Lớn lên ở Việt Nam, dường như mọi thứ – từ đồ vật gia đình thông thường đến cây trái, đều có sự tích đặc biệt. Một số những câu chuyện dân gian này khá lãng mạn, nhưng một số khác như sự tích trái thơm lại là một lời răn đe dành cho những đứa trẻ nghịch ngợm.
Có lẽ một trong những câu chuyện dân gian được nhiều người biết đến nhất chính là sự tích trầu cau – kể về một tình yêu vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết. Sự tích sầu riêng cũng là một câu chuyện lãng mạn lấy bối cảnh ở miền Nam Việt Nam và Campuchia. Trong chương trước của loạt bài Lịch sử Ẩm thực, Saigoneer đã làm sáng tỏ câu chuyện về nguồn gốc trái dưa hấu – một bằng chứng về đầu óc kinh doanh của Việt Nam thời xưa.
Nói về trái thơm hay còn gọi là trái dứa ở các tỉnh thành phía Bắc, loại trái cây này phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á đến nỗi nhiều người nghĩ rằng Việt Nam không phải là quê hương bản xứ của nó. Thực tế, lịch sử làm vườn cho thấy rằng trái thơm là đặc hữu của Nam Mỹ, đặc biệt là vùng lân cận của miền nam Brazil và Paraguay. Người Nam Mỹ bản địa sau đó bắt đầu trồng thơm trên khắp lục địa, đến tận vùng biển Caribbean, Trung Mỹ và Mexico – nơi có người Aztec và Maya cư trú.
Christopher Columbus được ghi nhận là người đã giới thiệu quả này đến châu Âu sau khi ông được ăn thử trên đảo Guadeloupe. Các tàu Tây Ban Nha đã mang trái thơm đến quần đảo Philippines khi quốc gia này vẫn còn là thuộc địa.
Không có ghi chép nào về việc Việt Nam đã bắt đầu trồng quả này như thế nào, nhưng văn hóa dân gian xung quanh trái thơm ở cả Việt Nam và Philippines đều có sự tương đồng đáng kinh ngạc.
Ở Việt Nam, truyền thuyết về trái thơm kể lại câu chuyện về cô thiếu nữ Huyền Nương 15 tuổi và mẹ. Ở Philippines, nhân vật nữ chính có tên là Piña.
Câu chuyện kể như thế này: Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái tên là Huyền Nương sống cùng mẹ. Cha Nương đã qua đời khi cô còn nhỏ, vì vậy mẹ cô phải làm việc liên tục để phụ giúp gia đình. Bất chấp tình cảnh nghèo khó của gia đình, Nương là một cô bé lười biếng, vô tâm và cứng đầu, thích vui đùa với bạn bè hơn là giúp đỡ mẹ.
Một ngày nọ, mẹ cô lâm bạo bệnh, phải nằm nghỉ tĩnh dưỡng liền mấy hôm. Huyền Nương đành phải tiếp quản phần lớn việc nhà và nấu nướng. Từ nhỏ đến lớn chưa phải động tay bao giờ, Nương không biết làm gì cả và phải liên tục hỏi người mẹ nằm liệt giường của mình cái này ở đâu, cái kia ở đâu.
Bực mình quá, mẹ Nương hét lên: "Mẹ ước chi con có cả ngàn con mắt để thấy hết đồ đạc trong nhà mà khỏi hỏi mẹ nữa!"
Hầu như lúc nào Nương cũng sẽ trả lời mẹ với thái độ xấc xược, nhưng lần này, chỉ có sự im lặng đáp trả lời phàn nàn của mẹ. "Con bé chắc lại lẻn ra ngoài chơi với bạn để khỏi làm việc nhà,"mẹ của Nương tự nghĩ. Dù kiệt sức, cuối cùng bà cũng phải tự gánh vác công việc nhà, vì cô con gái không biết đã đi đâu.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của Nương bắt đầu khiến người mẹ lo lắng, vì con bé vẫn biệt tăm biệt tích sau mấy ngày. Khi người mẹ đi ra ngoài tìm Nương, bà kinh ngạc phát hiện ra một loại trái cây lạ mọc trong vườn. Bụi cây này thì thấp, lá nhọn như lá thông và phủ một lớp sáp. Ở giữa có một quả màu vàng, bên ngoài được bao phủ bởi những con “mắt” nhỏ xíu. Giày của Huyền Nương nằm cạnh bụi cây bí ẩn này.
Các phiên bản của câu chuyện này từ cả Việt Nam và Philippines đều có cùng các chi tiết – ngoại trừ tên nhân vật chính. Ở các địa phương nước ta, một số người thường dùng từ trái "huyền nương" thay vì những từ hiện đại như khóm, thơm, hay dứa.
Sự tích không kể chi tiết phần Nương biến thành bụi cây như thế nào, nhưng người ta có thể cho rằng sự buồn bực của người mẹ mạnh mẽ đến nỗi Nương đã chết đi và trở thành một trái thơm. Câu chuyện kể từ đó đã trở thành một trong những "vũ khí lợi hại" của các bà mẹ — luôn kể lại sự tích này khi muốn sai bảo con cái làm việc nhà. Bài học rút ra từ câu chuyện: nếu bạn không muốn biến thành trái thơm? Hãy cầm cây chổi lên và quét nhà đi nào!