Len lỏi dưới ánh nắng chiều qua con hẻm nhỏ trên đường Dương Bá Trạc (Quận 8), chúng tôi bắt gặp một lát cắt sinh động của đời sống cộng đồng Hồi giáo nơi đây. Không chỉ là không gian sinh hoạt tín ngưỡng, khu phố còn mở ra một thế giới ẩm thực phong phú — phản ánh sự giao thoa giữa các nền văn hóa cùng tồn tại và phát triển trong lòng thành phố.
Chỉ vào một dịp duy nhất trong năm, con hẻm vốn thường yên ắng trở nên nhộn nhịp hơn khi đón tiếp các tín hữu Hồi giáo tề tựu về đây để hòa mình vào không khí đặc biệt của tháng Ramadan.


Diễn ra vào tháng 9 của lịch Hijri, Ramadan là một trong những thánh lễ quan trọng nhất với đức tin Hồi giáo. Sự kiện đánh dấu thời điểm nhà tiên tri Muhammad nhận được những mặc khải đầu tiên của thánh kinh Quran. Với các tín hữu, đây là khoảng thời gian để thực hành chiêm nghiệm, kiềm chế và đổi mới tinh thần.

Tập trung gần 3.000 tín đồ, hẻm 157 Dương Bá Trạc là nơi sinh sống của cộng đồng người Hồi lớn nhất tại TP. HCM. Các cư dân nơi đây chủ yếu thuộc dân tộc Chăm di cư từ các tỉnh thành như An Giang, Châu Đốc, Ninh Thuận, v.v. Giáo khu mang lịch sử lâu đời với thánh đường Jamiul Anwar được xây dựng từ năm 1966 và sửa sang khang trang lại như hiện nay vào năm 2006.


Trong suốt tháng Ramadan, người Hồi giáo nhịn ăn từ bình minh đến hoàng hôn như một cách để bày tỏ lòng thành kính với bề trên cũng như rèn luyện ý chí, nuôi dưỡng sự biết ơn, trân trọng những bữa ăn thường ngày. Các tín đồ phải tuân thủ chế độ ăn Halal — thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Hồi giáo, không chứa thịt heo, rượu và các thành phần bị cấm theo giáo lý. Chỉ sau khi mặt trời lặn, cộng đồng mới quây quần lại cùng nhau để dùng bữa xả chay, gọi là Iftar.




Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của các giáo dân, quanh khu vực thánh đường đã hình thành một khu chợ dân sinh phục vụ ẩm thực Halal, hoạt động từ 3 đến 6 giờ chiều chỉ trong tháng Ramadan. Nhiều gian hàng nhỏ được dựng lên men theo mặt tường, các mặt hàng trải dài từ món Chăm truyền thống như cà ri, bánh rôti, bánh sakaya đến các món phổ thông như gỏi cuốn, xúc xích, v.v.


Đồ ăn được các hộ gia đình chế biến ngay trong bếp nhà và bày trí thịnh soạn, khiến hương thơm hấp dẫn lan tỏa vào từng ngóc ngách của con hẻm hẹp.
Những năm gần đây, khu chợ còn chào đón thêm sự có mặt của những vị khách ngoại đạo đến thưởng thức món ăn Halal và tìm hiểu phong tục Hồi giáo. Không gian ẩm thực của ngôi chợ trở thành một ô cửa sổ và cầu nối giữa những cộng đồng văn hóa khác nhau.
Xem thêm về khu chợ đặc biệt qua các hình ảnh sau:














