Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Môi Trường » Mùa mưa lại tới, đời sống dân cư vùng ven Sài Gòn lại thêm khó khăn vì ngập

Mùa mưa lại tới, đời sống dân cư vùng ven Sài Gòn lại thêm khó khăn vì ngập

Tháng 4 vừa đến, Nam Bộ đón cơn mưa rào đầu mùa, và căn phòng trọ ọp ẹp của chị Mã Thị Diệp ở ven Thành phố Hồ Chí Minh (TPhiếm.HCM) lại bị dòng nước đục ngầu quá gối nhấn chìm.

“Nước tràn từ ngoài đường vô nhà rồi dâng lên theo ống cống nhà tắm. Tụi chị không cách nào cản được,” người phụ nữ bán vé số phân trần. “Nước đen ngòm như than, mùi hôi nồng nặc nên ngửi thôi mà chị muốn xỉu.” Miệng nước cuối cùng cũng rút đi sau hai tiếng đồng hồ, nhưng nhà chị Diệp phải thức tới nửa đêm để dọn dẹp. “Nước ăn da cũng hơi ngứa, nhưng cũng may nhà chẳng có gì đáng giá để hư hỏng,” chị kể, nửa đùa nửa thật.

Gia đình chị Diệp rời quê nhà Sóc Trăng lên thành phố lập nghiệp, và cũng như hàng ngàn người nhập cư khác trong số 9,4 triệu dân Sài Gòn, quyết định chọn Quận 12, vùng ven phía Bắc thành phố, làm nơi an cư. Dù trên giấy tờ, Quận 12 vẫn cao và khô ráo hơn nhiều địa phận khác, nhưng khu vực này nhiều năm nay đã trở thành “rốn lũ” nhức nhối của thành phố. Nhìn chung, các quận huyện ở rìa Sài Gòn, nơi sinh sống của dân nhập cư và các hộ nghèo, thường hứng chịu cảnh lún sụt, ngập úng nghiêm trọng nhất.

Vào năm 2023, mùa mưa chạm ngõ miền Nam sớm hơn mọi năm khoảng 1 tháng vào giữa tháng 4. Theo thông tin của cơ quan chức năng, những năm trước thi thoảng khoảng 5 năm một lần, Sài Gòn mới đón vài cơn mưa lưu lượng lớn với hơn 100mm nước mưa trút xuống trong 1 giờ, nhưng suốt tháng 6, tháng 7 năm nay, tình trạng này không còn hiếm nữa. Nghiên cứu cho thấy trong vài thập kỉ tới, những trận mưa “lịch sử” sẽ thường xuyên giáng xuống hệ thống thoát nước vốn khá nghèo nàn của thành phố.

Phòng trọ ở Quận 2, TP .HCM, khu vực nhiều dân nhập cư sinh sống, chìm trong nước sau một trận mưa vào tháng 11/2021. Ảnh: Cương Trần.

Những xu hướng thời tiết cực đoan như thế vẽ nên bối cảnh tối tăm cho tương lai của TP .HCM. Sài Gòn nằm trong nhóm những đô thị đang lún sụt nhanh nhất thế giới, bên cạnh Thiên Tân, Thượng Hải (Trung Quốc); và Semarang, Jakarta (Indonesia). TP. HCM cũng đối mặt với nguy cơ ngập lụt cục bộ khi mực nước biển dâng cao trong tương lai. Theo một báo cáo chính phủ công bố năm 2020, đến năm 2100, khoảng 1/5 diện tích thành phố sẽ bị nhấn chìm khi mực nước biển dâng cao lên 1m.

Sài Gòn được xem là đầu tàu kinh tế của toàn miền Nam, chiếm khoảng 22% GDP của cả nước. Nhưng tình trạng ngập không lối thoát hiện đang gặm nhấm gần 1.3 tỉ USD của thành phố mỗi năm. Theo dự báo, con số này sẽ tăng lên đến 8.7 tỉ USD — hay 3% GDP — vào năm 2050.

“TP. HCM là đô thị vươn lên từ màn nước,” Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, chuyên gia thủy văn môi thường và thay đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc Gia, chia sẻ. “Giờ đây thành phố đang đối mặt với loạt thay đổi mới. Nếu không có kế hoạch cụ thể, chắc chắn trong tương lai, ngập lụt diện rộng là chuyện không thể tránh khỏi.”

Đô thị hóa bỏ xa hạ tầng

Chú Nguyễn Tấn Lợi, cư dân lâu đời ở Quận 8, kể rằng ngày xưa vào những năm đầu thập niên 1990, khu vực này chỉ toàn đồng ruộng, ao cá. Qua nhiều năm, nơi đây trở thành nhà của nhiều khuôn viên đại học và khu dân cư đông đúc. “Bề mặt thành phố hầu như đã bị bê tông che lấp, không còn đất mặt để thẩm thấu nước,” Tiến sĩ Quân nói. “Nước mưa ào vào hệ thống cống cũ kĩ không cáng đáng nổi lưu lượng nước quá lớn, và cứ thế trào lên mặt đường.”

Ở phía Nam thành phố, anh Nguyễn Trung Hiếu và hàng xóm nhà mình ở Quận 8, một trong những quận khó khăn nhất Sài Gòn, cũng hằng ngày chống chọi với ngập lụt 2 lần mỗi tháng đều đặn từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, vì sinh sống gần Rạch Bà Tàng. “Mỗi năm mực nước triều cứ cao dần, cao dần, khoảng 5cm mỗi năm,” anh kể. Anh Hiếu phải đối phó bằng cách nâng nền không ít lần, chưa kể cả xóm cũng phải góp tiền để nâng mặt đường chung lên cao hơn.

Gần nửa diện tích TP. HCM nằm trên mực nước biển không tới 1m, ngoài ra 21% diện tích ấy cũng được bao phủ chằng chịt bởi mạng lưới kênh rạch với mực nước lên xuống theo thủy triều. Hệ thống thủy lộ dồi dào này cũng là lý do khiến Sài Gòn có được vị thế là trung tâm giao thương quan trọng suốt 2 thế kỉ qua, nuôi nấng hàng đoàn tàu thuyền qua lại trao đổi thương phẩm, hoa màu từ Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Nam. Sau hai thập kỉ bất ổn 1960–1970, Sài Gòn chuyển mình thành trung tâm sản xuất, tài chính của đất nước.

Quận 8, khu vực trũng thấp của thành phố, từng là vùng đầm lầy, nhưng hiện giờ đã được xây phủ, ngăn cản quá trình thẩm thấu tự nhiên. Ảnh: Thanh Huế.

Cú vươn mình ấy dẫn đến tình trạng đô thị hóa không kiểm soát, chồng chất nhà cửa lên đất phù sa xốp mềm. Hạ tầng cung cấp nước không bắt kịp tốc độ bê tông hóa, nên giếng tạm để khai thác nước ngầm trở thành giải pháp nhanh gọn được ưa chuộng. Hàng ngàn giếng đã và đang cắm rễ khắp Sài Gòn, ngày ngày rút nước ngầm cung cấp cho các hoạt động công nông nghiệp và sinh hoạt gia đình. Khi tốc độ rút vượt quá tốc độ tái tạo nước ngầm, sụt lún là chuyện không thể tránh khỏi.

Từ 1991 đến 2015, Đồng bằng Sông Cửu Long đã lún xuống khoảng 18 cm; một báo cáo công bố năm 2017 xác định việc khai thác nước ngầm quá mức là nguyên căn chính gây ra lún. Đất miền Tây càng lún thu hẹp diện tích đất ở, càng khiến nhiều hộ nghèo buộc phải bỏ ruộng mà đi, thường là lên TP. HCM hoặc các vùng công nghiệp trọng điểm lân cận.

Theo một nghiên cứu năm 2015, ngay cả Sài Gòn cũng đã lún dần xuống 8mm mỗi năm trong giai đoạn 2006–2010. Trong đó, khu vực rìa Đông thành phố dọc theo sông Sài Gòn có tốc độ sụt lún đáng báo động nhất, đạt 70mm mỗi năm. Sau khi chính quyền thành phố áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm khai thác nước ngầm và phòng sụt lún, các số liệu này có tiến triển tích cực, với chỉ 3.3mm–53mm sụt lún trong giai đoạn 2017–2019. Tuy nhiên, vùng ngoại vi thành phố vẫn tiếp tục cho về những chỉ số sụt lún đáng ngại. Theo dự báo, khi mực nước biển dâng lên vào năm 2100, khoảng 78% dân số Sài Gòn sẽ rơi vào cảnh mất đất.

Ở Sài Gòn, ai chịu trận?

