Hãy tưởng tượng một buổi sáng thức dậy bạn đang ở Sài Gòn hồi những năm 1980. Đưa mắt nhìn xa xăm ngắm dòng chảy êm đềm của sông Sài Gòn khi vẫn còn ngái ngủ, bạn lấy một ít kem đánh răng Dạ Lan, rồi với tay lấy xà bông Cô Ba chuẩn bị tắm rửa, thao tác đã thành thói quen. Trong bếp nghi ngút bát mì Hai Con Tôm thơm nức mũi bên cạnh chai nước giải khát Con Cọp quen thuộc.
Những thương hiệu kể trên, đặc biệt mì gói Hai Con Tôm, đã đi vào tiềm thức của nhiều người dân Sài Gòn, trở thành một mảnh ký ức đậm sâu. Đã có thời ở Sài Gòn, hễ cứ đi 10 mét là bạn sẽ thấy một tấm bảng rực rỡ các màu sắc quảng cáo những mặt hàng nhu yếu phẩm, từ xe cộ đi lại tới đồ ăn thức uống và cả những món đồ vệ sinh cá nhân. Tất cả đều có những cái tên nghe rất Việt Nam. Trong khi nhiều thương hiệu dần biến mất theo thời gian và giờ chỉ còn hiện hữu qua các tấm ảnh cũ, có một thương hiệu vượt qua được dòng chảy quên lãng này và vẫn đứng vững trên thị trường đến cuối những năm 2010: đó chính là mì gói Hai Con Tôm – thực ra các bạn hẳn đã biết ngay khi nhìn thấy hình ảnh ở đầu bài.
Mì gói Hai Con Tôm trở thành biểu tượng bởi sự bền bỉ của thương hiệu cũng như thiết kế bao bì đơn giản. Đến năm 2018, mì Hai Con Tôm vẫn còn phổ biến trên thị trường, và là sản phẩm đặc trưng của công ty sản xuất mì ăn liền Colusa-Miliket. Những năm gần đây, thị trường mì ăn liền nở rộ với sự xuất hiện của nhiều loại hương vị mì với thiết kế bắt mắt, bao bì sáng bóng khiến mì Hai Con Tôm mất đi vị trí thống lĩnh. Tìm được một bát mì Miliket trên đường phố Hà Nội và Hồ Chí Minh hiện đại bỗng là một điều xa xỉ.
Những hậu duệ của Hai Con Tôm liên tiếp gia nhập thị trường và mang đến cho người tiêu dùng vô số chọn lựa, đồng thời soán ngôi của mì Colusa-Miliket ở thành phố, đẩy thương hiệu này về các vùng làng quê xa xôi. Tuy nhiên, “ông vua” mì gói Miliket vẫn tìm được hướng riêng để tồn tại trong suốt những thập niên cạnh tranh khốc liệt qua, đâu đó trong những quán lẩu Sài Gòn, người ta vẫn ưa chuộng mì Hai Con Tôm.
Bao bì của mì Hai Con Tôm là điển hình của lối thiết kế tối giản, thiên về chất lượng: giấy xi măng trắng hoặc nâu đỏ, mặt giấy nhám nhẹ, hơi bột nhưng bền màu với thời gian. Trên bao in hình hai con tôm đỏ nổi bật. Bên trong là vắt mì vuông vức đã được sơ chế và sấy khô với chỉ một gói súp – đây là minh chứng cho sự trường tồn của chất lượng hơn hình thức.
Cuối những năm 1980, mì Hai Con Tôm được bán với giá từ 500-1000 đồng một gói. Nghe có vẻ là rẻ, nhưng xét vào bối cảnh thời kỳ bao cấp, người dân dùng tem phiếu đổi đủ thứ từ gạo, thịt đến diêm, xà bông và các đồ dùng vật dụng khác trong nhà thì mì ăn liền là một thứ xa xỉ. Thời đó chỉ những gia đình giàu có, khá giả mới chi tiền để mua những mặt hàng có thể mua được bằng tiền – trong đó có mì Hai Con Tôm, để đãi khách trong các dịp đặc biệt.
Những gói mì này từng được trân trọng như những món quà quý mà người Bắc vô Nam thường đóng theo hành lý chật ních những gói mì y như cách người ta xách tay mỹ phẩm Nhật hay sơ-ri Úc về nước sau mỗi chuyến đi xa. Thực đơn chính của bữa tiệc sinh nhật ngày đó chính là nồi mì gói nghi ngút khói với nước bao giờ cũng nhiều hơn phần cái một cách có chủ đích: ai cũng được nếm hương vị đặc mùi bột ngọt và nóng ấm của nước mì. Còn phần sợi mì dai giòn thì thường được ưu tiên nhường cho trẻ con.
