó là nhịp điệu, tương phản và sự đa dạng hình học. Đây là một quyết định vô cùng quan trọng phản ánh thị hiếu về cái đẹp của người chủ nhà — sự không chấp nhận tính tuyệt đối để tạo nên sự biến chuyển trong bố cục thị giác.
3. Xuất hiện trang trí
Tính tuyệt đối và quy luật lại càng bị phá vỡ khi các mảng đặc và hình trang trí được thêm vào. Một phần diện tích của giàn leo được thay bằng một tấm bê tông kín, tương phản với các thanh lam, từ đó tạo ra chính, phụ hay đặc, rỗng. Một cảm nhận về tỉ lệ giữa các vật liệu thẩm mỹ dần xuất hiện. Trên tấm bê tông này, trong nhiều trường hợp đã xuất hiện các hình kỷ hà hoàn toàn không có chức năng sử dụng như hình tròn, hình vuông, hình thoi hay thậm chí hình ngôi sao... Để có được các hình dạng này, người thợ phải dựng nên cả một hệ cốp-pha (khuôn) để đúc được những tấm bê tông với các lỗ rỗng ở giữa như vậy. Giàn leo đã dần trở thành một thứ gì đó được khoe ra, thu hút người nhìn.
4. “Vương miện” trên đỉnh nhà
Thay vì tác động đến quy luật để cố gắng thêm thắt sự hấp dẫn, quy luật giờ đây đã được dựng nên để phục vụ cho sự hấp dẫn. Các giàn leo vẫn còn lại một phần chức năng giàn, nhưng bố cục của chúng đã thấy rõ ý đồ của những người tạo tác. Họ đã tạo ra những sự thay đổi, sự xáo trộn về nhịp của các thanh bê tông mỏng, cùng với đó là sự kết hợp hài hoà với các mảng đặc hoặc các thanh bê tông với phương vị khác để tạo thành một tác phẩm vừa mắt. Các giàn leo này đã không còn có một quy luật nổi bật quy định thiết kế như hệ lưới ban đầu, mà thiết kế giờ đây đã gần như được phó mặc cho ý thức thẩm mỹ của chủ nhà.
Giờ đây, giàn leo đã không còn leo được nữa. Nó không còn được dựng nên để phục vụ một chức năng. Mà giàn leo, hay chính xác hơn là thứ được gọi là “giàn leo,” đã được dựng nên để phục vụ một nhu cầu rất cao quý — nhu cầu thẩm mỹ.
Từ cái cớ vể công năng, từ ý niệm về một thành phần thực dụng, bằng truyền miệng, bằng quan sát, mà bộ phận giàn leo trên tầng thượng các nhà phố đã di chuyển từ căn nhà này qua căn nhà khác. Và cứ mỗi cú nhảy như vậy, ý niệm này lại bị thay đổi đôi chút, bị cắt gọt, hay được thêm thắt những ý tưởng cá nhân để phù hợp với thẩm mỹ của chủ nhà. Có thể nói, giàn leo và các thành phần kiến trúc mà đã trải qua quá trình tương tự như chậu cây, lam che nắng, v.v. là nơi lưu giữ một cảm giác, một ý niệm về cái đẹp, như một thư viện lịch sử về ý thức thẩm mỹ người Việt đối với ngôi nhà hiện đại của họ.
Có thể ít người nghĩ rằng kiến trúc hiện đại (modernist architecture), lại có thể trở thành một loại hỉnh kiến trúc đặc trưng của Việt Nam, nhưng điều làm cho kiến trúc nhà phố hiện đại ở nước ta khác biệt với các phong cách kiến trúc hiện đại khác trên thế giới đó chính là sự thực hành chủ động và ngẫu hứng của người dân dựa trên một vốn từ vựng kiến trúc được gọt giũa qua nhiều tầng lớp. Và người Việt, dù không cần biết đến chủ nghĩa hiện đại là gì, cũng đã coi đây là cách thức làm nhà mới trong một hoàn cảnh mới. Kiến trúc hiện đại vì vậy mà đã trở thành một thứ kiến trúc bản địa, được lưu truyền và gìn giữ trong dân gian.