Một nghiên cứu ra đời năm 2016 trực thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận thấy tình trạng ngập lụt ở TP. HCM sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc nhất đến những khu ổ chuột trong thành phố, với 68–85% dân cư bị ảnh hưởng. Báo cáo này định nghĩa “khu ổ chuột” là tập hợp nơi ở hoặc nơi trú ẩn diện tích nhỏ, sát nhau, thường mang tính tạm bợ. Trong khi đó, khoảng 63–68% tổng dân số Sài Gòn sẽ hứng chịu hệ quả của vấn đề ngập úng.

TP. HCM là đô thị thu hút nhập cư nhất đất nước, nhưng hàng loạt vấn đề môi trường đang thách thức chất lượng cuộc sống của tầng lớp cư dân mới. “[Nghiên cứu] của chúng tôi cho thấy dân nhập cư thường có sức khỏe tốt khi mới an cư, nhưng sức khỏe họ suy giảm rất nhanh theo thời gian,” Hang Ngo, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, cho biết. Vào năm ngoái, công trình nghiên cứu của bà cho thấy cộng đồng người nhập cư miền Tây trong thành phố thường cư trú trong những nơi ẩm thấp, tình trạng vệ sinh không đảm bảo. Đặc biệt, đối với những gia đình ở nơi thường xuyên ngập, nguy cơ sốt xuất huyết, bệnh về da gia tăng rất cao.

Anh Lê Văn Lợi, 29 tuổi, một cư dân Huyện Bình Chánh ở rìa Tây thành phố, là công nhân may mặc ban ngày và tài xế xe ôm công nghệ ban đêm. Đối với Lợi, không gì đáng sợ bằng chạy qua chỗ ngập: té xe là một chuyện, nhưng sửa xe bị vô nước thường lẹm mất 150.000VND thu nhập. “[Chạy vào chỗ ngập] không đáng mấy đồng bạc cắc kiếm được từ cuốc, xe” Lợi nói. Chưa kể, với anh, mỗi đợt mưa nhiều cũng đồng nghĩa với việc thu nhập giảm đáng kể.

Nghiêm trọng hơn hết, tầng lớp thu nhập thấp và dân nhập cư, thường phải chọn thuê nhà ở khu vực dễ ngập, cơ sở hạ tầng èo uột, cũng không có đủ tài chính để phòng thân trong mùa mưa ngập. “Nó là môt vòng lẩn quẩn,” chị Cao Vũ Quỳnh Anh, nghiên cứu sinh đại học Tokyo đang tìm hiểu cách người dân TP.HCM chống chọi với ngập lụt, chia sẻ.

Một con đường ở ven Quận 2 ngập nặng sau cơn mưa vào tháng 6, 2018. Ảnh: Cương Trần.

Lối thoát nào cho Sài Gòn mùa nước nổi?

Chính phủ Việt Nam đang trông chờ vào những giải pháp hạ tầng kỹ thuật để kìm hãm tác hại của nước triều ở thành phố đông dân bậc nhất cả nước, nhưng tiến độ công trình hiện vẫn ì ạch. Một ví dụ điển hình là dự án thoát nước diện rộng được đề xuất năm 2001, nhưng chỉ mới hoàn thành chưa tới 50% 20 năm sau. Một dự án khác, với kế hoạch dùng đê kè bao quanh 570km2 trung tâm thành phố, đi kèm cống ngăn triều và bơm nước, cũng đang ngắc ngoải chưa thể về đích. Hai dự án không thu hút được nguồn tài chính từ doanh nghiệp và chính quyền nên phải chịu cảnh tiến thoái lưỡng nan hàng thập kỉ.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng các dự án chống ngập thường khá tủn mủn, không đủ độ bao quát vì chỉ chăm chăm vào khu vực đô thị nhiều tuổi ở trung tâm. Làn sóng đô thị hóa ở Sài Gòn đang vượt quá tầm ảnh hưởng của những dự án ì ạch này. “Những biện pháp ‘phần cứng’ có thể giúp gia giảm phần nào vấn đề ngập lụt, nhưng không đủ,” Tiến sĩ Hồng Quân nói.