Thương hiệu mì Hai Con Tôm dần dà trở thành một phần không thể thiếu trong nếp sinh hoạt của người Việt, gắn liền với ký ức tuổi thơ nghèo nhưng ấm tình người của nhiều thế hệ. Ngày nay nhiều người cho rằng Miliket và mì Hai Con Tôm là một nhưng ít ai biết rằng thiết kế hai con tôm đỏ chụm đầu không phải là sáng tạo của công ty Miliket.
Trong bài viết Mì tôm sợi vắn sợi dài, nhà văn-nhà báo Trác Thúy Miêu kể lại câu chuyện về những gói mì ăn liền Việt Nam đầu tiên do Bang chủ Triều Châu Trần Thành, chủ hãng Thiên Hương thành lập và sáng tạo nên. Năm 1964, ông Thành giới thiệu ra thị trường sản phẩm bột canh Vị Hương Tố, đánh bật thế độc quyền của các hãng bột ngọt hàng đầu Châu Á như Ajinomoto (Nhật Bản) và Vedan (Đài Loan).
Lấy chiến thắng vang dội từ gói gia vị Vị Hương Tố làm bàn đạp, ông Thành tiếp tục tung ra thị trường sản phẩm mì ăn liền Vị Hương với kế bao bì có hình hai con tôm. Với trụ sở chính trên phố Hải Thượng Lãn Ông ở Chợ Lớn, mì ăn liền Vị Hương nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và trở thành “nguồn cảm hứng" cho nhiều thương hiệu “ăn theo". Do thời đó chưa tồn tại các luật bảo hộ bản quyền thương hiệu nên nhiều hãng đối thủ cũng sử dụng hình ảnh hai con tôm cho sản phẩm của mình.
Một số tư liệu ghi lại hãng Colusa đã tồn tại nhiều năm trước khi mì Vị Hương Hai Tôm của ông Trần Thành ra đời của. Tác giả Trác Thúy Miêu cho rằng Colusa chỉ chính thức đẩy mạnh quảng bá hình ảnh các sản phẩm tương tự khi chứng kiến sự thành công của mì Vị Hương. Năm 1983, Tổng công ty Lương thực miền Nam của nhà nước (nay là Vinafood II) ra mắt hãng Miliket. Năm 2004, nhà nước sát nhập Miliket và Colusa làm một công ty.
Nhờ độ phủ sóng rộng rãi của hình ảnh hai con tôm đỏ người Việt bắt đầu dùng cụm mì tôm để chỉ mì ăn liền. Tương tự vậy, Honda và Coca-cola cũng thường được dùng để gọi chung cho xe máy và nước ngọt, nước uống có ga.
Sau năm 1975, các công ty tư nhân Sài Gòn đối mặt với nhiều sóng gió, công ty Thiên Hương cũng không ngoại lệ. Cuộc đời của ông Trần Thành những năm hậu thương trường vẫn là đề tài bàn cãi. Có tin đồn rằng ông Thành phá sản, buồn bực mà tự vẫn; nhiều người khác cho là ông theo chân các thương nhân cùng thời ra hải ngoại, bỏ lại cơ ngơi Thiên Hương dần lụi tàn.
Sản xuất ở Sài Gòn xuống dốc không phanh những năm sau đó, cả thành phố sống trong bờ vực đói nghèo cho đến năm 1981, bà Nguyễn Thị Ráo, người đời thân thương gọi là bà Ba Thi – lúc bấy giờ là Phó Giám Đốc Sở Lương thực Thành phố, đã tiên phong trên mặt trận cải cách ngành lương thực, thực phẩm với những quyết định táo bạo. Bà thuyết phục thành công các thương lái buôn gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long bán gạo cho thành phố bằng cách trả cao gấp năm lần giá nhà nước quy định: các thương lái được trả 2.5 đồng mỗi ký lô gạo, thay vì chỉ 0.52 đồng.
Dù có những thành phần “đục nước béo cò” công kích, phê phán chiến lược lạ lùng này của bà, không ai có thể phủ nhận công sức của bà khi đã cứu hơn 3 triệu người dân Sài Gòn khỏi nạn đói. Hoạt động thu mua gạo đồng thời đẩy giá gạo lên cao dần tới 2.5 đồng, kéo theo giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm khác – trong đó có mì Hai Con Tôm. Hãng Miliket sau đó được đầu tư xây dựng lại thương hiệu. Dù không khôi phục được 100% hương vị đậm đà của mì Vị Hương, mì Miliket vẫn chiếm ngôi bá chủ thị trường. Một lần nữa, hình ảnh hai con tôm đỏ kiêu hãnh ngự trị trên các sạp bán hàng trong thành phố và len lỏi trở thành nét ẩm thực không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình. Miliket độc quyền thống trị tới 80-90% thị phần nhưng không lâu sau đó vào năm 1986, chính sách Đổi Mới mở ra một thời kỳ mới trong nền kinh tế của Việt Nam.
Năm 1993, công ty Acecook với 100% vốn Nhật Bản gia nhập thị trường Việt Nam và dần đánh bật thương hiệu Hai Con Tôm với các chiêu thức quảng cáo rầm rộ và đóng gói bao bì đẹp mắt cùng với nhiều hương vị cho người tiêu dùng lựa chọn. Kể từ đó, thị trường mì ăn liền Việt Nam đón nhận nhiều sản phẩm nhập ngoại từ Thái Lan, Nhật, Hàn.
Về phần mình, Miliket vẫn giữ nguyên công thức và bao bì từ những ngày đầu khai sinh, có chăng họ cải tiến thêm một vài chọn lựa như đổi sang giấy gói sáng bóng màu trắng có in logo hai con tôm. Suy cho cùng, người tiêu dùng vẫn yêu thương và đón nhận Miliket thì hãng chẳng có lý gì phải thay đổi.
Theo thống kê sơ bộ năm 2016, Colusa-Miliket chỉ chiếm 4% thị phần mì ăn liền, sụt giảm đáng kể so với 80% thời hoàng kim. Tổng doanh thu 461 tỉ đồng, lãi 25 tỉ với khối lượng sản xuất 15,000 tấn mì – một con số thoạt nhìn không là gì so với các đối thủ cùng thời. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tổng quát, công ty Miliket định giá chỉ 48 tỉ trên sàn mà kiếm lời 25 tỉ mỗi năm, đó lại là con số ấn tượng.
Nhận thức được yếu điểm khi cạnh tranh với các hãng mì phân khúc cao cấp cho dù hãng đã có thương hiệu lâu đời, mì Miliket tập trung nhắm vào nhóm khách hàng bình dân, đặc biệt ở khu vực tỉnh lẻ. Cùng với đó tận dụng lợi thế giá rẻ để định vị thương hiệu mì ăn lẩu – rất phổ biến ở các quán ăn nhậu lai rai đường phố lẫn xa xỉ.
Theo một chủ nhà hàng lẩu trên đường Mỹ Đình tại Hà Nội, mì Hai Con Tôm rất hợp để ăn với lẩu: mì vừa dai, lại không mặn mà giá cả rất phải chăng, chưa tới 3.000 đồng một gói.
Cá nhân tôi thì không thể kiểm chứng được những lời khen này bởi lẽ lần cuối cùng tôi ăn mì hãng này là cách đây hai mươi mấy năm trước. Nhớ lại lần về thăm quê bố tại Kiên Giang. Đó mà một buổi sáng se lạnh. Làn sương mờ ảo bao phủ ngôi nhà của ngoại tôi. Từ xa xa, tiếng động cơ của vài chiếc xuồng máy gầm lên giữa những tiếng gáy còn gượng gạo của đàn gà trong sáng sớm. Lúc đó, hai bố con tôi đói cồn cào cả rồi nên bố bắt đầu lục lọi chạn bếp để tìm đồ ăn tạm.Và thật bất ngờ: bố tìm thấy hai gói mì Hai Con Tôm.
Đến giờ tôi vẫn còn nhớ những sợi mì dai dai. Nước mì thì rõ mùi phụ gia nhân tạo của bột ngọt và muối. Thế nhưng với tôi, đó vẫn là một bữa ăn không thể nào quên. Tôi đoán kí ức này của tôi rất gần với tuổi thơ gắn liền với những gói mì Hai Con Tôm của thế hệ 7x, 8x. Tình cảm mà chúng tôi dành cho thương hiệu này không phải do mùi vị tuyệt hảo hay mẫu mã bắt mắt của bao bì, mà bởi lẽ nó là một biểu tượng thân thương, mãi mãi nhắc nhở về một thời khó khăn đã qua.