Nghiên cứu mới nhất công bố tháng 6/2023 cho thấy rằng các “giải pháp quây nước cỡ nhỏ” — thường được biết đến bằng qua khái niệm “sponge city” (thành phố bọt biển) — sẽ rất có ích trong bối cảnh Sài Gòn. Phương án này bao gồm nhiều mặt như lắp đặt các mái nhà xanh, thùng chứa nước mưa, vỉa hè giúp thẩm thấu, và bể trữ nước. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các biện pháp vi mô này tạo thành “hành lang thích nghi mang tính kết hợp cao” khi được áp dụng song song với những giải pháp về cơ sở hạ tầng vĩ mô.

Chị Quỳnh Anh chia sẻ rằng khi áp dụng, thành phố sẽ theo chân nhiều đô thị ven biển khác như Tokyo, Jakarta và Manila trong xu hướng hóa giải ngập bằng cách tiếp cận thích nghi uyển chuyển hơn. Cách làm này được áp dụng khi “không còn sự lựa chọn nào khác, và cũng không còn nhiều thời gian để triển khai, dù là biện pháp lớn hay nhỏ,” chị nói.

Theo nhận định của Tiến sĩ Hồng Quân và chị Quỳnh Anh, TP. HCM hiện vẫn thiếu vắng một “bản đồ” chống ngập có thể kết nối nhiều khía cạnh giải pháp với nhau. Đế một tầm nhìn như thế trở thành hiện thực, Quỳnh Anh cho rằng: “Rất cần phải có tương tác tốt giữa thành phố và người dân. Hiểu nhau cũng rất quan trọng. Có thấu hiểu nhau, chính quyền mới cho ra đời kế hoạch thích ứng có thể thực hiện được, và người dân cũng chủ động hơn khi đối phó với ngập.”

Dù gì đi nữa, đối với chị Diệp và anh Hiếu, cuộc sống cả hai đã hết sạch cách “chạy lũ.” Chị Diệp quyết định chuyển nhà sang khu phố khác cao hơn, nhưng chị kể mình đã hết khả năng thuê nhà giá cao hơn nếu nhà mới cũng ngập. Về phần mình, anh Hiếu biết chắc thủy triều sẽ chỉ có dâng cao hơn trong tương lai, nhưng nền cũng không thể nâng mãi: “Nếu anh nâng cao nữa chắc nền đụng nóc luôn.”

Bài viết được sản xuất bởi chuyên trang môi trường China Dialogue. Saigoneer chuyển ngữ và đăng lại với sự cho phép của China Dialogue.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Viết cho cánh diều mùa hè chao lượn trên bầu trời Thủ Thiêm

Ta có thể dùng bao nhiêu mỹ từ thi vị để nói về cái nên thơ của thú thả diều, một trong những cách thanh thoát nhất để chiêm ngưỡng sức bật của làn gió, vốn tưởng chừng như vô hình kia.

Paul Christiansen

in In Plain Sight

Bài tụng ca cho chò nâu Sài Gòn

Nơi tôi từng sống thời tiết quá lạnh, chò nâu không thể mọc, tuy vậy nó vẫn có tên tiếng Anh: dipterocarp.

Khôi Phạm

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Bộ tem minh họa thời trang 'Cô Ba Sài Gòn' qua nét vẽ của cô họa sĩ Hà Nội

Khi bàn về quá trình phát triển của thời trang Việt Nam, ta không thể không nhắc tới tà áo dài hiện đại và hàng loạt những thiết kế áo dài khác xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót...

Brian Letwin

in Di Sản

Chuyện về tàu cánh ngầm Voskhod, 'di tích' Xô Viết một thời tung hoành khắp Việt Nam

Cách đây không lâu, đã từng có những “sinh vật” khổng lồ lướt trên vùng biển giữa Sài Gòn và Vũng Tàu. Và giống như loài khủng long thời tiền sử, chúng dần dần biến mất, chỉ có những bộ xương là còn s...

in Dishcovery

Có gì đặc biệt đằng sau tô cơm xá xíu 'không truyền thống' của Culinary Frank?

Với ảnh hưởng của văn hóa miền Nam Trung Quốc, món cơm xá xíu của Society Cafe & Dining bao gồm các lát thịt heo cắt mỏng, cải luộc, đồ chua, cơm trắng, và một quả trứng chần kiểu onsen. Tảng thịt xá ...

Paul Christiansen

in Di Sản

Diện kiến 'Xác ướp Xóm Cải,' thi hài nữ quý tộc bí ẩn ngay giữa lòng Sài Gòn

Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng vì sao giữa lòng Sài Gòn lại có một xác ướp được trưng bày trang trọng chưa?